Vỉa hè và “phong cách máy ủi”

HUỲNH THẾ DU 11/03/2017 23:03 GMT+7

TTCT- Chuyện lập lại trật tự trên vỉa hè ở TP.HCM và Hà Nội đang thu hút rất nhiều dư luận. Các ý kiến trái chiều là đương nhiên, nhưng có vẻ số đông ủng hộ cách làm quyết liệt, hay phong cách “lãnh đạo máy ủi” từng thấy ở nhiều đô thị châu Á.

Khu rạch Cheonggyecheon qua 6 thập niên -pinterest, squarespace, douglaschan
Khu rạch Cheonggyecheon qua 6 thập niên -pinterest, squarespace, douglaschan

 

Dỡ bỏ đường cao tốc ở Seoul

Seoul nổi tiếng với hai ông “thị trưởng máy ủi” là Kim Hyun Ok (nhiệm kỳ 1966-1970) và Lee Myung Bak (nhiệm kỳ 2002-2006).

Là một vị tướng quân đội được tổng thống Park Chung Hee giao nhiệm vụ xây dựng một Seoul mới, ông Kim Hyun Ok đã thể hiện sự quyết đoán điển hình của thời kỳ đó, sẵn sàng va chạm và san phẳng mọi trở lực theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Sự quyết liệt giúp ông trở thành một trong những thị trưởng có công nhất trong việc tạo dựng Seoul hiện đại như ngày nay. Thủ đô Hàn Quốc dưới thời ông đã là một đại công trường thực sự, với những con đường mới, các khu ổ chuột được cải tạo và nhiều khu nhà khang trang mọc lên...

Một trong những dự án nổi tiếng thời bấy giờ là việc hoàn thành dự án lấp rạch Cheonggyecheon - hình tượng về một Seoul nghèo nàn, lạc hậu, ô nhiễm từ tàn dư chế độ thuộc địa - để xây đường cao tốc với chiều rộng lúc đỉnh điểm lên đến 18 làn xe.

Tuy nhiên, do tốc độ xây dựng quá nhanh nên một số công trình không đảm bảo chất lượng. Ông Kim đã phải từ chức khi một khu nhà ở sụp đổ, làm 33 người chết và 40 người bị thương.

Ảnh: Khu rạch Cheonggyecheon qua 6 thập niên - Ảnh: pinterest, squarespace, douglaschan
Ảnh: Khu rạch Cheonggyecheon qua 6 thập niên - Ảnh: pinterest, squarespace, douglaschan

 

Vị “thị trưởng máy ủi” tiếp theo của Seoul là ông Lee Myung Bak, người sau này trở thành tổng thống Hàn Quốc. Từng giữ vị trí tổng giám đốc rồi chủ tịch Hyundai trong 16 năm, ông Lee mang theo phong cách lãnh đạo doanh nghiệp vào ghế thị trưởng.

Từng là biểu tượng của một Seoul hiện đại, nhưng sau 40 năm, đường cao tốc trên cao Cheonggye xây từ thời thị trưởng Kim Hyun Ok lại là hình ảnh một Seoul tắc nghẽn và xuống cấp. Việc dỡ bỏ con đường này để hoặc thay thế bằng đường mới hoặc cải tạo lại rạch là việc phải làm.

Tuy nhiên, lúc đó ít ai dám nghĩ đến giải pháp xử lý tắc nghẽn giao thông bằng cách phá bớt đường. Giải pháp cả gói mà thị trưởng Lee đưa ra là cải tạo hệ thống giao thông công cộng thân thiện và gần gũi hơn, đồng thời làm gia tăng chi phí và sự bất tiện trong việc sử dụng xe cá nhân.

Bằng uy tín chính trị, ông Lee đương đầu với phản đối dữ dội từ dư luận, nhất là những hộ kinh doanh dọc tuyến đường và những người có lợi ích liên quan.

Việc ông cuối cùng cũng đập bỏ đường cao tốc và khôi phục con rạch Cheonggyecheon là câu chuyện vẫn được người dân Seoul nói đến sau nhiều năm.

Để đô thị phát triển và văn minh hơn, cần các lãnh đạo vượt qua những quán tính thông thường. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là Seoul không phải đau đầu với nền kinh tế phi chính thức, xuất phát trước hết từ chính sách vĩ mô phát triển quốc gia và kinh tế địa phương đúng đắn.

Ảnh: Khu rạch Chonggyechon qua 6 thập niên - Ảnh: pinterest, squarespace, douglaschan
Ảnh: Khu rạch Chonggyechon qua 6 thập niên - Ảnh: pinterest, squarespace, douglaschan

 

Jakarta và Manila

Sadikin, thống đốc có nhiệm kỳ dài nhất và được xem là thành công nhất của Jakarta (1966-1977), cũng được gọi là “thị trưởng máy ủi”.

Là quan chức cấp cao trong quân đội được tổng thống Indonesia Sukarno bổ nhiệm, ông tiếp tục nắm quyền ở Jakarta hơn một thập kỷ dưới thời Suharto để rồi trở thành đối thủ chính trị đáng gờm nhất của Suharto nhiều năm sau đó.

Với phong cách nhà binh, ông Sadikin đã có những chương trình hết sức mạnh mẽ nhằm lập lại trật tự và xây dựng một Jakarta hiện đại.

Các chương trình nổi tiếng của ông bao gồm: (1) cải tạo các khu ổ chuột, (2) dẹp người bán hàng rong, (3) dẹp các phương tiện giao thông công cộng tự phát (xe becak - tương tự xe lam một thời), và (4) cấm người địa phương khác vào Jakarta sinh sống và làm ăn.

Cách chỉ đạo đạp phá và cấm đoán của Sadikin được lòng dư luận nhưng gây ra sự bất mãn lớn cho những người dân mà miếng cơm manh áo bị ảnh hưởng trực tiếp.

Những biện pháp hành chính và áp đặt của ông cũng không mang lại kết quả như mong đợi, bởi hàng triệu người lao động không thể kiếm được việc làm khác và nền kinh tế phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề.

Cũng vào thời kỳ này, ở Manila (Philippines) có thị trưởng kiêm phu nhân tổng thống Imelda Marcos. Bà Marcos giữ hai vị trí quan trọng nhất là người đứng đầu chính quyền Manila (1975-1986) và bộ trưởng di trú và nhà ở.

Giống như ông Sadikin, bà Marcos cùng các đồng sự cũng có những chính sách hết sức mạnh mẽ với các hoạt động kinh tế phi chính thức, như việc cưỡng chế mấy chục nghìn người bán hàng rong ở thủ đô Philippines.

Nhưng những ai tới Jakarta hay Manila ngày nay đều sẽ thấy các cuộc “ra quân” và mệnh lệnh hành chính đó rốt cuộc đã không đi tới đâu trước sức sống mạnh mẽ của khu vực kinh tế phi chính thức, trong bối cảnh đô thị còn quá nhiều vấn đề khác và thường thì chỉ sau một thời gian mèo lại hoàn mèo.

Quyết tâm chính trị là không đủ

Có thể thấy ở hai đô thị lớn nhất Việt Nam, câu chuyện vỉa hè thật ra chỉ là bài toán con của bài toán lớn: giải quyết những vấn đề của nền kinh tế phi chính thức.

Nếu khu vực kinh tế chính thức có thể tạo ra nhiều việc làm với giá trị gia tăng cao đi kèm với mức lương cao thì một cách tương đối, vai trò và ảnh hưởng của khu vực phi chính thức sẽ giảm đi. Đây chính là con đường mà Seoul đã đi.

Trái lại, nếu TP.HCM rơi vào vết xe mà Jakarta hay Manila đã đi qua và vẫn chưa thoát ra được thì khả năng giải quyết triệt để bài toán vỉa hè là không cao.

Do trật tự đô thị nói chung và trật tự vỉa hè nói riêng không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều, những tác động tổng thể cần được tính toán kỹ.

Có thể thấy ngay trong giới lãnh đạo thành phố, nhiều người cũng nhận ra được sự phức tạp của vấn đề, như phát biểu của một phó chủ tịch quận: “Sau gánh hàng rong là nguồn sống một gia đình”.

Cách làm thực tế hơn có lẽ là với hiện trạng, chính quyền nên tập trung vào mục tiêu tối thiểu là không để vỉa hè bị lấn chiếm toàn bộ, có chỗ cho người đi bộ; trong khi ở các khu vực phát triển mới trong quy hoạch và những nơi tái phát triển hay được chỉnh trang, vỉa hè có thể và cần được tôn trọng tuyệt đối.

Khu vực hiện hữu vẫn đang chiếm đa số, nhưng với tốc độ phát triển của đô thị mới như hiện nay thì trong một vài thập kỷ, nếu quyết đoán ngay từ đầu thì về cơ bản sẽ có hướng ra cho vấn đề vỉa hè, một lần nữa, với điều kiện là khu vực kinh tế chính thức đảm đương được sứ mệnh của mình. Mà điều này còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách quốc gia.

Giải quyết những bức xúc hằng ngày trong đời sống đô thị sẽ cần ý chí chính trị và giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những vấn đề đô thị đều đã tích tụ nhiều thập niên, có tính lịch sử và chịu nhiều tác động khác nhau. Do vậy, nhiều khi “dục tốc bất đạt”, và muốn nhanh thì đôi khi phải chậm lại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận