Vẫn hồi hộp chờ... người Thái?

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 14/08/2011 17:08 GMT+7

TTCT - Thị trường lúa gạo nước ta những ngày gần đây đã có những động thái bất ngờ trái với không ít dự đoán. Câu chuyện xuất khẩu gạo - một lần nữa thấy rõ - vẫn chưa nằm trong tay người Việt.

Vào đúng thời điểm nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ lúa hè thu, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đột ngột tuyên bố không thực hiện kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.

Trong bối cảnh sản lượng lúa hè thu tăng mạnh do cộng hưởng hai yếu tố (diện tích tăng đột biến 18,1% và năng suất cũng tăng), cũng là thời đoạn thời tiết không thuận lợi cho việc thu hoạch ở vựa lúa lớn nhất nước này, những lo ngại về việc giá lúa tụt dốc như từng diễn ra trước đây không phải không có cơ sở.

Vẫn là bài học dự báo?

Tuy nhiên, thực tiễn thị trường lúa gạo nước ta lại bác bỏ những lo ngại đó. Số liệu thống kê của VFA cho thấy giá lúa thường bình quân trong tháng 6 ở mức 5.731 đồng/kg, lúa dài ở mức 5.906 đồng/kg, trong tuần đầu tháng 7 đã nhích lên 5.825-6.025 đồng/kg, tuần sau đó tăng mạnh lên 6.150-6.300 đồng/kg và liên tục tăng lên 6.175-6.325 đồng/kg, 6.450-6.700 đồng/kg. Tuần đầu tháng 8 này đang đứng ở mức đỉnh 6.600-6.750 đồng/kg.

Với ước tính giá thành sản xuất 3.500 đồng/kg của các nhà quản lý, tỉ lệ lãi của nông dân hiện đã đạt đỉnh (47-47,8%). Không những vậy, do năng suất cũng tăng đột biến khoảng 8-10% như ở một số tỉnh đã hoàn tất thu hoạch, thu nhập của nông dân trồng lúa chắc chắn đã được nâng lên rất đáng kể.

Nhưng rất có thể phía sau niềm vui của nông dân lại là nỗi lo lắng của không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo nước ta.

Theo VFA, với 1,343 triệu tấn gạo xuất khẩu trong quý 3 này đã được ký hợp đồng từ tháng 6 trở về trước, tức là trong khoảng thời gian mà giá các loại gạo xuất khẩu còn thấp hơn khoảng 38-47 USD/tấn so với tuần lễ vừa qua (nếu là các hợp đồng được ký kết trong tháng 6), hay lên tới 45-65 USD/tấn (nếu là các hợp đồng được ký kết trong tháng 5), mà các DN không chuẩn bị đủ gạo để thực hiện ngay từ trước khi ký hợp đồng thì sẽ cầm chắc những khoản lỗ khổng lồ.

Với giá xuất khẩu “bèo” như vậy, việc giá lúa tăng mạnh và giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh như hiện nay chắc chắn sẽ khiến những DN đã lỡ ký hợp đồng như “ngồi trên đống lửa”.

Không thể phủ nhận khoảng cách về giá gạo xuất khẩu của các DN nước ta đã được thu hẹp rất nhiều so với các đồng nghiệp Thái Lan trong sáu tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã vượt qua mức đáy từ tuần lễ cuối tháng 5 và bắt đầu tăng hầu như liên tục từ đó đến nay (hai tuần gần đây giá gạo 5% tấm đạt 567 USD/tấn, gạo 25% tấm đạt 506 USD/tấn), giá của 642.000 tấn gạo xuất khẩu của nước ta trong tháng 6 hầu như vẫn giậm chân tại chỗ so với hai tháng 4 và 5 (468 USD/tấn so với 464 USD/tấn), còn giá của 707.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 7 cũng chỉ nhích lên 481 USD/tấn.

Điều này đủ cho thấy các DN xuất khẩu gạo VN lại tiếp tục “chậm chân” trước những biến động của giá gạo thế giới.

“Bí mật" trong tay người Thái?

Rất có thể việc các DN Thái Lan đi trước các DN Việt Nam một bước là do họ đã chủ động đẩy giá lên để “đón trước” lời hứa của Đảng Puea Thai - đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua - sẽ tăng giá mua lúa của nông dân nước này (từ 9.000 baht/tấn lên 15.000 baht/tấn), khiến giá gạo xuất khẩu của họ sẽ tăng vọt từ dưới 500 USD/tấn lên 850 USD/tấn.

Trong lúc ấy ở nước ta lại vẫn tràn ngập thông tin về triển vọng giá gạo thế giới sẽ giảm mạnh: Myanmar dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Ấn Độ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng và chúng ta lại sẽ được mùa.

Ở “phía đối lập” là sự “cộng hưởng” của các quốc gia xuất khẩu gạo còn lại. Trong đó, nổi bật là sự trở lại thị trường của Ấn Độ - “người khổng lồ” số 2 thế giới về sản xuất lúa với 1 triệu tấn gạo trắng giao cho các thương nhân xuất khẩu với giá sàn 400 USD/tấn, đương nhiên sẽ có tác dụng “làm mát” thị trường thế giới.

Tuy nhiên, với kho gạo dự trữ lớn gấp hơn hai lần so với nhu cầu của chính quốc gia này, nói như một vị chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, “1 triệu tấn không phải là quá lớn để có một tác động rất lớn ngay bây giờ, nhưng những gì chúng ta lo ngại là Ấn Độ sẽ cho phép 1 tấn hoặc 2 triệu tấn sau 1 triệu tấn này”.

Khả năng tiếp tục tăng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ còn bắt nguồn từ việc quốc gia này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vì lý do kho dự trữ đã quá đầy. Lúa mì của Ấn Độ khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nhưng gạo thì ngược lại.

Trong tình hình này, bên cạnh việc Myanmar cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo ít tháng trước đó, việc VN tăng mạnh sản lượng gạo trong vụ hè thu này cũng như trong vụ thu đông tới chắc chắn sẽ góp phần tăng đáng kể lượng cung trên thị trường thế giới. Tất cả những điều trên có nghĩa: sẽ có một cuộc cạnh tranh giành thị phần trên thị trường gạo thế giới giữa các quốc gia xuất khẩu với nhau. Liệu sự cạnh tranh này có tạo ra sức ép kéo giá thế giới xuống?

Với chất lượng cao, sự đa dạng về chủng loại mặt hàng và uy tín của mình, gạo Thái Lan chắc chắn sẽ vẫn giành phần thắng ở những thị trường coi chất lượng và khẩu vị là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thế nhưng đối với những thị trường bình dân hơn, đặc biệt là những thị trường có thu nhập thấp, giá thấp chính là “vũ khí” để các quốc gia xuất khẩu gạo khác cạnh tranh hữu hiệu với Thái Lan.

Đây chắc chắn là lý do khiến các nhà kinh doanh xuất khẩu gạo của Thái Lan “kêu trời” trước chính sách lúa gạo mới của Puea Thai và cảnh báo xuất khẩu của nước này sẽ “rơi tự do” 5 triệu tấn khi giá mua lúa của nông dân tăng vọt khiến giá gạo xuất khẩu cũng sẽ tăng tương ứng. Nếu neo giá xuất khẩu ở mức quá cao, chắc chắn các nhà xuất khẩu của Thái Lan sẽ bị thất thế trên thị trường thế giới.

Điểm mấu chốt hiện nay vẫn chưa thể biết là đến tháng 11 tới, giá lúa chính phủ mua của nông dân Thái Lan sẽ là bao nhiêu, sẽ hỗ trợ các DN xuất khẩu gạo của nước này như thế nào, tương ứng là giá gạo xuất khẩu sẽ được đẩy lên tới mức nào. Nhưng với lời hứa của Puea Thai, nhiều khả năng cả giá mua lúa của nông dân và giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tiếp tục tăng.

Và một khi kịch bản này diễn ra, các nhà xuất khẩu gạo của quốc gia khác sẽ không dại gì mà không nương theo giá của cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới này để hưởng lợi. Việc Bộ Lương thực, thực phẩm Ấn Độ vừa mới phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo cho các thương nhân với giá sàn 400 USD/tấn, nhưng hầu như ngay lập tức bộ tài chính nước này đã yêu cầu đẩy giá sàn lên 500 USD/tấn đủ cho thấy điều đó.

Do vậy chỉ có bám sát, phân tích đúng những diễn biến của thị trường lúa gạo thế giới để kịp thời điều chỉnh, không “chậm chân” mới giúp chúng ta gia tăng khối lượng gạo xuất khẩu và quan trọng không kém là xuất khẩu được giá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận