“Virus đói” và một đại dịch khác

HOA KIM 21/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trên khắp thế giới, nhưng cách một số chính phủ đang hỗ trợ hiệu quả nhóm yếu thế trong dịch bệnh là một gợi ý cho phương sách xóa đói trong tương lai.


 
 Ảnh: one.org

Số người sống trong điều kiện “giống như nạn đói” trên thế giới đã tăng hơn 5 lần kể từ đầu dịch, theo báo cáo The Hunger Virus Multiplies do Oxfam công bố vào tháng 7-2021. Cứ mỗi phút trôi qua lại có 11 người chết vì đói toàn cầu, so với 7 người chết/phút vì COVID-19, báo cáo cho biết.


Khi nói về sinh mạng, không con số nào đỡ kinh khủng hơn và “dù chỉ một người chết cũng là quá nhiều”, Đài Al Jazeera dẫn lời Abby Maxman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Oxfam America.

Một đại dịch đói nghèo

Theo báo cáo trên, thế giới hiện có 155 triệu người đang sống trong cảnh mất an ninh lương thực “ở mức độ khủng hoảng hoặc tệ hơn” - nhiều hơn năm ngoái 20 triệu người. Giao tranh và xung đột vẫn là nguyên nhân chính đẩy người dân vào cảnh thiếu ăn: khoảng 2/3 trong số 155 triệu người này sống ở những nơi có chiến tranh.

“Trước chiến tranh, tôi từng có một công việc kinh doanh nhỏ, tay làm hàm nhai nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng chiến sự nổ ra đã lấy đi của tôi mọi thứ. Giá thực phẩm tăng cộng với mất việc làm khiến tôi không còn khả năng trang trải cuộc sống. Có những đêm lũ con tôi phải đi ngủ với chiếc bụng đói” - bà Wafaa, một bà mẹ 5 con sống ở phía bắc Syria, nói với Oxfam.

Xung đột, bạo lực và tình trạng thiếu an ninh đang làm lan rộng điều kiện sống “giống như trong nạn đói” - mức độ đói ăn nghiêm trọng nhất và được xếp vào hàng “thảm họa” - khi ảnh hưởng 521.814 người ở các nước Ethiopia, Madagascar, Nam Sudan và Yemen tính đến giữa tháng 6-2021. Vào cuối năm 2019 khi dịch COVID-19 vừa khởi phát, con số này chỉ là 84.500 người ở Nam Sudan và Yemen.

“Thay vì chiến đấu với đại dịch, các bên tham chiến đánh nhau và giáng đòn kết liễu lên hàng triệu người vốn đã lay lắt bởi thảm họa thiên nhiên và các cú sốc kinh tế” - Maxman nói. 

Theo Oxfam, chi tiêu cho quân sự toàn cầu đã tăng 51 tỉ USD trong đại dịch dù các nước vẫn phải chật vật chống dịch - số tiền nhiều gấp 6 lần con số mà Liên Hiệp Quốc ước tính cần để xóa đói cho toàn thế giới. 

Trong khi đó, sự nóng lên toàn cầu và những tác động kinh tế của đại dịch đã khiến giá lương thực tăng 40%, mức cao nhất trong hơn 10 năm và góp phần đáng kể vào việc đẩy thêm hàng chục triệu người vào cảnh thiếu đói.

Số người sống trong điều kiện đói ở mức độ thảm họa tính từ đầu dịch COVID-19. Nguồn: Báo cáo Khủng hoảng lương thực toàn cầu tháng 4-2021

 Nước giàu cũng không thoát

Chị Mariassunta Seccia (36 tuổi, người Ý) từng làm công việc dọn dẹp trong một khách sạn ở Milan, còn anh Rodolfo (chồng chị) đứng sạp trái cây trong một khu chợ địa phương trước khi COVID-19 ập đến. Mất việc, rồi “chẳng mấy chốc mà tiền dành dụm cũng cạn”, hai vợ chồng phải vật lộn từng ngày để có cái bỏ bụng và trả tiền thuê nhà cũng như các hóa đơn chất đống, Seccia nói với báo Financial Times hồi đầu tháng 8.

“Con chúng tôi mở tủ lạnh và thậm chí không thể tìm thấy một chai nước để uống... đó là điều khá sốc đối với chúng. Cả đời bọn trẻ chưa từng biết thế nào là thiếu đói” - chị nói. 

Nhà Seccia không phải là trường hợp khó khăn cá biệt đến từ một nước giàu. Tỉ lệ người dân thiếu đói ở châu Âu và Bắc Mỹ theo thống kê năm 2020 lần đầu tiên tăng lên kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2014. Cụ thể, gần 9% người dân tại đây bị mất an ninh lương thực mức độ từ vừa đến nghiêm trọng vào năm 2020, so với 7,7% của năm trước đó.

“Đôi khi người ta có ấn tượng rằng nghèo đói không tồn tại ở các nước phát triển, nhưng thực tế nó vẫn luôn hiện hữu” - Isabella Catapano, tổng giám đốc tổ chức từ thiện Albero della Vita, nói với Financial Times

Thực tế ngay cả ở những nước phát triển với mạng lưới an sinh tốt thì không phải tất cả mọi người đều được bảo vệ. Tại Ý, số người nghèo đã tăng 22% lên 5,6 triệu người vào năm 2020, tương đương cứ khoảng 10 người Ý thì có 1 người nghèo, theo số liệu từ Viện thống kê quốc gia.

Tại Mỹ, dù con số 45 triệu người trải qua tình trạng mất an ninh lương thực trong năm 2020 vẫn còn thấp hơn mức 50 triệu người sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, việc đội giá thực phẩm đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, theo ông Craig Gundersen, giáo sư nông nghiệp và kinh tế tiêu dùng tại Đại học Illinois. Ông cảm thấy lo lắng về những gì sẽ xảy ra hậu COVID-19 hơn, khi các gói kích cầu dẫn đến lạm phát và tiếp đó là giá thực phẩm tăng cao. “Lạm phát tăng sẽ là gánh nặng rất lớn đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương” - Gundersen giải thích.

Tại một góc thủ đô Tokyo, Nhật Bản, anh Yuichiro (46 tuổi) rơm rớm nước mắt khi nhận gói thực phẩm cứu trợ tại một điểm phát đồ thiện nguyện dành cho người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19. “Không còn bất cứ công việc gì để làm, hoàn toàn không. Không nhiều báo đài đưa tin về chuyện này nhưng rất nhiều người đang phải ngủ tại các ga tàu và trong những chiếc hộp cactông. Một số thì đang chết vì đói” - Yuichiro mô tả tình cảnh của một bộ phận lao động mất việc tại đây với tờ Japan Times hồi tháng 1.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới từng được đánh giá là đủ khỏe để vượt qua tác động của đại dịch, nhưng tình trạng thất nghiệp gia tăng cộng với tiền lương giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động nghèo, nhóm dân mà “ngay cả trước dịch cũng chỉ đắp đổi qua ngày”, theo Ren Ohnishi, người đứng đầu nhóm Moyai chuyên giúp đỡ người nghèo ở Nhật. 

Các nhà kinh tế ước tính khoảng nửa triệu người Nhật đã mất việc chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020. Khoảng 40% người lao động ở Nhật đang làm những công việc “không thường xuyên” dễ bị tổn thương với mức lương thấp hơn và hợp đồng có thể dễ dàng bị chấm dứt, theo Japan Times

Nhiều người trong số này phải vật lộn để tiếp cận các khoản phúc lợi. Yuichiro từng gõ cửa nhiều cơ quan để xin nhận trợ cấp nhưng cuối cùng bị từ chối với lý do chỉ dành cho người có con nhỏ. “Nhưng có rất nhiều người lớn vẫn không đủ ăn cơ mà” - anh thắc mắc.

Riêng tại châu Á, đại dịch COVID-19 đã khiến thêm 75 - 80 triệu người ở 35 nền kinh tế mới nổi trong khu vực lâm vào tình trạng “nghèo cùng cực” với mức sống thấp hơn 1,9 USD/ngày chỉ trong năm ngoái, một báo cáo tháng 8-2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiết lộ. Khoảng 203 triệu người - tương đương 5,2% dân số châu lục - sống trong cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2017, và con số này đã có thể giảm đáng kể còn khoảng 104 triệu người năm 2020 nếu đại dịch không xảy ra, báo cáo nhận xét.

Đại dịch cũng đã làm chững lại các bước tiến trước đó trong việc giảm đói và cải thiện y tế, giáo dục, những lĩnh vực mà khu vực châu Á đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể những năm gần đây, ADB cho biết. “COVID-19 đã làm lộ ra những đường đứt gãy kinh tế - xã hội có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực” - ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, nhận định.

Các hạn chế đi lại cũng đã làm mất đi 8% giờ làm của khu vực, chủ yếu ảnh hưởng các hộ nghèo và lực lượng lao động trong nền kinh tế phi chính thức, càng “khuếch đại những bất bình đẳng kinh tế - xã hội mà hàng triệu người sống dưới hoặc cận mức nghèo đã phải trải qua từ lâu”, báo cáo nhấn mạnh.

Một lối thoát cho nạn đói

Ngay từ những ngày đầu của đại dịch, Nhà Trắng cho thấy họ đã học được bài học từ những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, điển hình như vụ sụp đổ tài chính năm 2008, khi các nhà hoạch định chính sách phản ứng quá chậm chạp để giúp người dân chống chọi và kết quả là quá trình phục hồi kinh tế bị cản trở.

Lần này, khi Mỹ phải đối mặt với đại dịch trăm năm có một kèm suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, quốc hội nước này đã ném hàng nghìn tỉ USD vào các biện pháp cứu trợ ở mức độ chưa từng có cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ.

Để đánh giá tính hiệu quả của các gói này, từ đầu dịch năm 2020 Cục Thống kê dân số Mỹ đã tiến hành các khảo sát định kỳ để nắm số lượng dân cư thiếu ăn trong từng thời điểm. Kết quả là họ nhận thấy một quy luật không quá bất ngờ: cứ khi nào chính quyền liên bang tung ra các gói cứu trợ thì số lượng người mất an ninh lương thực giảm và ngược lại, khi các gói này hết hạn thì số người đói ăn có xu hướng tăng trở lại.

Về bản chất, đại dịch đã kích hoạt một cuộc đại thử nghiệm chính sách trên quy mô toàn quốc với mục tiêu cuối cùng là để mọi gia đình đủ ăn và dư dả về tài chính, dù là trong dịch hay sau dịch. 

Một chi tiết quan trọng là phần lớn sự hỗ trợ đến từ Washington lần này là tiền mặt chi trả trực tiếp đến tay người dân, một thay đổi so với hệ thống hỗ trợ trước đây thông qua tem phiếu, chi trả y tế và mua nhà trợ giá - vốn đòi hỏi một hệ thống quan liêu cồng kềnh hơn rất nhiều.

Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP - nhưng được biết đến phổ biến là chương trình “tem phiếu”) đã bỏ quy định ứng viên phải đến phỏng vấn trực tiếp, cho phép trẻ em không cần phải làm đơn để được nhận suất ăn trưa miễn phí tại trường, và bật đèn xanh cho người trong chương trình đặt hàng online thay vì phải đến trực tiếp cửa hàng thực phẩm để sử dụng tem phiếu. 

Tất cả thay đổi tích cực này có giá không hề rẻ: chi tiêu cho SNAP đã tăng gần gấp đôi và tiêu tốn khoảng 100 tỉ USD ngân sách trong năm 2021.

Nhưng chính nhờ các biện pháp quyết liệt này mà bất chấp việc một bộ phận lớn kinh tế Mỹ đã phải đóng cửa và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, tỉ lệ người thiếu đói ở Mỹ đã duy trì ổn định trong năm 2020 so với năm trước đó, một kết quả được xem là thành công theo báo cáo được Bộ Nông nghiệp (USDA) nước này công bố ngày 8-9.

Chính phủ liên bang định nghĩa tình trạng mất an ninh lương thực là khi một hộ gia đình có “khả năng tiếp cận hạn chế hoặc không chắc chắn” với đủ thực phẩm cho nhu cầu sống vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. USDA đã theo dõi chặt chẽ tỉ lệ này mỗi năm kể từ năm 1995. Ngay trước đại dịch, USDA ước tính chỉ có hơn 10% hộ gia đình Mỹ bị mất an ninh lương thực, lần đầu tiên tỉ lệ này giảm xuống dưới mức thấp nhất trước đó là 11%, ghi nhận vào năm 2007.

“Ngạc nhiên chưa. Nếu bạn đưa người ta tiền, họ sẽ bớt nghèo” - Elaine Waxman, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu chính sách Urban Institute, nói với trang Politico. Điều này đặt ra câu hỏi: nếu giải pháp hiển nhiên đến vậy, tại sao thế giới vẫn chưa thể xóa sổ nạn đói, và cái đói vẫn còn tồn tại ở quốc gia có nền kinh tế số 1?

“Chúng ta không nên đợi đến khi một đại dịch trăm năm có một lần xảy ra thì mới dám mạnh dạn suy nghĩ về việc giải quyết những bất công cơ bản trong xã hội. Chúng ta cần thay đổi điều này” - Politico dẫn lời dân biểu Jim McGovern, chủ tịch Ủy ban thẩm tra các dự luật Hạ viện Mỹ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Với những ai phản bác rằng xóa đói là công việc tốn kém và bất công với người nộp thuế, cần nhớ rằng đó không chỉ là công tác từ thiện. Việc để nguyên hiện trạng đói nghèo trong một bộ phận không nhỏ dân cư cũng đang khiến xã hội gánh những chi phí vô hình: một nghiên cứu ước tính tình trạng mất an ninh lương thực và thiếu đói làm nước Mỹ tiêu tốn khoảng 160 tỉ USD/năm đến từ giảm năng suất lao động và gia tăng các chi phí y tế.

“Một giải pháp để kéo giảm mất an ninh lương thực có thể không khả thi về mặt chính trị, nhưng rõ ràng là thế giới biết cách làm điều đó” - Gundersen nói với Politico. “Chúng ta đã có lộ trình để chấm dứt hoàn toàn nạn đói. Chúng ta không thể dừng lại tại đây” - Sergio Mata-Cisneros, nhà phân tích chính sách tại Bread for the World, nhấn mạnh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận