Truy tố, xét xử nguyên thủ quốc gia: Và công lý cho tất cả mọi người

NGUYỄN ĐỨC LAM 01/04/2023 16:13 GMT+7

TTCT - Lệnh truy bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) nhìn từ góc độ pháp lý và chính trị.

Hôm 17-3-2023, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh truy bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Cao ủy viên về quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova, với cáo buộc phạm "các tội ác chiến tranh" tại Ukraine, cụ thể là "di dời bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga.

Theo ICC, Tổng thống Putin "chịu trách nhiệm trực tiếp khi thực hiện hành vi" cũng như "không kiểm soát hoặc cho phép các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền làm điều này". 

Động thái của ICC đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc truy tố, xét xử nguyên thủ quốc gia (và các quan chức cao cấp khác) từ góc độ pháp luật quốc tế.

ICC là một nỗ lực để đảm bảo công lý ở tầm quốc tế. Ảnh: Open Global Rights

ICC là một nỗ lực để đảm bảo công lý ở tầm quốc tế. Ảnh: Open Global Rights

Pháp bất vị quân

Dù có quan điểm khác nhau về thời điểm, các chuyên gia pháp luật quốc tế đều thừa nhận, ít nhất là từ sau Thế chiến I, nguyên thủ quốc gia (và các quan chức nhà nước cấp cao khác) không còn được quyền miễn trừ truy tố hình sự với tội ác chống lại hòa bình (hay còn gọi là tội ác xâm lược), tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng tại các tòa án quốc tế. 

Điển hình là sau Thế chiến II có Tòa án Nuremberg xét xử các lãnh đạo Đức Quốc xã, rồi phiên tòa Tokyo xét xử những người đứng đầu chính quyền phát xít Nhật.

Phiên tòa Tokyo gây tranh luận ngay trong các thẩm phán của tòa, và cho đến tận bây giờ trong giới luật quốc tế, khi không đưa Nhật hoàng Hirohito ra xét xử. 

Phiên tòa cũng đã để lại di sản pháp lý quan trọng - truy tố, kết án dàn lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền phát xít Nhật vì các tội chống lại hòa bình, tạo nền tảng cho hoạt động của các tòa án hình sự quốc tế hiện đại. 

Ví dụ, ICC trong vụ truy tố cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir năm 2008 vì vụ thảm sát Darfur, hay Tòa án công lý quốc tế (ICJ) trong vụ truy tố các lãnh đạo CHDC Congo năm 2000 đều cho rằng dù nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, bộ trưởng ngoại giao… được hưởng quy chế "miễn trừ tuyệt đối" ở một số tòa án quốc gia, họ vẫn có thể bị truy tố ở "các tòa án hình sự quốc tế nhất định".

Chính vì vậy, ngay từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine mới bắt đầu, nhiều chuyên gia luật quốc tế đã khẳng định có thể truy tố, xét xử các quan chức được coi là chịu trách nhiệm về các tội phạm gây ra ở Ukraine tại các tòa án quốc tế như ICC. 

Chủ tịch ICC Piotr Hofmanski cho biết tòa này có "thẩm quyền đối với tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên hoặc quốc gia đã chấp nhận thẩm quyền của ICC". Ukraine đã hai lần tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICC - vào năm 2014 và 2015.

Lệnh truy bắt của ICC không có thời hiệu và không có kháng lệnh, tức dù cuộc chiến kết thúc, lệnh vẫn có hiệu lực bắt và dẫn độ với đối tượng còn sống. Công tố viên ICC được coi là chủ thể độc lập và ra cáo trạng của riêng mình dựa trên bằng chứng mà họ có. 

Mỹ, Nga, Trung Quốc không tham gia ICC nên phán quyết của ICC được xem là không bị các nước lớn chi phối. ICC từng phát lệnh bắt nhiều nguyên thủ quốc gia đang tại vị như Muammar Gaddafi (Libya), al-Bashir, Ahmad al-Mahdi (Mali), Slobodan Milosevic (Serbia). 

Nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy với lãnh đạo một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA).

Ông Milosevic ra tòa ICC. Ảnh: The New York Times

Ông Milosevic ra tòa ICC. Ảnh: The New York Times

Lệnh bắt giữ của ICC có hàm ý gì?

Không ít người nghi ngờ hiệu lực thực tế của lệnh bắt giữ Tổng thống Putin. Bởi lẽ ICC không có lực lượng cảnh sát hay bất cứ công cụ nào để thi hành lệnh đấy. 

Cơ quan này cũng không được quyền xét xử vắng mặt. Hơn nữa, không phải mọi quốc gia đều tuân thủ hoặc tôn trọng quyết định của tòa.

ICC vào năm 2009 và 2010 đã hai lần phát lệnh bắt ông al-Bashir, lúc đó vẫn đang làm tổng thống Sudan. Dù vậy, năm 2017 ông al-Bashir vẫn đến Jordan dự cuộc gặp thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập mà không bị Jordan bắt theo lệnh ICC. 

Hay mới đây nhất, ngay sau khi ICC phát lệnh bắt giữ ông Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn đến thăm Nga. Nhiều nhân vật trong giới chức Nga cũng đã lên tiếng phủ nhận thẩm quyền của ICC và coi nhẹ lệnh bắt.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không ai ngây thơ tin Putin sẽ bị bắt sau khi ICC phát lệnh. Các chính trị gia cũng như chuyên gia trước hết nhấn mạnh tính biểu tượng của động thái này nhằm thể hiện thái độ với cuộc chiến ở Ukraine. 

Đồng thời, cần nhớ lại, vào ngày 23-2-2023, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết trong đó có nội dung về quy trách nhiệm pháp lý với những tội ác nghiêm trọng nhất xảy ra ở Ukraine qua các cuộc điều tra, khởi tố độc lập cấp quốc gia và quốc tế, nhằm mang lại công lý cho tất cả nạn nhân và ngăn ngừa tội phạm tương tự trong tương lai. 

Như vậy, lệnh bắt của ICC nằm trong một chuỗi các hành động pháp lý trên bình diện quốc tế, cụ thể ở đây là tiếp nối nghị quyết của Đại hội đồng LHQ.

Lệnh của ICC có thể khiến cho Tổng thống Putin và Nga càng gặp khó khăn trong bối cảnh họ đang chịu sức ép cô lập ngày càng lớn. Đây có thể là một án "truy nã trọn đời" kèm theo không ít áp lực chính trị với cá nhân ông Putin. 

Lệnh truy bắt của ICC, do đó được coi là một bước đi chiến thuật hơn là ý định thật sự bắt giữ tổng thống Nga.

Cần nhắc, nhiều thẩm phán của ICC là công dân các nước Nam Mỹ, châu Phi, châu Á và không có sự công nhận của ba siêu cường hiện nay - Mỹ, Nga, Trung Quốc. 

Các thẩm phán vốn không hào hứng với phương Tây, họ từng tìm cách truy tố cả các nhân vật cộm cán người Mỹ nhưng thất bại. 

Hàng nghìn trẻ em Ukraine đã được đưa sang Nga. Ảnh: The Moscow Times

Hàng nghìn trẻ em Ukraine đã được đưa sang Nga. Ảnh: The Moscow Times

Còn về mặt cá nhân, các nước thế giới thứ ba mà họ đại diện từ lâu đã là nạn nhân của không ít cuộc chiến tranh ủy nhiệm hay giành giật lợi ích giữa các cường quốc.

Khi tập trung vào tội phạm chiến tranh đối với trẻ em, lệnh bắt nêu ra một trong những vấn đề nhức nhối nhất của cuộc chiến Ukraine, đồng thời gửi đi thông điệp thật sự mạnh mẽ đến tất cả những chính trị gia đã hoặc đang định dùng chiến tranh làm công cụ giải quyết bất đồng ở tất cả các nước. 

Hành động này hàm ý, cho dù là ai, ở đâu thì vẫn có các cơ chế, công cụ khác nhau để buộc họ phải chịu trách nhiệm về những tội ác và hành động vi phạm pháp luật quốc tế.

Ngoài ICC, còn có "kênh" nào khác?

Bên cạnh ICC, giới luật quốc tế cũng bàn về các phương án khác để truy tố các nguyên thủ quốc gia ra tòa án hình sự quốc tế.

Trên thực tế, nếu căn cứ vào tội xâm lược Ukraine - "tội phạm quốc tế nghiêm trọng nhất", thì tại thời điểm hiện nay, ICC không có thẩm quyền xem xét. Phương án HĐBA chuyển cho ICC xét xử không khả thi, vì Nga có quyền phủ quyết.

Một loạt các phương án được đề xuất: sửa đổi Quy chế ICC để có cơ chế Đại hội đồng LHQ đưa ra ICC xét xử; thành lập tòa án lâm thời (ad hoc) kiểu Tòa Nuremberg; tòa ad hoc hỗn hợp được thành lập theo thỏa thuận giữa LHQ và Ukraine, hoặc thỏa thuận giữa Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu với Ukraine; thành lập mới tòa chuyên biệt thường trực; Đại hội đồng LHQ thành lập tòa án quốc tế.

Từ một năm trước, công tố viên trưởng của ICC đã bắt đầu điều tra các tội phạm chiến tranh, tội phạm chống lại loài người và tội phạm diệt chủng liên quan đến cuộc chiến Ukraine, gồm bốn chuyến công tác tới Ukraine.

Tại thời điểm tháng 3-2023, ICC đã chọn vấn đề di dời cưỡng bức trẻ em để truy tố vì hồ sơ đầy đủ hơn (40 tập hồ sơ), có nhiều nhân chứng để ra lệnh truy bắt theo điều 8 Quy chế Rome về "cưỡng bức trẻ em rời bỏ quê hương sang quốc gia khác một cách bất hợp pháp".

Bên cạnh đó, căn cứ này cũng mở ra khả năng về sau bổ sung cáo buộc về tội diệt chủng, vì theo điều II (e) Công ước Ngăn ngừa và Trừng phạt tội phạm diệt chủng (Nga và Ukraine đều là thành viên), diệt chủng bao gồm cả hành động "cưỡng bức đưa trẻ em của nhóm này sang nhóm khác" khi được thực hiện với "ý đồ tiêu diệt toàn bộ hoặc từng phần một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo như nó vốn có".

Theo báo cáo của Phòng nghiên cứu luật nhân đạo, Đại học Yale (Mỹ) công bố vào tháng 2-2023, năm qua ít nhất có 6.000 trẻ em Ukraine bị đưa sang Nga.

Ngày 16-3-2023, Ủy ban điều tra quốc tế độc lập về Ukraine do LHQ thành lập cáo buộc Nga cưỡng chế di dời trẻ em Ukraine sang Nga bất hợp pháp; mang các em đến với những gia đình người Nga, gán cho bản sắc Nga mới, với ý đồ xóa bỏ dần dân tộc Ukraine.

Văn phòng Công tố viên trưởng ICC xác định được ít nhất hàng trăm trẻ em Ukraine bị đưa đi từ các trại trẻ mồ côi và nhà trẻ sang Nga. Đồng thời, ông Putin đã ban hành sắc lệnh về việc cấp quốc tịch Nga cho các trẻ em này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận