Nhận định trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại phiên thảo luận chính sách với chủ đề Sáng kiến Vành đai và con đường - chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực, đang diễn ra tại Hong Kong, Trung Quốc.
Trung Quốc đầu tư gần 4.000 dự án vào Việt Nam
Phiên thảo luận nằm trong chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 với chủ đề "Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường", do chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong tổ chức, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo một số nước ASEAN, Trung Đông, châu Âu và đại diện các tập đoàn, tổ chức quốc tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8-2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư gần 4.000 dự án vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỉ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Riêng trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký mới gần 2,7 tỉ USD.
Về thương mại, Trung Quốc luôn là đối tác lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Tại phiên thảo luận chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: "Những năm vừa qua Việt Nam đã thực hiện hiệu quả ba "khâu đột phá" chiến lược về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam cũng đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người; tích cực thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò của Hong Kong trong việc là cầu nối khu vực vịnh lớn gồm: Hong Kong, Thâm Quyến, Quảng Châu với Việt Nam, các nước Đông Nam Á, nhất là trong các lĩnh vực phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác đầu tư, tài chính, thương mại, logistics và vận tải.
Để sáng kiến Vành đai và con đường tiếp tục là "chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực" thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực tăng cường kết nối chính sách, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển.
Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực cần đẩy nhanh phát triển, kết nối mạng lưới giao thông, nhất là mạng lưới đường sắt. Đồng thời, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa cho hàng hóa, nông sản của các nước vào thị trường của nhau.
Và để hợp tác BRI tiếp tục phát triển đem lại những kết quả thực chất, bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các nước phải cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó là trách nhiệm của mỗi quốc gia và là nền tảng để bảo đảm môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho các nước trong khu vực cùng hợp tác, phát triển.
100 quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và con đường
Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) ra đời từ năm 2013, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực trên 5 lĩnh vực quan trọng là: chính sách, giao thông, tài chính, thương mại và kết nối con người.
Hợp tác Vành đai và con đường giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực đang được tiếp tục triển khai trong bối cảnh mới, với những nét đáng chú ý như: Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng phát triển lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ.
Tái sắp xếp chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu, tạo cơ hội gia tăng hợp tác giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Kết nối kinh tế, mà trong đó kết nối thể chế, hạ tầng, kết nối con người là trọng tâm, đang trở thành xu hướng lớn của các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hội nghị BRI năm nay thu hút gần 6.000 quan chức chính phủ cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân đến từ gần 70 quốc gia và khu vực. Qua 10 năm hợp tác và phát triển, đến nay BRI đã thu hút sự tham gia, hợp tác của hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế; hơn 3.000 dự án đã được triển khai trên toàn cầu với tổng số vốn gần 1.000 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận