Văn chương Đức: Truyện ngắn "Tư pháp"

FERDINAND VON SCHIRACH 05/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Khác với những ký sự pháp đình thông thường, tài năng và đức độ của Ferdinand von Schirach cho người đọc thấy – cho dù các hành vi phạm tội thoạt tiên hiện ra ghê rợn đến đâu – con người vẫn là con người.

 
 Bức tranh The Hooded Cripple của họa sĩ Pháp Jacques Callot (1592-1635)

 Tòa án hình sự nằm ở quận Moabit của Berlin, một vùng xám xịt, chẳng ai biết cái tên ấy từ đâu ra, âm hưởng slav của nó gợi nhớ đến từ “moor”, tức đầm lầy. Đây là tòa án hình sự lớn nhất châu Âu. Tòa nhà có mười hai cụm và mười bảy cầu thang. Ở đây có 1.500 nhân viên làm việc, trong đó 270 thẩm phán và 350 công tố viên. Mỗi ngày diễn ra chừng 300 phiên xét xử. Đám 1.300 tù nhân tạm giam đến từ 80 quốc gia khác nhau, hằng ngày trên 1.000 khách, nhân chứng và các thành phần tham gia tố tụng tới đây. Năm này qua năm khác khoảng 60.000 vụ hình sự được xử lý. Đó là số liệu thống kê.

Người đưa Turan vào là một nữ công chức. Bà nói, gã là “một kẻ đáng thương”. Gã chống hai nạng vào phòng tiếp khách, chân phải kéo lê. Trông như một kẻ ăn xin ở khu đi bộ. Bàn chân trái quặt vào trong. Turan bốn mốt tuổi, một hình nhân lép kẹp, da bọc xương, mặt hóp vào, răng vài chiếc, râu không cạo, quặt quẹo. Muốn đưa tay cho tôi, gã phải tựa một nạng vào bụng và đứng lẩy bẩy. Turan ngồi xuống và tìm cách thuật lại câu chuyện của mình. Gã đang chịu phạt tù, lệnh phạt (*) đã có hiệu lực thi hành từ lâu. Với con chó pitbull của mình, gã đã tấn công một người đàn ông. Gã “đấm và đá người đó một trận tơi tả”. Turban nói, gã vô tội. Gã chùng chình khá lâu mới trả lời được, và gã nói dài. Tôi không hiểu hết những gì gã giải thích, song gã không việc gì phải giải thích nhiều: gã đi không vững, bất kỳ con chó nào cũng có thể quật ngã gã. Khi tôi định ra về, gã đột nhiên nắm chặt tay tôi, cái nạng đổ kềnh. Gã nói, gã không phải là người xấu.

Mấy hôm sau hồ sơ từ cơ quan công tố gửi đến. Mỏng dính, chưa đầy năm mươi trang: Horst Kowski, bốn hai tuổi, đi dạo ở Neukölln. Đó là một quận thuộc Berlin mà các trường học phải thuê vệ sĩ tư nhân, trường cấp I có đến 80% ngoại kiều, một nửa sống bằng tiền trợ cấp xã hội. Horst Kowki dắt con chó chồn của mình. Con chó chồn chành chọe với một con pitbull và chủ của con pitbull nổi đóa, hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, tay kia đánh gục Kowski.

Kowski về đến nhà và thấy mồm chảy máu. Mũi ông bị gãy, áo sơmi rách toạc. Vợ ông băng bó cho ông. Bà nói, bà biết “thằng cha có con pitbull”, hắn tên là Tarun. Hắn là khách ruột của hiệu tắm nắng nhân tạo, nơi bà làm việc. Bà mò trong máy tính của cửa hiệu, tìm được thẻ điểm thưởng của Tarun và địa chỉ của hắn: số 52 phố Kolbe. Hai vợ chồng đến đồn cảnh sát. Kowski nộp mảnh giấy in từ máy tính. Trong danh sách đăng ký của thành phố không có tên Tarun, nhân viên đăng ký không ngạc nhiên, ở Neukölln ít ai coi trọng nghĩa vụ đăng ký nhân khẩu.

Ngày hôm sau một cảnh sát đi tuần đến nhà số 52 phố Kolbe và tìm không thấy Tarun nào trong số 184 nút chuông. Tuy nhiên có một nút mang tên “Turan”. Viên cảnh sát hỏi lại ở phòng hộ khẩu bang, quả thật có một Harkan Turan đăng ký hộ khẩu tại số nhà 52 phố Kolbe. Anh ta cho rằng người ta viết lộn chữ cái, thực tế phải là “Turan” chứ không phải “Tarun”. Anh bấm chuông. Khi không thấy ai mở, anh để một giấy triệu tập Turan vào hòm thư.

Turan không đến cảnh sát, cũng không giải thích hay xin lỗi. Sau bốn tuần viên cảnh sát gửi hồ sơ đến cơ quan công tố. Công tố viên xin phát lệnh phạt và một thẩm phán hạ chữ ký. “Nếu không phải người đó, họ sẽ đến giải trình”, viên thẩm phán nghĩ bụng.

Khi Turan nhận được lệnh phạt, lẽ ra gã đã có thể thay đổi mọi chuyện. Lẽ ra gã chỉ cần viết một dòng cho cơ quan tư pháp. Sau hai tuần, lệnh phạt có hiệu lực thi hành. Bộ phận thi hành án gửi giấy phạt, gã phải trả tiền. Tất nhiên gã không trả, mà gã cũng chẳng có tiền. Phạt tiền biến thành phạt tù. Trại giam viết, gã phải trình diện trong vòng mười bốn ngày. Turan quẳng lá thư vào sọt rác. Ba tuần sau, gã bị hai cảnh sát đến đón đi lúc tám giờ sáng. Từ hôm đó gã ngồi tù. Turan nói: “Không phải tôi. Người Đức chu đáo lắm, họ phải biết chứ”.

Turan bị tật bẩm sinh, đã được phẫu thuật nhiều lần. Tôi viết thư cho bác sĩ của gã và đưa bệnh án cho một giám định viên. Người này nói, Turan không thể đánh được ai. Các bạn của Turan đến văn phòng luật sư. Họ kể là Turan sợ chó, tất nhiên gã chưa bao giờ nuôi chó. Thậm chí một người trong số họ đến cùng một con pitbull. Tôi đệ đơn xin tái thẩm. Turan được thả. Sau ba tháng tòa mở phiên xử. Kowski nói, ông chưa nhìn thấy Turan bao giờ.

Theo luật Turan có quyền đòi tiền từ ngân sách nhà nước, mỗi ngày mười một euro cho thời gian ngồi tù. Đơn phải nộp trong vòng sáu tháng. Turan không nhận được tiền. Gã quên thời hạn.■

Lê Quang (dịch)

(*) Lệnh phạt là dạng xử nhanh qua trát, không phải ra tòa, vốn dành cho các tội lặt vặt và nhằm tiết kiệm thời gian. Nếu người nhận lệnh phạt không đồng ý thì phải phản đối trong thời hạn nhất định, khi đó tòa mới mở phiên xử (chú thích của người dịch).

Ferdinand von Schirach, Đức

sinh năm 1964 ở Munich, là một luật sư hình sự viết văn, kịch bản phim và sân khấu, nổi tiếng từ khi đại diện pháp lý cho một nhân viên tình báo Tây Đức, một ủy viên Bộ chính trị và lính biên phòng Đông Đức từng bắn vào người vượt Tường Berlin. 

Ở tuổi 45 ông mới bước vào địa hạt văn chương và ngay lập tức được coi là “một may mắn lớn của giới cầm bút ở Đức” (FOCUS) với kiến thức và kinh nghiệm sống vượt lên khỏi những gì câu chữ có thể thể hiện. Tờ SPIEGEL gọi ông là “người kể chuyện có tầm vóc cao cả”. DAILY TELEGRAPH khâm phục ông như “một trong những giọng văn sắc sảo nhất của văn học châu Âu”. INDEPENDENT không ngần ngại nhìn thấy trong giọng kể của von Schrach “bóng dáng của Kleist và Kafka”. Đọc nhiều tác phẩm của ông, ta sẽ thấy một nét hiếm hoi của các nhà văn đương đại: von Schirach không có một chút nào cái Tôi ái kỷ vô độ vốn làm cho nhiều cuốn sách trở nên vô hồn. 

Truyện ngắn trên thể hiện một góc rất nhỏ trong gia tài văn chương lớn của ông:  ghi chép từ những vụ bào chữa mà văn phòng luật Ferdinand von Schirach đảm nhận. Khác với những ký sự pháp đình thông thường, tài năng và đức độ của ông cho người đọc thấy – cho dù các hành vi phạm tội thoạt tiên hiện ra ghê rợn đến đâu – con người vẫn là con người, như tờ LIBÉRATION nhận xét.  

Tác phẩm của Ferdinand von Schirach cho đến nay đã được dịch sang 40 ngôn ngữ.   

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận