Việt Nam đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về bình đẳng giới?

TTCT - Một tờ báo (1) đã dùng tít “Việt Nam đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về bình đẳng giới” khi đưa tin về việc Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố Báo cáo phát triển con người khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD) vừa qua. Thực tế có đúng vậy không?

Phóng to
Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII của Việt Nam là 25,76%, xếp thứ 34/193 quốc gia - Ảnh: Việt Dũng

Khảo cứu chính báo cáo này (có tiêu đề Quyền năng, tiếng nói và quyền - Thời điểm bước ngoặt đối với vấn đề bình đẳng giới ở châu Á - TBD), tôi cho rằng không có cơ sở để khẳng định Việt Nam là quốc gia “đứng đầu châu Á - TBD về bình đẳng giới”.

Báo cáo này cho biết tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là 25,8% (khóa XII), đứng thứ 2 so với các nước thuộc vùng Đông Á, sau CHDCND Triều Tiên (29,2%). Nếu so với các nước khu vực châu Á - TBD thì tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6, sau New Zealand, Nepal, Úc, CHDCND Triều Tiên và Afghanistan.

Về chỉ số phát triển con người (HDI), Việt Nam đứng thứ 11 ở khu vực Đông Á và đứng thứ 116 trên thế giới, hơn năm nước là Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và CHDCND Triều Tiên. Nếu so với cả khu vực châu Á - TBD thì chỉ số HDI của chúng ta thua xa Úc (đứng thứ 2 thế giới) hay New Zealand (thứ 20).

Việt Nam cũng đứng thứ 10 trong các nước thuộc Đông Á về chỉ số phát triển giới (GDI). Với chỉ số quyền lực giới (GEM), Việt Nam đứng thứ 4 vào năm 2007, bằng Hàn Quốc trong các nước Đông Á và đứng thứ 7 khu vực châu Á - TBD.

Ở mục chỉ số công bằng giới (GEI), Việt Nam đứng thứ 4 khu vực châu Á - TBD, thứ 2 khu vực Đông Á, cao hơn các quốc gia phát triển khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Ở chỉ số khoảng cách giới toàn cầu (GGI), Việt Nam đứng thứ 5 khu vực Đông Á và thứ 8 trong khu vực châu Á - TBD.

Như vậy trong cả sáu tiêu chí kể trên, Việt Nam không đứng đầu tiêu chí nào.

Trong báo cáo Đánh giá tình hình giới ở Việt Nam (tháng 12-2006), các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada và Vụ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh đã có nhiều đánh giá tốt đẹp về Việt Nam.

Chẳng hạn: “Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu nổi bật về cải thiện điều kiện sống của nhân dân và giảm chênh lệch giới”, “Những nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới và đầu tư vào nguồn vốn con người đã đưa đất nước này đứng hàng thứ 80 trên thế giới (trong tổng số 136 quốc gia) về GDI” và “trở thành quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất trong xóa bỏ khoảng cách giới trong vòng 20 năm trở lại đây ở khu vực Đông Á”. Hơn nữa, “Việt Nam được xem như một trong những nước tiến bộ hàng đầu về lĩnh vực bình đẳng giới”... Tuy vậy, điều này không có nghĩa Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực châu Á - TBD về bình đẳng giới.

Chưa kể, cũng theo báo cáo trên của UNDP, xét về tỉ lệ phụ nữ tham gia chính trị thì “châu Á - TBD xếp dưới tất cả các khu vực khác trên thế giới, ngoại trừ một số quốc gia Ả Rập”. Điều này hàm ý nếu tính trong khu vực châu Á - TBD thì tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta có thể thuộc “top 10”, nhưng nếu so với các quốc gia khác trên thế giới như Cuba, Phần Lan, Argentina, Rwanda... thì chúng ta còn kém họ khá xa.

Một vài tờ báo khác cũng có những sai sót khi viết về bình đẳng giới ở nước ta. Chẳng hạn, khi trích dẫn số liệu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, ít nhất hai cơ quan thông tin đã sử dụng con số 33,1% và khẳng định đây là tỉ lệ “đứng đầu châu Á”. (2) (3)

Trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Nữ trí thức Việt Nam đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” diễn ra ngày 16-3 tại Hà Nội, hai bài viết của hai vị lãnh đạo dẫn số liệu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam cũng có nhận định khác nhau. Bài thứ nhất khẳng định “Việt Nam ở vị trí thứ nhất châu Á và thứ hai khu vực châu Á - TBD về tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội”. Nhận định này chỉ đúng với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XI (2002-2007), khi đó Việt Nam đứng vị trí thứ hai (27,3%) so với New Zealand (29,2%).

Bài thứ hai: “Trong Quốc hội, tỉ lệ nữ đại biểu là 25,76%, xếp thứ 31 trên thế giới, thứ nhất Đông Nam Á” của bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, theo chúng tôi, mới đúng về nhận định mà chưa đúng về số liệu (báo cáo Tiến bộ của phụ nữ thế giới 2008-2009 của Quỹ Phát triển phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UNIFEM) cho hay với tỉ lệ 25,8% nữ đại biểu Quốc hội, Việt Nam đứng vị trí thứ 34 trong tổng số 193 quốc gia).

__________

(1) Báo Người Đại Biểu Nhân Dân số 69 (2183), ra ngày 10-3-2010.
(2) Phụ Nữ Chủ Nhật TP.HCM số 9, ra ngày 14-3-2010.
(3) Bản tin thời sự 19g ngày 16-3-2010 của VTV1.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận