Từ Ngàn năm áo mũ, nghĩ về chiếc áo bà ba

PHẠM HOÀNG QUÂN 01/07/2013 03:06 GMT+7

TTCT - Ngàn năm áo mũ (1) xuất hiện và được chào đón nồng nhiệt giữa lúc việc viết sử, học sử, nghiên cứu sử bị kêu ca chưa từng thấy. Điều này không chỉ là sự ghi nhận đối với một công trình nghiên cứu có giá trị mà còn là dấu hiệu cho thấy sự mong mỏi chờ đón những nghiên cứu thiết thực, gần gũi với cuộc sống.

Áo bà ba (miền Bắc thường gọi là áo cánh) là loại trang phục thường ngày của người dân nhiều vùng miền. Trong ảnh: Người dân dọn dẹp đổ nát sau trận đánh bom tại Gia Lâm, Hà Nội, năm 1965 - Ảnh: tư liệu TTXVN

Áo bà ba của người Nam bộ xưa - Ảnh: tư liệu TTXVN

Trong một phát biểu gần đây, GS Đỗ Thanh Bình (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói rằng: "Ta chưa có một chuẩn quốc gia về kiến thức, kỹ năng. Không có chuẩn, người viết sách (giáo khoa lịch sử) không có điểm tựa" (2). Giá trị của Ngàn năm áo mũ có thể liệt vào loại "chuẩn kiến thức" mà GS Bình cho là đang thiếu, một khi người ta cần tra cứu tham khảo ở góc độ chuyên môn.

Cũng có thể nói rằng Ngàn năm áo mũ có dáng vóc của một "điểm tựa" khi người ta cần giải quyết những rắc rối chập chùng khi bàn về trang phục cung đình trong lịch sử Việt Nam. Khối tư liệu nhiều và đa dạng suốt ngàn năm ở rải rác nhiều nơi được tác giả thu thập và xử lý có hệ thống, dịch giải cẩn thận công phu, đối chiếu rõ ràng... là những ưu điểm nổi bật, khẳng định tính khoa học của công trình và sự nghiêm túc của tác giả.

 Ngàn năm áo mũ phân khảo về trang phục năm triều đại: Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Trong mỗi triều đại khảo luận về ba loại hình trang phục: cung đình, quân đội và dân gian.

Tuy nội dung được phân kỳ theo lịch đại (lần lượt các triều đại) - vốn là cách làm phổ biến trong biên soạn/nghiên cứu lịch sử chính trị - nhưng vài điểm mốc quan trọng liên quan đến sự biến đổi trang phục được nêu khá rõ, như cuộc cải cách quan phục năm 1396 thời Hồ Quý Ly, cuộc cải cách y phục Đàng Trong năm 1744, đánh dấu sự ra đời của áo dài năm thân.

Mảng trang phục bình dân

Tiếc là phần viết về chiếc áo bà ba cho người đọc cảm giác hụt hẫng. Chiếc áo này được định nghĩa trong phần "Tiểu từ điển trang phục Việt Nam" như sau: "Áo bà ba: loại áo vạt ngắn không bâu, xẻ giữa, cài bằng cúc, phổ biến ở Nam bộ" (tr.381). Trong một khảo cứu chuyên sâu về y phục, định nghĩa này so với từ điển ngôn ngữ thông dụng có lẽ không khá hơn.

Trong chương V, sau phần mô tả quần áo dân gian miền Bắc, tác giả viết và dẫn: "Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng vào đầu thế kỷ 19, trong giới phong lưu nho nhã đã sử dụng loại áo bà ba, loại áo có nguồn gốc từ đảo Penang ở Malaysia, nơi có tộc người Bà Ba sinh sống".

Tác giả chú nguồn thông tin này từ bài Diện áo bà ba đón khách Tây trong tạp chí Hồn Việt (số 3, tháng 6-2006) và viết tiếp: "Dựa vào một số bức họa trong An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục tả sinh đồ do người Nhật Bản vẽ vào năm 1794 tại vùng Đàng Trong, có thể thấy ngay từ cuối thế kỷ 18, loại áo vạt ngắn không bâu, xẻ giữa, cài bằng cúc đã xuất hiện tại vùng Đàng Trong Việt Nam, nhiều khả năng đây chính là tiền thân của loại áo bà ba.

Tuy nhiên, nguồn gốc của loại áo này có phải xuất phát từ đảo Penang (Malaysia) hay không hiện chưa có tư liệu nào có thể kiểm chứng được" (tr.351). Các trích dẫn trên là toàn bộ phần khảo về áo bà ba trong Ngàn năm áo mũ, không có hình ảnh nào minh họa về chiếc áo/bộ đồ này.

Chúng tôi thấy trong Văn minh miệt vườn (1970) (3), nhà văn Sơn Nam nói đến bộ đồ bà ba ít nhất ở ba đoạn, trích hai đoạn như sau:

"Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho miệt vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học, là nơi có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba)" (tr.43)

"Ở miệt vườn, ở miệt Hậu Giang thời Pháp thuộc, cái áo dài đàn ông không được thông dụng cho lắm. Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu... Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc" (tr.201)

Sơn Nam viết khá dài, chúng tôi không thể dẫn toàn văn, càng không phải dựa vào đó mà xác định vấn đề niên đại hay nguồn gốc bộ đồ bà ba. Vấn đề ở đây muốn nói đến là cách xác định giá trị những tư liệu hiện diện, những hình vẽ do người Nhật thực hiện năm 1794 mà Trần Quang Đức được Tô Lan cung cấp quả thật rất quý và độc đáo, chúng cho thấy một phần quá trình diễn biến của mẫu y phục đặc trưng của miền Nam, và Trần Quang Đức đã kết nối chúng một cách thật là "vừa khéo" (4).

Lời kể không rõ nguồn cơn của nhà văn Sơn Nam lại có giá trị ở chỗ chứa nhiều thông tin, kích thích những ai có nhu cầu tìm kiếm.

Trong một nghiên cứu gần đây của Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp về sách Vãng An Nam nhật ký (1890) của một người Mã Lai gốc Hoa là Trần Cung Tam, nội dung ghi chép cho biết rằng ông Trần đến Sài Gòn và nói đến sự có mặt của cộng đồng người Babas, họ sống thành nhóm ở cùng một con đường và người xung quanh gọi hẳn con đường ấy là "đường Babas" (/ Ba Ba nhai) (5).

Theo Li Tana, người Babas là người gốc Hoa sinh trưởng tại vùng eo biển Malaca (Straits born Chinese) (6), nguồn tin này khác với Sơn Nam một tí, cho thấy địa bàn cư trú của người Babas rộng hơn và về huyết thống thì có thể lai hoặc không lai. Khá lý thú là trong một nghiên cứu về Thiên Địa Hội ở Đông Dương, Nola Cooke đã dẫn một bức ảnh từ nguồn Nguyễn Tấn Lộc, trong ảnh là ba thương gia người Hoa trong phòng khách ở ngôi nhà trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), cả ba người đều mặc áo bà ba màu trắng, theo ghi chú thì bức ảnh được chụp vào những năm 1890 (7).

Cho dù đến từ con đường nào và còn nhiều nghi vấn về năm tháng xuất hiện và diễn biến kiểu mẫu, áo bà ba hay nói đúng và đủ là bộ đồ bà ba đã trở thành loại trang phục biểu trưng cho người Việt mọi tầng lớp suốt dãy Trung và Nam bộ đã hơn 100 năm và vẫn tồn tại.

Nguồn tư liệu liên đới về nó không thể coi là hiếm, liệu có mối quan hệ nào khác và xa xưa hơn về kiểu áo này trước khi nó mang tên áo bà ba, tức là trường hợp người Hoa sinh trưởng ở vùng eo biển Malaca đã bị ảnh hưởng bởi người bản địa, đã sử dụng áo này do sự tiện dụng, do phù hợp với phong thổ, khí hậu... và người Việt qua tiếp xúc đã lấy một cái tên nhánh là bà ba, thay vì một tên gốc khác của người Mã Lai.

Quan sát y phục một số dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo ở Việt Nam như Chu Ru hoặc Raglai, chúng ta thấy những phụ nữ lớn tuổi vẫn mặc áo giống hệt kiểu áo bà ba. Ngay trong sách Ngàn năm áo mũ, tại bức hình ở trang 148 được chú thích là: "Cụ bà tại làng cổ Đường Lâm vấn khăn trắng", tuy Trần Quang Đức đang nói về màu sắc cái khăn, nhưng nếu nhìn cái áo sẽ thấy chiếc áo bà cụ mặc không khác áo bà ba.

Người làng Đường Lâm mặc áo kiểu này từ lúc nào, có phổ biến không và liệu nó có liên hệ gì với áo bà ba hoặc khăn áo của người Mường?

Áo bà ba thời nay - Ảnh: Minh Đức

Cần lấp khoảng hở về tiếp biến văn hóa

Những điều vòng vo về bộ đồ bà ba buộc chúng ta phải nghĩ đến mấy thuật ngữ mà học giới gọi là dân tộc học, xã hội học, nói cách khác, phong tục tập quán, tín ngưỡng, điều kiện địa lý, khí hậu, điều kiện kinh tế, tình hình mua bán, giao thông, sự tiếp xúc... đều có thể tác động đến trang phục, đặc biệt là trang phục dân gian.

Đặc trưng của đồ bà ba ở chỗ dù chiếc áo may bằng vải ú màu đen của người nghèo hay bộ đồ may bằng satanh trắng hoặc gấm lụa thêu hoa của người giàu đều mang một tên chung là đồ bà ba. Và những chiếc áo cùng kiểu mẫu của người Nam Đảo hay người Babas không có hẳn một bộ vận bà ba gồm các món áo bà ba tay dài (có hai túi hoặc không túi), áo trong (tay lỡ hoặc ngắn, luôn có hai túi), quần đáy nem cột dây hoặc luồn thun, khăn vuông trùm đầu, nón lá, khăn rằn.

Đối với trang phục đặc trưng có lịch sử gần - mà áo bà ba là một thí dụ, hình như Ngàn năm áo mũ đã vô tình để hở một khiếm khuyết, sự tiếp biến và giao thoa giữa các nền văn hóa trên đất Việt chưa được khảo xét một cách cân đối...

PHẠM HOÀNG QUÂN

____________

 (1): Trần Quang Ðức, Ngàn năm áo mũ- Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945, NXB Thế Giới, 2013(2): TTCT, 9/6/2013, tr.19(3): Sơn Nam, Văn minh miệt vườn, NXB Văn Hóa, 1992(4): chữ của Trần Quang Ðức dùng trong bản dịch Trường An loạn(5): Claudine Salmon and Tạ Trọng Hiệp, Wang Annan riji: A Hokkien Literatus Visits Saigon (1890), Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.74-88)(6): Li Tana, In Search of Chinese Rice Merchants in French Cochinchina, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.189-201) (7): Nola Cooke, The Heaven and Earth Society Upsurge in Early 1880s French Cochinchina, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.42-73)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận