Truyện ngắn của nhà văn Robert Walser: Bà Wilke

ROBERT WALSER 13/06/2019 02:06 GMT+7

Sáng tác của nhà văn Robert Walser, người được công nhận là một trong những tiếng nói văn chương quan trọng và độc đáo nhất của thế kỷ 20.

 

 

Minh họa
 

Một ngày nọ, đang đi tìm một căn phòng phù hợp thì tôi gặp một ngôi nhà lạ ở ngay ngoài ngoại ô, gần đường xe điện thành phố, một ngôi nhà trang nhã, cổ kính và dường như không được chăm chút mấy, vẻ ngoài có một nét độc đáo làm tôi say mê ngay lập tức.

Trên những bậc cầu thang rộng và sáng sủa mà tôi chầm chậm bước lên là mùi và những tiếng động của một thời tao nhã đã qua.

Cái gọi là vẻ đẹp xưa luôn có sức hấp dẫn lạ thường đối với một số người. Tàn tích là một cái gì đó khá là cảm động. Trước tàn dư của những điều cao quý, những cái tôi hướng nội thâm trầm nhạy cảm của chúng ta bắt buộc phải cúi đầu. Phần còn lại của những gì từng sắc xảo, tinh tế và rạng rỡ gợi lên lòng trắc ẩn trong chúng ta, nhưng cùng với đó là sự tôn trọng. Quá khứ và suy tàn, chúng mê hoặc làm sao!

Trên cánh cửa tôi thấy đề “Bà Wilke”.

Đến đây tôi nhẹ nhàng và thận trọng bấm chuông. Nhưng nhận ra nó không còn hoạt động vì không có ai trả lời, tôi gõ cửa, lần này thì có người bước ra.

Rất cảnh giác và rất từ từ, cửa mở. Một bà cụ cao, gầy, đứng trước mặt tôi và hỏi bằng giọng trầm: “Cậu hỏi gì?”.

Giọng bà khô và khàn một cách khác lạ.

“Cháu xem phòng được không?”.

“Được, tất nhiên. Mời cậu vào”.

Bà dẫn tôi qua hành lang đặc biệt tối vào căn phòng ngay lập tức làm tôi thích thú với vẻ duyên dáng của nó. Đường nét nói một cách nào đó rất tinh tế và nhã nhặn, hơi hẹp một chút, nhưng với chiều cao cân xứng. Không một chút do dự, tôi hỏi giá, rất vừa phải, nên tôi lấy phòng luôn mà không suy nghĩ gì thêm.

Xong được chuyện này tôi thấy nhẹ lòng, vì một tâm trạng khác lạ đã giày vò tôi một thời gian qua, làm tôi thấy mệt mỏi lạ thường và chỉ muốn được nghỉ ngơi. Mệt mỏi vì mò mẫm kiếm tìm, chán nản và bực bội như tôi, bất cứ chốn dung thân nào chấp nhận được cũng làm tôi hài lòng, và sự yên bình của một nơi trú nhỏ không thể nào khác hơn là hoàn toàn được chào đón.

“Cậu làm gì?” - bà cụ hỏi.

“Cháu là nhà thơ!” - tôi đáp.

Bà quay đi mà không nói một lời.

Một bá tước, tôi nghĩ, có thể từng sống ở đây, tôi tự nhủ trong lúc xem xét mái nhà mới. Căn phòng xinh đẹp này, tôi nói, tiếp tục màn độc thoại, chắc chắn có một lợi thế lớn: nó ở rất xa. Ở đây im lặng như trong hang động. Nhất định rồi: tôi cảm thấy như mình được che giấu. Ước muốn sâu thẳm nhất của tôi dường như đã được thỏa mãn. Căn phòng này, như tôi thấy, hoặc tin là mình thấy, nói một cách tương đối, mờ tối. Ánh sáng tối và bóng tối sáng trôi giạt ở mọi nơi. Đấy là điều đáng khen ngợi nhất. Cứ nhìn quanh mà xem! Xin chớ phiền, thưa ngài! Không có gì vội cả. Cứ tự nhiên như ngài muốn. Giấy dán tường đôi chỗ như bong thành những mảnh buồn níu lại trên tường. Đúng thế! Nhưng đó chính là cái làm tôi thích thú, vì tôi khoái một sự tồi tàn và bỏ bê nhất định. Chúng có thể tiếp tục treo trên tường; tôi sẽ không để chúng bị bóc đi bằng bất cứ giá nào, vì tôi hoàn toàn hài lòng có chúng ở đó. Tôi rất ngờ rằng một nam tước từng sinh sống ở đây. Các sĩ quan có lẽ từng uống sâm panh ở đây. Tấm rèm bên cửa sổ cao và thanh mảnh, trông cũ và bụi bặm, nhưng được vấn một cách xinh xắn, thể hiện khiếu thẩm mỹ và sự nhạy cảm tinh tế. Ngoài vườn, sát cửa sổ, là một cây bu lô. Ở đây vào mùa hè màu xanh sẽ cất tiếng cười vào căn phòng, trên những cành cây non mọi loài chim tụ tập, cất tiếng hót cho chúng và cho tôi. Cái bàn cũ quý phái này thì thật tuyệt vời, chắc chắn lưu lạc từ một thời thanh tao đã mất. Có lẽ tôi sẽ viết tiểu luận ở đây, những phác thảo, nghiên cứu, những mẩu truyện nhỏ, thậm chí truyện dài, rồi gửi chúng cùng với lời đề nghị khẩn thiết cho việc xuất bản nhanh chóng và thân thiện đến đủ các hạng biên tập viên nghiêm khắc và uy tín của các báo và tạp chí, Bắc Kinh Nhật Báo hay Mercure de France chẳng hạn, rồi thành công và tiền tài chắc chắn sẽ đến.

Cái giường có vẻ gọn. Tôi nên và sẽ bỏ qua việc xem xét quá kỹ lưỡng trường hợp này. Rồi tôi nhận thấy một cái giá treo mũ rất lạ và ma quái, còn tấm gương trên chậu rửa sẽ cho tôi thấy một cách trung thực diện mạo mình hằng ngày ra sao. Hi vọng hình ảnh nó cho tôi thấy sẽ luôn luôn là một hình ảnh đáng tự hào. Cái đi văng đã cũ, nhờ thế mà hài hòa và phù hợp. Đồ nội thất mới rất dễ làm người ta khó chịu, vì cái mới luôn rầy rà, luôn cản trở chúng ta. Một bức phong cảnh Hà Lan và một bức phong cảnh Thụy Sĩ, như tôi hài lòng ngắm, khiêm tốn treo trên tường. Chắc chắn tôi sẽ dành nhiều thời gian chăm chú quan sát chúng. Còn không khí trong phòng, tôi sẽ nói là có thể tin được rằng, hoặc ít nhất là có thể khá chắc chắn mà nói, đã không ai đoái hoài gì đến trong một thời gian và sẽ cần thông gió. Tôi dám nói là có mùi mốc ở đây. Nhưng ngửi mùi không khí lưu cữu cũng đem lại một khoái cảm đặc biệt nhất định. Dù sao thì tôi cũng có thể mở cửa sổ nhiều ngày nhiều tuần liên tục, rồi cái phải và cái thiện sẽ chảy vào căn phòng thôi.

“Cậu phải dậy sớm lên. Tôi không để cậu nằm lâu như thế được đâu” - bà Wilke nói. Ngoài đó ra, bà không nói gì nhiều với tôi.

Đấy là vì nhiều ngày tôi cứ nằm lì trên giường.

Tôi đang thất chí. Rã rời ôm lấy tôi. Tôi nằm lòng nặng trĩu, không biết mình là ai hay tìm được mình ở đâu nữa. Những suy nghĩ sáng suốt và vui tươi vùng vẫy trong hoang mang và xáo trộn mơ hồ. Tâm trí nằm như vỡ vụn trước đôi mắt đau buồn. Thế giới của suy nghĩ và cảm xúc giao thoa. Mọi thứ đều chết chóc, trống rỗng và vô vọng đến tận cùng. Không còn tâm hồn, không còn niềm vui nữa, tôi chỉ có thể mơ hồ mà nhớ có những lúc tôi đã từng vui vẻ và can đảm, hào hiệp và tự tin, đầy tin tưởng và hạnh phúc. Đáng tiếc thế cơ chứ! Trước và sau, xung quanh tôi, chẳng còn một viễn cảnh nào nữa.

Nhưng tôi đã hứa dậy sớm với bà Wilke, và thật ra tôi đã bắt đầu làm việc siêng năng hơn trở lại.

Tôi thường đi dạo trong cánh rừng thông và linh sam gần đó, nơi mà những cái đẹp, những cô độc mùa đông dường như bảo vệ tôi khỏi sự tuyệt vọng. Những giọng nói ấm áp không thể diễn tả được vọng xuống từ trên cây: “Cậu đừng rơi vào cái kết luận đen tối rằng mọi thứ trên thế gian này đều khó khăn, giả dối và xấu xa. Hãy đến đây thường xuyên, cánh rừng này mến cậu. Đến đây cậu sẽ thấy khỏe lại, lên tinh thần và sẽ trở lại với những ý nghĩ cao cả hơn, đẹp đẽ hơn”.

Còn xã hội, cái nơi mà thế giới rộng lớn tụ họp, tôi không đến đấy bao giờ. Tôi chẳng có việc gì ở đó, bởi tôi chẳng có thành công gì. Những người không có thành công gì với người khác thì chẳng có việc gì với người khác.

Tội nghiệp bà Wilke, chẳng mấy sau đó thì bà mất.

Người nào nghèo và cô đơn đều hiểu rõ những người nghèo và cô đơn hơn bất cứ ai khác. Ít nhất thì chúng ta cũng nên học cách thấu hiểu đồng loại của mình vì chúng ta đâu thể ngăn chặn nỗi khổ, nỗi nhục, nỗi đau, nỗi bất lực và cái chết của họ.

Có một hôm bà Wilke thì thầm, chìa tay ra cho tôi: “Cầm tay tôi mà xem. Nó lạnh như băng”.

Tôi cầm bàn tay gầy gò già nua tội nghiệp của bà. Nó lạnh như băng.

Bà Wilke rón rén đi lại trong nhà như một bóng ma. Không ai đến thăm bà. Nhiều ngày liền bà ngồi một mình trong căn phòng không được sưởi ấm.

Cô đơn: nỗi kinh dị lạnh giá, gang sắt, trải nghiệm trước nấm mộ, tiền thân của cái chết tàn nhẫn. Chao ôi, ai đã từng cô đơn thì sẽ chẳng thể nào xa lạ với nỗi cô đơn của người khác.

Rồi tôi bắt đầu hiểu ra bà Wilke chẳng còn gì để ăn. Cô chủ nhà, người sau này tiếp quản căn nhà và cho phép tôi tiếp tục ở trong phòng của mình, vì thương xót mà mang cho bà mỗi trưa và mỗi tối một bát nước dùng, nhưng cũng không được lâu, rồi bà Wilke yếu dần. Bà nằm đó, không còn cử động nữa, rồi được đưa đến bệnh viện thành phố, nơi ba ngày sau bà mất.

Một buổi chiều không lâu sau khi bà qua đời, tôi bước vào căn phòng trống của bà, vào nắng chiều dịu dàng đang chiếu, làm rực rỡ căn phòng bằng sắc hồng mềm mại tươi vui. Ở đó tôi thấy trên giường những thứ mà bà cụ đáng thương đã mặc cho đến gần đây, bộ váy, chiếc mũ, chiếc ô, và dưới sàn là đôi bốt nhỏ xinh xắn của bà. Cảnh tượng lạ lùng làm tôi buồn vô cùng, và tâm trạng khác lạ làm tôi thấy dường như tôi mới là người chết cùng toàn bộ cuộc sống rộng lớn, đã bao lần tỏ ra bao la đẹp đẽ, lại mong manh và nghèo nàn đến mức tan vỡ. Những gì đã qua, những gì đã mất, nay gần gũi với tôi hơn bao giờ hết. Một lúc lâu tôi cứ nhìn vào những món đồ nay đã vô chủ và vô dụng, vào căn phòng ánh vàng được nụ cười của nắng chiều tôn vinh, đứng bất động và không hiểu gì thêm. Nhưng đứng đó một lúc lâu, tôi cảm thấy được an ủi và bình tâm trở lại. Cuộc đời vỗ vai và nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng. Thế giới vẫn sống động như ngày nào và đẹp đẽ như trong những giờ đẹp đẽ nhất. Tôi lặng lẽ rời phòng và đi ra phố. ■

Nguyễn Huy Hoàng (dịch từ bản tiếng Anh của Christopher Middleton)

Robert Walser sinh năm 1878 trong một gia đình nói tiếng Đức ở Biel, Thụy Sĩ. Từ năm 1899 đến khi kết thúc sự nghiệp văn chương sau khi phải nhập viện điều trị tâm thần phân liệt năm 1933, ông đã viết đến bốn cuốn tiểu thuyết, hàng trăm tác phẩm truyện và văn xuôi ngắn. Ngày nay, ông được công nhận là một trong những tiếng nói văn chương quan trọng và độc đáo nhất của thế kỷ 20. Ông qua đời trong khuôn viên một nhà thương điên ở Herisau năm 1956.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận