Trung Quốc ngày càng quan trọng

H.N. 21/09/2022 09:45 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang có vẻ diễn tiến bất lợi, nước Nga và ông Putin lại đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết.


Trung Quốc ngày càng quan trọng - Ảnh 1.

Quan hệ Nga - Trung khăng khít hơn từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Ảnh: AFP

Trong cuộc họp nội các trực tuyến hôm 12-9, ông thể hiện sự tự tin trên một mặt trận khác: "Nga tự tin đương đầu với áp lực từ bên ngoài, và trên thực tế với sự xâm lược về tài chính và công nghệ từ một số quốc gia. Các chiến thuật tấn công chớp nhoáng và dữ dội về kinh tế, mà họ tin tưởng, đã thất bại, và điều này đã quá rõ ràng với mọi người, và với cả họ nữa".

Ông nêu thành tích: "Chúng ta đã kịp thời thực hiện các biện pháp bảo hộ hiệu quả và đưa ra cơ chế hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt, các doanh nghiệp xương sống, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất cả đều nhằm mục đích duy trì công ăn việc làm, cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho công dân Nga, trên hết là các gia đình có trẻ em và người hưu trí".

Ông trấn an rằng nguy cơ lớn đã qua: "Chúng ta đã tránh được sự suy giảm mạnh nền kinh tế. Lạm phát cũng nhanh chóng được ổn định. Sau khi đạt đỉnh 17,8% vào tháng 4, lạm phát đã giảm xuống 14,1% tính đến ngày 5-9. Có mọi lý do để kỳ vọng rằng vào cuối năm lạm phát sẽ là khoảng 12%".

"Diễn biến hằng tháng của các chỉ tiêu chủ yếu cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định, điều chỉnh và đi vào quỹ đạo tăng trưởng. Doanh nghiệp đang trở lại lịch trình bình thường. Ví dụ, trong tháng 7, sản lượng công nghiệp chỉ giảm 0,5% sau khi tháng 6 giảm 2,4%. Lĩnh vực xây dựng thậm chí còn tăng trưởng: tăng 6,6% trong tháng 7. Nhìn chung, mức giảm GDP trong tháng 7 đã chậm lại còn 4,3%, trong khi vào tháng 6 là 4,9%".

Trong khi đó, các đối thủ của ông đang gặp không ít vấn đề. Mùa đông tới đây được dự báo sẽ tối tăm và lạnh giá ở châu Âu. Ngoài "ông tướng mùa đông" và vũ khí năng lượng, ông Putin còn một đồng minh then chốt: tuần tới ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Uzbekistan nhân Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Về mối quan hệ này, Evan A. Feigenbaum của Trung tâm Carnegie Endowment for International Peace bình luận:

"Trung Quốc là một cường quốc thủ lợi cho bản thân. Nước này có mọi lý do để ích kỷ..., không can thiệp chỉ vì lợi ích của Matxcơva. Trung Quốc là cường quốc mạnh hơn Nga, và lợi ích của Trung Quốc cũng mang tính toàn cầu và đa diện hơn. Mục tiêu của Bắc Kinh chắc chắn là duy trì mối quan hệ gắn bó với Nga ở cấp chiến lược, để đối trọng với sức mạnh của Mỹ và đối phó áp lực kinh tế ngày càng tăng từ phương Tây. Nhưng họ muốn làm điều này mà không buộc phải chống lưng cho Matxcơva ở cấp độ chiến thuật, do lẽ Trung Quốc cũng có lợi trong việc duy trì khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và xây dựng quan hệ với các quốc gia họ cần, như các nước Trung Á, vốn đang khiếp sợ Nga".

Ông Feigenbaum từng hai lần giữ chức trợ lý phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nam Á và Trung Á vào đầu thế kỷ này, nhắc lại: "Hai thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào chính sách xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nước láng giềng Trung Á. Những quốc gia này, từng thuộc Liên Xô, rất khó chịu với hành động của Nga ở Ukraine - do bị đe dọa, thường xuyên chịu áp lực từ Matxcơva và đang tìm kiếm không gian để "thở". Đặc biệt Kazakhstan đã làm mọi cách để tạo khoảng cách giữa họ với Nga về cuộc chiến Ukraine". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận