Tự chủ và trách nhiệm giải trình

TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH 01/10/2012 20:10 GMT+7

TTCT - Quy định mới về bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) tại các trường đại học đang gây sự chú ý của dư luận, đặc biệt là giới đại học. Có khá nhiều lời khen, nhưng tiếng chê cũng không ít. Liệu quy định mới có đem lại những thay đổi tích cực cho bộ mặt giáo dục đại học của Việt Nam?

Phóng to

Một ưu điểm không thể phủ nhận của quy định mới này là Bộ GD-ĐT đã tự nguyện giảm bớt quyền hạn của mình và trao thêm quyền cho các hiệu trưởng. Đây là xu thế chung của thế giới, đồng thời là quan điểm đã được khẳng định trong Luật giáo dục đại học mà Quốc hội vừa thông qua và sẽ được áp dụng từ đầu năm 2013.

Các trường cần được tự chủ tới đâu?

Quyết định trao quyền bổ nhiệm GS, PGS cho hiệu trưởng các trường dường như là một tín hiệu rõ ràng của quá trình đổi mới đại học VN theo hướng chuyển bớt quyền hành xuống cơ sở, thể hiện quan điểm tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học, trong đó có quyền có những quyết định về nhân sự, tức tuyển dụng và bổ nhiệm những người sẽ tham gia đóng góp công sức trong lực lượng khoa học của một trường.

Nhưng nếu đọc kỹ các quy định có liên quan thì sẽ thấy hiệu trưởng không thật sự có nhiều quyền lắm, vì việc bổ nhiệm chức danh gồm hai quy trình là công nhận và bổ nhiệm (tức sử dụng tại một cơ sở giáo dục). Cả hai quyền này trước đây Nhà nước nắm giữ, nay Nhà nước vẫn giữ lại quyền công nhận, các trường chỉ được trao quyền bổ nhiệm mà thôi. Nói cách khác, có vẻ như ta có thể hoàn toàn yên tâm là sẽ không có khả năng lạm phát GS, PGS hoặc tiêu cực vì Nhà nước vẫn có sự kiểm soát.

Phải nói là sự kiểm soát hiện nay thật ra rất chặt, rất chi li qua những quy định tỉ mỉ về số bài báo, số công trình nghiên cứu, số năm thâm niên..., với từng điểm số được quy đổi và cộng trừ nhân chia chính xác cho các sản phẩm trí tuệ của ứng viên để quyết định một ứng viên có xứng đáng được công nhận chức danh GS, PGS hay không.

Nếu đem so sánh với quy trình đang áp dụng tại các nước tuy vẫn rất nghiêm ngặt nhưng khá gọn nhẹ vì chỉ trong phạm vi từng trường thì những người được công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của chúng ta hẳn phải xứng đáng hơn nhiều lắm. Vì đã có những trường hợp các giảng viên của VN khi làm việc ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc thì được đánh giá là đủ trình độ để bổ nhiệm vào vị trí GS hoặc PGS, nhưng khi về VN lại không thể vượt qua những quy định chi li, tỉ mỉ về điểm số do Nhà nước quy định chung cho GS, PGS của tất cả các ngành.

Ngược lại, cũng có một thực tế là rất nhiều GS, PGS của chúng ta có năng lực ngoại ngữ khá hạn chế, thiếu cập nhật về kiến thức (một phần cũng vì đa số các vị này quá bận với các chức vụ quản lý), và chất lượng của các công trình khoa học của họ hoàn toàn chưa thể so sánh với những đồng nghiệp của mình, dù chỉ tính ở ngay các nước lân cận.

Như vậy, phải chăng Nhà nước nên tiếp tục đẩy mạnh việc trao quyền cho các trường bằng cách trao cả quyền công nhận lẫn bổ nhiệm chức danh GS, PGS? Đối với các nước có nền giáo dục phát triển với truyền thống tự chủ đại học cao, điều này không bao giờ là một câu hỏi mà là lẽ đương nhiên. GS và PGS là những vị trí (có người gọi là chức vụ) cao cấp về khoa học của những giảng viên, nhà khoa học làm việc trong các trường đại học. Rõ ràng là không có lý do gì một vị hiệu trưởng, người đã được tín nhiệm và trao quyền điều hành toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, nơi có đủ khả năng và quyền để đào tạo cả ở trình độ tiến sĩ, lại không đủ khả năng ra quyết định về những nhân sự chủ chốt trong lực lượng khoa học tại nơi mình quản lý.

Khi trao toàn quyền công nhận và bổ nhiệm các chức danh khoa học cho các trường, chắc chắn số lượng GS, PGS tại VN sẽ tăng lên và theo sát nhu cầu của các trường, xóa đi tình trạng tỉ lệ GS chỉ chiếm có 1% tổng số các giảng viên đại học như hiện nay - một tỉ lệ thật khó chấp nhận, khi so sánh với tỉ lệ tương ứng tại các nước khác, kể cả các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Trao toàn quyền công nhận và bổ nhiệm GS, PGS cho hiệu trưởng chính là tạo một cú hích cho sự phát triển của đại học VN, ít ra là trên lý thuyết.

Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình: Hai mặt của một đồng xu

Chắc chắn sẽ có những lập luận chống lại đề nghị nêu trên. Chỉ mới trao quyền bổ nhiệm cho hiệu trưởng thôi thì ngay lập tức dư luận đã có những băn khoăn về khả năng lạm phát chức danh, hoặc khả năng có tiêu cực như chỉ bổ nhiệm GS cho những người “ăn ý” với mình. Những băn khoăn này hoàn toàn hiểu được, khi VN vẫn đang có nhiều trường chất lượng chưa cao, năng lực nghiên cứu khoa học của các giảng viên vẫn còn hạn chế, thậm chí cả chất lượng bằng cấp của một số trường, một số ngành học cũng đang là những dấu chấm hỏi.

Theo định nghĩa, các chức danh GS, PGS là những vị trí cao cấp về khoa học, khẳng định về năng lực, tầm cỡ và uy tín chuyên môn của các giảng viên hoạt động trong các trường đại học. Khi hiệu trưởng không có quyền công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, một giảng viên, một nhà khoa học dù không “ăn ý” với hiệu trưởng nhưng đã phấn đấu đạt được các chức danh do Bộ GD-ĐT bổ nhiệm vẫn có được những quyền hạn về khoa học như việc tham gia các hội đồng. Vì thế, những người này vẫn có thể giữ được sự độc lập tương đối và được hưởng sự tôn trọng xứng đáng.

Nay nếu quyền công nhận và bổ nhiệm chức danh được trao cho hiệu trưởng mà không có một cơ chế kiểm soát tương ứng kèm theo, thì không ai có thể bảo đảm việc những nhà khoa học thật sự xứng đáng nhưng quá độc lập và “có cá tính” không bị loại trừ để dành cho những người kém năng lực nhưng dễ bảo hơn.

Lật lại vấn đề như vậy không phải là để cổ vũ cho việc Nhà nước nên nắm giữ lại các quyền hành ở trung ương, mà chỉ để nhắc tới mặt trái của đồng xu “tự chủ đại học”, đó là “trách nhiệm giải trình”. Ở các nước phát triển, các trường đại học có quyền tự chủ rất cao nhưng khó xảy ra tình trạng tiêu cực, lạm quyền, hay lạm phát bằng cấp, chức danh, là do có cơ chế về trách nhiệm giải trình của những người có quyền lực - ở đây là các hiệu trưởng.

Những quyết định về chuyên môn của hiệu trưởng đều được cộng đồng khoa học giám sát, và mọi sai sót nếu có đều được chỉ ra nhanh chóng bởi quyền được thông tin của mọi người và cơ chế tự do ngôn luận. Sức ép của dư luận xã hội, sự tẩy chay của “người tiêu dùng” - ở đây là người học, gia đình và các nhà tuyển dụng, danh dự và uy tín của các cá nhân và đơn vị trong cộng đồng khoa học... tất cả đều là các yếu tố tạo thành một cơ chế giải trình hữu hiệu và không thể thiếu để quyền tự chủ của các trường có thể thật sự phát huy những tác dụng tích cực.

Trao quyền tự chủ cho các trường đại học là một điều cần thiết và là xu thế không thể đảo ngược ở tất cả các nước trên thế giới, trong đó có VN. Tuy nhiên, tự chủ tự nó không thể đem lại điều gì tốt đẹp nếu không kèm theo đó trách nhiệm giải trình của các trường đại học đối với các cơ quan quản lý và toàn xã hội.

Một xã hội công dân phát triển cùng cơ chế thị trường cạnh tranh cũng là những cơ chế giám sát rất hiệu quả để ngăn chặn sự lạm quyền. Trao thêm quyền hạn cho người đứng đầu của các trường khi chưa xem xét đầy đủ các cơ chế giám sát phù hợp có thể sẽ chỉ làm cho bộ mặt giáo dục đại học của VN thêm phần rối rắm và hỗn loạn mà thôi.

Hiện có ít nhất bốn văn bản liên quan đến việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại Việt Nam:

1. Quyết định 174/2008/QĐ-TTg (năm 2008): Việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS bao gồm hai bước: (1) công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh do Hội đồng chức danh nhà nước quyết nghị dựa trên hồ sơ do Hội đồng chức danh cơ sở thẩm định hồ sơ và gửi lên; (2) bổ nhiệm chức danh GS do Bộ GD-ĐT quyết định dựa trên đề nghị của thủ trưởng cơ quan (tức hiệu trưởng các trường).

2. Thông tư 16/2009/TT-BGDĐT (năm 2009) quy định về các loại điểm công trình làm cơ sở cho việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, quy định về hồ sơ của ứng viên, các thủ tục công nhận, hủy bỏ công nhận, bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh.

3. Quyết định 20/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS”. Thay đổi có ý nghĩa nhất trong quyết định này là về việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ và miễn nhiệm chức danh, theo đó Nhà nước chỉ giữ lại quyền công nhận/hủy bỏ công nhận, còn quyền bổ nhiệm/miễn nhiệm được giao cho thủ trưởng cơ quan (tức hiệu trưởng các trường). Trước đó, tất cả quy trình và thủ tục công nhận/hủy bỏ công nhận lẫn bổ nhiệm/miễn nhiệm đều được thực hiện ở cấp trung ương.

4. Thông tư 20/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung thông tư 16/2009/TT-BGDĐT ký ngày 11-9-2012 mới đây: cập nhật những thay đổi về quyền của hiệu trưởng về việc bổ nhiệm/miễn nhiệm chức danh GS, PGS đã nêu trong quyết định 20/2012/QĐ-TTg.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận