Vé xem bóng đá và nỗi xấu hổ 

HUY THỌ 17/11/2018 05:11 GMT+7

TTCT - Tối 16-11, thầy trò ông Park Hang Seo tiếp đội tuyển Malaysia trên sân Mỹ Đình. Có thể nói, đây là một trận đấu vô cùng quan trọng của tuyển Việt Nam…

Chen chúc mua vé xem trận Việt Nam - Malaysia ở AFF Cup 2018. Ảnh: Nguyên Khôi
Chen chúc mua vé xem trận Việt Nam - Malaysia ở AFF Cup 2018. Ảnh: Nguyên Khôi

 

Quan trọng bởi, không cần đến các chuyên gia bóng đá, một đứa bé mê tuyển VN cũng biết được rằng hai vé đầu bảng A vào bán kết là cuộc đua dành cho ba đội VN, Malaysia và Myanmar. Vì vậy, những trận đấu giữa ba đội này đều mang tính chất quyết tử. Điều quan trọng thứ hai với người hâm mộ bóng đá VN, đó là người ta mong chờ màn trình diễn của các cầu thủ trẻ VN trước một đối thủ xứng tầm - Malaysia - ở cấp độ đội tuyển.

Ai cũng biết sức hấp dẫn của đội tuyển VN tại AFF Cup năm nay là nhờ vào các cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng..., những người được kỳ vọng sẽ lấy lại niềm tin cho bóng đá Việt khi họ đã tạo nên hai sự kiện thật ấn tượng trong năm 2018 là vòng chung kết U-23 châu Á ở Trung Quốc và Asiad tại Indonesia. Nhưng dù sao thì hai giải đấu vừa kể cũng chỉ là sân chơi dành cho cầu thủ trẻ, rất khác với đội tuyển quốc gia.

Vì vậy, trận VN - Malaysia tối 16-11 trên sân Mỹ Đình cực nóng. Nhưng thay vì chuyện chuyên môn, tới giờ câu chuyện chính là những tấm vé.

Những ngày vừa qua, các trang báo điện tử, trang cá nhân của giới phóng viên thể thao, các trang thể thao báo in liên tục đề cập câu chuyện căng thẳng quanh việc săn lùng những tấm vé xem đội tuyển VN đêm 16-11.

Đó là hình ảnh dòng người rồng rắn, chen chúc ở sân Mỹ Đình; là chuyện những chiếc vé mời xuất hiện trên tay dân phe vé; là chuyện duyệt công văn mua vé gửi đến văn phòng VFF (Liên đoàn Bóng đá VN)...

Thật ra những hình ảnh đấy đã quá đỗi quen thuộc, suốt từ hồi đầu thập niên... 1980. Hồi ấy, do chưa có nhiều phương tiện giải trí, mỗi một trận bóng đá, dù chỉ là Giải A1 TP.HCM thôi, cũng đủ tạo nên cơn sốt vé để xem Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công Nhân Hóa Chất, Sở Công Nghiệp, Công Nghiệp Thực Phẩm thi đấu với nhau.

Còn nếu có thêm những đội như Thể Công, Công An Hà Nội, Tổng Cục Đường Sắt từ phía Bắc vào thi đấu thì việc kiếm vé xem bóng đá chả thua gì chuyện kiếm vé xe lửa dịp tết.

Từ đó, người ta “đẻ” ra đặc quyền đặc lợi dành cho công chức trong việc xem đá bóng. Nghĩa là cả tuần lễ trước trận đấu, các cơ quan nhà nước gửi công văn đến sở TDTT... xin duyệt mua vé. Đã có xin thì người có quyền cho trở nên oai.

Cơ quan nhà nước có vị trí tầm cỡ, có quyền lực liên quan trực tiếp đến ông duyệt vé thì không dám cắt nhiều, còn cơ quan ít quyền lực thì chỉ duyệt 10-20% so với đơn xin. Chỉ một số rất nhỏ được đưa ra các phòng vé bán trực tiếp cho người xem.

Nhưng mà số vé mua theo công văn có bao nhiêu đến tay người thật sự muốn xem là một chuyện khó thống kê. Hay trong dòng người rồng rắn, chen chúc mua vé bán tại quầy có bao nhiêu người hâm mộ, bao nhiêu tay phe vé cũng là điều khó biết.

Tôi nhắc lại câu chuyện của gần 40 năm trước để thấy rằng nó tiếp tục tồn tại đến tận bây giờ, như một... nỗi niềm khó nói.

Một phó giám đốc Sở TDTT TP.HCM nay đã về hưu, từng có thời gian dài chịu trách nhiệm chuyện phân phối vé xem bóng đá đã than thở: “Nhiều người ở ngoài cứ mắng là chúng tôi tiêu cực, dốt nát, đến việc bán vé còn không xong thì làm ăn được gì. Nhưng ở xứ mình nó phức tạp lắm.

Tôi xin kể sơ sơ thế này, cái anh điện lực phụ trách khu vực sân gửi công văn xin mua vé thử không bán xem, đang đá cúp điện như chơi. Chính quyền quận, phường sở tại xin mua thử không duyệt xem, đủ chuyện rắc rối xảy ra. Có vô số cơ quan ban ngành liên quan đến mình mà nếu không duyệt sẽ gặp đủ rắc rối...

Chưa hết, bản thân tôi hồi ấy có tuồn vé cho chợ đen không? Xin nói thẳng là có. Vì sao? Không ít sếp trực tiếp của mình, sếp ở trên cao hơn mình rất nhiều gọi điện bảo kiếm cho vài vé. Ôi, vài vé có là bao nên đâu có ai nghĩ đến chuyện trả tiền cho mình.

Nhưng chục cuộc điện thoại “vài vé” là mất toi của mình tháng lương, thế là phải gỡ lại bằng vài chục vé đưa ra chợ đen. Mà tôi là sếp còn làm như thế thì cũng mắt nhắm mắt mở cho nhân viên mỗi người làm chục vé...”.

Chuyện phân phối vé thật ra không khó nếu thật sự quyết tâm làm. Trước tiên, bộ phận chuyên môn của VFF phải xây dựng được lịch thi đấu hằng năm của đội tuyển quốc gia, bao nhiêu trận giao hữu, bao nhiêu trận đá giải chính thức (gồm những giải nào, gặp những đối thủ nào...).

Trên cơ sở đó, bộ phận kinh doanh tiếp thị của VFF sẽ tính toán giá vé để bán cả năm. Ai có điều kiện và yêu đội tuyển thật sự xin bỏ tiền mua vé năm, và VFF sẽ có một khoản tiền để kinh doanh hay gửi ngân hàng nhằm kiếm lãi. Cứ mỗi trận đấu của đội tuyển, sau khi trừ đi vé năm, vé dành cho các nhà tài trợ đội tuyển, phần còn lại sẽ đem bán công khai cho người hâm mộ xếp hàng mua.

Dĩ nhiên chuyện xếp hàng mua chả ai cấm được dân phe vé. Và chúng ta cũng đừng nặng lòng với chuyện này bởi ngay ở Anh, Ý, Tây Ban Nha... với những trận cầu đinh vẫn có vé chợ đen cao gấp hàng chục lần so với giá chính thức. Thậm chí dân mua vé năm nếu không cưỡng được món lợi lớn và đem bán đi tấm vé mình đã có cũng chả sao.

Một khi làm được như thế, các quan chức VFF, quan chức thể thao sẽ dễ ăn nói hơn với những ai đó xin, nhờ mua vé. Chỉ e rằng đôi khi than thì cũng than, nhưng không ít người cũng muốn mãi tồn tại chuyện xin cho vẫn “đục”. Bởi nước có đục thì cá mới có cái ăn! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận