Vì sao hang động làm con người mê đắm?

SAM ANDERSON (THE INDEPENDENT) 15/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hang động tạo cảm hứng cho những nhà họa sĩ, lưu giữ những bí mật cổ xưa, và trong trí tưởng tượng đại chúng, là nơi cư ngụ của những băng cướp và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Rất nhiều hang động thực sự chưa hề được khám phá ở thời đại tưởng như chúng ta đã biết tất cả mọi thứ này.

Tháng trước, tôi tới một buổi chiếu phim được bài trí kiểu hang động trong tầng hầm để xem cuốn phim tài liệu 3D của Werner Herzog - Cave of Forgotten Dreams (Hang động của những giấc mơ bị quên lãng) về tranh vẽ trong hang động. 

Cuốn phim là một hành trình mê ly khởi đi từ hang Chauvet ở miền nam Pháp - một hốc đá nhỏ bé mà vào năm 1994 được phát hiện là nơi có những bức tranh lâu đời nhất trong lịch sử loài người: tranh vẽ 32.000 năm tuổi mô tả nào voi mamút, nào hươu nai, sư tử, gấu và tê giác lông - hệ động vật kỳ diệu của miền nam Pháp vào thời băng hà gần đây nhất.

 
 Bên trong hang Chauvet, Pháp. Ảnh: Smithsonian Magazine

Từ Chauvet tới Tora Bora

Nếu không kể những bức tranh đó, Chauvet là một thế giới hoàn toàn xa lạ với con người: hoang vu, không thể trú ngụ và đáng sợ. Giống như nhiều hang động, nó xù xì mà tế vi. Herzog cũng bị giới hạn nghiêm ngặt khi vào hang quay phim. 

Ông chỉ được phép dẫn theo ba người và có tất cả bốn tiếng đồng hồ trong đó; ông phải lắp máy quay trong hang và quay toàn bộ từ một lối đi hẹp làm bằng kim loại làm riêng cho mục đích xem tranh vẽ trên tường. Cảnh tượng ông quay được thật đáng sợ và kỳ diệu. 

Những nhũ đá và măng đá lấp lánh chồng chất lên nhau trong bóng tối, chậm rãi đánh dấu những thời kỳ địa chất khác nhau. Sâu hơn nữa trong hang đầy khí độc. Nói ngắn gọn, đó không phải là một chốn cho con người.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu là con người từng có mặt ở đó. 

Xem bộ phim trong tầng hầm tối thui của một rạp phim ở thành phố New York vào giữa thế kỷ 21, vây quanh là những đồng loại Homo sapiens tôi chẳng hề quen biết, chịu đựng thứ âm nhạc New Age bập bùng của Herzog và phần lời bình đậm chất thơ (“Phải chăng chúng ta là một bầy cá sấu, đang ngoái nhìn lại thời gian như vực sâu?”'), tôi thấy mình thích thú không phải với những bức tranh kia - dù chúng quả thật lộng lẫy và lạ lùng - mà bởi những bằng chứng nhỏ nhặt hơn về sự hiện diện của cuộc sống con người trong hang động đấy. 

Có dấu chân của một cậu bé tám tuổi bên cạnh dấu chân một con sói. Rồi những vạch màu đen nơi 28.000 năm trước một lãng khách đã dụi ngọn đuốc của mình lên tường để dập lửa. Gần lối vào là những chấm đỏ lấm tấm hóa ra là dấu bàn tay, được lưu lại ở đó khoảng 30.000 năm trước, của một người cao khoảng 1,8 mét với ngón út quặp lại.

Chính cái ngón út ấy ám ảnh tâm trí tôi nhất. Nó là một chi tiết ngẫu nhiên nhưng lại bộc lộ cả một con người. Nó mang tới cảm giác gần gũi khó tin sau ngần ấy năm tháng.

Tôi xem cuốn phim của Herzog ngay sau cái chết của Osama bin Laden, và giống như mọi thứ xảy ra lúc bấy giờ, bộ phim có vẻ xoay quanh biến cố đó. Tất nhiên, huyền thoại Bin Laden gắn liền với hang động. 

Ông ta được cho là đã sống trong hang động từ năm 2001 và âm mưu chống lại siêu cường hùng mạnh nhất, hiện đại nhất trong lịch sử bằng công cụ xa xưa nhất: một hốc đá giữa trời. 

 
 Bên trong hang Ba. Ảnh: Oxalis Adventure

Ông thường được mô tả là một kẻ xấu xa siêu hạng của thời Đồ Đá, chuyên mưu toan hủy diệt từ trong hang ổ nơi núi cao của ông. (Phải nói rõ là Bin Laden không tự nhìn nhận mình như thế. Trong cuốn The Bin Ladens, Steve Coll viết rằng Bin Laden thường xuyên “mỉa mai những kình địch phương Tây vì lầm tưởng ông là một kẻ điên khùng ăn lông ở lỗ, một kẻ râu ria rậm rạp cô độc sống trong hang hốc; thực ra, ông ta tự nhìn nhận mình là một bậc thầy về công nghệ và sự thay đổi toàn cầu”).

Hang động, trong bối cảnh này, là chống Mỹ và chống hiện đại: không thể thám sát, không thể thu thập thông tin, miễn nhiễm với thế giới thương mại hóa và chủ nghĩa tư bản. 

Hang Tora Bora là hình ảnh trái ngược với Manhattan: một thành phố trong lòng đất thay vì mọc lên trên đó. Và Bin Laden là Tora Bora. Mạng lưới hang động đấy được xây dựng theo tính toán của ông, bằng thiết bị xây dựng của gia đình ông, mà đôi khi chính ông là người điều khiển.

Tôi chợt nhận ra rằng việc Bin Laden điều chỉnh âm thanh trên chiếc máy thu hình của ông đặt trong hang Tora Bora cũng không khác gì việc một con người vô danh nào đó 28.000 năm trước đã dụi tắt đuốc trong hang Chauvet: đó đều là những người đã chết, ở những chốn xa xôi mà ta không thể hiểu nổi, nhưng đồng thời cũng làm việc mà tất cả chúng ta đều từng làm: một hành động nhỏ mọn đến mức nó vượt qua mọi rào cản của ý thức hệ và các thế địa chất.

 
 Lối vào hang Altinbesik, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Daily Sabah

Tôn giáo và sự vô tri

Thật rõ ràng, sức hấp dẫn của hang động là bởi nó thuộc về những gì thật nguyên thủy. Trong bóng tối, nó vừa là chốn trú ngụ vừa là thứ gì đó siêu hình hơn thế rất nhiều. Trong chừng ấy thiên niên kỷ con người tồn tại, hang động được coi là chốn để con người tiếp xúc với tất cả những gì kỳ diệu, lạ lùng, phi lý ở trong tiềm thức.

Người tiền sử dùng hang động làm nơi chôn cất và để vẽ những tác phẩm nghệ thuật có tính nghi lễ của họ. 

Người Hy Lạp xây các đền đài và điện thờ trong hang động và kể không biết bao nhiêu truyện thần thoại về những loài yêu ma quỷ quái sống trong hang (gã khổng lồ một mắt Cyclop của Odyssey chẳng hạn). 

Phật giáo cổ đại gắn liền với hang động ở khắp mọi nơi - 30 hang đá thiêng ở Ấn Độ, 500 hang động đầy những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo lộng lẫy ở Đôn Hoàng, giữa sa mạc Gobi. 

Chúa Jesus đã được chôn cất, và sống lại, trong một hang động. 

Những cuộn sách Biển Chết thiêng liêng của của Do Thái giáo được chôn trong 11 hang động khác nhau. 

Nhà tiên tri Muhammad đã giác ngộ và đón nhận kinh Koran trong một hang đá tên là Hira. Không có gì lạ khi ngày nay ta bước chân vào những nhà thờ, những ngôi chùa, những hội đường Hồi giáo đều cảm giác giống như bước vào một hang động.

Nhưng cũng không nhất thiết cần tới tôn giáo thì hang động mới trở nên thiêng liêng. Mỗi hang động là một nghịch lý: nó được định nghĩa bởi khoảng không gian trống rỗng bên trong nó. 

Khung thời gian của nó là điều chúng ta không bao giờ hiểu nổi - hoàn toàn xa lạ với một giống loài đã quen đo đạc thời gian bằng phút, giờ, tháng, năm, hay thậm chí là thập kỷ. Một hang động không sống trong khung thời gian như vậy.

 
 Nghệ thuật Phật giáo trong các hang động ở Đôn Hoàng, Trung Quốc. Ảnh: James Photography

Hầu hết hang động được hình thành khi nước đi xuyên qua không trung và mặt đất, hấp thu carbon dioxide, tạo ra một loại axít rất yếu rồi len lỏi vào những kẽ đá nhỏ nhất, từ từ làm chúng xói mòn. 

Sau hàng triệu triệu năm, những mạch nước đó tạo thành một hang động. Nhũ đá và măng đá trong hang là bằng chứng sống động nhất: mỗi 100 năm mới được 16cm3, và măng đá lớn nhất trong hang động được ghi nhận hiện giờ cao 67 mét.

Nói cách khác, hang động là sự khoe mẽ của thời gian. Thật ra thì gần như mọi cấu tạo địa chất đều hình thành từ từ, nhưng hang động đặc biệt bởi sự huyền ảo, vẻ đẹp và cấu trúc mong manh của nó - nó không sinh ra từ những nứt gãy địa chất lớn hay những biến cố sông nhào núi sụp, mà chỉ là những giọt nước tí tách, từng chút, từng chút một, chẳng khác gì ta trang trí cho nhà thờ Sistine bằng một cây chì vẽ mắt.

Ngày nay, trong thời đại siêu dữ liệu của thế kỷ 21, sức hấp dẫn ban sơ của hang động có một chiều kích mới. Trái đất, bao gồm đáy đại dương, giờ đã được vẽ bản đồ hoàn chỉnh, nhưng các hang động thì chưa. Camera của Google chưa vào được trong đó. Chúng vẫn là những không gian trống vắng.

Trong một thế giới tiếp cận tức thì, hang động là nơi ta phải tiếp cận từ tốn. Trong một thế giới hiện diện luôn luôn, hang động là sự trống vắng. Trong một thế giới hời hợt, chúng thật sâu sắc - theo đúng nghĩa đen của từ đấy. Vì lẽ đó, chúng ta càng thấy chúng cuốn hút vì những điều quý giá chúng còn lưu giữ mà ngày nay thật khó tìm: sự vô tri, sự trống rỗng, sự chính trực của một bầu không khí lặng im tuyệt đối.

H. MINH (lược dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận