Truyện ngắn: Khách sạn Cầm Giang

HÒA VINH 01/05/2019 03:04 GMT+7

Tôi tin như anh rằng một mai nhất định hòa bình sẽ đến, như một đền bù cho tuổi trẻ chúng tôi...

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

1 Những ngày nóng bức, lúc tối muộn, Thoa hay rủ tôi ra bờ sông. Từ phòng trọ, tôi đi xuống cầu thang, ngang qua gian bếp của quán vẫn còn bay mùi thịt nướng ướp ngũ vị hương, không quên huýt sáo một khúc nhạc vui làm tín hiệu. Tôi lững thững bước dọc đường Võ Tánh khoảng năm phút là có tiếng xe máy chạy theo, rồi dừng lại bên lề đường.

Đó là chiếc xe Honda nữ của quán mà Thoa dùng hằng ngày ra chợ thị xã chở thực phẩm đặt mua sẵn về chế biến món ăn. Sáng tinh mơ, khi tôi còn ngủ say, Thoa đã thức dậy và bắt đầu một ngày làm việc cực nhọc.

Lần đầu tiên đi chơi với Thoa, tôi xấu hổ lắm. Thằng con trai 17 tuổi đầu mà chưa biết đi xe máy, phải bám lưng đứa con gái hơn mình hai tuổi. Biết làm sao, tôi ở trường quận mới ra thị xã học được vài tháng, ở quê chỉ biết đi xe đạp. Dần dần, Thoa giúp tôi tập lái xe, lòng hồi hộp khiến tôi suýt đâm vào cột đèn. Đến khi tôi có thể chở Thoa thì nàng giành lại tay lái, đóng vai người chị chở em trai trên đường đêm về nhà. Tôi mặc nhiên chấp nhận thỏa thuận đó vì hình như ngồi sau Thoa, cả tôi và nàng đều thấy dễ chịu hơn. Nếu nàng ngồi sau, mỗi khi tôi thắng gấp, ngực nàng cọ vào lưng tôi, khiến hai đứa rơi vào trạng thái khoái cảm trong ngượng ngùng.

Bên bờ sông Cầm, những người dân từ vùng chiến sự tản cư đến chiếm đất làm một dãy nhà ván sống tạm bợ qua ngày. Buổi tối trời oi nồng, có khi lóe lên những tia chớp mà không nứt nổi một giọt mưa. Dựng xe bên gốc cây dầu, chúng tôi ngồi tựa vai nhau nhìn ra dòng sông âm u trước mặt. Từ đồn lính bên này sông, những trái hỏa châu bắn qua phía làng xóm hoang vắng bên kia, đồng đất và lùm cây lờ mờ dưới những bông lửa tỏa sáng. Trên mặt sông đêm thỉnh thoảng hiện lên vài chiếc thuyền thúng đang đánh lưới, hay một chiếc đò ngang chở cỗ quan tài đi về phía cánh đồng heo hút. Thoa nói nhỏ: “Nhà Thoa ở bên đó. Cha mẹ Thoa bị đạn pháo bắn chết cùng một ngày, Trung à”.

Tôi nhìn sâu vào mắt Thoa. Nàng là người con gái đầu tiên của đời tôi, là thiên thần bước ra từ những cuốn sách tôi đọc. Khuôn mặt nàng ửng sáng dưới ánh hỏa châu, đôi mắt nàng trong veo giữa đêm hè, chiếc áo hoa vừa chật vai nàng. Tôi muốn ôm lấy Thoa, muốn hôn lên môi nàng. Nhưng chúng tôi chỉ lặng lẽ nhìn nhau. Sao hè vẫn giăng trên trời cao, tôi nắm tay Thoa đứng dậy, trở về khách sạn Cầm Giang cho kịp trước giờ giới nghiêm.

2 Đó là một dãy nhà hai tầng cũ kỹ được xây làm khách sạn từ thời Ngô Đình Diệm. Vì thiết kế thiếu tiện nghi, mỗi phòng chỉ chừng 12 mét vuông, nên chẳng có mấy khách thuê ngắn ngày. Người chủ quyết định cho thuê mặt tiền làm quán ăn, các phòng thì cho gia đình thuê hằng năm; họ được nấu bếp điện, dùng chung toilet và buồng tắm ở cuối mỗi tầng.

Khi từ quê lên thị xã học cấp III, tôi xin dì Chín cho ở trọ nơi căn phòng của dì. Chồng dì là bác sĩ quân y, phục vụ ở bệnh viện dã chiến luôn đầy thương binh đưa về từ mặt trận, dì ở nhà nuôi đứa con nhỏ. Căn phòng ngăn đôi bằng tấm màn vải, mẹ con dì ở bên trong, tôi nằm trên chiếc giường đơn kê sát cửa sổ, bàn học trên đầu giường đêm đêm sáng ánh đèn soi đủ vừa trang sách nhỏ.

Ở sát vách bên phải là phòng của vợ chồng thầy Quốc, hiệu phó trường tôi. Thầy ít nói, nghiêm nghị, khôi ngô, có ngón đàn guitar tuyệt diệu. Những tối cuối tuần, khi thầy ra hành lang ngồi chơi đàn, tôi ngừng học bài lắng nghe. Cô Nhung, vợ thầy, từng là hoa khôi của thị xã, học trò nhỏ hơn thầy chục tuổi, con nhà quyền quý, nhưng nghe nói gia đình cô phản đối cuộc hôn nhân của họ nên hai người thuê phòng ở riêng, tự lập nuôi con.

Kề vách bên trái là phòng trọ của chị Linh, một cô gái duyên dáng, luôn tươi cười với hàng xóm, nhưng “có hành tung đáng ngờ” như cách nói của dì tôi. Chị sống một mình, hay mặc jupe ngắn, đi làm muộn, về khuya, không thấy giao du với ai. Dì tôi thân thiết với cô Nhung bao nhiêu thì dè chừng chị Linh bấy nhiêu. Có lần dì nói với tôi: “Sao dì thấy khi nào cô Linh sắp về là thầy Quốc lại lấy đàn ra chơi”.

Khu phòng trọ này là nơi tôi làm quen với sinh hoạt và hơi thở thị thành. Nhưng cảnh đời và cư dân ở đây vẫn nửa tỉnh nửa quê. Chỗ ở chật chội, điện thỉnh thoảng bị đứt vì quá tải do nấu nướng, nước yếu không lên được trên lầu. Chủ khách sạn phòng xa nên cho đào một cái giếng ở dưới sân, người trên lầu có thể ra hành lang thòng dây gàu múc nước giếng kéo lên mà dùng. Tôi được dì Chín lo ăn ngày ba bữa, hầu hết thời gian dành để đi học, đọc sách, chỉ thỉnh thoảng xuống quán cơm mua vài món ăn và làm cái việc khó nhất là buông gàu kéo nước giếng lên hằng ngày. Giếng sâu, lại đứng trên cao, tôi phải thật khéo léo để gàu nước không sánh ra ngoài, cẩn thận đổ đầy ba lu nước của dì tôi, cô Nhung và chị Linh để ngoài hành lang.

Từ khi quen Thoa, đêm đêm tôi hay trở mình trên chiếc giường hẹp, ánh trăng chập chờn ngoài cửa sổ như trêu đùa. Tôi mường tượng khách sạn này giống một con tàu, mỗi phòng như một buồng trên toa, nhà ăn là đầu tàu đang nhả khói, kéo các toa đi về phương Nam; tôi cùng mọi người theo chuyến tàu băng băng trên đường sắt, cùng nhìn ra cửa toa, gió lồng lộng thơm mùi hương lúa. Rồi tôi tưởng tượng khi lớn lên, tôi trở thành thầy giáo, xin cưới Thoa và thuê một căn phòng ở khách sạn này.

Giấc mơ của tôi nhập nhòa những hình ảnh và âm thanh hằng đêm. Khuôn mặt thánh thiện và rạng rỡ của Thoa dưới vòm cây ngoài bờ sông. Tiếng guốc đi về muộn của chị Linh. Tiếng đàn và giọng hát thầy Quốc: một mai anh đưa em về / chiều nghiêng bóng xế lên cao / đàn chim xa khu rừng cũ (i)...

Một đêm cuối tháng, mới lãnh lương, từ bờ sông về, Thoa mời tôi một tô phở gà. Vậy mà trong giấc ngủ tôi không mơ thấy Thoa, lại mơ thấy mình đi qua phòng chị Linh, chị ôm tôi vào lòng vỗ về. Tỉnh dậy, tôi thấy quần bị ướt, quờ tay đụng một bọc giấy gói mấy củ khoai lang nướng còn ấm ai đó luồn qua cửa sổ để bên mép giường.

3 Chuyện tình non tơ của Thoa và tôi giữ kín được bốn tháng thì bị phát hiện. Tối hôm đó, vào giờ lẽ ra cửa sắt quán ăn đã kéo lại để các nhân viên lau dọn, bên bàn ăn vẫn còn một người khách mặc đồ quân nhân, đeo lon chuẩn úy. Anh ngồi trầm ngâm trước ly la-de, mắt đỏ ngầu. Trước cái ghế trống đối diện lại có một ly bia nữa. Người lính nâng ly lên, đưa tay với về phía trước cụng cái ly bia không người uống: “Uống đi mày, uống cho quên hết đời này!”. Mấy cô gái bán quán len lét nhìn người lính, đầy sợ hãi. Chỉ mình Thoa bước lại gần anh ta: “Khuya rồi, anh về kẻo tới giờ giới nghiêm”. Anh sừng sộ: “Cô đuổi tôi à?”. Thoa kiên nhẫn: “Em đâu dám, em chỉ khuyên anh về nghỉ, tối mai tụi em lại mời anh đến!”. “Có bạn tôi ngồi đây mà cô không kiêng nể gì cả”. Thoa để nhẹ bàn tay nàng lên cánh tay xăm đầy hình vẽ của anh ta: “Tối mai anh lại rủ bạn anh cùng đến nhé, tụi em chờ”. Thoáng thấy mấy bóng người thập thò ngoài cửa, có cả thầy Quốc, tôi nói: “Để em chở anh về nhà, anh đi đường tối nguy hiểm lắm”. Anh ta vặn lại tôi: “Mày nói tao say à. Khốn nạn, chiến tranh khốn nạn, tụi bây ăn trắng mặc trơn, để bạn tao chết ngoài bìa rừng”. Thoa lại nắm bàn tay anh: “Thôi anh uống hết ly của anh đi, em uống giùm bạn anh nè”. Đến phút này thì anh ta ngấm bia, gục đầu xuống bàn. Tôi nghe có tiếng thầy Quốc: “Để tôi đi gọi quân cảnh”. Thoa can: “Không được, thầy. Thầy đi lên đi. Để tụi em lo”. Tôi đi gọi xích lô rồi dìu người lính lên xe. Thoa ngồi chung với anh, tôi chạy xe máy kèm theo, đưa về một hiệu may lớn ở trung tâm thị xã, nơi mẹ anh đang thức đợi.

Tối hôm sau, viên sĩ quan trở lại quán ăn, lại gọi hai ly bia để trước mặt và ngồi uống một mình. Lần này anh ta hiền lành hẳn, chỉ thỉnh thoảng lầm rầm như tâm sự với người vô hình nào đó. Anh ta ám quán ăn như thế suốt một tuần, cho đến một hôm, khi trả tiền, anh cầm lấy tay Thoa: “Ngày mai hết phép, anh phải về đơn vị. Anh xin lỗi đã làm phiền các em mấy bữa nay”.

Những ngày sau đó, khách sạn Cầm Giang vẫn theo nhịp sống đều đều của nó, tưởng như không biết gì chiến tranh đang gầm réo ở những thôn làng ngoài vành đai thị xã. Tiếng đại bác dội về nghe rõ hơn, những ngả đường ban ngày đông người gồng gánh tìm nơi ẩn trốn bom đạn, ban đêm cảnh sát chặn đường soát giấy bắt lính.

Những tối không dám ra bờ sông, tôi rủ Thoa lên phòng nghe thầy Quốc chơi đàn: Mình yêu như mình chưa yêu / Mình quen những người chưa quen (ii)... Chương trình ca nhạc bỏ túi kéo dài mãi đến khi tiếng giày cao gót của chị Linh bước về.

4 Một chiều tôi từ trường về, Thoa chờ ở cổng và hẹn: “Tối nay nhờ Trung đi với Thoa ra bờ sông, dạo này tình hình bất an, mình đi sớm về sớm nhé”. Cách nói và giọng nói của nàng khiến tôi vừa hồi hộp vừa lo âu. Lần này Thoa nhường cho tôi cầm lái. Ra bờ sông, nàng bảo tôi đi đến dãy nhà ván của những người dân tản cư.

Chưa bao giờ tôi thấy Thoa bước vào khu nhà này và có vẻ mặt căng thẳng như hôm nay. Khi Thoa vào nhà, cánh cửa gỗ liền khép lại. Mươi phút sau nàng trở ra, nói thật ngắn với một hơi thở nhẹ: “Nhà chú ruột của Thoa đó. Thôi mình về đi”.

Chúng tôi im lặng suốt đường về. Dù tò mò, tôi biết mình không nên hỏi gì thêm. Thật lạ, chưa bao giờ tôi thấy gần Thoa như đêm nay. Nàng cũng cảm nhận điều đó nên giữa phố đêm, lần đầu tiên nàng vòng đôi tay mềm mại ôm lấy tôi từ phía sau, đầu ngả vào vai tôi, phả mùi thơm của hoa bưởi như còn vương trên mái tóc mới gội của nàng.

Khi chia tay ở chân cầu thang, Thoa lấy ra một xấp giấy gói kỹ và trao cho tôi: “Lúc nào rảnh Trung đọc cái này, đừng cho dì biết”.

Đêm đó, khi cả khu phòng trọ đi vào giấc ngủ, tôi mở gói giấy ra dưới ngọn đèn chắn sáng. Tôi không ngờ đây là những lá thư của anh Đoàn, người sĩ quan say rượu ba tháng trước. Lá thư đầu tiên viết chỉ vài ngày sau khi anh trả phép. Anh xin lỗi vì sự đường đột này, nhưng không thể kìm giấu tình cảm của mình. Cuộc hạnh ngộ trong quán ăn đã cho anh một cái phao giữa dòng đời cuộn xiết thác lũ: anh biết mình vẫn còn tình yêu thay cho lòng thù hận. Anh tin rằng mình đã tìm được một người bạn mới, sau khi người bạn thân thiết nhất đời anh vừa tử trận.

Những lá thư đầu hầu như anh chỉ nói về tâm sự của mình, như những lời độc thoại của một mối tình đơn phương. Về sau, thư anh viết dày hơn, giọng vui tươi, không còn giãi bày về quá khứ, mà phác vẽ một tương lai. Tôi hiểu là những lá thư đã kết nối được hai tâm hồn. Trong lá thư gần nhất, anh vui mừng báo tin anh sắp được chuyển về một đồn lính ở hậu phương, gần thị xã. Anh sẽ được gặp lại Thoa, anh muốn đi với nàng hết con đường đời, đi qua cuộc chiến tranh này, đi sang ngày hòa bình mà anh tin sớm muộn gì cũng sẽ đến...

Những lá thư đốt nóng lòng tôi gần suốt đêm dài. Tôi ngủ thiếp đi, đèn bàn quên tắt. Mắt cay sè khi thức dậy, tôi vội vàng chuẩn bị đến trường. Mùa thi gần kề, sáng chiều đều có môn học, tôi không dám bỏ. Tan trường, tôi những muốn chạy về phòng trọ ngủ bù cho đêm qua. Hè phố bỗng trở nên chật chội, vướng víu. Người ngoài phố dáo dác, hoang mang. Từng đám đông tụ tập, xì xào bàn tán, tay chỉ về đám khói cao ngút trời ở phía bờ sông, lan khắp một vùng thị xã.

Thoa đón tôi ở chân cầu thang, mắt đỏ hoe. Nàng nói thầm cho tôi vừa đủ nghe. Rạng sáng nay, chỉ huy đồn lính kéo quân đến khám xét khu nhà tạm cư ngoài bờ sông để thực hiện lệnh bắt những thanh niên trong tuổi quân dịch. Nhưng khi lục soát, lính chỉ gặp phụ nữ, người già và trẻ con. Tất cả đàn ông đều đã trốn đi. Mấy con đò vẫn đậu trên mép nước cạnh bờ sông đều biến mất. Điềm lạ là trong đêm cuối tháng trời đen như mực ấy, không một trái hỏa châu nào được bắn lên, như có người nội ứng với cuộc chạy trốn.

Toán lính giận dữ, họ có nguy cơ bị trừng phạt vì chiến dịch thất bại. Theo lệnh chỉ huy, họ xua dân chúng xa khỏi khu nhà tạm, chỉ cho phép mang theo một ít đồ đạc cần thiết cùng giấy tờ tùy thân và tiền bạc. Cả khu nhà bị châm lửa đốt thành tro, còn người dân thì chẳng biết ly tán chốn nào.

5 Thời sự chuyển biến thật nhanh, cuốn theo tuổi học trò của tôi lẫn nỗi buồn trong cuộc tình vô vọng. Nhà trường ra thông báo những học sinh cùng năm sinh và cùng cấp lớp với tôi cuối mùa hè phải trình diện ở phòng quân vụ theo lệnh đôn quân vừa mới ban hành. Tôi sang cầu cứu thầy Quốc, thầy khuyên tôi làm lại thẻ căn cước, khai tuổi nhỏ hơn và chuyển trường vào Sài Gòn.

Khuôn mặt Thoa những ngày này buồn rười rượi. Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau, nhưng không biết nói gì ngoài những lời hỏi thăm thường lệ. Chúng tôi chưa một lời ước hẹn, tôi đâu có quyền gì trong chọn lựa của nàng, có quyền gì trách móc nàng. Hôm thầy Quốc đưa cho tôi tờ giấy chứng nhận của trường để tôi mua vé máy bay vào Sài Gòn, cũng là ngày tôi biết tin anh Đoàn bị bắt vào quân lao. Anh chuyển về làm chỉ huy phó đồn lính ở bờ sông một tuần trước biến cố ở trại tạm cư. Người ta nghi ngờ anh đã làm lộ bí mật chiến dịch tảo thanh khu trại.

Tôi rời khách sạn Cầm Giang mà không nói với Thoa một lời từ giã. Đêm trước ngày lên đường, tôi gõ cửa căn phòng dưới chân cầu thang, nơi Thoa ở lâu nay với các nhân viên. Đứa bạn gái thân nhất của Thoa ra mở cửa. Tôi chỉ kịp nhờ nó chuyển lại cho Thoa xấp thư của Đoàn và cái khăn quàng len tôi mua tặng nàng, rồi quày quả bỏ đi như chạy trốn.

Vào Sài Gòn, tôi lao vào học thi như cố tìm quên kỷ niệm. Tôi thầm hứa thi xong, có kết quả, sẽ viết cho Thoa một lá thư dài. Trời không phụ người, tôi đậu tú tài, được hoãn dịch vì lý do học vấn, không phải vào quân trường. Nhưng tôi chưa kịp viết cho Thoa thì nhận được thư dì Chín:

Cháu Trung,

Nghe tin cháu đậu tú tài, dì mừng quá. Trong đó có điều kiện học tập, năm tới cháu cố gắng để được vào đại học.

Từ hôm cháu đi, khách sạn Cầm Giang xảy ra nhiều chuyện buồn lắm. Dì dượng tính không ở đây nữa, mà sẽ thuê một chỗ ở khác gần quân y viện.

Vắng cháu, thời gian đầu Thoa cũng thường lên chơi. Dì an ủi nó, khuyên nó đi thăm Đoàn. Gia đình Đoàn đã hứa sẽ cưới Thoa về làm dâu khi Đoàn ra tù. Vậy mà trời xui đất khiến hay sao, Thoa lại có thai. Có thai với ai, cháu biết không, không phải với Đoàn đâu, mà với thầy Quốc. Không biết hai người gắn bó với nhau lúc nào, ăn nằm ở đâu mà ra cớ sự. Lúc đầu mọi người không ai dám tin. Đến khi Thoa thú nhận với cô Nhung, rồi cô Nhung than khóc, ôm con về nhà cha mẹ, mọi người mới vỡ lẽ. Thầy Quốc xấu hổ quá, đã xin chuyển về Huế dạy.

Thoa mồ côi cha mẹ, đi làm thuê, bà con không ai ở gần. Áp lực những ngày tháng qua, nó không chịu nổi. Thoa dại quá cháu ơi. Nó bỏ quán ăn ra đi mấy bữa nay, bạn bè nó bủa đi tìm mà không biết ở đâu. Có người thấy nó hay ra bờ sông, sợ nó làm điều gì dại dột. Hàng xóm lúc đầu trách nó, nay ai cũng thương. Hai hôm nay cô Linh nghỉ làm, thuê xe thồ đi tìm khắp thị xã, dò hỏi các bến xe mà không có tăm tích gì của Thoa.

Thoa không máu mủ ruột rà gì với mình mà sao dì lo cho nó quá. Chỉ mong Trời Phật cứu vớt nó...

Sau những phút giây chấn động, tôi trấn tĩnh lòng mình. Còn hơn tháng nữa mới tựu trường, tôi phải trở về thị xã để cùng chị Linh đi tìm Thoa. Tôi cũng muốn đi thăm anh Đoàn. Tôi tin như anh rằng một mai nhất định hòa bình sẽ đến, như một đền bù cho tuổi trẻ chúng tôi, cho Thoa và đứa con chưa biết mặt của nàng.

(i) Ca khúc Xa dấu ngựa hồng, thơ Thiên Hà, nhạc Anh Việt Thu.

(ii) Ca khúc Tình đầu hạ của Vũ Thành An.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận