Truyền dạy ý thức về quyền và phẩm giá 

PHẠM THỊ LY 18/04/2018 04:04 GMT+7

TTCT - Sự phản kháng không phải là chuyện dùng bạo lực đáp trả bạo lực như những gì ta đã thấy mà là một tư thế và một ý thức về phẩm giá đã được truyền dạy từ sớm.

 

Trông người...

Ngày 30-4-2017, báo chí Mỹ đưa tin hai giáo viên Trường tiểu học Washington bị cảnh sát bắt về tội bắt nạt học sinh. Cô thứ nhất là hăm dọa học sinh nếu không làm theo lời cô hướng dẫn thì sẽ bị đánh rớt trong kỳ thi. Cô thứ hai la mắng học sinh và yêu cầu em này bắt nạt em khác, đe dọa nếu không làm thì sẽ bị cô bỏ rơi không hỗ trợ việc học hành. Hai cô được tạm tha với khoản tiền bảo lãnh 1.500 và 2.000 USD.

Các trường học ở Mỹ đều có Hướng dẫn về quyền và trách nhiệm của học sinh. Chẳng hạn, Trường Fairfax Country quy định học sinh có quyền phàn nàn với giáo viên, cố vấn hay hiệu trưởng về bất cứ hành động hay quyết định nào xảy ra trong trường có vẻ như không phù hợp với lợi ích tốt nhất của học sinh, và ý kiến đó phải được hồi đáp. Quyền cơ bản của học sinh là được bày tỏ ý kiến và không bị phân biệt đối xử.

Hàn Quốc có Quy định về quyền con người của học sinh, yêu cầu nhà trường tôn trọng những quyền con người cơ bản của học sinh ngay cả khi những quyền đó không được liệt kê trong quy định. Những quyền cơ bản được nêu là quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được an toàn trước bạo lực và hiểm nguy, quyền được học, quyền bảo vệ sự riêng tư, tự do biểu đạt, quyền được tham gia vào các quyết định của nhà trường. Ở Gyeongi-do, hai năm một lần nhà trường tổ chức khảo sát xem quyền con người của học sinh đã được tôn trọng như thế nào.

Trung Quốc là nước đã tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Nhưng tháng 9-2012, Li Meng, một học sinh 15 tuổi bị tự kỷ bị từ chối cho nhập học ở một trường công tại Thâm Quyến. Cậu lén quay trở lại lớp ngồi vào hàng ghế cuối. Khi nhà trường lấy đi bàn và ghế của cậu, cậu đứng dựa vào tường ở cuối lớp. Một nhóm phụ huynh viết thư cho trường phản đối hành động của Li, nhà trường bèn yêu cầu cậu rời khỏi lớp và đừng bao giờ quay lại. Hàng loạt báo chí lên tiếng về việc này và nhà trường đã buộc phải nhận Li trở lại.

...Mà ngẫm đến ta

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành giáo dục nước ta xảy ra liên tiếp những vụ việc gây chấn động nhân tâm, giáo viên đánh và nhục mạ học sinh, phụ huynh hành hung giáo viên, học trò đánh thầy... Năm ngoái, bức tranh gồm hàng loạt vụ giáo viên mầm non đánh đập trẻ dã man ở trường khiến mọi người bàng hoàng về mức độ tàn nhẫn. Nếu lui thời gian thêm vài năm, còn nhiều vụ chấn động tương tự: thầy giáo bị tạt axit vì đánh rớt sinh viên môn ngoại ngữ, thầy trò đánh nhau ngay trên bục giảng.

Bạo lực và bạo hành tinh thần xảy ra ở mọi cấp học và ngày càng nghiêm trọng từ cả hai phía. Nhưng do chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào thống kê cho hết các hành vi tương tự nên rất có thể đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn bao nhiêu vụ việc chưa bị phát hiện, chưa bị phản ánh, và còn bao nhiêu đứa trẻ im lặng?

Ngành giáo dục sẽ còn phải nhìn sâu vào bản chất của những vụ việc này để trả lời “vì sao nên nỗi” và làm gì để những chuyện như vậy không còn xảy ra? Nhưng với các phụ huynh, trong sự cộng đồng trách nhiệm, câu hỏi lớn nhất và thiết thân nhất hiện nay là: phải làm gì nếu những chuyện như thế xảy ra với con mình?

Trong truyện ngắn Tư cách mõ của Nam Cao, thằng mõ bị cả làng khinh rẻ là “tham như mõ” nên cũng mặc nhiên coi mình là kẻ không có tư cách gì để mà phải giữ gìn, và không còn thấy ngượng khi công nhiên làm những việc mà người đời khinh bỉ.

Điều này cho thấy con người ta có xu hướng nhìn mình qua lăng kính của người khác, và ngược lại, người khác đối xử với ta như thế nào cũng phụ thuộc vào cách mà ta đối xử với bản thân mình. Nếu ta biết tôn trọng phẩm giá của chính mình, không dễ để kẻ khác có thể chà đạp lên nhân phẩm ấy.

Đối với câu chuyện trường học, có nhiều nghiên cứu cho thấy những kẻ bắt nạt người khác sẽ tiếp tục làm vậy nếu không gặp sự phản kháng. Sự phản kháng không phải là chuyện dùng bạo lực đáp trả bạo lực như những gì ta đã thấy mà là một tư thế và một ý thức về phẩm giá đã được truyền dạy từ sớm.

Một đứa trẻ được trao cho sự hiểu biết, ý thức về các giá trị từ sớm sẽ biết nhìn thẳng vào mặt thầy cô giáo nếu họ yêu cầu những việc như uống nước giặt giẻ, và biết nói một cách rõ ràng, rành mạch, bình tĩnh và lễ phép: “Em không làm, vì thầy/cô không có quyền yêu cầu em làm thế”. Hãy hình dung, nếu những giáo viên thường dùng nhục hình để trừng phạt học sinh gặp phải thái độ này vài lần, liệu họ có còn tiếp tục?

Trẻ em cần được biết là mình có phẩm giá, có quyền làm người, và quyền được tôn trọng. Cha mẹ là những người đầu tiên dạy cho con ý thức được điều này. Khi trẻ hiểu được mình có phẩm giá phải được người khác tôn trọng thì trẻ đồng thời học được rằng người khác cũng có phẩm giá mà mình phải tôn trọng. Sẽ khó có chuyện nam sinh bóp cổ cô giáo vì bất bình nếu học sinh hiểu rằng cô có thể làm sai nhưng cô cũng có phẩm giá mà mình phải tôn trọng, và bạo lực không bao giờ là giải pháp tốt trong một xã hội văn minh.

Cha mẹ cần dạy con hiểu là hôm nay cô giáo bắt bạn uống nước giặt giẻ thì rất có thể ngày mai chuyện đó sẽ xảy đến cho chính mình. Chúng ta trở thành người không phải chỉ vì đứng lên bảo vệ phẩm giá của chính mình, mà còn là bảo vệ phẩm giá của người khác.

Cần nhắc lại là Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về quyền con người, là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á tham gia Công ước về quyền trẻ em, đã có Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ năm 1992 và được sửa đổi năm 2016.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận