Từ thần đồng âm nhạc đến đại sứ hòa bình

QUÝ ANH 24/11/2008 17:11 GMT+7

TTCT - Tuy chỉ 37 tuổi nhưng nữ nghệ sĩ vĩ cầm Midori Goto đã có 25 năm giữ vị trí vĩ cầm 1 trong các dàn nhạc tên tuổi nhất thế giới.

Phóng to
TTCT - Tuy chỉ 37 tuổi nhưng nữ nghệ sĩ vĩ cầm Midori Goto đã có 25 năm giữ vị trí vĩ cầm 1 trong các dàn nhạc tên tuổi nhất thế giới.

Sinh năm 1971 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Osaka (Nhật Bản), mẹ và anh trai cô đều là những nhạc sĩ có tài, tài năng thiên bẩm của cô được phát hiện từ rất sớm bởi Zubin Mehta, nhạc trưởng và từng là giám đốc Dàn nhạc giao hưởng New York. Lần trình diễn trước công chúng đầu tiên của cô là ở tuổi lên 7, trong đó cô chơi một trong 24 khúc ngẫu hứng dành cho vĩ cầm của thiên tài Paganini.

Năm 1982, cô cùng với mẹ chuyển đến thành phố New York để theo học giáo sư tên tuổi Dorothy DeLay tại Trường biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng Juilliard. Và cô đã gây được ấn tượng hết sức mạnh mẽ khi biểu diễn trích đoạn Chaconne (trong tác phẩm Partita cung re thứ dành cho solo violin) dài 13 phút của nhà soạn nhạc J. S. Bach tại buổi ra mắt. Trích đoạn này vẫn được xem như một trong những khúc nhạc chơi solo khó nhất dành cho vĩ cầm từ trước tới nay.

Cùng năm này, lần đầu tiên cô chính thức biểu diễn với một dàn nhạc lớn khi chơi cùng Dàn nhạc giao hưởng New York dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng đáng kính Zubin Mehta. Năm 1986, tài năng biểu diễn của cô đã đi vào huyền thoại khi tham gia Lễ hội âm nhạc thường niên Tanglewood (thuộc bang Massachusetts, Mỹ). Với tất cả say mê của mình, cô đã làm đứt dây mi trên cây đàn của mình hai lần, vì vậy cô phải mượn đàn của vĩ cầm 1 và vĩ cầm 2 trong dàn nhạc (vĩ cầm 1 thường được gọi là concert master, giữ vị trí đứng đầu và là nhịp cầu nối điều tiết buổi diễn giữa toàn thể dàn nhạc với nhạc trưởng; người này cũng có nhiệm vụ dùng nhạc cụ của mình để làm tông chuẩn cho các nhạc cụ còn lại.

Vĩ cầm 2 có thể coi như phụ tá của vĩ cầm 1) để hoàn tất phần trình diễn của mình, sau đó nhạc trưởng lừng danh Leonard Bernstein đã phải quỳ gối trước cô để bày tỏ sự ngưỡng mộ. Sự kiện này đã được tờ New York Times chạy trang nhất với tiêu đề “Cô gái 14 tuổi chinh phục Tanglewood với ba cây vĩ cầm”.

Không giống những thần đồng khác thường bất mãn về cuộc sống mà họ bị ép theo như tuổi thơ bị đánh cắp chẳng hạn, dù thừa nhận có lúc cô từng nuôi ước mơ trở thành một nhà khảo cổ học hay một nhà ngoại giao, rồi người chăm sóc thú và cả trở thành nữ tu: “Nó là cuộc đời của tôi. Tôi đón nhận nó và cảm thấy rất hạnh phúc. Tham gia biểu diễn từ nhỏ đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội. Khi còn khá nhỏ tôi tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và đã du lịch vòng quanh thế giới. Đó quả là môi trường giáo dục tuyệt vời” - cô tâm sự với CNN.

Có cơ hội học hỏi từ nhiều người và trải nghiệm nhiều nơi chốn không chỉ giúp Midori trau dồi kỹ năng âm nhạc của mình mà còn đem đến cho cô ý thức nhận được và cho đi. Năm 1992 cô thành lập tổ chức phi lợi nhuận Midori và bạn hữu (Midori & friends) để mang giáo dục âm nhạc đến các bạn trẻ ở thành phố New York.

“Tôi luôn cảm thấy thích thú trong việc giáo dục, không chỉ là nhận mà còn giúp những người khác trở thành một phần của cộng đồng” - cô nói.

Năm 2001, Midori nhận được giải thưởng danh giá Avery Fisher Prize - một giải thưởng chỉ dành cho các nhạc sĩ có thành tích ngoại hạng trong lĩnh vực nhạc cổ điển.

Tiếp theo việc thành lập Midori & friends là Music sharing (Chia sẻ âm nhạc), một tổ chức tương tự ở Nhật Bản, để tạo cơ hội đem âm nhạc đến các trường công và các bệnh viện nhi đồng. Năm 2007, cô được chọn làm đại sứ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và đây cũng là vai trò cô rất thích.

Trong khi vai trò này tạo thêm cho cô cơ hội trò chuyện về những gì gần gũi với trái tim của cô, nó còn nuôi dưỡng sự quan tâm và đem đến các phương tiện khác để nối kết với mọi người một cách trực tiếp thông qua âm nhạc.

“Những trải nghiệm này khiến thế giới trở nên sống động hơn trước. Và tôi lấy làm biết ơn cơ hội này đồng thời cũng là những động lực thúc đẩy tôi tiếp tục” - cô nói.

Trở về đề tài âm nhạc, thế giới hôm nay có thể khác với thế giới của Bruckner hay Bach nhưng với Midori cách mọi người cảm nhận và hồi đáp với âm nhạc và những tình cảm vẫn là như thế! Và mặc dù bận rộn với các chuyến lưu diễn liên tục cùng các dàn nhạc danh tiếng, Midori vẫn hoàn tất bằng thạc sĩ tâm lý học của Trường đại học New York năm 2005.

Midori Goto đã đến VN năm 2006. Và cùng các bạn trong nhóm tứ tấu đàn dây Midori Goto (do cô thành lập) đã có buổi diễn miễn phí cho sinh viên, học sinh lần lượt tại Trường cao đẳng VHNT Tây Bắc (25-12), Trường Nguyễn Đình Chiểu, Nhạc viện Hà Nội (26-12), Trường Dân tộc nội trú Tây Bắc, Trường cao đẳng NT Việt Bắc (27-12), Nhạc viện TP.HCM (29-12) và Trung tâm nhân đạo quê hương Bình Dương, làng thiếu niên Thủ Đức (30-12). Đây cũng là một phần trong dự án NPO Music sharing thực hiện tại nhiều quốc gia khác nhau do chính cô đề xướng vào năm 2002.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận