Tuổi nghỉ hưu: Một lưỡng nan kinh tế và xã hội

VŨ THÁI HÀ 01/06/2019 21:06 GMT+7

TTCT - Việc một cá nhân nào đó mong muốn, đặt thành mục tiêu cuộc đời và thực hiện được kế hoạch nghỉ hưu sớm vẫn được xem là một dấu hiệu của sự thành công trong cuộc sống. Nhưng trên bình diện rộng của một nền kinh tế, việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến chế độ hưu trí nói chung và tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng, luôn là một bài toán lớn và hóc búa đối với các nhà làm chính sách.

 

Lý lẽ tăng tuổi nghỉ hưu

Sau một thời gian dài chuẩn bị, Bộ LĐ-TB&XH, là cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo dự luật Bộ luật lao động (sửa đổi), đã đưa dự luật ra nghị trường, trong đó đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề đang được cộng đồng xã hội quan tâm ở mức độ rất cao.

Ba lý do mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để bảo vệ cho đề xuất này là: (1) Dân số Việt Nam (VN) đang già hóa dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai gần; (2) Nguy cơ vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội do thời gian hưởng chế độ hưu trí của người đã hết tuổi lao động là quá dài; và (3) Khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu hiện nay của người VN là cao.

Số liệu thực tế ủng hộ cho những lo liệu tính toán này, bởi tuổi thọ trung bình của người VN đã tăng từ 59 (vào năm 1960) lên 73 (vào năm 2014), nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn không đổi kể từ năm 1961.

VN cũng được cho là quốc gia đang có chỉ số già hóa dân số cao trong các nước ASEAN với chỉ số già hóa dân số xếp thứ ba, chỉ thấp hơn Thái Lan và Singapore. Con số thống kê và dự báo chính thức vào năm 2014 cũng cho biết đến năm 2032, cứ mỗi 100 người dưới 15 tuổi thì có trên 100 người trên 60 tuổi, là một tỉ lệ rất cao mà hệ quả tất yếu là dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động.

Các tính toán của Bảo hiểm xã hội VN cũng cho biết số năm hưởng lương hưu bình quân của người lao động VN hiện nay đang là 19,5 năm, trong đó nam là 16,1 năm và nữ 22,9 năm, trong đó đóng góp trung bình của một người trong 28 năm là đủ chi trả cho chính người đó trong vòng 10 năm hưu trí; như vậy, thời gian hưởng lương hưu còn lại, khoảng 9,5 năm, sẽ phải lấy từ nguồn đóng góp của các thế hệ sau.

Nhu cầu cấp bách về cải tiến hệ thống chính sách hưu trí

Sự thay đổi về tính chất của việc làm trong bối cảnh dân số già đi đang khiến cho việc liên tục cải tiến hệ thống chính sách hưu trí ngày càng trở nên quan trọng. Hầu hết các hệ thống hưu trí trên thế giới vẫn còn dựa trên quan điểm cho rằng một người cụ thể sẽ tham gia thị trường lao động sau khi học xong, tìm một công việc toàn thời gian ổn định, làm việc ở một nơi duy nhất và về hưu vào một tuổi nào đó, chẳng hạn là năm 65 tuổi.

Khuôn mẫu đó ngày càng kém thực tế và không còn là lựa chọn của người lao động nữa. Giờ đây, quá trình làm việc của người lao động là không liên tục, người ta đổi công việc, áp dụng đủ các loại hợp đồng làm việc khác nhau và làm việc theo các khung thời gian không nhất định.

Các tiến bộ về kỹ thuật công nghệ cũng làm cho thị trường lao động thay đổi sâu sắc, khiến nhiều việc làm biến mất hoặc lỗi thời, đồng thời bắt buộc người lao động phải cải thiện và cập nhật kỹ năng của mình để theo kịp các biến đổi nhanh chóng của môi trường. Nhu cầu cải cách dài hạn đối với chế độ hưu trí vẫn đang hiển hiện ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khi mà tuổi thọ của con người ngày càng được cải thiện.

Ứng xử của các quốc gia

Tầm quan trọng của chế độ hưu trí đối với an sinh xã hội của các quốc gia là không thể chối bỏ. Không phải vô cớ mà Tổ chức OECD cứ hai năm một lần lại đưa ra một báo cáo khá chi tiết, quan sát các vấn đề liên quan đến chế độ hưu trí ở các quốc gia thành viên.

Báo cáo mới nhất, năm 2017, của OECD cho biết các xã hội đang già đi cùng với sự thay đổi của tính chất việc làm đang đặt áp lực lên sự bền vững của nền tài chính và khả năng đảm bảo chi trả của các hệ thống hưu bổng. Mức độ chi tiêu công (public expenditure) dành cho hưu bổng so với GDP đã tăng và sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn trong tương lai gần ở hầu hết các nước trong OECD. Tính chung toàn bộ khối OECD, khoản chi này đã tăng thêm 2,5% kể từ năm 1990. Hiện tại, Hi Lạp và Ý đã chi hơn 15% của GDP cho hưu bổng.

Sự bền vững của nền tài chính và khả năng đáp ứng đầy đủ chế độ hưu trí luôn yêu cầu các nhà làm chính sách phải xem xét đến các hành động táo bạo, chẳng hạn tăng mức độ đóng góp của người lao động, cắt giảm các phúc lợi phải chi trả và hạn chế các chi trả bổ sung vốn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô. Các quốc gia có thể có các lựa chọn khác nhau, và lựa chọn nào cũng có tác dụng phụ của nó, ảnh hưởng đến các lớp người cụ thể trong xã hội.

Trong bối cảnh chung đó, nhiều quốc gia đã chọn phương án tăng tuổi hưu trí, là phương án có thể được xem là tương đối hài hòa lợi ích giữa các bên: giúp gia tăng lực lượng lao động nhờ sự tham gia của lớp người lớn tuổi, đồng thời vẫn đảm bảo được mức lương hưu.

Các quan sát cho thấy việc thay đổi tuổi hưu sẽ diễn ra ở các quốc gia với các mức độ phát triển về kinh tế khác nhau, chẳng hạn: Mỹ dự kiến tăng từ 66 lên 67 tuổi vào năm 2022, Đức tăng từ 65 lên 67 tuổi vào năm 2030, Hà Lan tăng từ 65 lên 67 tuổi trong giai đoạn 2020 - 2025.

Phần Lan, nơi được cho là có chính sách hưu bổng rộng rãi vào bậc nhất trên thế giới, đã có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ khá sớm, và năm 2019, tuổi hưu trí thấp nhất của người lao động nước này tiếp tục tăng thêm 3 tháng, kết quả là tuổi hưu trí thấp nhất của người Phần Lan sắp tới sẽ là 63 tuổi và 6 tháng.

Trong tình trạng mà sự già hóa của dân số được mô tả như là một quả bom hẹn giờ, người Phần Lan chấp nhận rằng các biện pháp tương tự sẽ ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Thực tế thì tuổi hưu trí ở đất nước này đã tăng vài lần trong những năm qua, để đáp lại các điều kiện về kinh tế và nhân khẩu học (10 năm trước, tuổi hưu trí ở quốc gia này vẫn còn dưới 60).

Trong lúc trông chờ vào các biện pháp khác, có thể mang đến các kết quả dài hạn hơn, việc tăng tuổi hưu trí vẫn được xem là sẽ giúp cho hệ thống chính sách của quốc gia này có thể đứng vững.

Một quốc gia châu Âu khác cũng từng được chú ý khi chọn cách ứng xử đối với chính sách hưu trí: Hạ viện Ba Lan, vào năm 2016, đã thông qua việc ngừng tăng tuổi hưu trí theo lộ trình. Các nhà quan sát ở thời điểm đó cho biết tuổi hưu trí thấp sẽ khiến cho ngân sách quốc gia của Ba Lan phải chi thêm 2,5 tỉ euro vào năm 2018, và tiến đến 5 tỉ euro vào năm 2021.

Ba Lan đã đứng trước khả năng chịu thâm thủng ngân sách vượt quá mức trần mà Cộng đồng châu Âu đặt ra và có thể bị giám sát đặc biệt bằng quy chế Thâm hụt ngân sách quá mức (Excessive Deficit Procedure) của EU vào năm 2017.

 

Cân bằng nào cho lưỡng nan hưu trí?

Là một vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng xã hội, việc tăng tuổi hưu trí luôn nhận được những ý kiến trái chiều, nhiều khi là gay gắt. Nếu các nhà làm chính sách quan tâm đến khía cạnh đảm bảo an toàn cho chi tiêu từ ngân sách và duy trì sức làm việc của lực lượng lao động của toàn xã hội, thì cá nhân mỗi người lao động trong xã hội lại quan tâm đến sự công bằng và khả năng duy trì chất lượng sống của bản thân.

Người lao động có quyền thắc mắc, một cách hoàn toàn chính đáng, rằng vì sao họ phải tiếp tục làm việc lâu hơn và chưa được nhận quyền lợi hưu trí của mình khi mà bản thân không còn muốn tiếp tục làm việc do đã đến tuổi nghỉ ngơi. Hơn nữa, mấy chục năm làm việc và đóng góp liên tục cho bảo hiểm xã hội đã là quá đủ để có thể ngừng làm việc và an hưởng tuổi già.

Từ một góc nhìn khác, hoàn toàn tích cực, việc tăng tuổi nghỉ hưu đem đến cho người lao động lớn tuổi nhiều lợi ích. Đầu tiên, tiếp tục làm việc sẽ giúp cho người lớn tuổi có cơ hội sống trong công việc, cống hiến cho xã hội, và vì thế không phải sớm chịu đựng tâm lý của người đứng bên lề xã hội, là tâm lý mà rất đông người nghỉ hưu gặp phải.

Làm việc cũng đem đến thu nhập, thường tốt hơn khoản lương hưu, đảm bảo cho họ có đời sống kinh tế tốt và ổn định hơn. Liên tục sống một cuộc sống có ý nghĩa và duy trì được sức khỏe thể chất cũng là các ưu điểm khác thường được nhắc đến khi nói về việc kéo dài thời gian làm việc người lao động.

Nền tảng kinh tế và an sinh xã hội nói chung chỉ có thể được đảm bảo thông qua các cơ chế và quyết sách có tác động trên diện rộng và tạo hiệu ứng dài hạn, bởi các hoạt động kinh tế và xã hội là liên tục, không ngừng nghỉ và liên đới với nhau trong các mối quan hệ hữu cơ và phức tạp. Mọi biến động của xã hội đều dẫn tới các hệ quả về kinh tế và ngược lại, không sớm thì muộn.

Thách thức dành cho các nhà làm chính sách luôn là cân bằng lợi ích của xã hội, như một tổng thể, với lợi ích của từng cá nhân. Thời điểm rút lui khỏi công việc để nghỉ ngơi là quyết định của cá nhân; việc của các nhà làm chính sách là chọn ra một khuôn khổ hợp lý để lựa chọn của phần đông các cá nhân trong xã hội ủng hộ sự phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trong dài hạn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận