Vấn đề lương tối thiểu ở Việt Nam: Một tiếp cận khác

TTCT - Hội thảo mới đây của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bàn về mức lương tối thiểu tiếp tục cho thấy khoảng cách quá xa giữa lương và nhu cầu tối thiểu, song lại chưa có nhiều ý tưởng, giải pháp được gợi mở.

Cái vòng luẩn quẩn của lương tối thiểu gợi ý một cách tiếp cận khác về lương với tư cách là một công cụ của phát triển.

Việt Nam đã có bốn lần cải cách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Từ năm 1993, tiền lương tối thiểu bắt đầu được ấn định theo hướng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường nhưng vẫn ở mức thấp nên đã ảnh hưởng tới toàn bộ tiến trình điều chỉnh lương tối thiểu chung sau này. 

Theo đó, việc tăng lương tối thiểu được điều chỉnh theo hướng lấy nhu cầu tối thiểu của người lao động làm mục tiêu phấn đấu hơn là để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động trên thực tế. 

Từ năm 1993-2011 đã có 10 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Hai lần điều chỉnh đầu tiên (năm 1997 và 2000) chủ yếu để bù lạm phát (lương tối thiểu tăng 50% từ 1993-2000 và lạm phát tăng 53% cùng kỳ).

Chính sách lương tối thiểu và đời sống người lao động

Chính phủ quy định thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước. Từ năm 2002, các DN ngoài nhà nước được tự xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo các nguyên tắc hướng dẫn của Chính phủ (Bộ luật lao động, điều 57).

Với khung pháp lý này, thực hành về xây dựng thang lương, bảng lương có sự khác biệt lớn giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Việc khu vực ngoài nhà nước không “tính đúng tính đủ” tiền lương cho người lao động khá phổ biến. 

Trên thực tế, các DN FDI ép lương tối thiểu xuống sát mức Nhà nước quy định trong khi lao động phải làm cường độ cao, thêm giờ nhưng không được trả lương thỏa đáng. Điều này giải thích vì sao lương của lao động nữ và lao động ngoại tỉnh thường thấp hơn so với nam và lao động địa phương (lần lượt chỉ bằng 82% và 75%).

Ngoài việc có xu hướng áp dụng mức lương tối thiểu vùng thấp nhất, các DN tư nhân và FDI chia nhỏ thang lương, trả lương cho lao động kỹ thuật bằng hoặc cao hơn một chút so với lương tối thiểu, tăng các phụ cấp và các khoản trả có tính chất lương khác để cắt giảm các khoản trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Đây chính là điều mà ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, cho là “cướp đoạt lợi ích bảo hiểm xã hội của người lao động” cũng như có thể trừ lương người lao động một cách dễ dàng mà không phạm luật.

Năm 2005, so với DN FDI ở một số nước trong khu vực có cùng điều kiện, tiền lương bình quân của DN FDI ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 50%. Trong khi đó, lợi nhuận thu được từ một đồng tiền lương ở khu vực FDI năm 2005 là siêu lợi nhuận (bằng 2,24 so với 0,88 ở khu vực nhà nước và 0,24 ở khu vực tư nhân).

Hiện tại, với những người sống bằng lương tối thiểu thì đó là cuộc sống chật vật, nằm trong hoặc hơn chút xíu nhóm có chi tiêu thấp nhất cho cuộc sống. 

Nói cách khác, họ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Từ năm 2008, mức lương tối thiểu tăng nhưng vẫn tăng chậm hơn so với mức tăng chi tiêu của nhóm nghèo nhất, nghĩa là người lao động sống bằng lương tối thiểu ngày càng nghèo hơn.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn từ cuối năm 2010 do những cơn “bão giá” xăng và điện kéo theo tăng giá một loạt hàng hóa tiêu dùng thông thường khác. Đối với người lao động, để sống được, cách phổ thông nhất là làm thêm giờ (tới mức còn có thể chịu được) và hạn chế chi tiêu đến mức thấp nhất có thể.

Giải pháp của người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp là xoay xở làm thêm việc khác. Đó từng là lối thoát phổ biến của nhiều người một thời khó khăn cách đây mấy chục năm, giờ lặp lại. Đây phải chăng là cái giá của sự phát triển?

Vấn đề ở đây là cần có một tương quan công bằng hơn giữa lợi nhuận DN với thu nhập của người lao động nhìn từ hai phía: lương và các khoản khác có tính chất lương của người lao động với tư cách là chi phí sản xuất kinh doanh và thưởng cùng với các lợi ích khác với tư cách là phân phối lại lợi nhuận DN.

Đồng thời cần có một tương quan công bằng hơn giữa các công ty xuyên quốc gia với các nhà thầu phụ trong nước, nơi mà cuộc chạy đua xuống đáy nhằm giành giật đơn đặt hàng trong hệ thống cung ứng toàn cầu trở thành một kiểu thực hành phổ biến và cuối cùng người lao động phải hứng chịu tất cả hệ lụy của nó như lương thấp, điều kiện lao động tồi tệ, việc làm bấp bênh.

Tương quan đó hoàn toàn có thể cải thiện tốt hơn nếu nhìn vào lợi nhuận DN, nhất là DN FDI, vẫn rất cao so với lương người lao động ngay cả vào năm 2008, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới.

Ngoài việc “tự cứu mình trước khi trời cứu” của bản thân người lao động, Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc điều chỉnh quan hệ này qua chính sách lương tối thiểu. Tiếc là dường như các bước điều chỉnh lương tối thiểu đã tỏ ra quá thận trọng với những nỗi lo như quá khả năng chi trả của DN, quá khả năng ngân sách, quá khả năng phát triển nền kinh tế, ảnh hưởng tới việc làm, đẩy lạm phát... 

Cho nên vẫn có câu chuyện lương tối thiểu cứ lẽo đẽo đi theo tiền công tối thiểu thực tế trên thị trường, gây vô vàn khó khăn cho đời sống người lao động.

Đã đến lúc Chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn trong các chính sách lương tối thiểu, theo đó phương pháp ấn định mức lương tối thiểu dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động phải được áp dụng như là phương pháp chủ yếu trong hoạch định chính sách tiền lương chứ không còn là xu hướng để áp dụng từng bước như hiện nay nữa.

Đồng thời, mức sống tối thiểu của người lao động cần được tính sát hơn và phản ánh được sự thay đổi trong tiêu dùng dân cư thường xuyên hơn (cách tính cũ xem xét theo từng giai đoạn 10 năm là quá dài). Ngoài tăng nhanh hơn mức lương tối thiểu, việc cải tiến và hiệu lực hóa thang lương, bảng lương là một đòi hỏi cấp thiết.

Đối với người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp, sự phụ thuộc của lương tối thiểu chung vào ngân sách nhà nước được coi là rào cản chính để mức lương tối thiểu chung bị ấn định quá thấp. 

Theo báo cáo 2009 cập nhật về lương tối thiểu của ILO, mức lương tối thiểu trung bình của các nước đang phát triển là 76-68% (2002-2007) so với GDP bình quân đầu người.

Cũng theo báo cáo này, các nước có lương tối thiểu cao hơn làm giảm được sự bất bình đẳng trong một nửa lực lượng lao động có lương thấp hơn.

Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu chung từ năm 2007 luôn ở dưới mức 40% so với GDP bình quân đầu người (chỉ bằng 40% trong hai năm 2007 và 2009). 

Chỉ có thể thay đổi được điều này khi cách tính lương tối thiểu chung được thay đổi hoàn toàn về phương pháp, không còn là cơ sở để nhân hệ số, để tính một loạt loại phụ cấp phức tạp cũng như cơ sở để tính các chế độ an sinh xã hội nữa.

Các DN tư nhân trong nước và FDI ngoài việc không khai báo hết số lượng lao động còn chỉ dùng một phần nhỏ trong lương làm cơ sở tính toán mức đóng góp bảo hiểm. Theo bà Nguyễn Thị Dân - trưởng phòng lao động tiền lương - tiền công (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), đây là sự “băm nhuyễn tiền lương dẫn đến phần lương chính thường trả thấp hơn phần lương phụ, trong khi đóng BHXH dựa trên mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng (chỉ có phần chính)”.

Trong năm 2005, con số thực tế chi trả bảo hiểm cho người lao động của các DN chỉ nằm trong khoảng từ 1/3 đến một nửa mức phải đóng gồm 17% tổng số chi tiền lương.

Hậu quả là gì? Nhiều người đang hưởng lương hưu phải sống nghèo khổ. Ít nhất 9,4 triệu người đang đóng bảo hiểm xã hội (chiếm 18% lực lượng lao động năm 2009) sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu. Trong số họ, những người lao động nghèo sẽ trở thành nhóm người về hưu cực nghèo, và như thế sẽ tham gia vào các nhóm bảo trợ xã hội trong tương lai. 

Cần tinh thần cải cách dũng cảm

Báo cáo lương toàn cầu 2008-2009 của ILO cho thấy tăng lương tối thiểu thường bị coi là làm giá tăng theo, nhưng trên thực tế ảnh hưởng này là rất nhỏ, nhất là ở những nước có lương tối thiểu thấp. Do đó Nhà nước tăng mạnh lương tối thiểu trong thời gian tới là giải pháp hoàn toàn có tính khả thi.

Tuy nhiên, làm sao để xóa rào cản về cơ chế thang lương, bảng lương vừa phức tạp trong khu vực nhà nước, vừa lỏng lẻo trong khu vực ngoài nhà nước đòi hỏi một tinh thần cải cách dũng cảm. Tăng lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp cân bằng với tăng lương tối thiểu khu vực DN đòi hỏi cải cách toàn bộ hệ thống lương đang sử dụng mức lương tối thiểu chung hiện tại.

Đề án định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020 vẫn đề xuất tách biệt mức lương tối thiểu khu vực này với khu vực DN. Sẽ không logic khi tách mức sống tối thiểu của người lao động ở khu vực DN với khu vực hưởng lương ngân sách.

Câu hỏi là liệu có thể không tách biệt mà vẫn tạo được sự khác biệt thông qua các cơ chế đặc thù khác (như phụ cấp) hay không? Hay nói cách khác, cần hướng tới thống nhất mức lương tối thiểu trong khu vực này với các mức lương tối thiểu khác (như đã làm với DN tư nhân và DN FDI). Chỉ có như vậy mới giảm được bất bình đẳng giữa các nhóm lao động hưởng lương tối thiểu.

 Thế nào là một “mức lương đủ sống”?

Trên thế giới có một cách hiểu khá thống nhất: một mức lương đủ sống phải đảm bảo đủ để mua một giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm cần thiết và một giỏ hàng hóa phi lương thực thực phẩm (cho mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đi lại, hỗ trợ bố mẹ già, quan hệ xã hội, một khoản tiết kiệm nhỏ...) đủ để người lao động và gia đình họ có một cuộc sống tử tế, cho phép họ có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và cải thiện cuộc sống.

Mức lương đó không đứng yên mà vận động theo khả năng thương lượng tập thể của người lao động với chủ sử dụng lao động, theo trượt giá sinh hoạt, theo mức sống dân cư và sự phát triển kinh tế. Mức lương đó phải được hỗ trợ bằng các phúc lợi khác và các lợi ích an sinh xã hội. Khi người lao động phải làm thêm giờ để nuôi sống gia đình, hay cho con đi học, hay trợ cấp bố mẹ già thì đó không phải là đồng lương đủ sống.

Khi người lao động phải cắt giảm chi tiêu tối thiểu vì giá cả sinh hoạt tăng lên mà đồng lương không theo kịp thì đó không thể gọi là đồng lương đủ sống. Khi người lao động không tiết kiệm nổi cho các khoản chi tiêu đột xuất thì đó cũng không thể gọi là đồng lương đủ sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận