Vì sao mèo thần tài vẫy tay gọi phúc?

HỮU THIỆN

Đăng lúc 08:02 | 25/01/2023

Maneki-neko, hay còn gọi mèo thần tài, với sự tích mang đậm tính nhân văn từ nền văn hóa dân gian Nhật Bản, nay góp mặt trong nền văn hóa đại chúng của thế kỷ 21.

Trong tiếng Nhật, tên Maneki-neko được ghép bằng từ Maneki (vẫy gọi) với từ Neko (có nghĩa là mèo). Tiếng Hán - Việt gọi là "Chiêu Miêu". Nói nôm na, con Mèo vẫy gọi này thường được gọi là... Mèo thần tài (thay vì "Mèo chiêu tài").

Các bức tượng con mèo nhỏ vẫy tay thường được đặt ở cửa ra vào hoặc chỗ máy tính tiền ở các nhà hàng, khách sạn, quán bar... vì được cho là mang lại may mắn, ngoắc cho... "tiền vô như nước, khách vô nườm nượp".

Động tác vẫy tay của Maneki-neko vừa theo kiểu chào của người Nhật Bản (giống kiểu ngoắc gọi của người Việt Nam), lại vừa giống... cử chỉ rửa mặt đúng kiểu con mèo. Bên Nhật Bản, người ta tin rằng khi một con mèo rửa mặt thì sẽ sớm có khách tới thăm. Vì vậy, có thể nảy sinh sự tương đồng giữa niềm tin rằng mèo rửa mặt sẽ có khách với động tác mèo trực tiếp vẫy gọi khách, gọi phúc lộc tới cho nhà chủ.

Tượng mèo Maneki-neko xuất hiện sớm nhất trong cuốn nhật ký Buko nenpyo năm 1852 - ghi chép về các đồ vật tôn giáo trong các chùa Phật giáo thời đó. Cũng trong năm 1852 ấy, họa sĩ Utagawa Hiroshige, bậc thầy vĩ đại cuối cùng của truyền thống tranh in mộc bản Ukiyo-e, đã vẽ cả tượng mèo Marushime-neko (một biến thể của Maneki-neko) giữa cảnh mua bán nhộn nhịp trong Bức tranh thịnh vượng của thị trấn Joruri.

Tới nay, vẫn chưa rõ tượng Maneki-neko đã xuất hiện từ hồi thế kỷ 19 hay sớm hơn nữa, vào thế kỷ 17, do một số truyền thuyết đã nhắc tới những niên đại rất khác nhau.

Vì sao mèo thần tài vẫy tay gọi phúc? - Ảnh 1.

Khách viếng chùa Gotoku ở Tokyo thường mua những bức tượng Maneki-neko ở đây để cầu may rồi để lại chùa như một lễ vật. Khách cũng có thể mang tượng về nhà cho tới khi... điều ước của mình thành sự thật, rồi mang tượng trở lại, gửi ở chùa Gotoku để tạ ơn. Hình của Kim Kyung-Hoon, chụp vào ngày 2-11-2022 (Nguồn: Reuters)

Con mèo may mắn

Theo một câu chuyện dân gian của Nhật Bản, có một người chủ cửa hàng dù gần như không đủ ăn nhưng đã cứu một con mèo hoang sắp chết đói. Để trả ơn, con mèo hằng ngày ra ngồi trước cửa hàng của ông ta mà vẫy gọi khách, từ đó mang lại sự thịnh vượng cho chủ. Chuyện này có nhiều dị bản, thay cái "cửa hàng" nọ bằng một quán trọ, quán rượu, hoặc đền thờ..., theo tạp chí Daruma (14-3-2013).

Một câu chuyện khác, theo truyền thuyết Maru-shime no neko (tạm dịch là Mèo may mắn), lại kể rằng: Thuở đó, vào năm 1852, có một bà lão nghèo sống ở Imado, gần Asakusa trong thành Edo, nghèo tới mức không đủ tiền nuôi con mèo của mình. Một hôm, bà đau lòng giải thích với con mèo rằng bà sẽ phải thả nó đi. Đêm đó, con mèo hiện về trong giấc mơ của bà và nói rằng: "Nếu bà tạo ra những bức tượng theo hình ảnh của con, con sẽ mang lại may mắn cho bà".

Theo lời chỉ dẫn của con mèo, bà lão đã làm những bức tượng nhỏ Imado-yaki (kiểu đồ gốm theo truyền thống Imado) rồi đem bán ở trước cổng một ngôi đền. Con mèo đã giữ lời hứa, khiến những bức tượng mèo nhỏ bằng gốm ấy nhanh chóng được mua hết, và ngày càng trở nên rất phổ biến, giúp bà lão thoát khỏi cảnh nghèo khó, theo tạp chí National Geographic.

Liên quan đến một nàng kỷ nữ, người ta kể: Xưa ở khu phố đèn đỏ Yoshiwara của thành Edo, nơi nhà thổ cao cấp của Miura Yashirozaemon, có nàng kỹ nữ Usugumo rất nổi tiếng. Usugumo là một Tayu - cấp bậc cao nhất của kỹ nữ hạng sang (Oiran, trong tiếng Nhật).

Nàng Usugumo rất yêu mèo, đặc biệt là con mèo tam thể mà nàng luôn mang theo mình mọi lúc mọi nơi. Một ngày nọ, khi Usugumo muốn vào phòng tắm, con mèo tam thể bỗng tỏ ra khó chịu, bứt rứt vô cùng. Nó không chịu rời khỏi cô chủ. Nó cào vào váy cô và kêu meo meo ầm ĩ, cố ngăn cô bước vô đó. Thấy vậy, chủ nhà thổ cho rằng con mèo đang tấn công Usugumo nên rút kiếm, chém nó tức thì. Đầu con mèo bay vèo vô phòng tắm, cắm răng vào một... con rắn độc đang ẩn náu trong đó, chực chờ hại người.

Usugumo đã vô cùng đau buồn, thương tiếc con mèo đã cứu mạng cô. Để xoa dịu nỗi buồn của nàng, ông chủ nhà thổ đã đặt một người thợ khắc gỗ giỏi nhất làm một bức tượng giống con mèo tam thể của nàng.

Vì sao mèo thần tài vẫy tay gọi phúc? - Ảnh 2.

Nàng Usugumo và con mèo của nàng - tranh của Yoshitoshi Tsukioka, sáng tác vào khoảng năm 1875 - 1876.

Nàng Usugumo rất thích bức tượng gỗ ấy. Năm đó, các bản sao của tượng mèo nọ đã được bán ở khắp quận Asakusa trong thành Edo và là nguồn gốc của bức tượng Maneki-neko sau này.

Một chuyện khác kể về ngôi chùa nhỏ Gotokuji ở phường Setagaya, thành Edo, vào khoảng đầu thế kỷ thứ 17 trong thời Edo (1603 - 1867). Hồi đó, có một nhà tu hành sống trong chùa này, dù nghèo nhưng vẫn chia sẻ phần ăn của mình cho một con mèo được đặt tên là Tama...

Một ngày nọ, trong một chuyến đi săn với chim ưng, lãnh chúa Ii Naotaka của quận Hikone bỗng gặp một cơn mưa dông, buộc phải dừng chân trú mưa dưới một cây đại thụ ở gần chùa. Lúc đó, ông chợt nhìn thấy một con mèo nhỏ ngồi nơi cổng chùa cứ liên tục giơ một chân lên, tựa như mời gọi ông ghé qua...

Hết sức tò mò về con mèo kỳ lạ ấy, ông đã tiến lại gần chùa để nhìn nó cho rõ hơn. Bất ngờ làm sao, một tia sét lớn đã giáng xuống ngay chỗ gốc cây mà ông vừa rời khỏi. Lãnh chúa hiểu ngay là nhờ con mèo mà ông đã may mắn thoát chết.

Để tỏ lòng biết ơn con mèo đã cứu mạng mình, lãnh chúa Ii Naotaka đã trở thành nhà bảo trợ cho ngôi chùa. Năm 1697, chùa được đổi tên thành chùa Gotoku, theo pháp danh của vị lãnh chúa khi ông qua đời.

Khi chết, mèo Tama được chôn ở một nghĩa trang riêng dành cho loài mèo trong khuôn viên chùa. Người ta còn dựng một bức tượng mèo, đặt tên là Maneki-neko, để tưởng nhớ sự tích nó đã vẫy gọi để cứu mạng lãnh chúa.

Ngày nay, chùa Gotoku ở thủ đô Tokyo còn được gọi là "Ngôi đền mèo", được xem là nơi xuất xứ nguyên gốc của tượng Maneki-neko.

Khi con mèo thần tài được xét nét theo... phong thủy

Đáng chú ý là tất cả tượng mèo ở chùa Gotoku đều giơ chân phải lên, bắt nguồn từ sự tích con mèo Tama đã dùng chân phải để vẫy gọi lãnh chúa Ii Naotaka thuở xưa. Đặc biệt, các tượng mèo ở chùa Gotoku cũng không cầm, không đeo đồng tiền koban (tức đồng xu màu vàng, được sao chép từ thời Edo) như ở những tượng mèo khác trên khắp nước Nhật và thế giới.

Trả lời thắc mắc của khách viếng chùa đến từ khắp nơi, dân địa phương sẽ tự hào mà giải thích rằng: "Mèo vẫy gọi chỉ mang lại cơ hội, chứ không mang đến tiền bạc. Nói cách khác, muốn thành công, ta phải biết nắm bắt cơ hội và phải dựa vào nỗ lực của chính mình!".

Đó cũng là đặc điểm quan trọng nhất ở Mèo thần tài: Nên chọn bức tượng giơ bàn chân phải hay bàn chân trái, vì ý nghĩa sẽ khác nhau tùy theo thời gian và địa điểm, theo L'Asie Exotique (tạp chí Daruma, 14-3-2013).

Theo quan niệm truyền thống của người Nhật, bức tượng Maneki-neko giơ chân trái lên vẫy sẽ mời gọi được nhiều khách hàng. Nếu giơ chân phải lên, nó sẽ thu hút tiền bạc và may mắn. Chưa hết, vì họ còn lưu truyền cả cái thuyết về... giới tính của mèo may mắn, rằng mèo đực thì giơ chân phải tượng trưng cho may mắn và tài lộc, còn mèo cái sẽ giơ chân trái tượng trưng cho sự may mắn và vạn sự như ý.

Cũng có loại tượng mèo may mắn giơ cả hai chân trước lên, không phải để... đầu hàng mà nhằm lôi kéo cả sự giàu có và khách hàng cùng sự bảo vệ cho những ông bà chủ... "thích đủ thứ".

Cũng do có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc, chính người Nhật cũng không thống nhất được về màu sắc truyền thống chánh tông của tượng Maneki-neko. Có nguồn nói rằng đó là tượng một con mèo Nhật màu đen, có cái đuôi cộc, gần giống... đuôi thỏ.

Trong khi đó, theo truyền thuyết về con mèo của nàng Usugumo, đó lại là một con mèo tam thể. Theo họ, tượng Maneki-neko tam thể (ba màu) là "may mắn nhất", thu hút sự giàu có và thịnh vượng. 

Tượng màu trắng sẽ mang lại may mắn và tài lộc, hạnh phúc và sự thuần khiết. Tượng màu đen sẽ... xua đuổi tà ma, bảo vệ khỏi tất cả các mối đe dọa và kẻ thù. Tượng màu đỏ là "nhà bảo vệ" chống lại căn bệnh quái ác, và bảo vệ... hợp đồng. Tượng màu vàng, hay màu vàng kim, cũng mang lại sự giàu có và thịnh vượng. Tượng mèo hồng hiển nhiên sẽ "vẫy gọi" tình yêu và các mối quan hệ lãng mạn. Lại còn có tượng mèo màu xanh dương để dành riêng cho... giáo dục, hỗ trợ cho học tập và nghiên cứu, còn tượng màu xanh lá thì mang lại an toàn cho gia đình...

Tuy vậy, bốn màu phổ biến nhất của Mèo thần tài vẫn là trắng, đen, đỏ và vàng. Dù mang màu gì, lúc nào những bức tượng mèo dễ thương ấy cũng mỉm cười, mang lại một thông điệp lạc quan cho mọi người trong suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Tượng Maneki-neko thường có thêm khăn quàng cổ, vòng cổ cùng cái chuông vàng sáng bóng và cả cái yếm thêu như để tái hiện kiểu trang phục dành cho mèo cưng trong những gia đình quyền quý, giàu có ở thời xa xưa.

Tượng Maneki-neko đôi khi còn được cho đeo hoặc cho cầm một đồng koban - loại tiền vàng cổ của Nhật Bản trong thời Edo. "Siêu" nhất là tượng Mèo thần tài cầm một đồng vàng koban trị giá những... mười triệu lượng!

Để tăng thêm tính biểu tượng của sự giàu có, Maneki-neko còn được cho cầm một con cá chép koi có vẩy màu bạc hoặc vàng hoặc một cái vồ ma thuật để triệu hồi sự giàu có, một viên đá quý (hay cẩm thạch) hoặc một trái bầu (biểu tượng cổ xưa của Nhật Bản về tuổi thọ và khả năng sinh sản), hay một trái cầu bằng pha lê biểu thị (hoặc thu hút) sự khôn ngoan...

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Trạm Hoạt Hình