Về "14 chiến binh Triều Tiên trên bầu trời Việt Nam"

NGUYÊN NHUNG 28/08/2008 19:08 GMT+7

TTCT - Ngay sau khi TTCT số 31-08 đăng bài “14 chiến binh Triều Tiên trên bầu trời Việt Nam”, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc góp thêm nhiều tư liệu quý, giúp bổ sung và hiệu chỉnh các chi tiết trong bài viết. Ngoài thư tiếp thu ý kiến của tác giả, TTCT xin giới thiệu một số nội dung góp ý chủ yếu.

Phóng to

Chụp ảnh lưu niệm với đoàn không quân CHDCND Triều Tiên tại sân bay Kép ngày 4-6-1968. Người ngồi hàng đầu (thứ tư từ phải sang) là chính ủy Bộ tư lệnh không quân Phan Khắc Hy. Bên phải và bên trái ông Phan Khắc Hy là đoàn trưởng và đoàn phó đoàn không quân CHDCND Triều Tiên

Sân bay Kép không thuộc Quân đoàn 2

Báo TTCT số 31-08 có bài “14 chiến binh Triều Tiên trên bầu trời Việt Nam” đăng trên trang 24, 25. Theo đó, các chiến sĩ tình nguyện này được huấn luyện và chiến đấu tại Quân đoàn 2 trong thời gian từ năm 1965-1968.

Là cựu quân nhân của Quân đoàn 2, tôi xin bổ sung một số thông tin được đề cập trong bài viết.

Năm 1965, Quân đoàn 2 chưa ra đời, đơn vị này được thành lập chín năm sau đó vào ngày 17-5-1974 tại Thừa Thiên - Huế, nên còn được gọi là Binh đoàn Hương Giang. Khi thành lập, lực lượng của quân đoàn chỉ bao gồm ba sư đoàn bộ binh là 304, 324, 325, cùng các lữ đoàn 203 xe tăng, 164 pháo mặt đất, 673 pháo cao xạ, 219 công binh. Cho đến nay, Quân đoàn 2 chưa bao giờ có không quân. Các tác giả khi viết bài có lẽ vì thấy Quân đoàn 2 và sân bay Kép cùng nằm trên huyện Lạng Giang, Bắc Giang nên đã lầm tưởng sân bay Kép thuộc đơn vị này chăng?

Thật ra sân bay Kép khi đó thuộc quyền quản lý của Quân chủng Phòng không - không quân, trực tiếp là trung đoàn không quân 923, còn gọi là đoàn Yên Thế, tên một địa danh nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang vì gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám chống Pháp đầu thế kỷ 20. Hiện sân bay này vẫn do Quân chủng Phòng không - không quân quản lý.

Liên quan đến các thông tin khác, xin nói thêm như sau: Không quân Việt Nam không trang bị máy bay chiến đấu Mig 23 và cũng chưa bắn rơi máy bay F111 nào, bởi đây là loại máy bay có khả năng bay rất thấp và được quân đội Mỹ sử dụng để tránh lưới lửa pháo cao xạ, tên lửa và không quân. Máy bay F111 chỉ bị bắn rơi bởi lực lượng phòng không tầm thấp. Hơn nữa, F111 chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn cuối cuộc chiến tranh phá hoại chứ không phải từ năm 1965.

(Lưu Quang Phổ - nguyên chiến sĩ Quân đoàn 2 từ năm 1983-1986. Thông tin liên quan đến Quân chủng Phòng không - không quân được tìm hiểu qua thiếu tướng Vũ Văn Tuấn, tham mưu trưởng, phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân)

Trả lời

Kính gửi tòa soạn TTCT, anh Lưu Quang Phổ:

Chúng tôi là Hà Ánh Dương - Văn Hải, tác giả bài viết “14 chiến binh Triều Tiên trên bầu trời Việt Nam”. Sau khi đọc ý kiến đóng góp, chúng tôi đã kiểm tra lại các thông tin và thấy trong bài viết có những chi tiết nhầm lẫn.

Quân đoàn 2 đã từng đặt đơn vị chỉ huy tại sân bay Kép, nhưng không huấn luyện các chiến sĩ Triều Tiên.

Việc không quân bắn rơi máy bay F4 của Mỹ là chính xác, còn bắn rơi được F111 là do các máy bay Mig 17 và Mig 19 của không quân Việt Nam đã lắp thêm một khẩu trọng pháo bên cạnh khẩu pháo 37 ly để làm tăng thêm hỏa lực. Do đó những chiếc Mig này đã khuấy đảo được những chiếc F111 của Mỹ trong năm 1972.

Ngày 10-8-2008

Kính gửi đồng chí phụ trách tòa soạn TTCT

Tôi là thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên chính ủy Bộ tư lệnh không quân trong thời gian có không quân Triều Tiên tham gia chiến đấu ở Việt Nam.

Sau ngày đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, được sự thỏa thuận giữa hai đảng và hai chính phủ, từ năm 1965 đến đầu 1969 phía Triều Tiên cử sang Việt Nam một đoàn không quân tổng cộng 87 người tham gia chiến đấu để rút kinh nghiệm. Mọi mặt bảo đảm và chỉ huy do ta phụ trách.

Bộ tư lệnh không quân giao cho trung đoàn không quân 923 quản lý và chỉ huy đoàn không quân Triều Tiên. Trung đoàn 923 đóng ở sân bay Kép. Lúc này chưa có Quân đoàn 2. Ngoài ra cũng không có chuyện phi công Triều Tiên không mang dù và tự khóa chân vào máy bay.

Sơ kết đợt chiến đấu từ 1966 đến đầu 1969, không quân ta bắn rơi 222 máy bay Mỹ, bắt sống 51 giặc lái, trong đó bạn Triều Tiên bắn rơi 26 chiếc. Ngoài 14 liệt sĩ hi sinh trên đất VN, một số bạn còn được nhà nước bạn tuyên dương Anh hùng.

Tôi gửi kèm tấm ảnh chụp kỷ niệm với đoàn bạn sau buổi trao đổi kinh nghiệm ngày 4-6-1968 tại sân bay Kép.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận