TS Võ Văn Tới - Giám đốc VEF: "Nếu thi vào ĐH VN, tôi cũng rớt"

TTCT - TS Võ Văn Tới, người vừa được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Quĩ giáo dục VN (VEF) về nước để giới thiệu các gương mặt vừa đoạt được học bổng của VEF để theo học tại 27 trường ĐH hàng đầu ở Mỹ, cũng như tham gia quá trình tuyển cấp học bổng cho khóa tới.

Phóng to

TTCT đã trao đổi với TS Võ Văn Tới về một số vấn đề của giáo dục đại học.

* VN có nhiều trường vẫn chưa tin tưởng kết quả đào tạo của trường khác, thường tuyển giảng viên từ SV tốt nghiệp trường mình?

- Tuyển như vậy thì là “ở nhà nhất mẹ nhì con”, anh em trong nhà cứ ấp ủ lấy nhau thì chả bao giờ tiến bộ. Ở Mỹ có nhiều trường ĐH không cho SV của họ học tiếp các ngành sau ĐH của trường mình mà phải sang trường khác. Họ hiểu được vấn đề phải thay đổi môi trường để học hỏi những điều mới.

Còn việc tuyển chọn giảng viên từ trường khác, nếu có phương pháp đánh giá khách quan, nếu có một nhóm nào đó độc lập với các trường đánh giá thì các trường sẽ tin tưởng lẫn nhau.

* Việc phát triển những công nghệ mũi nhọn?

Phóng to
Các sinh viên VN trúng tuyển học bổng nghiên cứu sinh VEF năm 2007
- Vấn đề phát triển giáo dục VN phải dựa trên nhu cầu và tầm nhìn, trong đó tầm nhìn phải đi trước nhu cầu. Những người làm giáo dục phải thấy trước những gì xảy ra để tạo ra nhu cầu. Trong các ĐH ở Hàn Quốc và Mỹ có những hội đồng chỉ đạo, thành viên gồm cả các doanh nghiệp. Họ lập ra những kế hoạch năm hay mười năm để đào tạo.

Nếu chỉ luẩn quẩn trong những công nghệ truyền thống như điện, cơ khí... thì giỏi lắm chỉ bắt kịp người ta. Giáo dục VN phải có tầm nhìn xa hơn, muốn vậy phải chú tâm vào những ngành công nghệ mũi nhọn như nano, công nghệ thông tin, y sinh... may ra có thể vượt qua người ta.

* Việc tuyển sinh ĐH như thế nào là đạt yêu cầu?

- Theo tôi biết, chương trình tuyển chọn ở mình rất khó khăn, đa số người được chọn là giỏi. Tôi cũng nói đùa là nếu dự thi chắc tôi sẽ rớt. Nhưng điều đáng tiếc ở đây là tuyển chọn thì kỹ nhưng sau đó mình không biết cách làm cho họ giỏi hơn.

Một điểm nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh là ba yếu tố giáo dục - nghiên cứu - kỹ nghệ phải gắn liền, không thể nào sống trong một tháp ngà để làm nghiên cứu, mà phải tạo thành sản phẩm có ích trên thị trường. Phải tạo ra nhu cầu, đừng để nhu cầu đòi hỏi mình mà phải thay đổi cách suy nghĩ để tạo ra nhu cầu, lúc đó đất nước mới tiến được.

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

Tiến sĩ Võ Văn Tới là phó giáo sư ngành kỹ thuật y sinh tại ĐH Tufts (Mỹ), nơi ông cùng làm việc cho hai đơn vị của trường là Trường Y khoa kỹ thuật điện và máy tính, là giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Pennsylvania. Ông đã sáng lập chương trình đào tạo ngành kỹ thuật y sinh tại ĐH Tufts, là phó giám đốc Viện Nghiên cứu mắt ở Sion (Thụy Sĩ).

TS Tới đã cống hiến những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình để giúp VN thông qua việc cùng sáng lập mạng lưới các giáo sư người Việt tại các trường ĐH Bắc Mỹ (VNAUP), cũng như xây dựng Hiệp hội Kỹ thuật y sinh giữa các trường ĐH VN và các trường ĐH quốc tế... Trước khi được bổ nhiệm giám đốc điều hành VEF, TS Võ Văn Tới là thành viên hội đồng quản trị do tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm từ năm 2004.

VEF là sáng kiến đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm đưa hai nước đến gần nhau hơn thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hội đồng quản trị của VEF gồm 13 thành viên, trong đó có ba thành viên thuộc Chính phủ Hoa Kỳ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Condoleezza Rice, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Margaret Spellings và Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson cùng nhiều thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận