Truyện ngắn Nguyễn Thu Hằng: Đôi cánh

NGUYỄN THU HẰNG 16/11/2022 09:24 GMT+7

TTCT - Tôi là cô tiên trên đồng Cánh Màu. Tiên thì có cánh và biết bay. Tôi chưa biết bay nhưng đôi cánh của tôi đang nhú ra từng ngày. Nó màu xanh...

Truyện ngắn Nguyễn Thu Hằng: Đôi cánh - Ảnh 1.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Tôi là cô tiên trên đồng Cánh Màu. Tiên thì có cánh và biết bay. Tôi chưa biết bay nhưng đôi cánh của tôi đang nhú ra từng ngày. Nó màu xanh. Như màu của rau diếp ngô. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại thấy chúng dài ra, những cái lông xanh như lá rau diếp đan khít vào nhau, lớp lang như một bài thơ tình diễm lệ.

Tôi thường nghiêng người soi bóng xuống mặt sông để ngắm đôi cánh của mình và đọc thơ tình mà đám rong rêu dưới đáy sông đang làm. Nhiều đoạn chẳng hiểu đám ấy viết gì nhưng có cảm giác lạ và tôi cứ đọc. Dòng dõi tiên Cánh Màu đều thích thơ, nhất là thơ nổi lên từ đáy sông. Cho đến khi nào đọc được thơ trên chính cánh đồng của mình thì đôi cánh của tôi sẽ trưởng thành và tôi có thể cất cánh bay. Khi ấy tôi sẽ vào Nhà Trời và chỉ cần nhìn những đám mây cũng biết đề thơ như ai. Tôi chải cánh và mơ tưởng đến lúc mình được thăng cấp tiên. Tiên cũng có nhiều cấp, ở nhiều cõi khác nhau, cõi địa, cõi thủy, cõi đời, cõi trời. Ở ngay cõi đời là nhiều tiên nhất, mỗi dòng sông, cánh đồng, khu rừng, hay con đường, góc bếp, gốc cây cổ thụ đều có tiên. Hôm gặp nhau trên Cánh Màu, người Cá đã nói với tôi thế. Nhiều tiên do nhân duyên tiền kiếp, sống giữa người mà không nhớ mình là tiên. Sứ mệnh của người Cá là chờ một cô gái có mái tóc dài như rong, thơm như mùi, đen như bồ kết chín xuống gánh nước để nói cho cô ấy biết cô ấy là tiên. Cô ấy không chỉ thích đọc những bài thơ tình mà còn sẽ tự viết những bài thơ tình của mình trên đám mây. Những bài thơ ấy sẽ bay khắp không gian cùng với cô, khi đôi cánh của cô đã đẫy lông.

Chợt mặt sông bỗng biến mất. Tôi không nhìn thấy cánh của mình đâu. Tôi nhớn nhác tìm sông. Thì ra sông bị lôi tuột ra góc nhà. Người cất sông đi là mẹ tôi. Người hay tiên thì đều phải có một bà mẹ sinh ra, bố thì người có người không. Tôi diện thứ hai. Hồi tôi còn chưa từng nghĩ mình là tiên, tôi hỏi mẹ, bố đâu? Mẹ kể cho tôi nghe câu chuyện cổ tích của bà. Một buổi mẹ lên Cánh Màu bẻ ngô, quá trưa khát nước khô cả cổ. Bỗng một ông Bụt hiện lên cho mẹ một bầu nước mát. Uống hết bầu nước mẹ làm đến tối chẳng biết mệt. Về, mẹ mang thai và sinh ra tôi. Mẹ đặt tôi là Thủy. Nhưng mọi người cứ gọi tôi là cái Xanh. Họ gọi thế vì hai vai tôi có đôi vết chàm xanh như nắm mạ. Tôi càng lớn, vết chàm càng đậm. Nắm mạ ấy lan khắp vai, xuống đến lưng. Từ chỗ ấy, sau ngày tôi ốm nặng, bắt đầu mọc cánh. Người Cá bảo, cô tiên Cánh Màu mới có vết chàm đẹp hơn cả hình xăm như thế. Người Cá đã ngắm nó mê đắm chứ không như những người hàng xóm, hễ nhìn thấy tôi mặc áo khoét nách là lại ác mồm, con bé lộn đi lộn lại, vết chàm ngày một to. Họ nhìn vết chàm của tôi như nhìn một thứ ung nhọt.

Tôi chạy ra góc nhà để soi tiếp đôi cánh của mình. Mẹ tôi nhắc mặc áo cộc vào rồi ra ăn sáng. Nhưng trời mới bảnh mắt đã nắng nóng, tôi cứ mặc áo khoét nách như những đứa con gái khác cho mát. Mặc vết chàm phô ra. Mặc đôi cánh xanh nhú lên. Tôi hỏi mẹ, họ bảo lộn đi lộn lại là thế nào? Mẹ nhìn lên ngọn cau. Có lẽ bà chỉ đang nghĩ làm cách nào để trèo lên ngọn cau cao vót hái buồng cau xuống bán rằm. Tôi xoay lưng về phía mẹ cho mẹ xem đôi cánh xanh của mình. Đôi cánh được mọc ra mấy hôm nay, từ chỗ vết chàm trên vai lan xuống sau lưng. Không hiểu nếu vết chàm mà lan xuống ngực thì chỗ bầu vú của tôi nó có mọc cánh không? Mấy hôm nay tôi thấy ngực căng ra. Bụng tôi cũng căng lên, có cái gì lúc thì nhộn nhạo, lúc rỗng ruễnh, lúc thì có con chạch đang luồn trong đó.

Tôi nhún nhẩy như một con chim công tập múa và hỏi mẹ thấy đôi cánh màu xanh có đẹp không? Lần đầu tôi hỏi, mẹ bĩu môi. Còn bảo tôi hoang tưởng, chỉ thấy con vịt bầu. Tôi lăn ra khóc như một con điên (ấy là câu của hàng xóm, khi đi qua nhìn thấy cảnh ấy đã rỉ tai nhau như vậy). Lần này, mẹ tôi gật đầu ngay. Tôi vén lưng áo cho mẹ xem đôi cánh của mình. Mẹ lau người và xoa lưng cho tôi. Có những đám mồ hồi dấp dính. Đôi lúc, tôi bắt gặp nước mắt mẹ trào ra. Làm sao mà phải buồn thế chứ? Tôi là cô tiên thì tất có ngày tôi mọc cánh thôi. Tôi sẽ bay lượn trên bầu trời. Sẽ giúp mọi người chăm sóc những ruộng rau trên đồng Cánh Màu. Sẽ làm cho những hạt mầm bật lá, những bông hoa đơm quả, những chiếc rễ phình thành củ. Cho đến khi làm tròn sứ mệnh của mình thì tôi sẽ được thăng cấp. Tôi sẽ bay lên cõi trời và vĩnh viễn ngao du ở trên đấy. Tôi là đứa con mà ông Bụt đã trao vào tay mẹ thì ắt sớm muộn tôi cũng bay về cõi đã sinh ra tôi. Khi ấy tôi sẽ đưa mẹ đi cùng. Cô tiên luôn có phép thuật làm cho người khác bay cùng với mình. Mẹ sẽ không phải ra đồng nhổ cỏ, tưới rau, hay quắt người trong những vụ mùa rối cả chân tay nữa. Mẹ sẽ bay đi khắp nơi trên đôi cánh của tôi và mẹ cũng sẽ thích đọc thơ như tôi.

Kể từ cái buổi tôi ốm liệt giường tỉnh dậy thấy vết chàm đã lan ra, sau lưng nhú ra đôi cánh, tôi cho mẹ xem chúng, mẹ không cho tôi đọc thơ nữa. Cái hòm tôn có cất mấy quyển thơ sờn gáy từ thời ông bà ngoại dạy học mẹ khóa lại. Thơ có thể khiến con người ta cất cánh bay lên ngay giữa gian nhà nghèo khó của mình. Hồi bé, mẹ từng nói với tôi như thế mỗi khi mẹ đọc thơ cho tôi nghe. Giờ thơ ngấm vào tôi thì mẹ lại khóa chúng lại. Nhưng thơ thì có khắp nơi. Mẹ đâu khóa hết được. Tôi đành phải tự đọc thơ của đám rong gửi lên trên dòng sông.

Tôi ngồi trước dòng sông của mình ăn cơm rang và đọc những vần thơ mới nổi lên. Mẹ quét đám mạng nhện đang chăng nơi góc tường, treo dòng sông của tôi lên cao. Mẹ lầm rầm, lúc này ngồi trước gương nhiều không tốt, để mẹ treo lên cao. Mẹ gọi dòng sông của tôi là gương. Bị treo cao, dòng sông nghiêng trông càng đẹp.

Ngoài cổng, có tiếng xe đạp. Bà Tư Chẫm đi vào, gọi mẹ hỏi mua cau. Mẹ lắc đầu nhìn đôi chân đang sưng lên vì đổi gió. Giá con bé không bị ốm thì nó đã hái từ hôm qua. Hay là qua gọi thằng Câm trèo giúp. Nghe bà Tư Chẫm nói thế, tôi thấy tức tối vô cớ, bèn vội vã mặc cái áo nâu đất của mẹ, trèo ton tót lên cây cau. Tôi muốn cho bà ta biết tôi chẳng bị sao cả. Ngọn cau cao hơn cả nóc nhà, cao bằng ngọn cây đa đầu đình. Buồng cau cọ râu vào mặt, nhồn nhột. Gió thốc từ dưới vạt áo chui vào lưng. Cảm giác những chiếc lông tơ xanh đang hớn hở, đôi cánh giấu trong lớp áo muốn dang rộng ra để tập bay. Người tôi nhẹ bâng tưởng như sắp bay lên từ đây. Nhìn xuống khu vườn chỉ thấy những cây bưởi, cây cam bé như chiếc ô. Ở dưới tán bưởi, thằng Câm hếch mặt lên ra hiệu, phát ra những âm thanh ú ớ. Gió bỗng rút đi. Cánh co lại. Người tôi nặng trịch, từ từ tụt xuống. Chỗ mặt bị những râu cau cọ vào bỗng sẩn ngứa. Thằng Câm vào cổng ra hiệu gì đó để nói chuyện với mẹ tôi. Tôi chui tụt vào buồng, ngồi thu lu một góc. Không hiểu sao, từ lúc ốm dậy, tôi ngại gặp thằng Câm đến thế. Tôi sinh ra ác cảm với cả những tiếng ú ớ của nó.

Cánh cửa buồng kẽo kẹt mở. Cậu Thặng đi vào cùng mẹ. Tôi vốn đã sợ cậu Thặng từ trước, cậu là em họ mẹ, tính rất lầm lì, làm gì ở trên thành phố tôi cũng chẳng biết. Ánh mắt của cậu lúc nào cũng có vẻ dữ tợn. Giờ tôi càng sợ cậu, chỉ cần thấy bóng cậu là tôi đã run sần sật, đôi cánh cũng co tụt lại vào tận trong xương, đau nhói.

Cậu hỏi tôi, mọc cánh thì cánh đâu? Tôi lắc đầu, mặt tái đi. Cậu nắm cánh tay tôi lôi lên, nói với mẹ tôi, em sẽ đưa con bé đi. Chỗ ấy người ta đồng ý rồi. Cậu nói mà như ra lệnh với mẹ tôi. Tôi khóc sụt sịt. Cháu không đi đâu, cháu là cô tiên. Thế mày kể lại cho cậu nghe, cái buổi tối mày bị hại ấy, có những đứa nào? Đầu tôi muốn vỡ tung. Mỗi khi ai hỏi về buổi tối đó, tôi lại thấy trong đầu là một vòng lốc xoáy. Hai thái dương tôi giật nhoằng nhoằng. Chỉ còn là một thứ hỗn độn. Tôi như đang rơi xuống vực thẳm sâu hun hút. Tôi không thể nhớ cái gì. Lúc tỉnh dậy ở bệnh viện tôi thấy người như quả dưa bở bị vỡ nát. Tôi không nhớ được chuyện gì đã xảy ra sau khi tôi ăn thanh kẹo ngọt đó. Chỉ nhớ trước đó có chàng người Cá đến, nhưng tôi phải giữ bí mật kẻo lỡ duyên tiên.

Cậu Thặng giơ tay lên trời. Đấy, chị thấy chưa, con bé rõ là không bình thường. Cũng tại chị cứ nhồi chuyện cổ tích với thơ thẩn cho nó từ bé, giờ mới ra nông nỗi này. Còn cái bụng kia nữa, phải đưa đi khám xem sao. Cậu Thặng giữ tay tôi, đổi giọng dỗ dành, cô tiên thì ốm cũng phải khám bệnh chứ.

Tôi mếu máo, nhưng cháu sợ bệnh viện.

Không, ta sẽ đến một nơi an lành chỉ dành cho các cô tiên, như cháu.

Tôi đã ngoan ngoãn đi theo, vì tôi tin cậu. Tin có những nơi như thế.

Đến cổng, cậu dặn, tiên cũng như người, đều phải tuân thủ các quy định ở đây. Mà tiên thì thường chẳng bao giờ lộ ra mình là tiên cả đúng không? Chính tiên sẽ luôn nghĩ mình là người khi được các bác sĩ mặc blu trắng khám chữa bệnh. Giờ cháu chỉ nghĩ mình là người được chứ? Như thế mới mau lành, mau được trở về. Từ đó đến lúc vào phòng khám, tôi nhất quyết không nghĩ mình là tiên nữa. Không nghĩ mình là tiên, đôi cánh sau lưng tôi không thấy động đậy gì cả, có lẽ nó đã thụt sâu vào trong xương tủy rồi. Nhưng không nghĩ mình là tiên, đầu óc tôi lại nứt toác ra như một quả dưa bở bị đánh rơi.

Bác sĩ dẫn tôi vào phòng kín, nhiều tấm vải trắng che lên. Máy móc, dây dợ, mùi thuốc tẩy làm tôi buồn nôn. Tôi nằm lên cái bàn phủ ga trắng, người ta đổ một thứ chất lỏng nhớp nháp lên bụng tôi, cổ họng tôi bỗng khan đặc. Cái vật tròn tròn trườn qua trườn lại. Hình như con chạch trong bụng tôi đang chạy trốn. Nhưng người ta vẫn tóm được nó. Nó là vệt trắng giữa vùng đen trên cái hình xòe quạt nan. Thai đã tám tuần tuổi. Miệng mẹ mếu xệch. Giời ơi, sao lại thế?

Tôi choáng váng. Nhẽ nào một cô tiên có thể sinh con? Bụng tôi nhói đau, như thể một lưỡi dao đang lách ra từ mấy rẻ xương. Tai tôi ù đi. Bác sĩ điềm nhiên hỏi, giờ gia đình tính sao? Giọng mẹ run run, có cho ra được không? Giọng bác sĩ chùng xuống, cửa mình con bé vừa bị tổn thương, lại quá hẹp, gia đình phải viết giấy cam đoan. Tiếng dao kéo lanh canh. Tôi lao ra khỏi phòng, bỏ lại những tiếng kêu, những bước chân đuổi theo sau...

Có tiếng động nhỏ bên ngoài. Tôi tỉnh dậy. Hình như tiếng cành nhãn va vào cửa sổ. Trăng đầu tháng tãi trên vòm nhãn. Ánh sáng mềm như làn nước. Tôi bước theo trăng. Trong đêm huyền hoặc, đôi cánh tôi lại nhú ra, đâm rách cả lần áo khoét, vươn lên. Sương đêm làm mát đôi cánh. Màu xanh thẫm vẫy vẫy trong trăng, vươn lên trong đêm.

Bờ mương chật chưỡng. Mấy ruộng rau màu lùi lại phía sau. Cỏ may lay động rẽ lối, mở ra cửa sông. Đám rong rêu đang uốn éo viết lên những vần thơ mới mời tôi đọc. Sông nghiêng như được treo trên tường. Đám cỏ gà trên bậc đá mới mượt làm sao. Tôi muốn nằm nghiêng trên đó để soi mình xuống sông ngắm đôi cánh xanh của mình. Chẳng ai biết được tôi đang ở đâu. Tôi muốn tắm cho đôi cánh thêm mướt dài. Nếu có thể, tôi muốn mình bay đi ngay trong đêm trăng này. Người Cá đã nói, các cô tiên xinh đẹp thường cất cánh trong đêm trăng. Khi nước sông dâng lên như sương ngấm vào da thịt thì người sẽ nhẹ bâng như bông, nhắm mắt lại sẽ bay lên. Nhưng ý nghĩ phải bồng bềnh. Nghĩ rằng có đôi bàn tay ai đó đang nâng cánh mình bay lên, có đôi chân ai đó làm bệ đỡ cho mình bay lên. Thế là tôi nhắm mắt và nghĩ. Nước sông vờn lên bụng tôi, cảm giác đỡ căng tức. Nước sông ập vào mạnh hơn, bắn bọt trắng xóa lên ngực. Một bàn tay vuốt lên tóc tôi. Bàn tay rắn đanh, ướt lạnh. Tôi mở mắt, người Cá đang bước ra từ đám cỏ lau. Những giọt nước chảy tràn từ tấm thân màu đồng bóng tràn sang ngực tôi. Nàng tiên của anh. Người tôi muốn tan thành nước khi người Cá ôm tôi và nói. Sao người Cá vẫn chưa bơi đi sau khi đã tiết lộ bí mật tôi là cô tiên Cánh Màu và cho tôi ăn một cây kẹo hồng để đủ ngày đủ tháng tôi sẽ biến thành tiên? Chàng đã bảo, mỗi khi nói cho cô tiên lạc giữa cõi đời biết được thân thế của mình, người Cá sẽ rời đi và không ai được nói ra bí mật đã gặp người Cá. Chàng dặn thế và tôi giữ đúng lời hứa. Tôi khóc nức nở khi người Cá hỏi về đôi cánh đã nâng tôi bay được chưa? Tôi lắc đầu. Tôi đã không bay được mà bị rơi vào một vực thẳm, đầu óc tôi mụ mị, tôi bị kẹt cứng trong trí nhớ của mình. Người Cá rút ra thanh kẹo hồng, bảo, đây là thần dược giúp em thoát khỏi mớ bòng bong ấy. Tôi ăn thanh kẹo trong khi người Cá chạm tay xoa đều lên đôi cánh của tôi. Người Cá đằn tôi xuống cỏ, đôi tay chờm lên vòm ngực tham lam bóp mạnh một cái khiến tôi cong người vì đau. Tôi kêu thét lên, thanh kẹo hồng rơi xuống nước. Một tia sáng xanh lóe lên trong đầu tôi. Như một tia chớp rạch qua bầu trời đêm soi rõ cảnh tôi quằn quại khi bị hai tên lạ mặt xâu xé. Người tôi rách toạc. Máu rơi xuống đám cỏ. Có những nhát kiếm đang thọc vào khoét từng miếng thịt miếng gan. Tôi thấy mình bị quăng xuống sàn thuyền như một con cá diếc bị đập chết, tôi không biết gì nữa, sóng đẩy thuyền đi. Tia sáng xanh giật mạnh xoẹt qua đầu tôi, tắt lịm. Tôi vùng dậy, thoát khỏi thân thể nhớm nháp phía trên mình đang muốn giương mũi kiếm thọc nát xương tủy tôi. Tôi ngoạm vào núm vú người Cá cắn mạnh, thịt máu lòi ra. Cánh tay giơ lên táng thẳng vào mặt tôi. Trong đám đom đóm tóe lên trước mặt tôi thấy bóng thằng Câm lao đến, chiếc đòn gánh phang xuống, tiếng "hự" bật ra. Bóng ai như cậu Thặng tôi xuyên đám khoai ngô chạy tới. Người Cá đã không kịp xuống sông. Còn tôi, tôi cuống quýt. Tôi sợ hãi. Tôi vùng chạy. Tôi chạy như bay. Trên Cánh Màu. Tóc tai rũ rưỡi, quần áo rách tươm. Sương va vào da thịt tôi, tan chảy. Một đám mây trắng vờn trước mặt, tôi vươn lên, tôi muốn đập cánh. Tôi muốn biến mất khỏi cõi người. Mây tan thành nước tóe vào mặt tôi, nước dâng lên làm ướt sũng đôi cánh, nước nhấn tôi chìm xuống. Tới đám rong rêu thì có bàn tay đã nắm lấy tóc tôi. Tôi thấy mình bị lôi lên. Đôi cánh tôi gẫy rời, những chiếc lông rơi lả tả nổi phềnh trên mặt nước.

Giữa trưa hè. Một trận mưa rào ào ào đổ xuống.

Nước ngập thẳng băng các cánh đồng. Cánh Màu cũng một màu trắng xóa. Thằng Câm từ màn nước mênh mông đi về. Nó đem vào biếu mẹ tôi một xiên cá. Tôi đang bắt chấy cho con Rong bên bậu cửa, con bé chợt hỏi, sao chú Câm có cái gì cũng đem cho nhà mình thế? Câm ngẩng lên, giơ hai tay vẫy vẫy con bé. Tôi nhìn tay Câm, trông nó hệt như một đôi cánh đang bắt đầu bay lên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận