Vì sao Bắc Kinh "lộng giả thành chân"?

GS VLADIMIR KOLOTOV 12/12/2012 03:12 GMT+7

TTCT - Tiếp sau trò “ma bùn” đặc trưng Trung Quốc (chinoiserie) về hộ chiếu đường lưỡi bò hầu “lộng giả thành chân”, Trung Quốc đã “làm thật” bằng loan báo kể từ ngày 1-1-2013, cảnh sát biển tỉnh Hải Nam sẽ toàn quyền kiểm tra tàu bè nước ngoài tại biển Đông.

Từ đâu dẫn đến hành vi thôn tính này?

Phóng to
Người dân Philippines biểu tình phản đối hộ chiếu đường lưỡi bò của Trung Quốc trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila ngày 29-11 - Ảnh: Reuters

Trong một tham luận (1) tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học kết thúc ngày 28-11 ở Hà Nội, giáo sư Vladimir Kolotov,ủy viên Ủy ban Quốc gia Nga của Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đã mô tả cục diện như sau: "Tình hình hiện nay tại khu vực Đông Á đã tạo điều kiện để cả Trung Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc chơi địa chính trị như trên bàn cờ vua"... mà đấu trường là "vòng cung bất ổn Đông Á... được hình thành ngay sau Thế chiến thứ 2 và vào năm 1945, lần đầu tiên vũ khí hạt nhân đã được sử dụng trong quá trình phân chia khu vực Đông Á và xây dựng trật tự mới".

"Vòng cung bất ổn Đông Á"

“Trung Quốc càng đơn phương áp đặt quyền kiểm soát biển Đông bao nhiêu thì sự phản ứng của quốc tế càng cao bấy nhiêu...”

Theo giáo sư Kolotov, "vào thời chiến tranh lạnh, vòng cung bất ổn Đông Á chạy từ Đông - Bắc sang Tây - Nam qua quần đảo Kuril, chạy qua Triều Tiên bị phân chia (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc), chạy qua Trung Quốc bị phân chia (Trung Quốc và Đài Loan), chạy qua Việt Nam bị phân chia (Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa)... Mặc dù chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng tại "mặt trận" này vẫn không có nhiều thay đổi, nguy cơ bất ổn vẫn giữ nguyên như trước đây".

Trên bàn cờ địa chính trị đó, theo giáo sư Kolotov, "các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ đóng trên lãnh thổ của các nước đối tác an ninh châu Á bao quanh vòng cung từ hướng Đông - Nam. Hệ thống này căn cứ vào các hiệp ước an ninh song phương và trong những điều kiện các đối tác châu Á phụ thuộc nhiều vào tiềm năng kinh tế và quân sự to lớn của Hoa Kỳ, Washington được đảm bảo có thể tự do hành động tại khu vực này...".

Vấn đề ở chỗ, theo giáo sư Vladimir Kolotov, "bất kỳ một thay đổi nào, cho dù là rất nhỏ trong việc bố trí vòng cung bất ổn này, đều là một thách thức cho trật tự hiện nay và sẽ dẫn đến việc thay đổi cân bằng lực lượng trong khu vực". Đáng ngại là "mỗi sự thay đổi hình dạng của vòng cung bất ổn Đông Á đều đã diễn ra bằng vũ lực" - giáo sư Kolotov kết luận và cảnh báo.

Từ cái nhìn đó có thể thấy từ khi Mỹ rời bỏ các căn cứ hải quân Subic và không quân Clark tại Philippines năm 1992, cán cân lực lượng ở Đông Nam Á đã chao đảo, hậu quả là: 1/ an ninh khu vực bị đe dọa, thách thức, hoặc khống chế, chiêu dụ bởi Trung Quốc; 2/ chính sự tự do đi lại của Mỹ trên Thái Bình Dương cũng bị đe dọa.

"Vòng cung bất ổn" đó đang biến đổi như thế nào? Theo giáo sư Kolotov, "hiện nay, Trung Quốc đang trỗi dậy và gia tăng áp lực xuống phía Nam. Rất có thể nguyên nhân của việc này chính là sự sao chép của lịch sử... Trong lịch sử, hai nước đã nhiều lần có chiến tranh (Trung Quốc xâm lược Việt Nam), nhưng cuối cùng Việt Nam đánh đuổi được quân xâm lược. Đến bây giờ, kinh nghiệm lịch sử mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc luôn nhắc nhở Việt Nam phải thận trọng, đặc biệt đối với chiến lược "tằm thực" cổ (tằm ăn lá dâu) của Trung Quốc, tức lấn dần lãnh thổ của láng giềng".

Giáo sư Kolotov cảnh báo: "Nếu phân tích sâu hơn tình hình trong khu vực, đặc biệt tình hình tại Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng: xung quanh Trung Quốc có nhiều điểm nóng tiềm năng và những điểm nóng này có thể sẽ gia tăng nếu Bắc Kinh bắt đầu thay đổi không gian xung quanh lãnh thổ của mình, trước hết là không gian thuộc hướng Nam... Trung Quốc càng đơn phương áp đặt quyền kiểm soát biển Đông bao nhiêu thì sự phản ứng của quốc tế càng cao bấy nhiêu...".

Phản ứng của quốc tế có thể thấy hằng ngày trên từng bản tin, bài báo về tình hình biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung. Chưa bao giờ các học giả quốc tế lại thảo luận về những nguy cơ bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông như bây giờ. Không chỉ tại các nước Đông Nam Á mà ngay tại một nước châu Âu là Cộng hòa Czech, một hội thảo mang tên "Biển Đông: Địa Trung Hải của Trung Quốc hay sao? (South China Sea: Mare Nostrum Sinense?) vừa diễn ra hôm 9-11 tại Đại học Metropolitan (Prague) cũng phản ánh nỗi lo của châu Âu.

"Ván cờ lớn mới"

Thật ra, lý giải của giáo sư Kolotov là một trong vô vàn lý giải về sự trỗi lên của Trung Quốc, có khác một chút là từ góc nhìn lợi ích địa chính trị của Nga. Trong góc nhìn đó, có thể có vài điểm cần bàn thêm như về nhận xét "Trung Quốc chỉ có một biên giới yên bình là ở phía Bắc với Liên bang Nga". Căn cứ vào lịch sử xung đột Trung Quốc - Liên Xô thập niên 1960, liệu "biên giới yên bình với Nga" sẽ còn được như thế trong bao lâu?

Thế còn góc nhìn Mỹ, đối thủ của Trung Quốc trong điều mà giáo sư Kolotov gọi là "cuộc chơi địa chính trị như trên bàn cờ vua" (tức sẽ có một bên "chiếu tướng" và bên kia "bí") mà nhiều tác giả khác gọi là "ván cờ lớn mới" (2)?

Hơn ai hết, "cha đẻ" của kịch bản "Trung Quốc trỗi dậy" bốn mươi năm trước là cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nay đã nhận chân hồi kết của sự nghiệp đời mình như sau trong chương hậu đính quyển hồi ký On China của ông mang tựa đề: Lịch sử có tự tái diễn?.

Người đã mở cửa cho Trung Quốc "trỗi dậy" và tận tụy cộng tác với quá trình đó đã so sánh như sau: "Trung Quốc là nước Đức thời đế chế, một cường quốc đại lục hồi sinh; còn Mỹ, cũng như Anh, nguyên là một cường quốc hải quân với những quan hệ chính trị và kinh tế sâu sắc với lục địa.Trong suốt lịch sử của mình, Trung Quốc hùng mạnh hơn các nước láng giềng gộp lại... Giống như trường hợp nước Đức thống nhất vào thế kỷ 19, những tính toán của các quốc gia này (các láng giềng của Trung Quốc ngày nay) chịu tác động không tránh khỏi của sự tái trỗi dậy của Trung Quốc như là một nhà nước hùng mạnh, thống nhất. Trong lịch sử, một hệ thống như thế đã diễn biến thành một sự quân bình thế lực dựa trên việc làm cân bằng các mối đe dọa" (3).

Năm 1972, Kissinger đã chủ trương Mỹ "đối tác chiến lược" với Trung Quốc nhằm cân bằng mối đe dọa Liên Xô. Nay, Kissinger muộn màng tự hỏi: "Liệu niềm tin cậy chiến lược có thể thay thế được hệ thống đe dọa chiến lược hay không?" và tự trả lời: "Một hệ thống quốc tế được ổn định tương đối một khi các thành viên được trấn an đủ bằng (con đường) ngoại giao. Khi ngoại giao không còn hoạt động được nữa, các quan hệ sẽ tập trung ngày càng tăng vào sách lược quân sự,đầu tiên là chạy đua vũ trang, sau đó là mưu mô giành giật lợi thế chiến lược bất chấp nguy cơ xung đột, và cuối cùng là đi đến chiến tranh" (4).

Kissinger cảnh báo: "Lịch sử có tự tái diễn? Không nghi ngờ gì việc Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào xung đột chiến lược tại châu Á, một tình huống có thể sánh với châu Âu thời tiền Thế chiến thứ nhất... Cho dù ý định của Trung Quốc có là gì đi nữa... (vẫn có thể) xem sự trỗi dậy của một Trung Quốc thành đạt là không tương thích với vai trò của Mỹ trên Thái Bình Dương... Bất cứ hình thức cộng tác nào cũng sẽ được xem một cách giản dị như là tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng khả năng gây khủng hoảng".

Đã đến lúc có thể chia sẻ cái nhìn của Kissinger: "Khi ngoại giao không còn hoạt động được nữa thì... các quan hệ sẽ tập trung ngày càng tăng vào sách lược quân sự...".

DANH ĐỨC

_____________

(1) The South China Sea problem in the context of Regional Security System in East Asia.
(2) "Ván cờ lớn" (The great game) là tên gọi của cuộc tranh chấp chiến lược và xung đột giữa đế quốc Anh và đế quốc Nga ở Trung Á trong thế kỷ 19.
(3) Henry Kissinger, "On China", tr.514
(4) sđd, tr.515.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận