Tượng Nữ thần Tự do cạnh hồ Gươm?

BÁ KÌNH 23/05/2004 01:05 GMT+7

TTCN - Việt Nam cũng từng có tượng Nữ thần Tự do? Câu hỏi tưởng vui nhưng câu trả lời của nhiều học giả có kiến thức uyên thâm về Hà Nội lại “chắc như đinh đóng cột”: Có! Vậy, tượng Nữ thần Tự do đang ở đâu?


Tựơng Nữ thần Tự do (bản sao) cạnh vườn hoa Neyret, nay là Cửa Nam, Hà Nội (ảnh trước năm 1945, tư liệu của Nguyễn Vinh Phúc)

Với hầu hết người đang sống ở thủ đô, ngay cả người Hà Nội gốc, khi nghe tượng Nữ thần Tự do từng được đặt cạnh hồ Gươm thì nhất định bảo đây là chuyện phiếm hè phố. 

Sự thật thì trong Nguyễn Công Hoan toàn tập (tập 2), bức tượng Nữ thần Tự do đã xuất hiện với cái tên “Bà đầm xòe”. Trong truyện ngắn ấy, tượng bà đầm xòe được diễn tả như một nơi hẹn hò của nhiều đôi trai gái Hà thành nhưng gần như không được coi trọng lắm, nó cũng chỉ như một vật hiện hữu giống như cái cột điện hay cái đồng hồ công cộng mà thôi.

Sự xuất hiện quá sớm và giá trị không được đón nhận!

Để kể lại lai lịch của “bà đầm xòe” ở VN, cũng cần nói lại một chút về sự ra đời của bản gốc tượng Nữ thần Tự do và khu vực hồ Hoàn Kiếm (nơi đầu tiên “bà đầm xòe” ngự một cách vững chãi khi đến VN). 

Tên gốc nguyên văn của tượng Nữ thần Tự do hiện đang đặt tại cửa cảng New York của Mỹ là “La Liberté éclairant le monde”, tức Nữ thần Tự do soi sáng thế giới. 

Nó mang tên tiếng Pháp vì đây là tác phẩm của người Pháp, do nhà điêu khắc Bartholdi làm theo đơn đặt hàng của Chính phủ Pháp để gửi tặng Chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1886 nhân dịp 100 năm cách mạng Mỹ. Bức tượng cao 46m, làm bằng bêtông, chia thành nhiều khối có thể tháo rời ra hoặc lắp ghép lại. Tượng được sơn màu xanh nhạt, tay cầm bó đuốc.

Để có chỗ mà sau đó tượng Nữ thần Tự do được đặt vào và trở thành trung tâm - nơi đóng các cơ quan công quyền của thực dân Pháp, hồ Gươm đã phải trải qua một quá trình xây dựng không ngắn (hồ Gươm trước khi được Pháp xây dựng thành trung tâm Hà Nội còn một loạt các đầm, ao, vũng lầy bao quanh). 

Vì vậy, để làm một con đường trải nhựa đầu tiên ở khu trung tâm Hà Nội (tháng 7-1893 hoàn thành), Pháp đã phá dãy lũy thành Hà Nội để lấy đất lấp các vũng lầy. 

Để làm tòa thị chính (nay vẫn còn, là dãy nhà hai tầng thuộc trụ sở UBND TP Hà Nội), chùa Phổ Giác đã bị phá và tại vườn hoa trung tâm đã đặt tượng Nữ thần Tự do trước là một cái đầm rất nhiều cá. 

Bản thân việc xây dựng này đã không được lòng người dân phố cổ Hà Nội, nó chính là lý do khiến khu vườn hoa nói chung không được yêu mến và bức tượng này khi được đặt vào đó cuối cùng cũng có kết cục không hậu.

Tượng Nữ thần Tự do xuất hiện ở Hà Nội bắt đầu từ một cuộc hội chợ mà Pháp tổ chức sau mấy năm đặt ách thống trị lên toàn lãnh thổ VN. Hội chợ này được tổ chức ở trường thi hương (nay là Thư viện quốc gia trên đường Tràng Thi) qui tụ nhiều sản phẩm đặc biệt của Pháp, rất lạ với người An Nam thuở đó như: xe đạp, tàu hỏa... 

Tham gia triển lãm đó, nhà điêu khắc Bartholdi đã làm một phiên bản Nữ thần Tự do (cao 3m) để phù hợp với khung cảnh tự nhiên ở VN. Sau triển lãm, bức tượng phiên bản có hình dáng, tư thế tương tự bức tượng ở Mỹ đó được đem đặt tại một điểm đẹp thuộc khu vườn hoa trung tâm trên một bệ đá khá cao (nay là mảnh đất cạnh UBND TP Hà Nội, ngay cửa  nhà 12 Lê Lai thẳng ra). 

Tượng Nữ thần Tự do ở Việt Nam được làm bằng đồng, bên trong rỗng và có màu xám đặc trưng.

Tượng Nữ thần Tự do hiện vẫn ở Hà Nội?

Vì thời kỳ đầu xung khắc văn hóa còn mạnh, người Pháp và nói chung các sản phẩm văn hóa Pháp không được người Việt đón nhận một cách tự nhiên, thậm chí còn có tâm lý ghét bỏ. Tượng Nữ thần Tự do cũng không ngoại lệ. 

Được đặt ở khu trung tâm, dễ nhìn thấy và cảm nhận nhưng người Hà Nội chỉ gọi bức tượng vốn đang được trân trọng ở Mỹ đó là tượng “bà đầm xòe”. “Bà đầm” là Tây, còn “xoè” là do thấy quần áo của bà ta lòe xòe, lạ mắt. 

“Bà đầm xòe” ngự ở khu vực trung tâm TP Hà Nội trong sự bàng quan một thời gian không lâu. Đến ngày 14-7-1890, người Pháp quyết định thay thế vào vị trí đắc địa đó tượng của tên thực dân - tổng trú sứ Pháp đầu tiên ở Bắc kỳ tên Paul Bert (chết năm 1886). 

Điều đáng buồn cho cả hai pho tượng là trong khi đợi lấy đá ở chính núi Vossges - quê hương của Paul Bert - để làm bệ, tượng Nữ thần Tự do đã bị vội vã vật đổ nằm ngửa ra nền cỏ và tượng Paul Bert cũng được đưa đến sớm  nằm chình ình bên cạnh. Chính vì thế, thời đó trẻ con Hà Nội có câu vè châm biếm: 

Ông Paul Bert lấy bà đầm xòeTrước nhà kèn ò e ý e…”.

Sự “lận đận” của tượng nữ thần tự do ở VN một phần cũng chính do các nhà cầm quyền Pháp. Sau khi đặt Paul Bert vào vị trí đắc địa, tượng bà đầm xòe không được ở khu vườn hoa trung tâm nữa mà bị chuyển đến vườn hoa Neyret phía đông hồ Hoàn Kiếm (sau này là vườn hoa Cửa Nam). Điểm kết thúc cho sự tồn tại không có hậu trên đất VN của tượng nữ thần tự do là vào năm 1945. 

Khi Nhật đảo chính lật đổ Pháp, bác sĩ, nhà yêu nước Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm thị trưởng TP Hà Nội (sau này thị trưởng Lai được chính quyền cách mạng cử làm phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội). 

Khi vừa lên làm thị trưởng, để bỏ tàn tích xâm lược của thực dân Pháp, ông Trần Văn Lai đã quyết định giật đổ tất cả các tượng mà Pháp đã dựng ở Hà Nội, gồm: tượng Thống chế Foch, Jean Duquis (kẻ mở đầu xâm lược Hà Nội) và tất nhiên cả tượng bà “đầm xòe”…

Dù bị lật đổ nhưng tượng nữ thần tự do chỉ “mất hẳn” khi làng đúc đồng nổi tiếng Ngũ Xã có ý tưởng đúc một pho tượng phật Adiđa lớn nhất VN. Mua rồi quyên góp đồng ở khắp nơi, cuối cùng làng cũng xin được một khối đồng khá lớn, đó chính là tượng bà “đầm xòe”! 

Như vậy là hiện nay bức tượng nữ thần tự do đang nằm trong pho tượng phật Adiđà nặng 16 tấn, ngự trên tòa sen, gương mặt rạng ngời như cảm thông, luôn muốn cứu vớt những nỗi đau trần thế tại chùa của làng Ngũ Xã. Nó “hoá thân” âu cũng là sự hòa quyện của hai nền văn hoá Đông - Tây!...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận