VN thiếu bệnh viện lão khoa

XUÂN LONG (thực hiện) 17/07/2019 22:07 GMT+7

TTCT - “Hiện nay cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi - Bệnh viện Lão khoa trung ương. Ở các tỉnh, theo thống kê mới nhất, chỉ khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông. Rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa thành lập được khoa lão khoa” - ThS.BS Trần Văn Lực, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Lão khoa trung ương, trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

ThS.BS Trần Văn Lực. -Ảnh: X.Long
ThS.BS Trần Văn Lực. -Ảnh: X.Long

Theo ThS.BS Trần Văn Lực, những vấn đề chính về tình hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

Thứ nhất, sự chênh lệch tuổi thọ giữa khu vực nông thôn và thành phố khá lớn. Khu vực nông thôn có tuổi thọ trung bình cao hơn ở thành phố (theo kết quả điều tra năm 2018, trong số 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên ở Việt Nam thì có 64,4% số người sống ở khu vực nông thôn). Điều này có thể liên quan đến môi trường sống, sinh hoạt thường ngày và một số yếu tố khác.

Thứ hai, mặc dù tuổi thọ của người dân cao lên nhưng bệnh tật kèm theo người cao tuổi cũng gia tăng. Với người cao tuổi hiện nay, có nhiều bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, sa sút trí tuệ. Đây là những nhóm bệnh không lây nhiễm, nhưng số lượng những bệnh nhân của nhóm này ngày càng tăng, trở thành một sức ép với ngành y tế.

Thứ ba, do số lượng thành viên của mỗi gia đình có xu hướng ngày càng giảm, nên số người thân chăm sóc cho người già cũng ít đi. Trong khi đó, mô hình trung tâm dưỡng lão cho người cao tuổi của Việt Nam lại chưa bắt kịp mức độ già hóa dân số này, nên người cao tuổi vẫn phải phụ thuộc vào con cái và gia đình để trợ giúp các sinh hoạt hằng ngày.

Thứ tư, dẫu Luật người cao tuổi đề cập tới việc phải có hệ thống cơ sở y tế chăm sóc cho người cao tuổi (Bộ Y tế đã có thông tư 35 hướng dẫn thi hành luật này) nhưng số lượng bệnh viện chuyên về lão khoa trên cả nước so với tỉ lệ người cao tuổi đang rất thiếu.

Điều này gây nên những vấn đề cụ thể nào, thưa ông?

- Việc thiếu các chuyên khoa lão khoa ở cơ sở ảnh hưởng đến việc chăm sóc về sức khỏe cho người cao tuổi, chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng của người cao tuổi.

Thực tế cho thấy khi người cao tuổi bị ốm, họ thường không chỉ bị một bệnh mà có tới 5-6 bệnh kèm theo, do cơ thể suy yếu, các bộ phận trong cơ thể cũng suy giảm chức năng, dễ khiến người cao tuổi gặp thêm cùng lúc các bệnh về mắt, tai, cơ, xương khớp.

Vì vậy, người thầy thuốc về lão khoa phải có kiến thức rất rộng và tốt mới đáp ứng được nhu cầu chữa trị bệnh tật của người cao tuổi, điều trị mới chính xác, không đơn giản như khi điều trị một bệnh bởi phải tránh cả việc người cao tuổi phải uống nhiều loại thuốc khác nhau cùng lúc.

Phòng tập hồi phục chức năng tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ. Ảnh: Viện dưỡng lão Bình Mỹ cung cấp
Phòng tập hồi phục chức năng tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ. Ảnh: Viện dưỡng lão Bình Mỹ cung cấp

Theo ông, những yếu tố nào ảnh hưởng đến “tuổi thọ khỏe mạnh”?

- Chế độ sinh hoạt, sự vận động của người cao tuổi là yếu tố rất quan trọng. Người cao tuổi sinh hoạt không điều độ, ít vận động thì nguy cơ bệnh tật sẽ rất cao. Cho nên những người có tuổi thọ cao thường là ở nông thôn, nơi các cụ vẫn chịu khó vận động, được làm các công việc yêu thích, được giao lưu trong thôn xóm - điều mang đến tinh thần khỏe mạnh, và là yếu tố khiến tuổi thọ cao hơn.

Ngoài ra, ở các vùng quê, nguồn thực phẩm chủ yếu là tại chỗ như rau quả, cũng là nguồn thực phẩm sạch, lành mạnh - một yếu tố quan trọng nữa giúp tuổi thọ cao hơn. Ở thành phố, nhiều người lớn tuổi thường ít vận động, thực phẩm sử dụng cũng giàu dinh dưỡng nên việc tiêu hóa chậm, phát sinh nhiều bệnh. Công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng ở khu vực thành thị cũng hạn chế nên người cao tuổi bị giới hạn về điều kiện vận động thể chất.

Hệ thống y tế đã chuẩn bị gì cho giai đoạn già hóa dân số?

- Bộ Y tế đã đưa ra các văn bản pháp luật, như thông tư hướng dẫn về Luật người cao tuổi, hướng dẫn các tỉnh về thành lập các khoa lão khoa. Bộ cũng đã hướng dẫn các trường đại học y thành lập bộ môn lão khoa.

Tuy nhiên, hiện nay mới có Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) thành lập được bộ môn lão khoa. Hai cơ sở này đào tạo chính nguồn nhân lực cho thầy thuốc lão khoa. Các trường cao đẳng ngành y cũng sẽ đào tạo các điều dưỡng chuyên ngành lão khoa.

Ngoài ra, Bệnh viện Lão khoa trung ương đang hợp tác với Pháp, Nhật Bản để đào tạo thêm nguồn nhân lực về lão khoa. Chính phủ cũng đã có quy định như người trên 80 tuổi sẽ được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo ông, những chính sách nào cần được quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc sức khỏe người già?

- Theo tôi, phải đồng bộ từ cơ sở y tế, nguồn lực (nguồn tài chính) cung cấp cho cơ sở y tế hoàn thiện, giúp đào tạo nguồn nhân lực thầy thuốc, điều dưỡng, đẩy mạnh cơ sở dưỡng lão. Với nhiều người cao tuổi, con cái cũng không thể phục vụ thường xuyên 24/24 giờ vì còn phải đi làm, vì thế cần thêm nhiều trung tâm dưỡng lão để người cao tuổi được nhân viên y tế có chuyên môn chăm sóc.

Chính phủ mặc dù có hỗ trợ tiền mua BHYT cho người cao tuổi song mức chi trả chỉ thực hiện với người có bệnh. Những người đang được chăm sóc tại trại dưỡng lão không thuộc diện được chi trả. Người vào trung tâm dưỡng lão vẫn phải có tiền của bản thân hoặc của gia đình để chi trả.

Vì thế, chúng ta cần cả những nguồn kinh phí hỗ trợ cho người cao tuổi ở các trung tâm dưỡng lão này. Như vậy sẽ giúp thúc đẩy, khuyến khích các cá nhân/tổ chức tham gia xây dựng các trung tâm dưỡng lão. Hiện nay các trung tâm dưỡng lão được hình thành mang tính tự phát, chưa thành một hệ thống.

Hệ thống pháp luật cho việc xây dựng hệ thống nhà/trại dưỡng lão này cũng phải đồng bộ, phát triển thành một hệ thống chuyên ngành từ trên xuống, từ dưới lên để đảm bảo chất lượng. Khi có nguồn thu ổn định và sự trợ giúp của Nhà nước, các doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão bài bản hơn.

Một số doanh nghiệp/tổ chức Nhật Bản đã sang Việt Nam khảo sát, muốn đầu tư xây dựng hệ thống dưỡng lão từ Bắc vào Nam và tôi được biết Bộ Y tế khuyến khích ý định đầu tư này. Nhật Bản muốn giúp Việt Nam xây dựng hệ thống y tế để chăm sóc riêng cho người cao tuổi.

Việt Nam có thể học tập được những gì từ mô hình chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản?

- Có thể học tập nhiều từ mô hình chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi của Nhật Bản. Hiện nay ở Việt Nam, một người bệnh đến bệnh viện khám và chữa bệnh thì luôn có 2-3 người thân đi theo chăm sóc.

Ngay từ lúc đi khám đã có 1-2 người đi cùng để xem bệnh tình thế nào, ngóng trông thông tin bệnh tật. Tiếp đến, khi điều trị, chữa bệnh lại có 2-3 người chăm, người mua đồ ăn, người giặt giũ... Vì thế, các bệnh viện luôn rất đông đúc, ngột ngạt, gây ô nhiễm, thậm chí lây nhiễm chéo bệnh tật.

Ở bệnh viện của nhiều nước, nhân viên y tế hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân gần như toàn bộ, từ hỗ trợ điều trị, phục hồi đến hỗ trợ sinh hoạt, vừa giúp giảm tải cho bệnh viện, vừa giúp người thân của bệnh nhân không bị gián đoạn công việc làm ăn.

Muốn vậy phải đầu tư trước cơ sở vật chất. Các bệnh viện về lão khoa cần được đầu tư xây những phòng bệnh theo đúng tiêu chuẩn cho người cao tuổi, nhà vệ sinh, nhà tắm đều phải phù hợp và đầy đủ, giúp các điều dưỡng thuận lợi hơn trong công việc của họ.

Tình trạng 2 người/giường như hiện nay khiến rất khó đáp ứng mục tiêu trên. Mặt khác, phải xây dựng giá dịch vụ hợp lý, thu đúng, thu đủ thì mới đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người bệnh. ■

5 khuyến cáo đối với gia đình có người cao tuổi

- Tham gia bảo hiểm y tế, vì người cao tuổi thường có nguy cơ bệnh tật rất nhiều, trong khi bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả cho nằm điều trị tại viện rất tốt.

- Cần định kỳ thăm khám sức khỏe.

- Cần có mối quan hệ, duy trì liên lạc với bác sĩ gia đình ở gần nhà để có hỗ trợ kịp thời khi cần.

- Lưu giữ, bảo quản hồ sơ khám, chữa bệnh với người cao tuổi. Khi tới viện cần mang theo để các bác sĩ nắm bắt được lịch sử bệnh tình của người cao tuổi.

- Trong sinh hoạt, vận động cần chú ý chế độ ăn uống điều độ, vận động phù hợp với lứa tuổi, tập những môn thể thao phù hợp.

Các chính sách đối với người cao tuổi ở TP.HCM

Theo nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp thấp nhất là 270.000 đồng/tháng. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyết định mức trợ cấp xã hội, mức trợ cấp nuôi dưỡng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng và các mức trợ giúp xã hội khác cao hơn các mức tương ứng quy định tại nghị định này.

Ở TP.HCM, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng thì được lãnh 570.000 đồng/người/tháng.

Người từ 80 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng thì được lãnh 760.000 đồng/người/tháng.

Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các diện nêu trên, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng thì được nhận 380.000 đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ này ở TP.HCM là cao hơn so với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Ngoài ra ở TP.HCM, người từ 70 tuổi trở lên được miễn phí sử dụng xe buýt có trợ giá.

MAI HƯƠNG

Ảnh: Fine Art America
Ảnh: Fine Art America

Nhiều người già không có tiền trả dịch vụ dưỡng lão

Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, số người cao tuổi đang được chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí hoặc có thu phí tại các trung tâm bảo trợ xã hội là 2.066 người. Trong đó có 8 trung tâm bảo trợ xã hội công lập đang nuôi dưỡng 1.466 người cao tuổi và 600 người cao tuổi được nuôi dưỡng tại 13 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập tại cộng đồng.

Trong bối cảnh cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang già hóa dân số với tốc độ nhanh, Sở LĐ-TB&XH TP cho rằng các trung tâm dưỡng lão được coi là giải pháp tốt nhất cho người già.

Ngày càng nhiều người cao tuổi có nhu cầu vào trung tâm dưỡng lão, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, những trung tâm cung cấp dịch vụ dưỡng lão còn rất ít và số lượng người cao tuổi sử dụng dịch vụ vẫn hạn chế.

Trong số 8 trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi thuộc nhà nước tại TP.HCM, có 7 trung tâm do ngân sách TP đảm bảo 100%, riêng Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè có thu phí (khoảng 3 triệu đồng/người/tháng). Trong số 13 trung tâm dưỡng lão do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập, chỉ có 4 cơ sở cung cấp dịch vụ thu phí, giá từ 2-10 triệu đồng/người/tháng.

Theo đại diện phòng bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP), phần lớn người cao tuổi đến ở trung tâm dưỡng lão có thu phí là người có lương hưu. Chi phí một phần do người cao tuổi tự thanh toán bằng tiền tiết kiệm, chỉ một tỉ lệ nhỏ do con cái, người thân hỗ trợ.

Do số người không có lương hưu khi về già ngày càng tăng nên dù có nhu cầu nhưng hạn chế về khả năng chi trả, việc sử dụng dịch vụ dưỡng lão của người dân còn ít. Có những trung tâm dưỡng lão cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng chưa đến 10 người ở. Một số trung tâm phải đóng cửa hoặc chuyển sang hình thức khác.

“Nhiều người cho rằng thay vì cho con cháu hầu hết tài sản, việc người cao tuổi dành tiền sử dụng dịch vụ dưỡng lão còn có ý nghĩa trong việc giáo dục con cái phải tự rèn luyện, tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không ỷ lại bố mẹ. Ở trung tâm dưỡng lão, mọi thứ đều sạch sẽ, chu đáo.

Ngoài việc chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, các trung tâm dưỡng lão thường xuyên ký hợp đồng hoặc thuê bác sĩ vào khám và điều trị các bệnh mãn tính của người cao tuổi. Luôn có điều dưỡng túc trực, chăm sóc các cụ 24/24 giờ. Đặc biệt vào đây người cao tuổi có rất nhiều bạn, chuyện trò giao lưu và tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao...” - đại diện một trung tâm dưỡng lão chia sẻ.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH TP, việc thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng rất hạn chế, nguồn nhân lực chưa ổn định. Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP cho rằng nên dần chấp nhận loại hình dịch vụ chăm sóc và nuôi dưỡng người cao tuổi tại các cơ sở có thu phí, bởi các trung tâm này có điều kiện chăm sóc tốt hơn, có chuyên môn chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa bệnh cho người cao tuổi.

Rất nhiều người cao tuổi hiện phải tự chăm sóc bản thân hoặc được hỗ trợ chăm sóc tại gia đình bởi những người chưa được đào tạo.

XUÂN MAI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận