Ứng phó ô nhiễm nguồn nước nhìn từ nước Mỹ

TRƯỜNG SƠN 30/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Trong dòng thời sự của sự cố nước sạch sông Đà nhiễm bẩn ở Việt Nam, câu chuyện hệ thống cấp nước sinh hoạt cho dân bị nhiễm chì ở hai thành phố Mỹ, Flint và Newark, là trường hợp đáng tham khảo, nhất là ở cách chính quyền xử lý vụ việc và cách những người dân bị ảnh hưởng đòi quyền lợi cho mình.

Khủng hoảng nước ở Flint. Ảnh: instagram/vincentillustrator
Khủng hoảng nước ở Flint. Ảnh: instagram/vincentillustrator

Cần nói ngay cả hai sự cố ở Mỹ đều là do đường ống dẫn nước bị gỉ sét, khác với nguyên nhân nguồn nước bị làm bẩn vì nhiễm dầu (do đổ trộm) của cấp nước Sông Đà. Tuy sự cố xảy ra ở hai khu vực khác nhau trong hệ thống cấp nước, người sử dụng nước là người chịu hậu quả cuối cùng, không chỉ những bất tiện khi bị cắt nước mà còn các rủi ro sức khỏe do nước bẩn gây ra.

Khủng hoảng kéo dài nhiều năm

Nhà máy xử lý nước cung cấp cho thành phố Flint (bang Michigan) vẫn dùng nguồn nước chính từ hồ Huron cho đến năm 2014, khi chính quyền quyết định chuyển sang dùng nước từ sông Flint. Tuy nhiên, không lâu sau sự thay đổi đó, người dân bắt đầu phản ảnh nước uống của họ có mùi rất tệ, vị như kim loại, và gây mẩn ngứa trên da.

Kết quả kiểm tra mẫu nước do Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) năm 2015 cho thấy nồng độ chì trong nước sinh hoạt của người dân Flint cao đến mức nguy hiểm. Theo New York Times, dù đã đổi nguồn nước, nhà máy xử lý vẫn sử dụng các quy trình áp dụng cho nguồn nước cũ.

Cụ thể, các quan chức Flint đã không áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát ăn mòn vào nước sông Flint trong quá trình xử lý. Vì không có chất này, chì từ đường ống dẫn chính (nối từ nguồn nước đến nhà máy) bị rỉ và lẫn vào trong nước. Phần nước được xử lý không đúng cách này khi được cấp cho các hộ dân lại tiếp tục làm đường ống (vốn cũng làm bằng chì) ăn mòn và tăng nồng độ chì trong nước.

Người có hàm lượng chì trong máu cao có thể ảnh hưởng đến tim, thận và hệ thần kinh. Đối với trẻ em, chì có thể làm khiếm khuyết nhận thức, rối loạn hành vi, ảnh hưởng thính lực và gây ra dậy thì muộn.

Ngày 25-4 năm nay, New York Times có bài “kỷ niệm” 5 năm từ khi Flint thay đổi nguồn nước và dẫn đến sự cố nhiễm bẩn trên, chỉ để nhấn mạnh hệ quả của cuộc khủng hoảng vẫn còn, bất chấp nhiều quan chức, bao gồm cả thị trưởng Flint, đã “ra đi” vì bê bối này và nhiều năm trời nỗ lực khắc phục hậu quả.

Cho đến tháng 4-2019, tân thị trưởng Karen Weaver, người lên thay người tiền nhiệm phải từ chức vì bê bối, vẫn khuyên người dân chỉ nên uống nước đóng chai hoặc đã qua vòi lọc. Trong khi đó, tờ Guardian của Anh hồi tháng 9 đã có bài phóng sự mô tả một khủng hoảng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn khác ở thành phố Newark (bang New Jersey), được cho là “Flint thứ hai” của nước Mỹ.

Phần mở đầu của bài báo có thể khiến những người Hà Nội vừa trải qua đợt khủng hoảng “cắt nước vô thời hạn” hồi tuần trước rùng mình: “Đó là một buổi chiều tháng 8 oi bức ở Newark, xe hơi đỗ thành hàng dài trước trung tâm giải trí Boylan Street.

Thường thì đây là xe của phụ huynh chở con cái đến để tranh thủ những ngày hè cuối cùng vui thú trong bể bơi hay chơi bóng rổ hoặc tennis. Nhưng những người này đang đến đây vì một lý do khác. Trung tâm này đã được trưng dụng làm nơi tập trung phân phát nước uống”.

Trong mỗi đợt phân phát như thế, những người có giấy tờ chứng minh là công dân Newark sẽ nhận được 2 két, mỗi két gồm 24 chai nước 500ml. Mỗi “hộ khẩu” được 2 két, bất kể gia đình có bao nhiêu nhân khẩu.

Nguồn cấp nước sinh hoạt ở Newark được phát hiện nhiễm chì khi thành phố tiến hành cuộc kiểm tra mẫu nước thường niên vào tháng 3-2016. Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, thành phố đã ngưng cung cấp nước uống cho 30 trường công trong địa bàn.

Theo Business Insider, kết quả kiểm nghiệm mẫu nước ở Newark vào năm 2017 và 2018 đều có nồng độ chì vượt ngưỡng cho phép của EPA là 15ppb (phần tỉ). Trong khi đó, đợt kiểm tra từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay cho kết quả hơn gấp 3 lần ngưỡng cho phép.

Từ năm 2018, chính quyền Newark đã phải phát các hệ thống lọc gắn vào vòi cho người dân Newark để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt. Trớ trêu thay, chính quyền sau đó thừa nhận các bộ lọc này hoạt động không hiệu quả, buộc EPA phải yêu cầu thành phố chuyển sang phát nước đóng chai cho dân, không được đụng đến nguồn nước sinh hoạt nữa.

Bộ lọc nước hoạt động không hiệu quả đồng nghĩa với việc hàng ngàn người, bao gồm cả trẻ em, có thể đã phải uống hoặc nấu nướng bằng nước ô nhiễm chì trong nhiều tháng liền, theo Guardian.

“Tôi không biết mình đã “dính” phải nước nhiễm chì được bao lâu rồi - Kelvin Watts, một cư dân Newark 53 tuổi, nói với Guardian khi đang chờ nhận nước đóng chai - Thật điên rồ và tồi tệ khi bạn nghĩ rằng mình an toàn (khi dùng nước sinh hoạt được cấp) trong khi chì thật ra đã nhiễm vào cơ thể bạn”.

Người dân xếp hàng chờ lấy nước đóng chai ở Newark. Ảnh: New York Times
Người dân xếp hàng chờ lấy nước đóng chai ở Newark. Ảnh: New York Times

Con kiến có kiện củ khoai?

Không phải vô cớ mà vụ việc ở Newark được gọi là “Flint thứ hai”. Theo Guardian, ngoài có cùng nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước là rò rỉ chì từ đường ống dẫn, chính quyền địa phương ở cả hai vụ khủng hoảng đều được cho là phản ứng chậm và có phần che giấu vấn đề, chối bỏ trách nhiệm.

Chính quyền Newark ban đầu cho biết việc mẫu nước lấy từ nhà dân cho kết quả bị nhiễm chì là do ống dẫn nước vào nhà họ bị ăn mòn, chứ nguồn nước cung cấp cho dân hoàn toàn sạch và đảm bảo chất lượng.

Chính quyền sở tại hùng hồn khẳng định trên trang web của thành phố rằng “nước ở Newark tuyệt đối an toàn để uống và KHÔNG bị nhiễm chì”. Tuy nhiên, khi kiểm tra Nhà máy xử lý nước Pequannock, sự thật mới bị phanh phui rằng nhiều quy trình xử lý tại đây không hoạt động.

Tháng 10-2018, chính quyền Newark mới thừa nhận cả nhà máy xử lý nước lẫn đường ống cấp nước đều có vấn đề. Thành phố bắt đầu cung cấp bộ lọc nước gắn vòi cho khoảng 40.000 dân trong khi chờ thay đường ống bị ảnh hưởng và áp dụng quy trình xử lý ăn mòn mới tại Nhà máy xử lý nước Pequannock.

Cư dân cả hai thành phố đa số là người Mỹ gốc Phi, và nhiều hộ sống dưới ngưỡng nghèo khó. Điểm tương đồng khác trong vụ việc ở Flint và Newark là người dân đều tiến hành nhiều vụ kiện tập thể để buộc chính quyền và các quan chức có liên quan, ở cả cấp thành phố lẫn bang, phải chịu trách nhiệm.

Người dân bị ảnh hưởng ở Flint đòi được khắc phục hậu quả bằng bồi thường tiền mặt cho chi phí bỏ ra để điều trị ngộ độc chì, và hoàn trả tiền nước mà họ đã đóng, trong khi một nhóm các giáo viên ở Newark và Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) khởi kiện chính quyền thành phố và bang New Jersey vì vi phạm luật liên bang vốn bắt buộc các chính quyền địa phương phải thay thế ống dẫn nước, thông tin cho công chúng và xử lý ăn mòn nếu phát hiện có nồng độ chì trong nước cao.

NRDC cũng là một trong các tổ chức phi lợi nhuận có đơn kiện Flint vì lý do tương tự, theo Guardian. Theo New York Times, tính đến tháng 4-2019, 15 quan chức trong chính quyền Flint và bang Michigan đã bị khởi tố hình sự vì biết nguy cơ nước nhiễm bẩn nhưng không cảnh báo để người dân biết, cũng như đặt lợi ích kinh tế (thay nguồn nước là để tiết kiệm chi phí) lên trên sự an toàn của nước sinh hoạt.

Thế nhưng, 5 năm sau khi xảy ra sự cố, chưa có ai bị bỏ tù. Các vụ kiện ở cả Flint và Newark vẫn đang trong trạng thái chờ.■

Điều tích cực duy nhất sau sự cố ở Flint chính là EPA đã nhân khủng hoảng này mà công bố các quy định mới, áp dụng cho toàn nước Mỹ, nhằm giảm nguy cơ người dân bị nhiễm chì từ nước uống.

Các quy định mới, công bố hôm 10-10 nhằm thay thế các nội quy đã tồn tại hơn 20 năm, yêu cầu các hệ thống cung cấp nước uống trên toàn quốc phải chủ động rà soát hệ thống ống dẫn bằng chì trong địa bàn và thay thế khi cần thiết, tránh để dân bị nhiễm chì. Quy định mới cũng yêu cầu các hệ thống cấp nước phải áp dụng cùng quy trình kiểm tra nước tại vòi và phải báo cho khách hàng trong vòng 24 tiếng nếu phát hiện nồng độ chì trong nước vượt mức cho phép (15ppb).

Ngày 21-7, các nhà máy xử lý nước SSP 1, 2, 3 và Rantau Panjang, đều lấy nước từ sông Sungai Selangor (Malaysia), phải tạm dừng hoạt động vì nước có mùi khó chịu, khiến hơn 1 triệu người dân bị cúp nước bất ngờ.

Theo báo The Star (Malaysia), cơ quan chức năng sau đó bắt hai người nghi làm đổ dầu diesel ra một nhánh của sông Sungai Selangor, cách Nhà máy SSP 2 khoảng 6km. The Star cho biết làm nguồn nước bị ô nhiễm là một tội hình sự ở Malaysia.

Báo chí Malaysia ban đầu mô tả có dấu hiệu cố tình đổ chất thải xuống sông, song sang tháng 8, tờ The Malaysian Reserve dẫn lời cảnh sát cho biết không có dấu hiệu phá hoại, mà nguyên nhân vụ việc là do bất cẩn của công nhân ở các công ty được nhà nước giao dọn dẹp sông Sungai Selangor.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận