Ứng cử viên đại biểu Quốc hội: Thấy gì qua các con số ?

TS NGUYỄN SĨ DŨNG 21/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Trong khi thông tin về từng ứng cử viên có thể sẽ phải tìm hiểu thêm qua các cuộc tiếp xúc và qua tiểu sử, thì thông tin về thành phần, cơ cấu của các ứng cử viên đã được công bố khá chi tiết và đầy đủ. Và các con số được công bố cũng nói lên khá nhiều điều thú vị.

Dán niêm phong các thùng phiếu trước khi lên tàu ra nhà giàn DK1, để toàn thể người lính hải quân đóng chân trên nhà giàn được thực hiện quyền công dân của mình. Ảnh: ĐÔNG HÀ

 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đang bước vào giai đoạn vận động bầu cử. Đây là giai đoạn quan trọng để cử tri tìm hiểu và nhận biết về các ứng cử viên. Càng có được nhiều thông tin, việc lựa chọn sẽ càng dễ dàng và chính xác.

Trước hết, trong cuộc bầu cử lần này có 868 ứng cử viên tranh cử 500 ghế ở Quốc hội. Tỉ lệ cạnh tranh là 1 chọi 1,736. Trong cuộc bầu cử lần trước (bầu cử Quốc hội khóa XIV), có 870 ứng cử viên tranh cử 500 ghế ở Quốc hội.

Tỉ lệ cạnh tranh là 1 chọi 1,740. Các con số trên cho thấy tính chất tranh đua trong cuộc bầu cử lần này bớt căng thẳng hơn một ít.

Thực ra, càng nhiều ứng cử viên thì tính chất tranh đua càng lớn, nhưng xác suất bầu đủ sẽ thấp hơn. Mà không bầu đủ thì nhiều khi sẽ phải bầu lại. Bầu lại sẽ phát sinh rất nhiều chi phí và rất tốn kém. 

Suy cho cùng, đằng nào cũng là tiền của dân. Mặc dù tỉ lệ cạnh tranh càng cao thì cơ hội lựa chọn càng nhiều, nhưng cơ hội lựa chọn và chất lượng lựa chọn là hai chuyện khác nhau. Làm sao có thể lựa chọn tốt nếu các ứng cử viên đều chỉ có chất lượng trung bình? 

Chính vì thế nên quan trọng là phải hiệp thương thế nào để có thể giới thiệu được các ứng cử viên đủ tài, đủ đức. Một tỉ lệ cạnh tranh hợp lý bao giờ cũng cần thiết để tránh việc phải bầu đi bầu lại.

Thứ hai, số lượng các ứng cử viên do trung ương giới thiệu đã tăng lên đáng kể. Số lượng các ứng cử viên do trung ương giới thiệu lần này là 203 so với lần trước là 197. Tương ứng, tỉ lệ ứng cử viên của trung ương trong tổng số ứng cử viên tăng từ 22,64% lên 23,38%.

Mặc dù, không có gì bảo đảm là tỉ lệ các ứng cử viên của trung ương tăng lên, thì tỉ lệ các đại biểu của trung ương cũng tăng lên tương ứng, nhưng đây vẫn là một xu thế rất tích cực. Quốc hội là thiết chế đại diện cho quốc gia, nhưng ở nước ta tính chất đại diện cho địa phương lại rất lớn. 

Lý do là vì thường xuyên có đến trên dưới 2/3 các đại biểu Quốc hội là do địa phương giới thiệu. Đại diện cho địa phương thì rất khó xác lập ưu tiên của quốc gia và rất khó vận hành chức năng giám sát. 

Nhiều nước trên thế giới phải thành lập quốc hội gồm hai viện để một viện đại diện cho quốc gia và một viện đại diện cho địa phương. 

 
 

 Ở nước ta, Quốc hội chỉ có một viện nên việc đại diện song trùng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ đại biểu do trung ương giới thiệu quá thấp thì việc đại diện cho quốc gia sẽ rất khó khăn.

Thực tế cho thấy mặc dù tỉ lệ các ứng cử viên của trung ương thấp hơn, nhưng về cơ bản tỉ lệ các ứng cử viên của trung ương trúng cử thường cao hơn. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, chỉ có 15 ứng cử viên của trung ương bị thất cử. Tuy nhiên, hoàn toàn không có gì bảo đảm rằng xu thế này sẽ luôn luôn được duy trì.

Ở một số nước chuyển đổi, để bảo đảm tỉ lệ đại biểu của trung ương, người ta tổ chức để cử tri bầu chọn theo hai danh sách: một danh sách các ứng cử viên của trung ương và một danh sách các ứng cử viên của địa phương. 

Cách làm này bảo đảm cho tỉ lệ các đại biểu của trung ương và của địa phương luôn luôn được cân đối ở trong quốc hội. Đây cũng là kinh nghiệm đáng được tham khảo, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng Quốc hội một viện để đại diện song trùng cho cả trung ương và địa phương như hiện nay.

Thứ ba, tỉ lệ ứng cử viên nữ đã tăng lên đáng kể. Nếu trong đợt bầu cử lần trước ứng cử viên nữ là 339, chiếm tỉ lệ 38,97%, thì lần này là 393, chiếm tỉ lệ 45,28%. 

Đây quả thật là một thành tựu vượt bậc. Logic tự nhiên ở đây là: muốn bảo đảm bình đẳng giới thì tỉ lệ các đại biểu nữ phải được tăng lên; muốn tỉ lệ các đại biểu nữ được tăng lên, trước hết tỉ lệ các ứng cử viên nữ cũng cần được tăng lên.

Tuy nhiên, cái logic tự nhiên này rất dễ làm chúng ta thất vọng vì hai điều. Điều thứ nhất là chất lượng của các ứng cử viên nam và các ứng cử viên nữ có thể quá chênh lệch nhau. 

Điều thứ hai là sự chênh lệch này còn có thể bị đẩy lên cao hơn nữa trong việc xếp liên doanh bầu cử. Ví dụ, một cô giáo cấp I rất dễ bị xếp vào một liên doanh bầu cử với một vị giám đốc sở giáo dục và đào tạo. Cách sắp xếp như vậy vô tình hay cố ý đều rất dễ biến các ứng cử viên nữ thành những quân xanh nhìn từ xa đã thấy. 

Tất nhiên, quân xanh hay quân đỏ thì chỉ có cử tri mới là người có thể quyết định được. Nếu tỉ lệ dân số nữ của nước ta đang chiếm 50,2%, thì quyết định ứng cử viên nào sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử lần này sẽ chính là các cử tri nữ. 

Vấn đề là định kiến giới của cử tri nữ không khéo chẳng thua kém gì cử tri nam. Nếu lần này các cử tri nữ có ý thức hơn về nữ quyền, thì chắc chắn chúng ta sẽ được mùa rất lớn về các đại biểu nữ.

Tỷ lệ ứng cử viên nữ tăng lên đáng kể. Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: C.T.V

 Thứ tư, tỉ lệ ứng cử viên ngoài Đảng giảm. Nếu các ứng cử viên ngoài Đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV là 97, chiếm 11,15%, thì lần này là 74, chiếm 8,53%. Đây là một mức giảm sút khá đáng kể. 

Thực ra, vai trò của các đại biểu Quốc hội ngoài Đảng trong các nhiệm kỳ vừa qua là không thật rõ. Ngoại trừ một vài đại biểu, các đại biểu ngoài Đảng khác gần như không để lại bất kỳ dấu ấn gì. 

Tuy nhiên, nguyên nhân của vấn đề có lẽ nằm ở chất lượng của các đại biểu ngoài Đảng và tương ứng là chất lượng của các ứng cử viên ngoài Đảng được giới thiệu trước đó. Một tỉ lệ hợp lý các đại biểu ngoài Đảng vẫn rất cần thiết để tăng cường tính đại diện, cũng như tính chính danh của Quốc hội.

Lần này, mặc dù số lượng các ứng cử viên ngoài Đảng giảm, nhưng số lượng các đại biểu ngoài Đảng thì vẫn chưa chắc đã giảm. Quan trọng là chất lượng của các ứng cử viên ngoài Đảng lần này có bảo đảm hay không. 

Trong số 97 ứng cử viên ngoài Đảng lần bầu cử trước, có 19 người trúng cử. Trong số 74 ứng cử viên ngoài Đảng lần này, số trúng cử vẫn có thể đạt mức tương tự. Tất nhiên, cao hơn thì càng tốt.

Thứ năm, số lượng các ứng cử viên tự ứng cử giảm. Nếu lần bầu cử trước, số người tự ứng cử là 11 (2 người trúng cử), thì lần này là 9. 

Diễn tập bầu cử trong tình huống khu vực cách ly tại quận Cẩm Lệ. Ảnh: H.K

 Thực ra, một số lượng nhất định người tự ứng cử là đáng mong muốn chỉ vì điều này bảo đảm tính dân chủ. Các đại biểu tự ứng cử khó có thể làm nên sự khác biệt trong Quốc hội. Ở các nước trên thế giới, người tự ứng cử thường không nhiều, vì khả năng trúng cử của những người này là rất thấp. 

Mỗi một cuộc bầu cử thường chỉ có một, thỉnh thoảng mới có hai người trúng cử. Những người trúng cử bắt buộc phải là những người đã rất nổi tiếng ở trong xã hội. Trong mối tương quan này, cử tri của nước ta ít khắt khe hơn nhiều với những người tự ứng cử.

Quy chế về việc tự ứng cử ở nước ta cũng ít khắt khe hơn so với các nước. Cụ thể là ở các nước đảng viên không thể tự ứng cử khi đã không được đảng giới thiệu. Muốn tự ứng cử trong trường hợp như vậy thì họ buộc lòng phải ra khỏi Đảng.

Ở ta đảng viên không được Đảng giới thiệu vẫn có thể tự ứng cử. Điều này khó bổ sung giá trị gì thêm cho năng lực đại diện của Quốc hội, nhưng lại có thể lấy đi cơ hội của những người ngoài Đảng muốn tự ứng cử.■

Một trong những điểm đáng chú ý của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này là sự thay đổi về số lượng đại biểu chuyên trách. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội được bầu và tăng 5% so với Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.

Như vậy theo quy định trên, với 500 đại biểu Quốc hội được bầu thì số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất là 200 người. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận