Việc hỏi ý dân - nhìn từ Luật Đất đai sửa đổi

NGUYỄN THỊ THU TÂM 03/01/2023 14:17 GMT+7

Có điều gì đáng lưu ý trong việc lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật đất đai sửa đổi trong khi nhiều dự thảo luật khác không làm vậy?

Việc hỏi ý dân -  nhìn từ Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 1.

Cuộc sống tạm bợ của người dân trong một dự án "treo" trên 20 năm tại Bình Chánh (TP.HCM). Ảnh: D.N.Hà

Theo nghị quyết mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan chức năng sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Thời gian lấy ý kiến hơn ba tháng (bắt đầu từ ngày 3-1-2023 và kết thúc vào ngày 15-3-2023).

Tạo sự đồng thuận của dân

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung), trong quá trình soạn thảo dự án luật, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan. Khi đó, cần phải nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phải đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử (website) của Quốc hội, Chính phủ và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 60 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Từ đó cho thấy cách làm Luật đất đai sửa đổi có sự khác biệt lớn so với đa số luật khác. Với các luật khác, các website khi đăng dự thảo thường không nêu cụ thể đối tượng được mời góp ý.

Như dự thảo Luật nhà ở sửa đổi hay Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, website Bộ Xây dựng chỉ nêu: "Mời các cơ quan, đơn vị, tổ chức và bạn đọc tham gia góp ý kiến". Với dự thảo Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, website của Chính phủ "đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến"…

Riêng đối với Luật đất đai sửa đổi thì vào đầu năm 2013, UBTVQH đã có nghị quyết lấy ý kiến của đông đảo người dân và nay UBTVQH cũng làm điều tương tự. Theo UBTVQH, việc tổ chức lấy ý kiến như thế nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức; phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của người dân; tạo sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng luật…

Thay đổi mang tính đột phá

Từ nhiều khiếm khuyết trong quá trình thực hiện Luật đất đai (như chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; số đơn thư khiếu nại về đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao (trên 60%); số vụ án liên quan đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hằng năm…), dự thảo LĐĐ sửa đổi điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung theo hướng dành thêm nhiều quyền của người dân và làm rõ hơn các nghĩa vụ tương ứng.

Cùng với việc giữ nguyên khá nhiều các quy định của luật hiện hành, dự thảo bổ sung một mục mới quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân đối với đất đai: quyền tiếp cận đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất.

Dự thảo cũng bổ sung hai trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, gồm: cơ sở khám chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân và nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân.

Dự thảo bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, như: thu hồi đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư…

Trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đảm bảo sinh kế bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, dự thảo có sửa đổi, bổ sung một số nội dung.

Đó là đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để phù hợp với nhu cầu người sử dụng đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đơn cử, ngoài việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất thì được bồi thường bằng đất khác hoặc nhà ở nếu địa phương còn quỹ đất, quỹ nhà ở.

Dự thảo có thêm sự thay đổi mang tính đột phá ở chỗ mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Cùng với đó, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp…

Tập trung nhiều vấn đề dư luận quan tâm

Theo nghị quyết đã nêu của UBTVQH, nội dung được lấy ý kiến có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Tờ trình của Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì việc xây dựng Luật đất đai sửa đổi) nêu: Khi tổ chức lấy ý kiến người dân, Chính phủ mong muốn nhận được ý kiến về việc thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chính phủ cũng đề nghị người dân cho ý kiến về những trường hợp và các tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá và có thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bên cạnh đó là các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; trường hợp chủ đầu tư đang là người sử dụng đất hoặc thỏa thuận với người sử dụng đất nhưng phải chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Liên quan cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, nội dung cần lấy ý kiến là thời kỳ ban hành bảng giá đất; các trường hợp áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Nội dung cần lấy ý kiến còn là mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; bổ sung quy định quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm; việc thực hiện gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; xử lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; việc sử dụng đất đa mục đích, sử dụng đất kết hợp và nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích.

Người dân cần gì ?

Nhưng xưa nay, các website của Chính phủ, Quốc hội, các bộ chủ trì việc xây dựng luật; báo đài… thường không tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý của người dân đối với các dự thảo luật. Có lẽ đối với người bình thường, việc ghi nhận các bất cập của việc thực thi luật dễ dàng hơn nhiều so với việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách có liên quan vốn luôn đòi hỏi nhiều hiểu biết, kỹ năng tư duy và cách thức soi chiếu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn.

Tại cuộc họp Quốc hội bàn về việc lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi vào ngày 13-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: "Báo cáo thẩm tra (dự án luật) nêu rất đúng, đưa ra mấy nội dung như vậy mà mình toàn chuyên gia còn chả hiểu thì làm sao dân hiểu được mà góp ý".

Mặc dù vậy, việc Quốc hội tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp người dân trong, ngoài nước… đối với dự thảo LĐĐ sửa đổi gây được sự quan tâm, chú ý lớn trong cộng đồng. Vậy nên với một luật điều chỉnh nguồn tài nguyên đất đai đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến nền kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống của người dân, nếu bản soạn thảo luật luôn có sự cầu thị thể hiện ở các bảng tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan chức năng (ở từng nội dung được góp ý có việc tiếp thu rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp hoặc phản hồi là giữ nguyên như dự thảo), thì mới mong là các vấn đề của Luật đất đai sửa đổi sẽ nhận được nhiều lời đáp xác đáng của nhân dân.■

Đối tượng, cách thức góp ý Luật đất đai sửa đổi

Theo nghị quyết gần đây của UBTVQH, đối tượng được lấy ý kiến Luật Đất đai sửa đổi gồm có các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cùng với đó là các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Việc lấy ý kiến thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua website của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo, đài, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức phù hợp khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận