Và TIKI 30 đã tung cánh buồm

ĐỖ THÁI BÌNH 11/05/2017 02:05 GMT+7

TTCT - Khi nhìn thấy chiếc ghe nang Đà Nẵng, Pierre Paris không khỏi ngạc nhiên liên tưởng tới những người dân của 1.000 hòn đảo Nam Thái Bình Dương, những người Polynesie vốn là chủ nhân của những chiếc thuyền có gắn thêm một thanh xà hay một phao bên.

Chiếc Tiki 30
Chiếc Tiki 30. ảnh Lê Phạm Minh Quân

Vấn đề của người đi biển là con thuyền mỏng manh dễ bị lật trước sóng gió, ngôn ngữ kỹ thuật gọi là mất ổn định. Bằng cách tăng thêm một thân thuyền nữa ghép sóng đôi, chiều rộng thuyền được mở rộng ra, con thuyền đạt được độ ổn định rất tốt.

Ghe nang của ta có một phao bên đơn giản hơn, và khi có sóng gió to, người ta trèo ra, níu dây căng chống lật cho thuyền.

Con thuyền hai thân được gọi là catamaran đọc trại đi từ kattumaram - tên mà người Polynesie đặt tên cho loại thuyền độc đáo của mình (nghĩa là “hai thanh gỗ buộc lại với nhau”).

Bây giờ thì tàu hai thân tức catamaran chẳng còn xa lạ gì với chúng ta: Từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, các bạn có dịp cảm nhận tốc độ và tiện nghi trên con tàu hai thân của Hãng Greenlines do chính chúng ta thiết kế và chế tạo.

Ghe nang, ký họa của P. Paris
Ghe nang, ký họa của P. Paris

 Người mê mải với catamaran

Có một người chẳng học hành gì về tàu thuyền nhưng say mê những chiếc thuyền catamaran của thổ dân Polynesie, nên sau đó đã hiến dâng cả đời mình cho những con thuyền này, đó là James Wharram, người vùng Manchester nước Anh.

Sau khi đọc những trang sách mô tả khả năng đi biển tuyệt vời của catamaran, Wharram đã làm một chiếc vượt Đại Tây Dương cùng hai người bạn gái. Anh khởi hành từ miền Nam nước Anh, vượt Đại Tây Dương tới quần đảo Trinidad chỉ bằng chiếc thuyền hai thân thô sơ.

Ba năm sau, vào năm 1959, Wharram lại vượt Đại Tây Dương bằng thuyền hai thân, nhưng lần này đi từ tây sang đông, tức là từ New York (Mỹ) tới Ireland.

Những chuyến đi đó được tác giả mô tả trong cuốn hồi ký hành trình có tựa đề Hai con thuyền, hai cô gái. Một trong hai cô gái cùng đi có tên là Ruth, sinh trưởng trong một gia đình gắn với biển cả, sau này trở thành vợ của Wharram.

Cả hai cùng say mê phát triển thuyền hai thân cho tới khi Ruth nhắm mắt vào năm 2013 ở tuổi 92. Không có con, cặp James và Ruth dành cả đời cho biển cả và những con thuyền cùng các bạn say mê biển cả với mình.

Năm 2008, ở tuổi 83, James Wharram tổ chức một chuyến đi mang tên Lapita cùng một phụ nữ tên là Hanneke Boon.

Nếu chuyến đi của mảng Sầm Sơn vào năm 1993 nhằm chứng minh giả thuyết người châu Á đã từng vượt Thái Bình Dương từ thời tiền sử như một cuộc khảo cổ thực nghiệm nhằm giải thích một số tương đồng văn hóa giữa hai bờ đại dương, thì chuyến đi Lapita từ Philippines vượt biển tới quần đảo Solomons nhằm chứng tỏ những người thổ dân Polynesie đã từng vượt hàng nghìn hải lý trên biển từ những ngày xa xưa chỉ bằng chiếc thuyền thô sơ dưới sự chỉ dẫn của bầu trời sao và những hiểu biết về biển cả.

Cho nên, không có gì là quá đáng khi toàn thế giới suy tôn James Wharram là “cha đẻ” của những chiếc thuyền catamaran thời hiện đại.

Tới nay, ở vào tuổi 92, đã có một vạn bản vẽ các kiểu thuyền do ông và Hanneke phát hành và hàng nghìn chiếc “Wharram Cat” (từ “cat” viết tắt của catamaran, tức thuyền hai thân, cũng có nghĩa là con mèo) được chế tạo và nằm đầy trên các bãi biển toàn cầu.

Trong số những loại thuyền đó, có loại James đặt tên là Tiki - tên một vị thần biển cả mà người Maori, tổ tiên Polynesie thường thờ cúng. Đi kèm tên thần là chiều dài thuyền tính bằng feet (0,3m). Tiki 38 là thuyền hai thân dài 38 feet, tức là 11,60m.

Anh Lưu Vi
Anh Lưu Vi

 Từ chuyến đi trên thuyền Tiki 38

Tại TP.HCM, từ lâu đã có nhiều người yêu thích môn thuyền buồm, một môn thể thao tích cực, góp phần nâng cao tinh thần biển của dân tộc.

Từ những năm 1990, Lê Văn Tải đem những kinh nghiệm sông nước, buồm cánh dơi miền Bắc phổ biến cho các bạn trẻ bằng các thuyền thô sơ tự chế; trong khi Trần Trung Nghĩa - một công dân TP.HCM - tiếp tục thiết kế và phổ biến các con thuyền mà mình học tập được qua bưu điện từ trường Chapman (Mỹ).

Kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu xã hội ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều nhóm chơi kayak - ván buồm tại vịnh Hạ Long, Vũng Tàu. Chị Julia Shaw, người Anh, giám đốc Trung tâm huấn luyện thuyền buồm Manta (Manta Sail Training Center), đã đầu tư cả một trường dạy về thuyền buồm tại Mũi Né (Bình Thuận).

Vào một ngày đầu hè cách đây một năm, có năm anh em cùng đam mê thuyền buồm, từ nhiều ngả về gặp nhau: người từ miền Bắc trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn, người đã tạm biệt Sài Gòn vào ngày 29-4-1975 rồi quay trở lại đất nước để làm ăn sinh sống, người quê miệt vườn miền Tây, người Đà Nẵng, tất cả gặp nhau bởi niềm yêu thích những cánh buồm.

Cả năm người quyết định sang Thái Lan, thuê thuyền Tiki 38 làm một chuyến thực nghiệm. Sau khi trở về, dù tiếp tục với công việc mưu sinh hằng ngày, họ vẫn giữ thú chơi thuyền buồm.

Anh Lưu Vi - một người trong nhóm - đã đi tới một quyết định táo bạo: tại sao toàn thế giới dùng bản vẽ của ông Wharram rồi tự đóng những chiếc thuyền hai thân Tiki có khả năng vượt đại dương mà người Việt Nam không làm được?

Nói là làm, anh Vi mua những bản vẽ chính của chiếc Tiki 30 từ trang web của Wharram rồi tự đóng tại xưởng thuyền của anh Minh tại Vũng Tàu. Quá trình đóng chiếc thuyền hai thân này cũng là một quá trình tập hợp thêm nhiều người yêu thích nghiệp đi biển. Ngày 22-4 vừa qua, con thuyền đã hoàn tất, mang tên Veronica.

Đó là chiếc thuyền hai thân dài 30 feet, tức 9,15m, chạy bằng hai cánh buồm với tổng diện tích 35,8m2, có một chiếc máy nhỏ, loại treo sau đuôi thuyền để hỗ trợ việc cập cầu khi không có gió. Thuyền có hai buồng ngủ, tất cả làm bằng composite (ván ép bọc sợi thủy tinh và keo nhựa).

Bộ phận quan trọng là cánh buồm, động lực của thuyền được mua trọn bộ từ Hãng Jeckel (Anh) - một hãng buồm có tuổi đời 185 năm. Để vượt đại dương, thuyền trang bị tất cả các thiết bị điện tử cần thiết như hải đồ điện tử, máy phát sóng liên lạc, máy báo sự cố...

Các thiết bị được “nuôi” bằng hai tấm pin mặt trời đặt hai bên thân thuyền. Ngày vui đặt tên thuyền, có cả các ông chủ của nhiều marina (tức là các bến du thuyền đang hình thành dọc theo đất nước), các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp thiết bị, dụng cụ hàng hải, nhưng đông nhất là những người mê thuyền buồm.

Chơi thuyền buồm khá tốn kém nhưng nếu yêu thích, ta vẫn có thể vượt qua những khó khăn về tiền bạc nếu thật sự say mê học hỏi.

Nhà nước đang đầu tư cho trung tâm huấn luyện thuyền buồm để cử đại diện tham gia cuộc thi Olympic tương lai tại Đà Nẵng. Hải quân Việt Nam đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua chiếc tàu buồm Lê Quý Đôn nhằm huấn luyện cho sinh viên.

Những cánh buồm tự chế như Tiki 30 của Việt Nam, tuy nhỏ bé hơn nhưng cũng sẽ không kém gì trong việc truyền cho những người thiết kế tàu, những người đi biển tương lai niềm say mê, lòng quyết tâm góp phần giữ gìn biển cả mà tiền nhân đã tốn bao xương máu để bảo vệ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận