​Từ chuyện thu phí xe máy: Mở rộng không gian tự quyết cho địa phương

HĐND một số tỉnh đã ra nghị quyết tạm dừng thực hiện nghị quyết của chính mình thông qua trước đó về thu phí bảo trì đường bộ đối với xe môtô (gọi tắt là thu phí xe máy) và một số tỉnh khác đề nghị bãi bỏ loại phí này. TP.HCM là địa phương cuối cùng trong cả nước thông qua nghị quyết về thu phí xe máy và hiện chưa thu trên diện rộng.

Sở hữu một chiếc xe máy, người dân đã phải trả rất nhiều khoản thu, từ thuế đến phí... - Ảnh: Hữu Khoa

Đây là vấn đề mà kỳ họp HĐND TP.HCM vào cuối tháng 7-2015 tới đây sẽ phải có câu trả lời thỏa đáng, hợp lòng dân.

Không nên thu

Người dân ở nhiều nơi trong cả nước không hài lòng về thu phí xe máy là có lý do chính đáng chứ không phải phản ứng mà không có lý do. Thực tế từ số liệu thống kê, phân tích và tổng hợp số liệu cho thấy nhiều nơi thu được một khoản quá nhỏ (bình quân 20 tỉ đồng/tỉnh) so với nguồn lực, công sức bỏ ra để tập trung thu và một phần không nhỏ trong khoản thu được dành “nuôi” bộ máy phải đi thu. Không lý gì bắt người dân đóng thêm một khoản phí để “nuôi” thêm một bộ máy đi thu loại phí này trong khi mục tiêu chính cần chi thì không hay chưa đạt được - dùng tiền thu được để bảo trì đường sá. Thực tế như vậy đủ để nói rằng không nên thu phí xe máy nữa. Việc thu hay không thu loại phí này nên để chính quyền địa phương quyết định.

Đây là một bài học đắt giá cho thấy trong thời buổi hội nhập, chúng ta bắt buộc phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, công khai trong lời nói và cả việc làm. Trong tiến trình đang làm quen với xu thế này, cần sự trân trọng ý kiến các chuyên gia, ý kiến phản biện của nhân dân...

Hiện nay chính quyền cấp địa phương một số nơi thật sự tỏ ra cầu thị, trân trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nói cho dân dễ hiểu, làm cho dân tin. Nhưng thực tế trong các bước triển khai chưa đảm bảo bài bản và cũng chưa thật sự cuốn hút sự đóng góp, đồng thuận của rộng rãi quần chúng cũng như thể hiện rõ sự khuyến khích những phản biện mang tính tích cực từ nhân dân. Tất cả điều này đều chưa được phát huy tốt khi thiết kế một chính sách đụng chạm lớn đến đời sống dân sinh như thu phí xe máy.

Tính chủ động của chính quyền địa phương

Trong hệ thống chính trị của chúng ta có điểm rất tốt là tính tuân thủ theo khuôn khổ và hệ thống. Những khuôn khổ được đưa ra thì triệt để thi hành, ý kiến góp ý sẽ tính sau. Tuy nhiên, một khi đã thấy điều gì đó không phải là điểm trọng yếu cần phải triển khai, tôi nghĩ có hai cách phối hợp: hoặc HĐND TP chủ động đưa ra kiến nghị sơ bộ trước, hoặc đưa ra HĐND TP biểu quyết thể hiện ý chí của người dân. Đó là những việc cần làm của chính quyền địa phương, vẫn đúng theo khuôn khổ cho phép, không có việc gì phải e ngại là tách khỏi xu hướng chung hay các khuôn khổ của trung ương.

Chính quyền địa phương rất cần dành cho mình một số quyền chủ động, đó là quy luật tất yếu. Vì vậy, tính bổ đồng chỉ đúng trong một số trường hợp và một số trường hợp khác thì cần xem xét để mở rộng khoảng không gian tự quyết cho chính quyền địa phương. Điều đó sẽ có tác dụng thúc đẩy tốt cho sự phát triển của mỗi địa phương và sau cùng là tốt hơn cho cả nước.

Thực tế có những ý kiến cho rằng khuynh hướng chung đối với các sắc thuế hay phí nếu không có những biện pháp hành chính và mang tính áp đặt sẽ rất khó thực thi bởi tâm lý thông thường không dễ dàng tìm kiếm sự tự giác của số đông trong xã hội... Nhưng đối với thu phí xe máy không nhất thiết phải hành xử như vậy (áp đặt các biện pháp hành chính).

Đừng quên rằng tính phổ quát phải đi kèm với tính thuyết phục, tức là phải hợp lý. Muốn hợp lý phải lấy ý kiến người dân, phải dựa trên số liệu thống kê, khả năng phân tích lợi hại và có sự tổng hợp mang tính phát triển tích cực cho toàn bộ cộng đồng và các bên có liên quan. Nhiều quy định còn kẽ hở cần được cải tiến, hiệu chỉnh để phù hợp và tốt hơn trong tương lai.

Mặt khác, trong những vấn đề dân sự nên thiên về tính dân chủ, phát huy ý kiến đồng thuận của toàn xã hội. Không có một cơ chế lãnh đạo, điều hành nào là hoàn hảo cho mọi tình huống nhưng trong tình huống này (đối với thu phí xe máy), cơ chế phát huy dân chủ sẽ tốt hơn.

Thông thường những quyết sách mà dân dễ giám sát, có niềm tin vào sự minh bạch hay khả năng thụ hưởng công ích có thể thấy rõ thì sẽ dễ thông qua và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Còn ngược lại, một quyết sách dù liên quan đến một số tiền rất nhỏ nhưng người ta thấy khả năng giám sát khó hoặc nếu làm sẽ không mang lại ý nghĩa gì thiết thực cho cộng đồng, xã hội thì chắc chắn tính thuyết phục sẽ không cao.            

QUỐC THANH ghi

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận