Truyền thông hai phía nói gì?

HỮU NGHỊ 05/05/2018 20:05 GMT+7

Cuộc gặp Kim Jong Un - Moon Jae In quả là mang tính lịch sử với biết bao màn “trình diễn” làm dậy sóng trên truyền thông quốc tế lẫn mạng xã hội.

Trang bìa tờ Rodong Sinmun ngày 28-4. Ảnh: kcnawatch.co
Trang bìa tờ Rodong Sinmun ngày 28-4. Ảnh: kcnawatch.co

Nổi đình nổi đám nhất là từ phía ông Kim: trịnh trọng như việc bất ngờ mời ông Moon bước qua ranh giới đình chiến, quá bộ qua miền bắc dù chỉ một bước; tình cảm như việc mời đối tác miền nam thưởng thức món mì lạnh mang từ tiệm mì Okryu tận Bình Nhưỡng qua;

ngây thơ như khi cùng vợ ngó xem ông Moon làm như thế nào với chiếc búa nhỏ trước món tráng miệng bằng sôcôla; chân thành như khi tuyên bố “đau lòng” vì Hàn - Triều dùng 2 múi giờ khác nhau, rồi hứa hẹn “vì chúng tôi là người đã thay đổi múi giờ chuẩn, chúng tôi sẽ trở về với múi giờ ban đầu. Các ngài có thể công bố việc đó”...

Báo chí Hàn Quốc (và quốc tế) kể từ cuộc gặp “lịch sử” ấy thi nhau chạy tít về từng lời nói, cử chỉ, từng chi tiết ngoạn mục của ông Kim, như thể ông là vai chánh của trang lịch sử mới vừa mở ra từ 9h30 sáng thứ sáu ấy. Đến đầu giờ chiều thứ hai 30-4, tờ Korea Herald còn vén lên những chi tiết hậu trường của cuộc gặp vô tiền khoáng hậu này:

“Một cảnh tượng hấp dẫn là cảnh hai nhà lãnh đạo bước trên một cây cầu bộ hành ở Bàn Môn Điếm, ngồi lên băng ghế và nói chuyện riêng trong khoảng 30 phút. Các nhà lãnh đạo thỉnh thoảng cười phá lên với nhau, và vào những lúc khác tỏ ra nghiêm trang hơn khi nghĩ đến việc thẳng thắn nói về một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất - giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên - trước cuộc họp dự trù của ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 hoặc vào đầu tháng 6”.

Báo này dẫn nguồn cụ thể: “Bộ trưởng thống nhất Cho Myong Gyon cho biết trong một chương trình radio hôm thứ hai: Trong quá khứ không thể tưởng tượng được rằng hai người sẽ có một cuộc trò chuyện mà không có ai xung quanh”.

Màn nói chuyện riêng được minh họa bằng tấm ảnh chụp hai ông ngồi trên hai băng ghế gỗ đơn sơ dân dã, không hoa văn rồng rắn vua chúa, trên bàn là hai tách trà cùng hai ly nước bằng thủy tinh thông thường. Một cái gạt tàn thuốc lá vẫn còn đậy nắp nằm yên trên bàn.

Chi tiết về việc ông Kim Jong Un “hay” hút thuốc cũng được báo chí ghi lại từ lời kể của các quan chức Hàn Quốc: “Khoảng 8h tối, nhà lãnh đạo Triều Tiên, vốn được biết là hay hút thuốc, lẳng lặng bước ra khỏi phòng tiệc và qua chỗ khác để hút.

Đó là lần duy nhất người ta thấy ông Kim hút thuốc trong ngày họp thượng đỉnh. Một viên chức phủ tổng thống thuật lại hôm chủ nhật với điều kiện không nêu danh tính: 'Chúng tôi biết rằng Kim Jong Un hút thuốc. Song, chúng tôi đã trông thấy ông ấy giữ mình không hút ở nơi công cộng, cân nhắc tính biểu tượng của cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều cùng số viên chức bắc - nam đang có mặt'”.

Ghi nhận rất “đời thường” trên cùng nhận xét kèm theo cũng cho thấy thói lịch sự (savoir-vivre, nghĩa đen: biết sống) của nhà lãnh đạo 34 tuổi này, có khi còn “biết sống” hơn cả những người có số tuổi gấp đôi mình trong những tình huống tương tự!

Câu chuyện về những lần nói chuyện riêng giữa hai ông Moon và Kim còn được Bộ trưởng thống nhất Cho bổ sung: “Họ tiếp tục nói chuyện riêng sau khi quay trở lại Nhà Hòa bình, địa điểm diễn ra thượng đỉnh. Họ nói chuyện riêng với nhau khoảng 15 phút trong một phòng họp trước khi ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Ông Cho mô tả ông Kim thực sự thành thật, một cách dứt khoát hơn là tính toán”.

So với các tin bài của báo chí miền nam, các bản tin của tờ Rodong Sinmun, công báo của miền bắc, về cuộc gặp “thượng đỉnh lịch sử bắc - nam hòa giải và đoàn kết dân tộc, hòa bình và thịnh vượng” khác hẳn. Chủ yếu chỉ có... tên họ cùng chức vụ những yếu nhân tham dự, cùng một hai dòng về nội dung cuộc họp.

Nổi bật trong mớ tin “công báo” ấy, riêng bản tin “Bữa tối do Moon Jae In thết đãi” có vẻ “đời thường” hơn với chi tiết “phía nam dọn các món khác nhau đầy ý nghĩa, còn phía bắc mời món mì lạnh của cửa hàng ăn uống Okryu ở Bình Nhưỡng, gây ấn tượng sâu sắc cho người dự tiệc”.

Chi tiết này quả là “hào phóng” giữa “rừng” những dòng tin lạnh lùng như: “Trong bữa ăn, Moon Jae In đã phát biểu đón chào, Kim Jong Un đã đọc đáp từ”. Bài báo cũng phá lệ kết thúc bằng một nhận xét có vẻ “tình cảm”: “Bữa tối đã diễn ra trong một bầu không khí thân thiện tràn ngập cảm xúc của những người cùng máu mủ”.

Về món mì lạnh của miền bắc, báo chí Hàn Quốc chi tiết hơn: “Một đầu bếp từ Okryugwan ở Bình Nhưỡng - một biểu tượng của đời sống ẩm thực thủ đô miền bắc - đã đem theo máy làm mì cùng nước lèo (nước dùng) và nấu ngay tại chỗ, phục vụ món đặc sản mì lạnh của miền bắc. Nghe kể lại rằng đầu bếp này và các quan chức miền bắc đã lấy làm tiếc rằng đã không tái tạo được 100% hương vị của món mì lạnh kiểu Bình Nhưỡng”.

Nếu báo chí miền nam đầy rẫy chi tiết, thì tờ Rodong Sinmun vắn tắt về câu chuyện, song đầy tính lý luận. Tỉ như một bài viết: “...Ông Kim Jong Un nói rằng cuộc gặp tại một nơi đặc biệt như thế đánh dấu cơ hội tạo hi vọng và ước mơ cho tương lai tất cả mọi người.

Ông cho biết ông cảm thấy một lần nữa sứ mệnh dân tộc và nhiệm vụ mở ra một kỷ nguyên hòa bình và thống nhất mới sau khi chấm dứt lịch sử phân chia và đối đầu, và rằng ông hôm nay đến đây với ý nghĩ rằng ông sẽ phát đi một ngọn lửa tín hiệu viết nên một lịch sử mới ngay từ dòng đầu”.

Hai cách đưa tin phản ánh sự khác biệt hoàn toàn kéo dài gần 70 năm giữa hai xã hội.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận