Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam: Tự ái hay nỗ lực?

QUANG THI 04/12/2014 08:12 GMT+7

TTCT - Cho đến nay, việc Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines chọn mẫu thiết kế bông sen của một họa sĩ Nhật Bản làm biểu tượng hơn 10 năm trước vẫn là một quá khứ “ám ảnh” cho giới mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) Việt Nam.

Những thiết kế nhà hàng Chôm Chôm ở Hong Kong lấy cảm hứng từ ẩm thực đường phố Việt Nam - Ảnh: adamcharlts.com

Việc bỏ lỡ cơ hội làm nên một biểu tượng về văn hóa, sức sáng tạo... của dân tộc để theo cánh hãng hàng không quốc gia bay khắp thế giới là một thất bại rất “khó tiêu hóa”.

Bây giờ nhắc lại, nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu vẫn nhớ về sự đơn giản đến đơn điệu của MTƯD trong thời chiến tranh, bao cấp, với những mẫu mã loanh quanh hết hình ảnh chùa Một Cột, hồ Gươm đến Văn Miếu... Đến khi mở cửa kinh tế, nhu cầu về MTƯD mới trở nên đa dạng từ thiết kế, thời trang, nội thất, trang trí, logo, in ấn...

Để đáp ứng nhu cầu xã hội, khoa MTƯD được nhiều trường đại học mở ra. Ở các trường mỹ thuật, khoa MTƯD hiện là khoa thu hút sinh viên nhất. Nhưng tất cả vẫn không đủ làm nên bức tranh sinh động hơn, khi mà MTƯD Việt vẫn còn “tự ti” với những đặc điểm như nhạt nhòa bản sắc, “nhập siêu” về mẫu mã, nghèo nàn về sự sáng tạo...

90% mẫu mã là từ đơn đặt hàng

Sáng tạo của MTƯD là làm nên mẫu mã cho hàng hóa. Tuy nhiên, họa sĩ Uyên Huy - nguyên trưởng khoa MTƯD Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM - thừa nhận hầu hết mẫu mã sản xuất trên thị trường hiện nay đều đến từ đơn đặt hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức gia công, “làm thuê” - điều khiến uy tín ngành MTƯD Việt Nam ở mức thấp so với bên ngoài.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên Uyên - trưởng ngành thiết kế công nghiệp Đại học Văn Lang - đưa ra con số cụ thể hơn: “Đứng ở góc độ đa dạng về chủng loại kiểu dáng hàng hóa, rất nhiều doanh nghiệp thừa nhận 90% mẫu hàng là dựa vào phía đặt hàng. Mẫu xuất phát từ trong nước rơi vào tình trạng đều đều, giống nhau, chưa có sự đột phá táo bạo trong tạo mẫu hay thể hiện một giá trị nghệ thuật riêng của hàng Việt Nam.

Chỉ một số công ty đẩy mạnh những mặt hàng có thẩm mỹ cao như gốm sứ Minh Long, LP Desigh, Thiên Thanh... nhưng cũng phải thừa nhận thật sự khi tham gia các hội chợ quốc tế, các công ty này cũng chưa thể “đứng chân” cùng sản phẩm của Pháp, Ý hay Nhật”.

Thạc sĩ Uyên cũng cho biết ở các hội thảo khoa học, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đều than vãn mẫu mã Việt Nam thay đổi quá chậm.

Đầu vào nghèo nàn, đầu ra cũng không hơn, như trăn trở của họa sĩ Uyên Huy: “Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM đã cho ra đời giải thưởng Hoa Mai dành cho thiết kế đồ gỗ, giải thưởng Hoa Sen dành cho quà tặng du lịch. Phòng khuyến công TP Biên Hòa có giải thiết kế quà tặng du lịch... Nhưng đến nay, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm này rất hạn chế”.

Bao giờ mới thỏa chí sáng tạo?

Những nhược điểm trên khiến MTƯD Việt Nam được nhìn nhận chỉ là một “tiểu công trường” gia công, “làm thuê”. Nhưng ông Nguyễn Vũ Phước - giám đốc Công ty thiết kế Kiến Vàng - cho rằng hiện nay có một đội ngũ nhà thiết kế trẻ năng động, được tiếp xúc với mọi tinh hoa MTƯD thế giới qua Internet.

Vấn đề của họ, cũng theo ông Phước, là không cưỡng lại được những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây khiến khi được yêu cầu thiết kế kiểu Á Đông thì thất bại. Những nhà thiết kế trung thành với Á Đông thì rất dễ sa vào những mẫu mã... sến!

Nguyễn Trọng Thái - giám đốc sáng tạo của công ty thương hiệu đa quốc gia Richard Moore Associates - kể anh đã “giật mình xuýt xoa” thế nào khi bắt gặp một nhà hàng Việt Nam có tên “Chôm Chôm” ở Hong Kong. Anh tự hỏi nhà thiết kế cảm hứng từ đâu để biến những vật đặc trưng ẩm thực đường phố Việt Nam như ghế đẩu, đũa tre, thìa nhôm... thành những thiết kế rung động như vậy? 

MTƯD Việt Nam chưa có những bản lĩnh, doanh nghiệp hay trào lưu... có thể tác động đến thị trường, hoặc chỉ có thể là đủ sức “thương lượng” với thị trường. Cho nên ông Nguyễn Vũ Phước vẫn cho rằng: “Những mẫu thiết kế luôn phụ thuộc vào khách hàng, vào đặc tính của từng sản phẩm. Làm thị trường hoài thì anh em dễ hư tay. Nhưng tìm được một khách hàng ưng thuận, chấp nhận để anh em đủ sức sáng tạo thì... rất khó!”.

Cho đến giờ, “thất bại trên sân nhà” trong việc thiết kế biểu tượng cho hãng hàng không quốc gia vẫn được các họa sĩ sôi nổi trao đổi. Nhưng xét cho cùng đó cũng là chuyện bình thường của thế giới, như Trung Quốc có thể mời Steven Spielberg đạo diễn Olympic 2008 vậy (dù S. Spielberg sau đó đã từ chối).

“Tự ái” của các họa sĩ Việt nên dành cho những thách thức thiết kế mới, cuộc thi mới. Bởi cho đến giờ, những thành công của MTƯD Việt Nam còn quá ít. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận