Tuổi xế chiều của anh hùng Hồ Giáo

ĐĂNG NAM - ĐOÀN CƯỜNG 12/05/2008 22:05 GMT+7

TTCT - Bất chợt tôi nhớ lại câu hỏi được đặt ra cho người chơi trong một game show phát trên sóng VTV mới đây: “Bạn có biết nhân vật Hồ Giáo là ai?”. Và một bạn trẻ đã trả lời: “Đó là một người hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động. Trong đó một lần nuôi bò và một lần nuôi trâu”.

Phóng to
TTCT - Bất chợt tôi nhớ lại câu hỏi được đặt ra cho người chơi trong một game show phát trên sóng VTV mới đây: “Bạn có biết nhân vật Hồ Giáo là ai?”. Và một bạn trẻ đã trả lời: “Đó là một người hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động. Trong đó một lần nuôi bò và một lần nuôi trâu”.

Trước mặt tôi là nguyên mẫu nhân vật Nhẫn trong tác phẩm Cỏ non mà nhà văn Hồ Phương một thời khắc họa. Cũng bát ngát bao la giữa cánh đồng cỏ dại, cũng tiếng ọ...ọ ẩn thoáng gần xa của những “chị Vàng”, “cu Tũn”. Chỉ khác nhau ở chỗ đây không phải là thảo nguyên Ba Vì năm xưa mà là xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) - quê hương của anh hùng Hồ Giáo. Giờ đây, nhân vật chính trong Cỏ non ấy đã bước qua tuổi 80 đầy ưu tư, trăn trở... cuối đời.

Một đời vì công việc

Tôi tìm về trại trâu xã Hành Thuận vào một ngày cuối tháng tư. Cái nắng hầm hập như đổ lửa khiến con đường dẫn lên trang trại của ông Giáo như có cảm giác xa hơn. Tôi không tìm thấy ông trong dãy chuồng trâu thấp lè tè và cũ kỹ. Sau một hồi quanh quẩn, một phụ nữ thấy vậy liền chỉ tay về phía cánh đồng cỏ trước mặt: “Chú tìm ông Hồ Giáo à? Hình như ông đang cắt cỏ ngoài ấy”.

Phóng to
Anh hùng Hồ Giáo kéo xe cút kít chở cỏ về cho đàn trâu

Tôi men theo bờ ruộng đi ra hướng mà người phụ nữ chỉ. Đó là một cánh đồng cỏ voi cao ngút và xanh mởn. Không thấy bóng dáng ông Hồ Giáo đâu, chỉ thấy chiếc xe cút kít dùng để chở cỏ nằm chỏng chơ bên vệ đường. Phải một hồi lâu, ông Hồ Giáo với mái tóc bạc phơ, khệ nệ ôm bao tải đầy ứ cỏ từ trong khoảnh ruộng mới tiến dần ra. Mồ hôi nhễ nhại.

Như biết trước mọi việc, ông Hồ Giáo nở một nụ cười hiền từ: “Chú tìm tôi à, nhà báo à?”. Nói rồi ông chậm rãi chất ba bao tải cỏ lên xe cút kít, nhưng trước khi rời đám ruộng, ông không quên bảo tôi: “Thôi đừng vào chuồng trâu làm gì. Cứ tìm chỗ nào mát đứng đợi. Tôi cho trâu ăn rồi mình nói chuyện”. Nói xong ông gò lưng kéo xe. Tiếng xe kĩu kịt lạc dần trong rừng cỏ mênh mông. Thi thoảng lại nghe tiếng “hự” của ông lão 80 tuổi khi vô tình để xe lăn qua ổ gà lầy lội trên lối đi. Dù ông nói vậy nhưng tôi vẫn theo ông vào tận trại.

Nói là trại trâu cho oai chứ thật ra đó chỉ là một dãy nhà ngói dài chừng vài chục mét. Bên trong được thiết kế thành nhiều ngăn chuồng dành để chăn nuôi gia súc. Tất cả đều mòn nhẵn từ lối đi, thành chuồng đến cái máng nước làm bằng bêtông. Dù được xây dựng từ lâu và đang xuống cấp nặng nhưng bên trong đều tươm tất, sạch sẽ. Thấy bóng ông, con trâu mẹ tên Trà Câu (tên do ông đặt) lập tức vểnh tai, ọ lên những tiếng chào đầy thân thiết, rồi tiến dần về phía chủ. Thấy động, ba chú trâu Mura còn lại cũng tiến lên phía trước, chuẩn bị đón nhận bữa ăn giữa trưa với những búi cỏ tơ non ngọt lịm. Một nửa cỏ được thả vào chuồng, nửa còn lại ông đưa vào kho cất. Ông nói: “Khẩu phần ăn trưa của chúng đấy”.

Bên gốc sung già cạnh trại trâu, ông Hồ Giáo hiền từ: “Cũng chẳng còn chỗ nào tử tế để tiếp khách cả. Thôi đành ngồi tạm vậy nhé”. Nói xong ông ngồi bệt xuống viên đá cuội được kê sẵn rồi vén áo lên lau mặt. Chiếc áo bộ đội bạc màu, sờn rách được vá nhiều chỗ bỗng chốc ướt đẫm mồ hôi. Dù không nói ra nhưng trong sâu thẳm của đôi mắt già nua ấy, tôi biết ông có nhiều suy tư lắm.

Phóng to
Ông Hồ Giáo bên đàn trâu còn lại bốn con. “Đó là máu thịt của tôi” - Ảnh: Đ.Nam

“Năm 1977, tôi được lệnh điều động vào Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ. Tại đây, ngoài việc phát triển đại trà giống cỏ voi, tôi cùng các đồng nghiệp có nhiệm vụ biến nơi đây thành trại trâu sữa lớn nhất nước. Nhất là sau năm 1978, khi Việt Nam tiếp nhận 500 con trâu sữa giống Mura từ Ấn Độ, trong đó có hai con do đích thân thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi tặng thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thời ấy sao mà say mê quá, thú vị quá, chẳng khác gì thời ở Ba Vì cả” - ông lão nhớ lại một cách đầy hứng khởi. “Hồi đấy từ 500 con, chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi đã nhân giống, phát triển lên thành 2.400 con. Cả miền Đông Nam bộ tràn ngập trâu sữa Mura. Đâu phải chỉ lấy sữa không thôi, nếu cần loài trâu này cũng có thể kéo cày một cách ngon lành”. Ánh mắt tự hào của người từng hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động bỗng trở nên hoạt bát hẳn.

Nhưng phút thăng hoa ấy bỗng chốc chùng lại, nét suy tư của người suốt đời tận tụy, cần mẫn với công việc quay trở về với ông. Chống ngón tay trỏ lên thái dương, ông kể tiếp: “Năm 1991, tôi xin về hưu. Nhưng trước khi tôi trở về quê hương, thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ có gọi lên giao trực tiếp nhiệm vụ chăm sóc chu đáo hai con trâu đặc biệt của thủ tướng Ấn Độ với lời dặn dò: “Hãy tạo ra thật nhiều trâu có sức kéo khỏe để tặng cho nông dân nghèo”. Nghe vậy, tôi cảm động và mừng lắm. Cảm động là vì cụ Đồng thương dân mình quá, còn mừng là vì từ nay người nông dân có thêm giống trâu khỏe phục vụ kéo cày. Ngay sau đó tôi quay về quê cùng 17 con trâu Mura rồi lên khu Dồn của xã Hành Thuận lập trại trâu, nhân giống theo ý nguyện của cụ”.

Năm 1960, Hồ Giáo chuyển ngành từ bộ đội về nông trường Ba Vì (Hà Tây). Tận tụy với công việc và có những đóng góp lớn lao cho ngành chăn nuôi bò sữa, cuối năm 1966 ông được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động. Năm 1986, một lần nữa ông lại được phong tặng danh hiệu cao quí ấy vì đã có công trong việc phát triển đàn trâu sữa Mura tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ. Với ngành chăn nuôi gia súc Việt Nam, ông Hồ Giáo là người duy nhất đạt kỳ tích hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Ông Giáo đặt tên cho một trong hai trâu mẹ (quà tặng của thủ tướng Indira Gandhi) là Trà Câu. Cứ thế, mỗi trâu con ra đời đều được ông đặt cho một tên gọi thân thương gắn với các vùng đất của Quảng Ngãi. Cả trăm trâu con từ trại nuôi Hành Thuận giờ đã có mặt khắp mọi miền đất nước, một minh chứng cho sự tri ân của người anh hùng đối với cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Riêng trâu mẹ Trà Câu, 18 năm qua đã sản sinh ra hàng chục chú trâu khỏe mạnh và được ông gửi tặng các gia đình nông dân nghèo từ Nghĩa Hành, Tư Nghĩa đến Mộ Đức, Bình Sơn...

“Nhờ vậy mà nông dân đỡ vất vả. Giống trâu này rất khỏe và kháng bệnh tốt. Tôi cũng mãn nguyện một phần”. “Nhưng sao trong mắt của ông vẫn còn nhiều suy tư lắm?”. Nghe hỏi vậy, ông Hồ Giáo không trả lời ngay mà cúi xuống vân vê hòn đá dưới chân mình.

“Tôi mới đi Hà Nội về. Nhân dịp cả nước phát động phong trào học tập và noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp đã mời tôi ra thủ đô để kể chuyện gặp Bác Hồ. Trong lần đi ấy, tôi nghe đâu người ta đang bàn tính sẽ giải tán trại trâu ở khu Dồn. Nếu đúng như vậy thì buồn lắm. Không phải vì tôi sợ mất việc làm (mỗi tháng ông Giáo được trả 700.000 đồng tiền chăm sóc đàn trâu bốn con) mà đó là quà của cụ Đồng tặng quê hương nên mình phải cố mà gìn giữ” - ông tâm sự.

Đã 17 năm tròn kể từ hôm chia tay với Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ, không một ngày nào ông Hồ Giáo vắng mặt ở trại trâu Hành Thuận. Ngày hai buổi đi về, nắng cũng như mưa, cứ thế người anh hùng ấy miệt mài đi bộ suốt 7km từ nhà lên trại trâu với chiếc cặp lồng cơm trên tay. Hình ảnh ấy đã trở nên quá thân thuộc với người dân sống dọc tỉnh lộ 624 của Quảng Ngãi. “Có hôm tôi lên muộn là y rằng lũ trâu tìm ra phía trước cửa chuồng ọ ọ, mắt nhìn về đường lộ. Trông thương lắm. Giờ nó là máu thịt của mình rồi” - ông già 80 tuổi thủ thỉ.

“Đã đến giờ lũ trâu ăn trưa rồi” - ông bảo. Nói rồi ông đứng dậy quay trở lại trại trâu. Tôi nhìn theo cái dáng liêu xiêu với chiếc áo vá loang lổ nhiều chỗ cùng chiếc mũ vải trên đầu phất phơ của ông mất hút dần sau dãy chuồng trâu ố màu và tự hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra với ông nếu trại trâu Hành Thuận bị giải tán trong nay mai?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận