26/07/2009 08:32 GMT+7

Vĩnh biệt cánh chim đầu đàn ngành địa chất

GS PHAN TRƯỜNG THỊ
GS PHAN TRƯỜNG THỊ

TT - Sáng 25-7, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò đã tiễn đưa giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Chiển đến nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Bắc Ninh. Trên mọi miền của Tổ quốc, ở đâu có nhà địa chất thì họ đều là học trò của thầy Nguyễn Văn Chiển. Hiếm có một ngành khoa học nào mà người đứng đầu trở thành người đào tạo hết thảy mọi thế hệ như vậy.

PhTwM0ru.jpgPhóng to
Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Chiển sinh năm 1918. Cuộc đời ông gắn liền với lịch sử phát triển nền giáo dục cách mạng VN, với sự nghiệp đào tạo các thế hệ cán bộ khoa học ngay từ đầu những năm 1940, đặc biệt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển ngành khoa học Trái đất. Ông mất ngày 21-7-2009, thọ 91 tuổi.

Hơn một nửa thế kỷ, thầy Nguyễn Văn Chiển đã gắn bó đời mình với một loại đá - đá siêu mafic - màu đen trũi, hiếm gặp trên bề mặt Trái đất, đang là mối quan tâm nhất của khoa học địa chất đương đại.

Chỉ với các thành tựu kỹ thuật và khoa học ngày nay, con người mới có thể nghiên cứu được những tầng đá sâu trong lòng đất hàng trăm cây số, thậm chí hàng nghìn cây số dưới bề mặt Trái đất. Loại đá đen đó là “con tin” của tầng sâu Manti. Chính nó là vật chất có khả năng mang đến cho loài người những viên kim cương rực rỡ ánh màu, những tấn bạch kim quý giá.

Thầy Nguyễn Văn Chiển đã dành trọn một đời chọn nghề địa chất, gian nan trên các nẻo đường tìm quặng. Thầy còn tạo nên những điều kỳ diệu hơn những viên kim cương quý giá hoặc bất cứ khoáng vật nào: những nhà khoa học hàng đầu trong ngành dầu khí, những kỹ sư tìm kiếm mỏ than tỉ tấn, những chuyên gia xây dựng và thiết kế các đập thủy điện vĩ đại như Hòa Bình, Sơn La...

Càng về cuối đời, thầy càng trăn trở. Thầy muốn những vấn đề của khoa học địa chất VN trước hết chỉ có thể hiểu biết và được nghiên cứu sâu sắc bởi các nhà địa chất VN để phục vụ nước nhà. Thầy đã có những nỗi buồn da diết khi biết còn nhiều nhà địa chất VN chưa được tin và tự tin mà thường chạy theo những khuynh hướng mang tính toàn cầu, trong khi các vấn đề thực tiễn của VN chưa được quan tâm. Thầy cũng không hài lòng về đời sống nghèo nàn của các nhà địa chất VN, làm nhiều người trẻ sợ ngành địa chất quá gian khổ mà đãi ngộ chưa tương xứng...

Ở bậc đại học, giáo dục địa chất học đã trải qua trên 50 khóa. Chúng tôi là sinh viên khóa 1, là những sinh viên đầu tay của thầy khi Trường đại học Bách khoa Hà Nội vừa thành lập. Thầy là giáo sư duy nhất cùng với vài giáo sư người Nga đã khai sinh những buổi học đầu, mày mò viết bài giảng, lặn lội tìm vùng thực tập ở Quảng Ninh, Lạng Sơn...

Thầy đã ra đi. Trên hành tinh có 5 tỉ tuổi như Trái đất thì đời người chỉ là chất điểm, quá ngắn ngủi. Ngắn ngủi nên lòng đầy tiếc thương vô hạn. Vĩnh biệt thầy!

GS PHAN TRƯỜNG THỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên