Từ Orlando, nhìn về phong trào đồng tính và Gay Pride

TRẦN QUỐC TÂN (DỊCH) 26/07/2016 17:07 GMT+7

TTCT - Đối với nhà luật học Daniel Borrillo, việc kỳ thị người đồng tính ra đời cùng với sự phát triển của ba tôn giáo lớn độc thần: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Chúng tôi trích dịch bài phỏng vấn ông trên báo Le Monde (Pháp) ngày 2-7-2016 do Frédéric Joignot thực hiện.

Những thành viên cộng đồng LGBT tham gia một lễ diễu hành của họ tại Cologne, Đức năm 2015
Những thành viên cộng đồng LGBT tham gia một lễ diễu hành của họ tại Cologne, Đức năm 2015

Sau vụ tấn công hộp đêm đồng tính ở Orlando, người ta quy cho hành động bài người đồng tính liên quan đến Hồi giáo. Nhưng việc phân biệt đối xử người đồng tính lại đang diễn ra khắp nơi?

- Sau vụ thảm sát ở Orlando, các chính trị gia lại tìm cách dẫn dắt cảm xúc của người dân. Ông Donald Trump chỉ trích ông Barack Obama không tiên liệu được hình thức khủng bố mới, còn bà Marine Le Pen đưa ra luận điệu đả kích việc bài đồng tính của Hồi giáo.

Những sự dẫn dắt như thế rất nguy hiểm. Thảm kịch này là dịp để chúng ta hình dung lại thế nào là chứng sợ và bài đồng tính (homophobia). Khái niệm này ra đời vào thập niên 1960, được nhắc đến lần đầu năm 1971 trên tạp chí Psychological Report (Mỹ), kéo theo nhiều phân tích về xã hội học, triết học, chính trị...

Nó mô tả một hình thức ác cảm, có tính khiêu khích đối với người đồng tính, mong muốn trục xuất họ ra khỏi cơ chế xã hội với luận điểm cho rằng họ một mặt thách thức “trật tự tự nhiên”, mặt khác vẫn bị chế áp bởi trật tự linh thiêng của Chúa trời, được định nghĩa bởi các tôn giáo lớn có Thánh kinh.

Đâu là hình thức bài người đồng tính chịu ảnh hưởng của Do Thái - Kitô giáo?

- Người ta tìm thấy nhiều văn bản của các nhà thần học Do Thái và Công giáo lên án gay gắt hành vi đồng tính luyến ái. Chứng sợ đồng tính ra đời cùng với nhận thức về việc cần phải tiệt trừ những mối ô trọc trong cơ thể trong sạch của xã hội.

Theo đó, một nhóm người đang đứng đối chọi lại với định mệnh tập thể mà Chúa trời mong muốn. Trong Cựu ước, ý muốn thanh tẩy được mô tả trong một đoạn Sáng Thế ký, khi hai thiên sứ phạt dân thành Sodome vì tội kê gian.

Hôm sau, Chúa giáng xuống thành phố tội lỗi này một cơn “mưa diêm sinh và lửa”. Theo sách Lêvi (quyển thứ ba trong Ngũ Thư của người Do Thái), hành vi xác thịt giữa những người cùng giới tính được mô tả là “ghê tởm” và những ai mắc phải cần bị khép tội chết.

Những lời kết án đó được nhắc lại bởi thánh Paul (Phaolô), thánh Jean Chrysostome, bởi học phái kinh viện (thánh Thomas d’Aquin) lẫn giáo phụ (thánh Augustin) thời Trung cổ tới khi nó có hiệu lực như luật. Vào thời tòa án dị giáo, nhiều người đồng tính bị nhục hình, tra tấn hay đưa lên giàn thiêu.

Vậy còn Hồi giáo?

- Theo kinh Koran, dân thành Sodome bị trừng phạt vì những “hành vi đáng kinh tởm” và đồng tính luyến ái bị xem là “tội” trong thiên xura về “quy phạm”.

Hình phạt không được nêu rõ nhưng trong nhiều bản ghi chép lời dạy của Muhammad (hadith), tội kê gian bị trừng phạt bằng cách ném đá đến chết hay đày biệt xứ. Bởi thế, nhiều cuộc tranh cãi lớn về thần học xoay quanh việc cần trừng phạt hay tha thứ.

Ngày nay, ở nhiều quốc gia Hồi giáo như Saudi Arabia, Iran, Mauritanie, Sudan, Yemen, chưa kể những vùng lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát, người đồng tính luyến ái phải chịu các hình thức trừng phạt như bị đuổi khỏi xứ, đánh bằng roi hay đôi khi mang tội chết.

Tuy nhiên trong thế giới Hồi giáo, vào triều đại khalip của nhà Abbas (năm 750-1258) vẫn tồn tại một truyền thống đồng tính luyến ái dai dẳng.

Một lễ diễu hành của cộng đồng gay tại Amsterdam năm 2013
Một lễ diễu hành của cộng đồng gay tại Amsterdam năm 2013

Dù là Kitô giáo hay Hồi giáo, cách hiểu ngày nay khác biệt với đồng tính luyến ái thời cổ đại?

- Những cách diễn giải về luyến ái trong nghệ thuật hay văn chương thời cổ đại đa thần giáo cho thấy đồng tính luyến ái thời bấy giờ là phổ biến.

Một người đàn ông “chủ động” có thể có mối quan hệ tính dục với người đàn ông “bị động”, hoặc với một tráng niên mà không bị xem là ô nhục. Đồng tính luyến ái giữa người trưởng thành với thiếu niên là một phần trong quá trình phát động tính chất nam giới, để kết nạp họ vào quân đội.

Ở xứ Sparta, ta có ví dụ về Achilles và Patroclus thành Troy, những cặp chiến binh - người tình khá phổ biến. Sự cắt đứt với truyền thống này bắt đầu khi Constantine đại đế cải đạo sang Kitô giáo và coi đây là tôn giáo của đế quốc La Mã. Lần đầu tiên xuất hiện những điều luật trừng phạt mãi dâm và những người đàn ông cư xử “như phụ nữ”.

Nhưng chứng sợ đồng tính liệu có bao gồm việc hắt hủi những người đàn ông cư xử “ủy mị” và những người phụ nữ cư xử như đàn ông?

- Chứng sợ đồng tính chỉ liên quan đến hành vi “phản tự nhiên”, song cũng có một số hình thức khác. Thời Trung cổ, từ mollitia (cùng gốc với từ mollesse, “ẻo lả”, trong tiếng Pháp) dùng để chỉ người đàn ông không phẩm cách.

Thánh Jérôme (đầu thế kỷ 5) đã nhắc, theo lời thánh Christophe (thế kỷ 3 ở Tiểu Á): làm sao một người đàn ông, vốn là sự cung hiến cho đấng sáng tạo, có thể hành xử như phụ nữ, vốn được xem như sinh linh thấp kém hơn? Làm sao anh ta có thể phản bội lại định mệnh của phái giống mình?

Ta thấy ở đây một biểu hiện của tính ghét phụ nữ (misogyny) rất khắc nghiệt. Đây cũng là chỗ nương dựa của thái độ khinh miệt đồng tính nữ.

San_Francisco_Pride_Parade_2012
San Francisco Pride Parade 2012

Có thể coi chứng sợ đồng tính như kết quả của việc coi trọng quá mức giá trị của hình mẫu dị tính luyến ái?

- Chủ nghĩa độc tôn dị tính (heterosexism) chính là một hình thức đoan chắc sự vượt trội về mặt đạo đức, pháp lý và nhân loại học của dị tính luyến ái so với đồng tính luyến ái và cũng là tiền đề cho tâm lý bài người đồng tính, đôi khi kèm theo hình thái bạo lực.

Dị tính luyến ái lấn át tôn ti của giá trị tính dục do nó bảo vệ việc duy trì nòi giống, song điều này không đồng nghĩa với bảo vệ “niềm hoan khoái” (pleasure). Còn hơn cả một học thuyết mang tính tôn giáo, nó nhanh chóng trở thành phương tiện, một ý thức hệ của nhà nước nhằm bảo đảm khái niệm gia đình và tính liên tục của các xã hội. Đồng tính luyến ái, kê gian hay thậm chí thủ dâm vẫn bị lên án ở phương Tây tới giữa thế kỷ 20.

Chủ nghĩa độc tôn dị tính trở thành chứng sợ đồng tính khi nó từ chối quyền của người đồng tính được có một cuộc sống bình thường.

Ngày nay, mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được nuôi nấng bởi cặp bố mẹ đồng tính đều không gặp vấn đề gì, suy nghĩ độc tôn dị tính vẫn tồn tại bởi họ cho rằng chỉ những cặp bố mẹ nam và nữ mới có đủ tư cách pháp lý để nuôi đứa trẻ.

Từ năm 1982, Pháp đã bãi bỏ điều khoản phân biệt người đồng tính trong bộ hình luật, nhưng những lập luận về đạo đức, sinh học hay kể cả tâm lý phân tích của phe chống đối đồng tính hôm nào nay lại được viện dẫn bởi phe chống đối kết hôn đồng tính và việc người đồng tính nhận con nuôi.

Từ lâu nay, áp lực xã hội nhiều tới nỗi ngay cả người đồng tính cũng mang tâm lý bài/sợ đồng tính. Tại sao?

- Họ mang trong người hai suy nghĩ rằng mình thấp kém hơn và mình không đáng tồn tại, điều này dẫn đến những giằng xé về tâm lý.

Nền văn học Pháp đã chứng kiến nhiều nhân vật chịu đọa đày, ta có Jouhandeau, Proust, Genet, Rimbaud. Jean-Paul Sartre trong chuyên khảo Thánh Genet, kịch sĩ và người tử vì đạo cho rằng bản thân Genet nghĩ mình là kẻ phản lại phái tính của mình và phản lại xã hội.

Giờ đây, nhiều người nói tên sát nhân ở Orlando là một kẻ đồng tính căm ghét chính hắn. Điều đó có thể, nhưng cách lý giải như thế bỏ qua khía cạnh ý thức hệ của hành động.

Chính sách đưa người đồng tính vào trại tập trung của Đức quốc xã vẫn được nhận định (sai lầm) như là chuyện thanh toán lẫn nhau của những tên Nazi đồng tính, nhưng người ta quên rằng về mặt ý thức hệ, những người đồng tính dù thế nào cũng vẫn bị buộc tội chống lại “tộc thượng đẳng” khi họ chấp nhận luyến ái mà không có sự sinh sản.

Những kẻ khủng bố Hồi giáo tại sao lại chọn phương Tây để tấn công?

- Nhắm vào nhà hát hay hộp đêm đồng tính tức là chúng đang tấn công vào tính khoan hòa trong phong hóa phương Tây, vốn được bồi đắp sau nhiều tranh đấu, nhất là các phong trào nữ quyền và bảo vệ người đồng tính.

Chúng đồng thời muốn phá hủy một nghệ thuật sống đã có từ nghìn năm nay - ars erotica (quan niệm rằng tính dục như một nghệ thuật), bắt nguồn từ thế giới Hi - La và phương Đông, như Michel Foucault chỉ ra. Chúng ta thấy sự quan trọng mang tính biểu tượng của các vụ tấn công đối với người Hồi giáo, có những người trong số họ ghét phương Tây đến mức chối bỏ lịch sử của chính mình và các phong trào LGBT ở cả ngay thế giới Hồi giáo.

Cologne_Germany_Cologne-Gay-Pride-2014
Cologne_Germany_Cologne-Gay-Pride-2014

Phong trào Gay Pride sắp tới sẽ bảo vệ những quyền của người chuyển giới (transsexual) và hoán tính (transgender). Bên cạnh chứng sợ đồng tính, còn có thêm chứng sợ chuyển giới (transphobia)?

- Tuy giới gay, lesbian, chuyển giới (trans), song tính (bi) và liên giới tính (inter-sex) có chung đấu trường chính trị, ta vẫn thấy ở một số nước, kể cả đạo Hồi, có sự khoan dung nhất định với người chuyển giới.

Ở Iran, phẫu thuật chuyển giới là hợp pháp, trong khi người đồng tính bị trừng phạt. Nghĩa là việc chuyển giới chấp nhận được, bởi người ta coi nó làm hợp với trật tự tự nhiên bằng cách đáp ứng vẻ bề ngoài của dị tính luyến ái. Cách nghĩ này giải thích tại sao hôn nhân chuyển giới dễ được chấp nhận hơn hôn nhân đồng tính.

Ngược lại ở Pháp, những câu hỏi về quan hệ dòng máu hay hộ tịch vẫn nảy ra đầy phức tạp, lý giải các đòi hỏi mới đây của phong trào Gay Pride.■

Daniel Borrillo, sinh năm 1961, là nhà luật học người Argentina. Mảng nghiên cứu của ông là đạo đức sinh học, luật về phái tính, luật về chống phân biệt và ngược đãi. 

Ông hiện là giảng viên Đại học Paris 10 và nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) Pháp. Ông là tác giả quyển L'Homophobie (Chứng sợ đồng tính) trong tủ sách phổ biến kiến thức “Que sais-je?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận