![]() |
Bora Lim (trái) và NSND Lê Khanh - Ảnh: Hà Nguyên |
Tháng 7-2004, đảo Jeju (Hàn Quốc)
- Lần đầu tiên tôi biết đến VN là năm 1996 khi theo mẹ sang công tác tại TP.HCM. Với chuyến đi dài ngày của mẹ, tôi phải chia tay các bạn lớp 11 ở Seoul để vào học tiếng Việt ở Trung tâm Đông Nam Á (TP.HCM). Năm học mới, do thầy cô giáo VN khuyên nên tôi phải học lại lớp 10 tại một trường THPT.
Vài tháng sau, sau những đợt học ngày học đêm, trả bài tốt, tôi được xét thẳng vào lớp 11. Chính trong năm tháng ấy tôi đã hiểu được rất nhiều về người VN, dù đôi khi đó chỉ là câu chuyện học trò.
Một lần, trong thời gian tôi về Hàn Quôc thăm bố, thầy giáo cho cả lớp một bài tập khá khó. Đến khi trả bài, thầy hỏi lớp có mấy Bora Lim! Lúc ấy mọi người mới biết có đến 10 bạn làm và nộp bài hộ tôi. Lần khác, vào ngày thứ hai đầu tuần phải mặc áo dài, tôi đến muộn nên phải chạy thật nhanh trước khi cổng trường đóng.
Chẳng may chân vấp vào vạt áo và thế là không chỉ ngã đau mà tất cả khuy áo dài đều bị bung ra. Chính vào giây phút ấy các bạn lớp khác xếp hàng gần đấy đã nhanh chóng đứng quây quanh, che cho tôi dù chúng tôi chưa hề quen nhau...
* Những kỷ niệm đẹp thuở học trò ấy đã đưa Bora đến với việc nghiên cứu tiếng Việt?
- Từ những ngày trong sáng đó tôi tâm niệm rằng sau này mình sẽ cố gắng làm một điều gì đó để những người HQ ở VN và những người VN ở HQ hiểu nhau hơn. Ở Seoul, tôi vẫn thường xuyên đi chơi với các anh chị lao động VN. Đa số họ do gia đình gặp khó khăn nên phải chấp nhận làm những công việc nặng nhọc.
Tôi không giúp được họ về tài chính nhưng thường xuyên trò chuyện, tâm sự hoặc đưa họ đi mua sắm vào những ngày nghỉ. Có lẽ việc đó cũng phần nào làm họ khuây khỏa nỗi nhớ quê hương – tình cảm mà tôi thường gặp và thường nhận được sự an ủi, chia sẻ từ những người bạn VN trong sáu năm sống ở TP.HCM.
* Lần đầu tiên Bora đi dịch chính thức là năm lớp 12, cho một đoàn thương gia HQ sang TP.HCM; lúc đó Bora mới chỉ học tiếng Việt được một năm và cũng còn quá trẻ. Đó là sự liều lĩnh chăng?
- Cũng có thể gọi là liều lĩnh nhưng đúng hơn tôi muốn thử sức mình, thử xem liệu mình có làm được điều mình hằng tâm niệm không. Ở lần hành nghề đầu tiên này tôi đã dịch từ “nhựa” thành “nhôm”, tất nhiên sau đó phải xin lỗi cả hai bên. Lỗi này khiến tôi phải tự răn mình học tiếng Việt tốt hơn. Sau này khi đỗ thủ khoa kỳ thi dành cho người nước ngoài vào khoa ngữ văn - báo chí (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) tôi vẫn thầm cảm ơn hai từ “nhựa” và “nhôm” đó.
Nhưng cũng từ đó tôi ngộ ra rằng nếu chỉ hiểu tình cảm và biết về con chữ không thì chưa ổn cho việc thực hiện ước mơ thiết lập tình bạn thân thiết giữa người Hàn và người Việt. Cái quan trọng là nền văn hóa. Tiếc rằng cho tới bây giờ tôi vẫn chưa đủ tự tin để nói “mình biết về văn hóa Việt”. Hi vọng sau hai năm học tiến sĩ ở Hà Nội tôi sẽ có thể nói như vậy.
* Nhưng Bora đã rất thích bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và nhà thơ tình Xuân Diệu?
- Tôi rất thích bài Mời trầu của Hồ Xuân Hương. Thơ bà cho tôi hiểu về thân phận người phụ nữ VN thời phong kiến và cũng là nơi để tôi biết các lễ giáo cơ bản thời đó. Còn Xuân Diệu đem lại cho tôi những giấc mơ tình yêu. Cách chơi chữ và tình cảm trong thơ họ giúp tôi khám phá những tâm hồn rất Việt. Tôi cũng tìm thấy sự tinh tế của người Việt từ những quyển sách chuyên ngành ngôn ngữ của các thầy Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Lê Quang Thiêm.
Hà Nội tháng 10-2004
Bora Lim đến Hà Nội, chính thức trở thành nghiên cứu sinh khoa ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội). Đường tới ước mơ trở thành cầu nối giữa hai đất nước HQ – VN của Bora đang dần ngắn lại. Mới đến, chưa kịp biết “mùi” Hà Nội, Bora đã đi dịch ngay cho đoàn công đoàn ngân hàng HQ sang làm việc với công đoàn ngân hàng VN.
* Ham hành nghề như thế thì tiền để đâu cho hết?
- (Cười) Phải tăng cường hành nghề lấy kinh nghiệm mới mong hoàn thành tốt luận án tiến sĩ. Khi còn học đại học ở TP.HCM tôi đã đi làm thêm rất nhiều. Ngoài dịch cho các đoàn HQ, tôi nhận dạy kèm môn tiếng Hàn cho người Việt và tiếng Việt, tiếng Anh, môn toán cho con của những người HQ sang VN công tác.
Ngày ấy, do đặc thù công việc của mẹ nên mọi chi tiêu trong gia đình trông chờ vào tiền tôi kiếm thêm. Ngoài ra công việc gia sư đem lại cho tôi khá nhiều điều thực tiễn khi sử dụng tiếng Việt.
Những thắc mắc của người học về cách sử dụng tiếng Việt và tiếng Hàn khiến Bora trăn trở rất nhiều. Đến nay đã có một số công trình đối chiếu từ gốc Hàn của tiếng Hàn và tiếng Việt, nhưng lại chưa đề cập đến vấn đề những từ gốc Hán trong hai ngôn ngữ đôi lúc gây trở ngại cho người Hàn học tiếng Việt hoặc người Việt học tiếng Hàn.
Đấy là lý do Bora chọn đề tài “So sánh, đối chiếu các cặp từ đồng dạng phối cảnh của tiếng Việt và tiếng Hàn” để bảo vệ bằng thạc sĩ tại Trường đại học Ngoại ngữ Seoul vào tháng 8-2004.
* Đề tài này khá phức tạp mà đạt tới 96,30/100 điểm thì đúng như những người trong ngành đã nói: muốn hoàn thành tốt, ngoài sự hiểu biết về ngôn ngữ thứ hai còn phải thật sự có niềm đam mê...
- Tôi muốn nói một cách giản dị hơn rằng đề tài thạc sĩ chính là một phần trong ước mơ lớn của tôi. Trước khi viết nó tôi đã thật sự bị cuốn hút bởi con người VN và phong cách sống của họ, đặc biệt là tinh thần lạc quan. Dù ở hoàn cảnh nào, người Việt vẫn sống vui vẻ và sẵn sàng chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh.
Khi đang học cao học ở HQ, Bora từng dịch cho khá nhiều đoàn cấp cao của VN. Trong đó, Bora nhớ nhất lần đi dịch cho đoàn của bà Cù Thị Hậu, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, vào tháng 2-2003; những buổi gặp gỡ của đoàn với các nhà báo HQ để có được sự ủng hộ việc bảo vệ quyền lợi của người lao động nước ngoài tại HQ nói chung và người VN tại HQ nói riêng.
Trong lần đưa Bora đi mua điện thoại di động ở Hà Nội, tôi hỏi sao không mua máy của một hãng nổi tiếng xứ cô, Bora cho biết đã từng đi dịch cho hãng đó và thấy họ vắt kiệt sức người lao động, đồng thời trong các hợp đồng sản xuất có nhiều vấn đề nên cô không muốn dùng sản phẩm của họ.
* Đề tài tiến sĩ “Nghiên cứu đối chiếu ngữ nghĩa của một số nhóm từ Hán - Việt và Hán - Hàn, ứng dụng cho dịch thuật” của Bora là vấn đề chưa ai làm, lại phải thực hiện khi xa nhà, liệu có quá sức không?
- Về ngữ nghĩa và dịch thuật thì đúng là chưa có ai làm nhưng đây là đề tài mở rộng để có chiều sâu của sự đối chiếu, từ đó nhấn mạnh thêm tính ứng dụng cho dịch thuật Hàn – Việt nên tôi quyết tâm thực hiện với sự giúp đỡ của các thầy giáo VN.
Sống xa nhà nhiều lúc cũng nhớ nhà thật nhưng ở đây tôi có những người bạn VN coi tôi như người trong gia đình, còn ở Hàn Quốc tôi có một “gia đình VN”– cả mẹ và em trai tôi đều có thể nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt hoặc chat trên mạng bằng tiếng Việt không dấu.
* Gắn bó với VN như thế, Bora nghĩ thế nào về vai trò cô con dâu ở VN?
- Tôi hiểu ý chị muốn nói gì nhưng sự thật là gia đình tôi rất phong kiến, việc lấy vợ, chồng nước ngoài khó có thể được chấp nhận.
Có một người đàn ông VN tôi rất kính trọng và coi như một người thầy. Ông nói tiếng Hàn cực siêu với cách dùng từ tinh tế, nhiều khi còn hơn ở người Hàn. Chỉ có điều ông đang ở Hàn Quốc... vì ông chính là Dương Chính Thức, đại sứ VN tại Hàn Quốc.
Những người như ông Thức, như thầy Cho Jae Huyn – tác giả từ điển Việt – Hàn, người từng được VN trao tặng Huân chương “Hòa bình – hữu nghị dân tộc thế giới” và các thầy trong khoa ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã luôn ở bên cạnh và tiếp sức cho mỗi bước đi trên con đường thực hiện ước mơ của tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận