Vì sao chần chừ truy tố hình sự?

LÊ VĂN TỨ 02/11/2008 17:11 GMT+7

TTCT - Tuy công luận nhất trí đòi phạt nặng Vedan về hành vi tàn phá môi trường, nhưng về mặt xử lý hình sự lại chưa có ý kiến thống nhất.

Phóng to
Nhà máy bột ngọt Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải khiến nghề đánh băt hải sản của người dân ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị phá sản - Ảnh: N.C.T.

Có người cho rằng có thể và cần khởi tố hình sự, nhưng có người cho rằng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, vụ này không thể truy tố hình sự. Cơ sở lập luận sau rõ ràng thiếu thuyết phục.

Viện dẫn nguyên tắc “cá thể hóa trách nhiệm”, có người cho rằng luật hình chỉ có thể áp dụng đối với cá nhân, không áp dụng đối với pháp nhân, ở đây là Công ty Vedan. Cần thấy rằng nguyên tắc này của luật hình là đúng và cần thiết để ngăn ngừa tình trạng hình sự hóa hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Nhưng nếu một doanh nghiệp phạm pháp cực kỳ nghiêm trọng,

Nhà nước hoàn toàn có thể loại trừ nó ra khỏi đời sống xã hội bằng cách thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh mà không cần căn cứ vào luật hình để tuyên án tù chung thân hoặc tử hình. Cũng cần thấy doanh nghiệp là một pháp nhân kinh tế, một con người nhân tạo, nên dù có bị buộc giải thể thì nó vẫn có thể “đầu thai” ngay trở lại thành một pháp nhân khác, nếu chủ nhân cũ của nó muốn như thế và pháp luật cũng không cấm họ làm vậy, trừ phi họ bị tuyên án hình sự. Vì vậy, để loại trừ hành vi phạm pháp của doanh nghiệp chỉ cần thực thi nghiêm minh các luật khác mà không cần cầu viện tới luật hình.

Nói truy cứu trách nhiệm hình sự của Vedan cần hiểu là cách nói tắt, không hàm nghĩa truy tố doanh nghiệp, mà là truy tố những cá nhân làm việc ở Vedan đã chủ trương, đã chỉ đạo và tham gia việc xả trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải, những hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường và có ghi trong Luật hình sự hiện hành. Đặt vấn đề truy tố hình sự những người này, không chỉ ở Vedan mà cả ở các nơi khác, chính là tỏ rõ thái độ của Nhà nước kiên quyết bảo vệ môi trường đang xấu đi nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa những năm qua. Mọi ý đồ lợi dụng tư cách pháp nhân để che chắn tội phạm hình sự của cá nhân phải được bóc trần và ngăn chặn.

Tất nhiên để đánh giá, xử lý đúng mức và khách quan, cần thấy rằng vụ Vedan chỉ là giọt nước tràn ly. Làm ô nhiễm sông Thị Vải không chỉ là tội của một mình Vedan, mà còn là tội của nhiều doanh nghiệp khác. Và sông Thị Vải chỉ là một trong nhiều con sông đang kêu cứu hiện nay. Song dù đánh giá như vậy cũng không thể coi đó là yếu tố miễn trừ tội phạm hình sự đối với những can phạm ở Vedan được.

Truy tố hình sự vụ Vedan không chỉ cần thiết để xác định lại tính răn đe thật sự của pháp luật, mà còn là dịp mổ xẻ thực tiễn quản lý hiện hành, làm rõ những căn bệnh trầm kha lâu nay trong hệ thống quản lý nhà nước. Người bị khởi tố đầu tiên vì rõ tội nhất là người trực tiếp điều khiển hệ thống xả thải. Tất nhiên hành vi phạm tội của người này được bào chữa là thực hiện lệnh của người chỉ huy. Từ đó lần lượt truy ra trách nhiệm của những người chỉ huy từ thấp tới cao, cuối cùng sẽ tìm ra thủ phạm và những người thừa hành chỉ là đồng phạm. Nếu truy cứu trách nhiệm như vậy còn có thể xác định được trách nhiệm của tổ chức thiết kế và thi công, của các cơ quan quản lý có thẩm quyền đã thông qua thiết kế và giám sát thi công, giám sát sự vận hành thường xuyên của hệ thống xử lý nước thải.

Tóm lại, đặt vấn đề xử lý hình sự vụ Vedan sẽ giúp thấy rõ rất nhiều khiếm khuyết trong hệ thống quản lý môi trường ở nước ta hiện nay, trên cơ sở đó mới tìm được những biện pháp thiết thực khắc phục yếu kém trong quản lý của Nhà nước ở lĩnh vực quan trọng sống còn này. Phải coi đây là dịp để chúng ta nhìn lại và chấn chỉnh cung cách quản lý nặng về nói hơn là làm, và đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến Vedan có thể qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng có ý kiến cho rằng truy tố hình sự, quy tội cá nhân trong trường hợp này là không thỏa đáng vì lợi ích do làm ô nhiễm môi trường thì cả doanh nghiệp được hưởng, nhưng tội lỗi thì cá nhân chịu. Dễ thấy tính “chày cối” của lý lẽ này. Luật hình sự và pháp luật nói chung chỉ xử lý đối với hành vi phạm pháp của mỗi người. Trong quá trình xử lý, mục đích có thể được xét đến như là những yếu tố tăng nặng hay giảm nhẹ, nhưng tuyệt đối không thể coi là yếu tố miễn trừ tội phạm.

Cũng có ý kiến cho rằng trường hợp này không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì chưa đủ yếu tố cơ bản cấu thành tội phạm là “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục, gây hậu quả nghiêm trọng”. Lý lẽ này cũng “chày cối” nốt, bởi Vedan đã có hai lần bị xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường. Còn cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục và gây ra hậu quả không chỉ nghiêm trọng mà cực kỳ nghiêm trọng thì đã rõ.

Vậy vì sao còn chần chừ truy tố hình sự? Cần nói rằng dù Vedan chưa từng bị xử lý hành chính thì với thái độ lì lợm suốt 14 năm và với vai trò chủ yếu trong “đầu độc” sông Thị Vải đến mức như hiện nay, có thể khẳng định đã đủ cơ sở thuyết phục để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có trách nhiệm của Vedan. Hãy so sánh hành vi phạm pháp của họ với những hành vi vi phạm quy tắc trật tự, vệ sinh đường phố (như tiểu tiện, vứt rác ra đường...) của mọi người dân sẽ thấy truy tố hình sự một số cá nhân ở Vedan không có gì là quá đáng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận