Sân chơi cho trẻ nhỏ: Từ bản chất tự do của con người

HẢI MINH (THEO WHITE NOISE) 04/11/2017 20:11 GMT+7

TTCT - Trong một quá khứ chưa xa, bất cứ bãi đất trống nào cũng nghiễm nhiên là một sân chơi của trẻ em. Nhưng quá trình đô thị hóa khắc nghiệt đã tạo ra những thành phố ngột ngạt tới mức sân chơi giờ là một điều xa xỉ, thậm chí là lạ lùng.

Những trò chơi của trẻ con, Pieter Bruegel bố, sơn dầu trên gỗ, 118 x 161cm, Bảo tàng Lịch sử văn hóa Vienna, Áo.-Ảnh: wikipedia.org
Những trò chơi của trẻ con, Pieter Bruegel bố, sơn dầu trên gỗ, 118 x 161cm, Bảo tàng Lịch sử văn hóa Vienna, Áo.-Ảnh: wikipedia.org

 Nhìn vào bức tranh Những trò chơi của trẻ con (Bảo tàng Lịch sử văn hóa Vienna, Áo) vẽ năm 1560 của Pieter Bruegel bố trong bài này, bạn sẽ không khỏi thấy kinh ngạc bởi 450 năm trước, các trò chơi trẻ em, ở châu Âu xa xôi, cũng chẳng khác gì ngày nay.

Có bịt mắt bắt dê, trốn tìm, nhảy cừu, đánh cù... Một vài trò đã không còn nữa trong thời hiện đại, nhưng bạn vẫn có thể dễ dàng nhận ra luật chơi. Đám trẻ trèo cây, vật nhau, ném đồng xu, bắn súng nước và đeo mặt nạ. Điều duy nhất khác biệt trong bức tranh so với thời hiện đại: trên sân chơi của chúng không có bóng dáng xe hơi hay người lớn.

Lịch sử môn “cò bẹp”

Những trò chơi đường phố đã tồn tại từ khi có... đường phố. Trong khi quá trình đô thị hóa hàng loạt đã đe dọa và làm tuyệt chủng nhiều trò chơi dân gian thôn quê, trẻ em vẫn giữ được trong chúng năng lực nội tại tuyệt vời nhìn thấy sân chơi, trò chơi và đồ chơi, ở bất cứ nơi nào. Vấn đề hoàn toàn là ở năng lực cảm nhận và chấp nhận của người lớn.

Một viên phấn và vài nét vẽ nguệch ngoạc trên mặt ximăng là đủ cho trò nhảy lò cò (miền Nam gọi là “cò bẹp”), một trò chơi bắt đầu từ thời đế chế La Mã (thế kỷ 8 trước Công nguyên) và ngày nay vẫn còn được chơi trên toàn thế giới, từ New York tới Sri Lanka, từ Việt Nam tới Nhật Bản. Mà nhiều khi cũng chẳng cần phấn: mỗi vết nứt trên vỉa hè có thể đã đủ cho một câu chuyện huyền thoại thơ ấu!

Bruegel trở nên vĩ đại vì ông nhận ra những điều nhỏ bé đó. Ngay từ trong bức tranh của ông, khả năng thay đổi chức năng các đồ vật để biến nó thành một món đồ chơi đã được thể hiện thật sinh động.

Gần ở trung tâm bức tranh, ta có thể thấy hai đứa trẻ biến một cái ghế ngựa thành xà thể dục. Năng lực phi thường này của trẻ nhỏ thay đổi cùng với thời đại: thanh ray cầu thang trở thành cầu tuột, thang bộ trở thành nơi biểu diễn ván trượt và xe đạp một bánh, mặt sân sũng nước trở thành ao cá...

Khi ta lớn lên, trái tim ta già cỗi, và ta thấy mình thật đáng thương vì không thể tư duy như thế nữa. Tệ hơn, ta trở nên đáng trách khi coi thường những điều (mà ta tưởng là) bé mọn đấy, rồi cản trở chúng, bóp nghẹt chúng, phá tan chúng bằng cao ốc và cầu vượt, bằng những lời răn dạy và lên lớp mà chính ta cũng không nhận ra là phi lý.

Tư duy thế giới là một sân chơi lớn của trẻ nhỏ càng ấn tượng bởi tất cả diễn ra một cách vô thức: chúng cố gắng giành lấy sự kiểm soát không gian cho riêng mình, dù không gian đó được xây nên bởi, và được xây cho, người lớn.

Các thành phố ngày càng trở nên hung hãn và loại trừ trẻ em. Từ những khu ổ chuột ở Rio tới những vỉa hè lát đá thẳng tắp ở Hamburg, mọi nền văn hóa đều có những ông ba bị của mình - cách thức mà các bậc cha mẹ ràng buộc nghiêm ngặt con cái họ, khi khuất mắt trông coi, để đảm bảo đám trẻ không làm chuyện gì rồ dại và nguy hiểm.

Chỉ từ thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 17-18), con người mới bắt đầu nhận thức rằng sân chơi cho trẻ em cần là nơi an toàn và mang tính giáo dục.

Ở Bohemia vào thế kỷ 17, triết gia và nhà giáo John Amos Comenius viết: “Không chỉ trẻ con của những gia đình giàu có và quyền lực, mà mọi trẻ con trai gái, quý tộc và thường dân, giàu và nghèo, ở mọi thành phố và thị trấn, làng mạc và thôn xóm, phải được đi học.

Việc giáo dục trẻ nhỏ không chỉ là nhồi vào óc chúng những từ, những câu, những ý tưởng tổng hợp lại từ nhiều tác giả, mà còn là mở ra cho chúng hiểu biết về thế giới bên ngoài, để một dòng chảy sống động chảy qua tâm trí chúng, như lá, hoa, và quả nảy nở từ một bụi cây”.

Comenius, sinh năm 1592 và mất năm 1670 - tức ở Việt Nam đang là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, đã đặt nền móng cho giáo dục hiện đại. Với ông, để đạt được mục tiêu giáo dục mà ông đề ra, điều tối quan trọng là con trẻ phải được chơi bời tự do, thay vì sự hướng dẫn cứng nhắc.

“Một cái cây cũng phải thoát hơi, và cần được làm tươi mới liên tục bởi gió, mưa và băng tuyết; nếu không thì nó sẽ dễ dàng tàn héo. Tương tự, cơ thể con người cần sự chuyển động, phấn khích, tập thể dục, và cuộc sống hằng ngày đòi hỏi những điều này, dù là nhân tạo hay tự nhiên”.

Trong trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, thang bộ trở thành nơi biểu diễn ván trượt. -Ảnh: whitenoise.city
Trong trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, thang bộ trở thành nơi biểu diễn ván trượt. -Ảnh: whitenoise.city

 Vì tương lai con em chúng ta

Những ý tưởng của Comenius được tiếp tục mở rộng vào thế kỷ 18 bởi nhà cải cách giáo dục người Thụy Sĩ Heinrich Pestalozzi (1745-1827), người đã phát minh ra nhà trẻ, và Friedrich Fröbel (1782-1852) ở Đức, người phát minh ra sân chơi theo khái niệm hiện đại vào thế kỷ 19.

Tới thời Cách mạng công nghiệp ở Anh, nhu cầu sân chơi đã trở nên cấp thiết trong những điều kiện nghiệt ngã với tầng lớp lao động nghèo đô thị (chẳng hạn như thể hiện qua tác phẩm nổi tiếng Die Lage der arbeitenden Klasse in England, tựa tiếng Việt: Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, của Friedrich Engels, in lần đầu năm 1845).

Không có gì lạ khi yêu cầu phải có sân chơi cho trẻ nhỏ gắn liền với cuộc vận động chấm dứt sử dụng lao động trẻ em, cải thiện tỉ lệ biết chữ và đi học, cũng như tạo ra không gian xanh cho tất cả mọi người. Đạo luật về các sân bãi cho mục đích giải trí năm 1859 được ban bố ở Anh và được áp dụng trước hết ở các đô thị công nghiệp như Birmingham và Manchester.

Một sân chơi trẻ em do Aldo van Eyck thiết kế.-Ảnh: pinterest.com
Một sân chơi trẻ em do Aldo van Eyck thiết kế.-Ảnh: pinterest.com

 Sân chơi trẻ em, vì thế, giờ là một phần của chính trị cấp tiến. Những đầu óc kiến trúc vĩ đại nhất của thế kỷ 20 cũng đã tiếp nhận luồng tư tưởng đó. Cả trường phái thiết kế Bauhaus và phong trào De Stijl đều dành rất nhiều công sức vào các đồ chơi cho trẻ em.

Bậc thầy kiến trúc người Pháp Le Corbusier đã cố gắng nhân văn hóa thiết kế Radiant City đầy các khối nhà chọc trời của ông bằng những sân chơi trẻ em trên nóc. Và một điều nữa: hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đương đại hẳn sẽ là đồ chơi lý thú cho trẻ em, nếu chúng được leo trèo, chạy nhảy, hay ném những thứ đó.

Sự cấp tiến được đẩy lên tầm cao mới sau Thế chiến thứ hai. Kiến trúc sư người Hà Lan Aldo van Eyck bắt tay vào xây dựng hàng loạt sân chơi ở Amsterdam, thành phố mà trẻ nhỏ vừa phải trải qua những kinh hoàng của nạn đói vì sự chiếm đóng của Quốc xã.

Chống lại “tính chức năng và công dụng lạnh lùng, quên đi khía cạnh con người trong thiết kế”, Van Eyck muốn tạo ra những kiến trúc “hỗ trợ cho hoạt động của con người và tạo ra sự tương tác xã hội”. Quan sát trẻ nhỏ khám phá không gian xung quanh chúng, ông đã tạo ra những cấu trúc cho chúng leo trèo hình dáng như nhà igloo của người Eskimo, ngày nay đã được sao chép lại khắp thế giới.

Trong một trào lưu khác, các sân chơi trẻ em hiện đại bắt chước cả nội và ngoại thất những phi thuyền vũ trụ trong thời kỳ chạy đua không gian Liên Xô - Mỹ hồi Chiến tranh lạnh (hãy để ý khi lần tới đưa con bạn tới một sân chơi có trả tiền!).

Sân chơi trẻ em ngày nay đối mặt với những thách thức có lẽ chưa từng có: yêu cầu về đất đai cho các mục đích của người lớn, những thủ tục quan liêu rắc rối về sức khỏe và an toàn, giá đất ngày càng cao, và mỗi đô thị giờ thực ra không gì khác ngoài một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ.

Với tốc độ đô thị hóa này, sân chơi trẻ em đã trở thành một câu hỏi mang tính định nghĩa con người chúng ta. Những thành phố ngột ngạt chúng ta đang xây lên là để làm gì và cho ai? Đó là câu hỏi chắc chắn mang tới hoài niệm và băn khoăn cho không ít người.

Bức tranh của Bruegel cho thấy thời thơ ấu quý giá ra sao, nhưng cũng phức tạp thế nào. Trong tác phẩm của ông, ta có thể thấy hàng loạt ví dụ về những vụ ẩu đả, bắt nạt, đánh hội đồng, và nhiều trò nghịch dại.

Comenius hoàn toàn ý thức điều này và hiểu trẻ nhỏ cần sự hướng dẫn để tránh những hậu quả xấu: “Trên sân chơi, các bé trai được khuyến khích chạy, nhảy, chơi trò chơi với bóng, bởi các em cần cơ thể vận động để trí óc được nghỉ ngơi. Những trò phải bị cấm là đổ xúc xắc (xí ngầu), vật nhau, đánh nhau...”.

Ngày nay chúng ta rất thường xuyên phải sống trong những xã hội không chấp nhận rủi ro không chỉ tước mất đầu óc phiêu lưu ở trẻ nhỏ, mà còn cả sự ngây thơ quý giá ở người lớn. Những trò nghịch ngợm trẻ nít giờ bị coi khinh trong nền văn hóa thị dân tiêu thụ, quảng cáo và văn phòng.

Thêm vào đó, sự xuất hiện của khái niệm thời thượng “thành phố thông minh”, vấn đề sân chơi và trò chơi trở thành câu chuyện định nghĩa bản thể của chúng ta. Ở đây, chúng ta đối mặt với những câu hỏi không chỉ về trẻ em, mà về tất cả chúng ta.

Được chơi không chỉ là để phát triển, học hỏi, hay vì sức khỏe, mà còn là biểu hiện của tự do và thử thách giới hạn bản thân. Kiến trúc sư người Hà Lan Rem Koolhaas từng nói: “Nếu có thứ gì được gọi là “chủ nghĩa đô thị mới”, thì đó không phải là giấc mơ hão huyền của trật tự và sự tiện dụng tối đa”. Việc chăm bẵm cho khái niệm “thành phố thông minh” thực ra chẳng là gì khác ngoài việc đeo đuổi giấc mơ hão huyền đó của những nhà quản lý đô thị hiện đại.

Với họ, sân chơi trẻ em đã trở thành một thứ cộng thêm xa xỉ. Đó sẽ là một thất bại của cả loài người.■

Trò chơi trong thời đại mới

Được định nghĩa là một trò chơi “tự do, tương tác thực tế ảo dựa trên địa điểm”, Pokémon Go, đã tạo ra cơn sốt trên toàn cầu khoảng một năm trước, có lẽ là đỉnh điểm của sự kỳ quặc với trò chơi - cả cho trẻ em và người lớn - ở thời đại lạ lùng của chúng ta. Nó hoàn toàn khác với những trò chơi truyền thống.

Nó có mặt ích lợi: tính giải trí và việc khuyến khích trẻ ra ngoài nhiều hơn để khám phá thành phố của chúng. Nhưng đồng thời, đó là một ý tưởng thương mại tài tình của thời đại hậu tư bản chủ nghĩa và có thể là sự xâm phạm quyền riêng tư cá nhân cực kỳ nguy hiểm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận