TTCT - Bắt đầu từ danh sách 20 điều muốn làm của bạn trẻ người Đan Mạch Sofie Rye, diễn đàn “Những việc lẽ ra tôi đã phải làm...” đã thu hút nhiều ý kiến khác nhau: có người tiếc nuối về những việc chưa kịp làm hoặc đã không làm được thời trẻ, nhưng cũng có bạn trẻ ân hận vì những cơn lốc “tự khẳng định” thiếu chín chắn đã khiến họ đốt cháy giai đoạn thanh xuân của quãng đời mình.

1. Tôi tự hỏi không biết “những việc lẽ ra tôi đã phải làm”... là gì. 

Tôi nhắm mắt lại hồi tưởng: “Lẽ ra tôi phải kết hôn sớm hơn (vì năm 41 tuổi tôi mới lập gia đình!), lẽ ra tôi phải viết luận án sớm hơn (vì 10 năm trời tôi mới xong luận án tiến sĩ!), lẽ ra tôi phải đi khám bệnh sớm hơn (chỉ vì nghĩ là một cơn đau thông thường mà tôi đã không đến bệnh viện, cuối cùng tôi phải mổ vì chứng viêm màng bụng), lẽ ra tôi phải bán cổ phiếu sớm hơn (cổ phiếu lên giá thì phải bán, tôi lại chần chừ, thế là rớt giá), lẽ ra tôi phải đi gặp cô bạn tôi sớm hơn (cô bạn tôi đơn độc quá gọi cho tôi, viện cớ bận rộn tôi không gặp được, cuối cùng hay tin cô ấy nhập viện vì chứng trầm cảm), lẽ ra tôi phải trả sách thư viện sớm hơn (vì tôi trả sách trễ nên bị phạt mấy tháng trời không được mượn sách), lẽ ra tôi phải ủi quần áo (sáng dậy không kịp ủi đồ, ăn vội miếng bánh và chạy lên giảng đường là chuyện thường ngày trong học kỳ của tôi)... 

Hàng núi chuyện kiểu thế này với tôi.

Có lẽ sống trên đời ai cũng đôi lần hối tiếc vì “Lẽ ra mình phải làm việc đó sớm hơn...”. Tuy nhiên, giả sử chúng ta đã có thể làm hết tất cả những việc lẽ ra phải làm như trên, thì có ai chắc là hôm nay chúng ta sẽ không còn việc gì có thể gọi là “việc lẽ ra phải làm”? Không phải như vậy!

Đặc biệt, thời gian thì hạn định, mà ai trong chúng ta cũng luôn trong tình trạng phải chọn lựa một vài thứ và từ bỏ một vài thứ. Vì vậy, “chi phí cơ hội” luôn tồn tại cùng chúng ta. Và như vậy, bất cứ thời khắc nào trong cuộc đời chúng ta cũng sẽ phát sinh cái gọi là “việc lẽ ra phải làm”.2. Trong kinh tế học có một thuật ngữ - opportunity cost (tạm dịch: chi phí cơ hội), đó là chi phí để chỉ giá trị phải từ bỏ vì chọn một theo đuổi nào đó trong số các theo đuổi có tính khả thi. Tức, với tôi, để hoàn thành luận án tiến sĩ, tôi đã ngưng hẳn những tính toán cho một chỗ làm có giá trị.

Nói vậy, mong các bạn đừng thất vọng ngay! Vì chính điều này giúp chúng ta tìm ra giải đáp thích hợp hơn cho mỗi hoàn cảnh. Chính việc chúng ta phải làm từ bây giờ sẽ tạo ra những “việc lẽ ra đã phải làm...” trong quá khứ. 

Những việc phải làm khi còn nhỏ, trẻ sẽ giúp chúng ta phát hiện lòng khát khao thực hiện một điều gì đó cho mình. Vậy ta phải phát hiện những khát khao gì đây? Napoleon Hill (*) cho rằng xuất phát điểm để đạt đến thành công là “lòng khát khao”, mà “lòng khát khao vô giá trị” sẽ sinh ra một “kết quả vô giá trị”. Với một tia lửa leo lét thì chỉ tỏa được một lượng nhiệt yếu tương ứng. Tuy nhiên, nếu cứ chạy theo giá trị hào nhoáng không vừa với sức mình thì chẳng khác gì ta đang mặc áo của người khác vậy. 

Hãy dành thời gian tĩnh lặng để tập trung khám phá xem mình đang khát khao điều gì. Nếu ta không biết cách tìm ra đúng khát vọng thật sự của mình và theo đuổi nó đúng cách thì biết đâu, mình sẽ đón tuổi già với bộ dạng cô độc và tâm bệnh sức kiệt, chỉ vì một thứ dục vọng viển vông không giá trị.

 Thời gian thì hạn định, mà ai trong chúng ta cũng luôn trong tình trạng phải chọn lựa một vài thứ và từ bỏ một vài thứ. Bất cứ thời khắc nào trong cuộc đời chúng ta cũng sẽ phát sinh cái gọi là “việc lẽ ra phải làm”.

3. Nếu đã biết rõ mình khát khao gì thì hãy nhìn lại mình bây giờ và ở đây. Tâm lý học cấu trúc xem trọng kinh nghiệm “tức khắc khai ngộ” (tạm dịch từ “immediate awareness”), vận dụng và biến đổi kinh nghiệm đó vào tình huống hiện tại. Năng lực quyết định tồn tại ngay ở hiện tại. Hermann Hesse (**) nói rằng con người phải dũng cảm tìm ra ngay những gì mình muốn có. Nếu không, khát vọng đó sẽ nguội lạnh đi. 

Nỗi khổ lớn nhất của đời người không phải từ bên ngoài mà trong chính tâm người đó. Ta đã tìm ra khát vọng của mình chưa? Nếu rồi, hãy hành động cho những khát vọng chính đáng của mình ngay từ bây giờ, tại đây, trước khi khát vọng đó nguội lạnh đi. Và “những việc lẽ ra đã phải làm...” sẽ nối đuôi nhau xuất hiện trong cuộc đời mỗi người.

____________

(*): Napoleon Hill (1883-1970), một trong những tác giả Mỹ đầu tiên ở thể loại văn học thành công cá nhân (personal-success literature). Quyển sách của ông Think and grow rich (1937) là một trong những sách bán chạy nhất mọi thời đại.(**): Hermann Hesse (1877-1962), nhà thơ, nhà văn, họa sĩ gốc Đức, Nobel văn học năm 1946. Những con đường mà người trẻ tuổi đi tìm chính mình đã trở thành một trong những đề tài chính của ông, khiến nhiều thanh niên chọn Hesse là tác giả mà họ thích nhất.

____________

“Hãy tưởng tượng bạn là một tài xế xe buýt, trên chuyến xe có rất nhiều người. Nhiệm vụ của bạn là đưa các hành khách đến đích cuối của hành trình. Nhưng khi xe đang lăn bánh, có hành khách yêu cầu bạn dừng lại, có người không muốn đi tiếp với bạn nữa. Vậy bạn sẽ làm gì?”.

Đó là tình huống thầy giáo đã đặt ra trên giảng đường đại học, khi mô tả về chặng đường nghề nghiệp sắp tới của chúng tôi. Tất nhiên, là sinh viên mới ra trường, mọi thứ sẽ không đơn giản như một chuyến xe cứ lăn bánh thì tới đích. Nếu bác tài chấp nhận dừng xe vì áp lực của những người khác, chắc chắn bác tài ấy sẽ không bao giờ biết được đích đến của mình sẽ có những điều tốt đẹp gì đang chờ đón. 

Lời giảng của thầy nhằm mục đích khích lệ học trò mạnh dạn bước đi, dấn thân phục vụ lý tưởng nghề nghiệp, can đảm đối đầu với những áp lực của cuộc sống, va chạm với những con người khác nhau, những quan điểm, giá trị khác nhau để trưởng thành.

Song khi nhìn ở khía cạnh khác, nếu những hành khách yêu cầu chuyến xe dừng lại thật sự thấy được những rủi ro mà người tài xế ấy không thấy thì sao? Phải chăng dừng lại, chọn sự an toàn là khôn ngoan? Quả thật, tương lai là một ẩn số đầy thú vị, bạn không thể biết mình đi bao xa nếu bạn chưa từng thử đi quá xa. Và dĩ nhiên, các quyết định thực hiện trên hành trình cuộc đời rất quan trọng.

Cân nhắc trong từng quyết định

Hãy nhìn vào quy luật nhân quả, có vẻ có sự tương đồng với những lý thuyết về tính logic của phương Tây - kết quả (dù là dài hạn hay tức thời) sẽ được bắt nguồn từ những gì chúng ta làm hôm nay hoặc trong quá khứ.

Kết quả khác biệt khi ứng phó với những trải nghiệm của tuổi trẻ không chỉ bởi mỗi người có những giá trị khác nhau, sức khỏe khác nhau, mà khi thực hiện quyết định người trẻ dường như bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài như giá trị gia đình và văn hóa. 

Nhà tâm lý học Seligman (*) đưa ra những cái nhìn nhiều chiều về mối liên kết giữa khái niệm hạnh phúc và tuổi trẻ. Có người tin hạnh phúc đơn giản là sự vui vẻ, hài lòng với thực tại; song có người nhìn nhận hạnh phúc là sự trải nghiệm; người khác lại tin hạnh phúc là việc có một cuộc sống đầy ý nghĩa, cống hiến. Chính vì sự khác nhau về giá trị, mỗi người một cách vô tình hướng cuộc sống của mình theo những giá trị mong đợi.

Hãy khoan đặt câu trả lời: “Liệu tôi có đã/đang sống hết mình để không phí tuổi trẻ?”, mà hãy tự hỏi “Vì sao tôi định hướng cuộc sống như vậy? Điều đó có làm tôi vui hay không?”.

Cherry Healey của Đài BBC đặt câu hỏi: “Liệu bạn trẻ nghiện công việc, bỏ qua sự chăm sóc cho bản thân và gia đình, có cảm thấy hạnh phúc hơn người bạn đốt cháy tuổi trẻ cho những cuộc vui?”. Rõ ràng, cả hai nhóm bạn trẻ đều khẳng định mình không phí hoài tuổi trẻ. 

Thực tế có thể nhóm bạn trẻ “đốt cháy” tất cả tiền công trong một tuần cho một tối thứ sáu vui vẻ ở các quán bar, để được trải nghiệm cuộc sống của thanh niên nhà giàu thật không tốt theo quan điểm của những người quan niệm “hạnh phúc là cuộc sống có ý nghĩa”. Tuy nhiên, bạn trẻ phải sử dụng nước tăng lực để có thể duy trì cường độ làm việc 16-18 giờ/ngày với thu nhập cực cao cũng không mang lại giá trị tuổi trẻ thật sự đối với người tin “hạnh phúc là sự trải nghiệm cuộc sống hay hạnh phúc chỉ đơn giản là sự vui vẻ”.

Quyết định chọn lối sống nào quan trọng không khác gì sự đầu tư vào tương lai. Vì những kỳ vọng, những hành động đặt vào cuộc sống hôm nay sẽ mang lại một kết quả tốt hoặc xấu tương xứng trong tương lai.

Suy ngẫm về những mục tiêu

Có thể nói rằng bản liệt kê những việc cần làm của Sofie không thể áp dụng với ai khác ngoài cô, vì đó là khát vọng và mục tiêu vươn tới hạnh phúc mà Sofie theo đuổi. Mỗi bạn trẻ Việt Nam có thể tự thiết kế cho mình các mục tiêu độc đáo, phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống của chính mình.

Tuổi trẻ có rất nhiều cơ hội để hành động nhằm đạt được điều mơ ước. Tuy nhiên, các hành động để thực hiện ước mơ phải được xây dựng thật cụ thể, bạn muốn làm gì, điều bạn làm sẽ thay đổi bạn như thế nào trong thời gian ngắn (có thể là năm năm) hoặc tương lai xa hơn. Các hành động cho ước mơ của bạn có thực tế hay không, làm sao bạn biết mình có thể đạt được nó, ở mức độ như thế nào sẽ khiến bạn hài lòng.

S.M.A.R.T (viết tắt của các chữ Specific - cụ thể, Measurable - có thể đo lường, Attainable - có thể đạt được, Realistics - thực tế và Timely - thời gian) là công cụ để giúp các bạn trẻ xác lập mục tiêu độc đáo của chính mình (**).

____________

(**) Seligman M.: A new understanding of happiness and wellbeing - and How to achieve them. Nicolas Brealey Publishing.(**) Creating SMART


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận