Vì sao cứ kém thân thiện, đắt đỏ và rủi ro?

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN 31/07/2012 02:07 GMT+7

TTCT - Chết dưới tay những “bác sĩ dỏm” Trung Quốc, siêu âm trước khi sinh là song thai mà sinh ra chỉ một bé, viện phí tăng 200%, bầm dập mua thuốc bệnh viện khi thình lình hàng loạt nhà thuốc bệnh viện tuyến trên đóng cửa, phải ký thỏa thuận đóng tiền phụ thu khi khám bệnh bằng bảo hiểm y tế...

Ngành y tế Việt Nam đang thật sự xây dựng cho mình một hình ảnh gì?

Phóng to
Bà Nguyễn Thị Xuân Hòa (quê Cần Đước, Long An) ngồi chờ đóng viện phí cho người nhà đi siêu âm bệnh bướu cổ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chiều 12-7 - Ảnh: Thuận Thắng

Có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi mà trong cùng một khoảng thời gian, báo chí liên tục phanh phui những sai phạm, bê bối, tiêu cực đủ loại, diễn ra khắp nơi trong khu vực y tế công cộng. Nhưng những vụ việc mới ấy lại mang cùng một thông điệp cũ về những vấn nạn cố cựu của ngành y tế, thì đến lúc người ta buộc phải suy nghĩ, rồi đi đến chỗ đặt nghi vấn về một xu thế đang hình thành.

“Làm điều tốt hoặc làm điều không gây hại...” (*)

Y tế, cùng với giáo dục và văn hóa, được xếp vào nhóm các lĩnh vực sự nghiệp được xác định từ mấy trăm năm nay thuộc trách nhiệm chăm lo của nhà nước. Sự chăm lo ấy là một nội dung quan trọng trong chức năng bảo đảm phúc lợi xã hội của nhà chức trách công.

Suy cho cùng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội là một phần trong sứ mạng của một nhà nước vì dân, cũng là một trong những lý do chủ yếu để nhà nước tồn tại và vận hành vì các mục tiêu phát triển xã hội bền vững. Đơn giản, nếu mỗi người dân, cá nhân thành viên xã hội đều có thể lực, trí lực tốt và có nếp sống lành mạnh, cao đẹp, thì đất nước mới có điều kiện trở nên hùng cường, xã hội mới có trật tự, văn minh.

Bởi vậy, tư tưởng chủ đạo chi phối sự quản lý của nhà nước đối với hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội, bao gồm sự nghiệp y tế, là: nhà nước phải giữ vai trò chính, chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, hoàn thiện mạng lưới cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực liên quan. Mạng lưới ấy phải thỏa mãn một tiêu chí kép: bảo đảm cung ứng dịch vụ vừa rộng khắp và dễ tiếp cận, cả về phương diện di chuyển trong không gian, thời gian cũng như về giá cả; bảo đảm chất lượng dịch vụ không chỉ tương ứng với sự chi trả của người dân, mà còn đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội, của nhà nước về thực hiện mục tiêu phát triển con người.

Với tư tưởng đó, rõ ràng nếu nhà nước càng giàu, sự đầu tư công cho hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội càng mạnh. Nói riêng trong lĩnh vực y tế, một chế độ bảo hiểm được sự tiếp sức mạnh mẽ của nhà nước sẽ cho phép người dân có được sự chăm sóc về sức khỏe vừa rẻ, thậm chí không mất tiền, vừa tốt. Các nước Bắc Âu là những ví dụ tiêu biểu.

Cũng với tư tưởng đó, trong điều kiện nước nghèo, nhà chức trách không đủ sức một mình cưu mang, gồng gánh tất cả thì cần (và nên) kêu gọi sự hợp tác của tư nhân. Tất nhiên không phải tư nhân nào cũng có tâm hồn vị tha, sẵn sàng hi sinh, cống hiến mà không quan tâm tìm kiếm lợi ích riêng tư.

Nhà nước phải tôn trọng việc tư nhân theo đuổi mục tiêu lợi nhuận trong quá trình hợp tác với nhà nước để cung ứng cho xã hội các dịch vụ mang tính phúc lợi cộng đồng, trong chừng mực hợp lý. Nhưng mặt khác, do chức năng của mình, nhà nước phải làm hết sức để bảo đảm dịch vụ được cung ứng, dù là bởi khu vực công hay khu vực tư, đều có chất lượng mong muốn. Và hạn chế được đến mức thấp nhất việc tồn tại những khoảng trống có thể bị lợi dụng cho mục tiêu kiếm tiền trên sự đau yếu của người dân.

Nói rõ hơn, nếu vì nghèo, hoặc vì lẽ gì đó mà không thể trợ giá cho hoạt động chăm sóc y tế, thì với quyền lực trong tay, nhà nước vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm cung ứng cho xã hội các dịch vụ y tế an toàn và có hiệu quả, chí ít cũng phải làm được điều mà chính các bác sĩ đã từng thề khi bước vào nghề “trước hết là không gây hại”.

Người dân nghèo, về phần mình, buộc phải chấp nhận, đúng hơn là phải cắn răng tự móc túi chi trả cho những biện pháp y tế cần thiết đối với việc gìn giữ, khôi phục tình trạng sức khỏe hoặc cứu lấy tính mạng, như cách cắn răng mà người nghèo đã quen trong quá trình vật vã mang vác những gánh nặng của cuộc sống còn nhiều khó nhọc này. Suy cho cùng, sức khỏe và, đặc biệt, tính mạng của con người là trên hết; nó nằm trong rất ít những thứ mà người ta có thể nói ngay, không do dự, là phải được bảo vệ bằng mọi giá.

Kiểm tra, giám sát: kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm

Có nhiều việc nhà nước phải làm để đạt được mục tiêu này. Quan trọng nhất là ở khâu đào tạo con người: muốn có dịch vụ y tế tốt, trước hết cần có bác sĩ, y tá giỏi. Cần đầu tư mạnh cho các cơ sở đào tạo chuyên môn ở các trình độ khác nhau; đặc biệt quan tâm đầu tư cho việc hiện đại hóa chương trình giảng dạy và nâng cao trình độ của người thầy.

Cũng cần chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp: nếu không thể đòi hỏi ở bác sĩ, y tá sự dấn thân không vụ lợi, thì ít nhất cũng có thể nhắc nhở họ phải tận tụy, có trách nhiệm đối với những số phận nằm trong tay mình. Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, quy trình tác nghiệp chuyên môn để có cơ sở đánh giá công việc tương ứng với phận sự gắn với mỗi vị trí.

Điều chắc chắn là không thể trông đợi có được kết quả mong muốn chỉ nhờ ý thức tự giác của con người. Cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống xử lý vi phạm.

Tất cả những điều đó đều được những người có trách nhiệm trong bộ máy quản lý thừa nhận và nhắc đi nhắc lại trên mọi diễn đàn chính thức, coi là khẩu hiệu hành động. Thế nhưng cho đến nay, bức tranh hiện thực lại chỉ cho thấy một hình ảnh rất tương phản với cái được trông đợi. Hiện tượng chẩn đoán sai, quyết định giải pháp điều trị sai dẫn đến tai biến có dấu hiệu tràn lan không ngừng; điều đó, cùng với sự bó tay của đội ngũ chuyên gia trước sự hoành hành của những căn bệnh lạ, khiến người ta phải đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo của các trường y.

Thái độ tắc trách, vô cảm, hạch sách, nhũng nhiễu phổ biến ở các bệnh viện công thể hiện sự sa sút nghiêm trọng của y đức. Các phòng khám đông y với bác sĩ Trung Quốc dỏm ngang nhiên mở cửa tiếp đón người bệnh, tổ chức thăm khám, điều trị, kê đơn vô tội vạ với giá cắt cổ, ngay cả trong trường hợp đã bị rút giấy phép, cho thấy sự kém hiệu quả của luật pháp, sự thiếu trách nhiệm của bộ máy kiểm tra, chế tài.

Đáng nói là trái ngược với tình trạng bình lặng, thậm chí trì trệ, ở nhiều khu vực quản lý nhà nước về y tế, bầu không khí lại rất sôi động, khẩn trương ở các nhóm phụ trách đề án tăng viện phí. Còn bên ngoài, có bệnh viện thậm chí đã đi trước với các kiểu tăng giá rất “sáng tạo”, chẳng hạn bằng cách đặt ra khoản chênh lệch so với viện phí chính thức, buộc bệnh nhân có bảo hiểm y tế phải chi trả, thậm chí phải trả tiền mua kim tiêm, chi phí chênh lệch khi làm xét nghiệm. Bệnh nhân chịu hết xiết, nhà báo thắc mắc tới hỏi thì được nghe trả lời “phần phụ thu là do chính ban giám đốc bệnh viện đặt ra và phê duyệt”.

Từ những gì đang diễn ra, dễ có cảm giác nhà chức trách công chỉ đang chăm chú vào việc giảm bớt gánh nặng cho nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, duy trì hệ thống cung ứng dịch vụ y tế mang tính phục vụ. Người dân, về phần mình, không chỉ phải nhận lấy gánh nặng đó; người ta còn phải đối diện với một mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém thân thiện, nhiều bẫy rập về giá cả và đầy rủi ro đối với sức khỏe, tính mạng, trong tâm trạng của một đứa con bị đem bỏ chợ.

__________

(*): “To do good or to do no harm” - một trong những lời căn dặn của Hippocrates đối với các bác sĩ trong tập hợp di cảo của ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận