Trung Quốc muốn đại phẫu “doanh nghiệp xác sống”

PHẠM VŨ LỬA HẠ 27/06/2016 04:06 GMT+7

TTCT - Cải tổ doanh nghiệp nhà nước đang trở thành một trong những bài toán nan giải nhất với chính quyền và cả nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều năm phát triển “nóng” của nền kinh tế đã tạo ra những công ty nhà nước khổng lồ, nợ nần nhiều, tài sản cực lớn với những mối quan hệ thân hữu chằng chịt, dẫn tới hoạt động thiếu hiệu quả và có nguy cơ kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

Công nhân tại mỏ than ở Tấn Thành, Sơn Tây -Sasa Petricic/CBC
Công nhân tại mỏ than ở Tấn Thành, Sơn Tây -Sasa Petricic/CBC


Một số doanh nghiệp thậm chí bị đánh giá chỉ còn là những “xác chết biết đi”. Liệu có thể thấy được bài học nào cho Việt Nam từ những thất bại đó của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Cảnh thường nhật ở Tấn Thành, thành phố công nghiệp khai khoáng ở tỉnh Sơn Tây, là than đá từ những mỏ mù mịt bụi đen liên tục được đào rồi chất lên tàu để chuẩn bị chở ra thị trường. Ác một nỗi là thời nay than đá đâu còn bao nhiêu thị trường để tiêu thụ.

Trong nền kinh tế có tỉ lệ tăng trưởng chính thức là 6,9%, chỉ bằng khoảng một nửa so với cách đây một thập niên, những mỏ khoáng sản và xí nghiệp dở sống dở chết kiểu này tiếp tục làm ra những sản phẩm chẳng ai muốn mua.

Bỏ thì thương, vương thì nặng

Thuật ngữ “công ty xác sống” (zombie company) nguyên thủy để chỉ những doanh nghiệp được xem là nguyên nhân đưa nước Nhật vào hai thập niên đình trệ kinh tế.

Tại Trung Quốc, các “xí nghiệp xác sống”, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sinh ra từ nỗ lực đầy tham vọng của chính phủ nhằm đạt được tỉ lệ tăng trưởng thiếu thực tế giữa lúc kinh tế toàn cầu hoảng loạn vào cuối năm 2008.

Khi chính phủ thực hiện chương trình kích thích kinh tế khổng lồ, khoảng 4.000 tỉ nhân dân tệ, khối ngân hàng quốc doanh được chỉ thị tăng vốn vay cho DNNN và các doanh nghiệp này mạnh tay đầu tư vào nhà xưởng và thiết bị mới, bất chấp cầu trên thị trường ra sao. Chương trình này đã dẫn tới đợt bùng nổ xây dựng nhà máy, nhà ở và cơ sở hạ tầng, càng làm trầm trọng hơn tình trạng thừa công suất sản xuất công nghiệp và nợ doanh nghiệp.

Thừa cung là chuyện toàn cầu, nhưng ở Trung Quốc vấn nạn này trầm trọng hơn nhiều. Ví dụ mức thừa công suất sản xuất thép của Trung Quốc lớn hơn toàn bộ sản lượng thép của Nhật, Mỹ và Đức cộng lại!

Theo tính toán của Hãng tư vấn Rhodium Group, sản lượng thép toàn cầu tăng 57% trong giai đoạn 2005-2014, trong đó các nhà máy Trung Quốc chiếm tới 91% mức tăng đó. Trong nhiều ngành, từ giấy tới kính và đóng tàu, tình cảnh cũng y hệt: Trung Quốc hiện nay thừa cung nhưng thiếu cầu nội địa. Song tăng vẫn hoàn tăng: công suất sản xuất nhôm dự kiến tăng 1/10 trong năm nay.

Theo Ying Wang của hãng xếp hạng tín dụng Fitch, công suất ngành khai thác than ở Trung Quốc sẽ tăng thêm khoảng 2 tỉ tấn trong hai năm tới.

Theo một báo cáo chi tiết do Phòng Thương mại liên hiệp châu Âu ở Trung Quốc công bố hồi tháng 2, mức thừa công suất công nghiệp đã tăng vọt từ năm 2008. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây khảo sát 696 hãng công nghiệp ở Giang Tô, tỉnh duyên hải có nhiều nhà máy, và phát hiện mức sử dụng công suất đã giảm đáng kể.

Khi các thị trường nội địa và xuất khẩu không còn sức tiêu thụ hàng núi bêtông, sắt thép thì các “công ty xác sống” mất khả năng cạnh tranh này coi như đã phá sản dù vẫn vật vờ hoạt động, vẫn giữ biên chế cho công nhân viên vì chính quyền các cấp địa phương lo ngại về tác động kinh tế - xã hội khi người dân thất nghiệp và khánh kiệt.

Để duy trì các nhà máy và giữ việc làm, chính phủ và các ngân hàng quốc doanh đôi khi “lắp ống thở” cho các DNNN thua lỗ bằng cách đảo nợ hoặc tái cấu trúc nợ, hoặc bằng các hình thức hỗ trợ khác để trả lương công nhân, bảo trì và trả nợ.

Những biện pháp này cũng phục vụ chiến lược giữ ổn định xã hội, một mục tiêu hàng đầu của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Chính quyền cấp tỉnh thành cũng chống lưng cho các xí nghiệp khó khăn vì chúng được xem là xương sống của kinh tế địa phương. Nhưng khu vực quốc doanh như đứa con bị nuông chiều quá mức, nên khó đưa vào nề nếp khi gia cảnh khốn khó và những thay đổi nhỏ giọt tỏ ra không còn hiệu quả.

Nhà máy thép Thanh Tuyền ở thành phố Đường Sơn, Hà Bắc bị bỏ hoang và đóng cửa năm 2014 là một ví dụ điển hình của “xí nghiệp xác sống” ở Trung Quốc           -Kevin Frayer/Getty Images
Nhà máy thép Thanh Tuyền ở thành phố Đường Sơn, Hà Bắc bị bỏ hoang và đóng cửa năm 2014 là một ví dụ điển hình của “xí nghiệp xác sống” ở Trung Quốc -Kevin Frayer/Getty Images

 

Quyết đại phẫu

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất trong 25 năm, giới phân tích kinh tế cho rằng xử lý khối DNNN cồng kềnh kém hiệu quả là biện pháp quan trọng nhất để tái cấu trúc nền kinh tế. Gần đây, Bắc Kinh đang tìm cách để nền kinh tế bớt phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp nặng và xây dựng.

Tuy nhiên, DNNN tập trung trong những ngành “nhiều khói” của mô hình tăng trưởng cũ như thép, than, đóng tàu và máy móc hạng nặng. Khối DNNN ì ạch không thể đáp ứng nhu cầu trong các ngành dịch vụ mới trỗi dậy như y tế, công nghệ, giáo dục và giải trí - những mảng tăng trưởng nhanh nhất của kinh tế Trung Quốc.

Đóng cửa “DNNN xác sống” được chính phủ xác định là 1 trong 5 ưu tiên trong năm nay. Hồi tháng 12-2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói đối với các “xí nghiệp xác sống” thừa công suất, chính phủ phải hạ quyết tâm đại phẫu không thương tiếc. Ít lâu sau, cuối tháng 2-2016 Bộ trưởng Nhân lực và an sinh xã hội Doãn Uất Dân cho biết sẽ có khoảng 1,3 triệu công nhân ngành than và 500.000 công nhân ngành thép mất việc khi chính phủ xử lý vấn nạn thừa công suất.

Trung Quốc muốn giảm nạn thừa cung ở ít nhất bảy ngành, trong đó có ximăng, thủy tinh và đóng tàu; ngành năng lượng mặt trời tuy thừa cung nhưng có thể sẽ tránh bị tái cấu trúc trên quy mô lớn do vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Chính phủ đã vạch kế hoạch giảm 150 triệu tấn công suất thép thô và 500 triệu tấn công suất than trong 3-5 năm tới.

Hồi đầu tháng 3, tại kỳ họp thứ 4 khóa 12, Quốc hội Trung Quốc đã thảo luận kế hoạch 5 năm lần thứ 13, với mục tiêu hàng đầu là tái cấu trúc nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới từ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sang tập trung phát triển các ngành dịch vụ và phục vụ hơn 1 tỉ người tiêu dùng trong nước.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhắc lại cam kết xử lý những DNNN này thông qua các biện pháp như sáp nhập, tái cơ cấu, tái cấu trúc nợ và thanh lý. Từ tháng 9-2015, một quy hoạch tổng thể được Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận, nêu ra các biện pháp nhằm áp dụng kỷ cương thị trường đối với DNNN.

Trong những biện pháp này có cổ phần hóa và bãi bỏ bổ nhiệm mang tính chính trị đối với các chức vụ quản lý cao cấp trong doanh nghiệp (do Ban tổ chức Trung ương Đảng chọn chứ không phải do cổ đông chọn). Song biện pháp được áp dụng mạnh mẽ nhất là hợp nhất - trong đó chính phủ đứng ra dàn xếp sáp nhập các DNNN lớn.

Hợp nhất doanh nghiệp đã diễn ra hơn một thập niên qua. Kể từ khi Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản quốc doanh (SASAC), cơ quan giám sát các DNNN không thuộc ngành tài chính, ra đời năm 2003, số doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát của cơ quan này đã giảm từ 189 còn 103, chủ yếu do sáp nhập.

Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng các DNNN lớn hơn sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trên toàn cầu. Từ lâu, họ đã cho rằng lợi thế kinh tế nhờ quy mô là yếu tố hệ thống để xây dựng các tập đoàn chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trong năm qua, SASAC đã phê duyệt sáp nhập ít nhất 6 DNNN rất lớn, trong đó có vụ sáp nhập Tập đoàn Viễn dương Trung Quốc (COSCO) với Tập đoàn Hải vận Trung Quốc để lập nên công ty vận tải container lớn nhất thế giới. Các vụ sáp nhập quy mô khổng lồ cũng được xem là cách chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổng công ty quốc doanh.

Hai công ty sản xuất thiết bị xe lửa lớn nhất Trung Quốc đã hợp nhất vào cuối năm 2014. Tập đoàn mới dự kiến đấu thầu cung ứng cho các công trình đường sắt đóng vai trò trọng tâm trong sáng kiến “Con đường tơ lụa” mới đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bán cơ sở hạ tầng ở châu Á và Trung Đông.

Dù được nhiều nhà kinh tế phương Tây ủng hộ, biện pháp tăng hiệu quả bằng cổ phần hóa không được giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc ưa chuộng. SASAC đã thử nghiệm cẩn trọng “quyền sở hữu hỗn hợp”, mỹ từ để chỉ việc bán cổ phần với tỉ lệ thiểu số.

Tuy nhiên, thay vì giảm vai trò của DNNN trong nền kinh tế, giới lãnh đạo cho rằng giải pháp là củng cố quyền kiểm soát của Đảng đối với tài sản nhà nước, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của DNNN. Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 23-11-2015, lãnh đạo Đảng quyết định rằng trọng tâm của cải cách sẽ là củng cố, tối ưu hóa, mở rộng DNNN và bác bỏ tư hữu hóa.

Thay “chén cơm sắt”

Ưu tiên hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2016 là cải cách trọng cung, nhưng nhiều nhà phân tích nghi ngờ liệu việc sáp nhập các doanh nghiệp lớn thành những doanh nghiệp còn lớn hơn có thể giải quyết được nguyên nhân của nạn thừa công suất và lợi nhuận thấp.

Sớm muộn gì thì các DNNN yếu kém cũng phải uống viên thuốc đắng là đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân. Chướng ngại vật lớn nhất của việc đóng cửa DNNN thua lỗ là chuyện phải sa thải hàng loạt.

Bắc Kinh chưa dám mạnh tay xử lý, e ngại bất ổn xã hội vì dân chúng bất bình khi “chén cơm sắt” (kế sinh nhai được nhà nước bảo đảm suốt đời) bị đập nát. Sáp nhập DNNN yếu kém vào DNNN mạnh được xem là cách giải quyết vấn nạn thừa công suất ít gây xáo trộn hơn là buộc các DNNN thua lỗ phải phá sản, khiến hàng triệu người thất nghiệp.

Dự kiến có 5-6 triệu công nhân quốc doanh bị nghỉ việc trong vòng 2-3 năm tới. Đây là chương trình tinh giản biên chế mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh trong gần 20 năm. Đợt tái cấu trúc DNNN từ năm 1998-2003 đã sa thải khoảng 28 triệu nhân công và khiến chính phủ trung ương chi khoảng 73,1 tỉ nhân dân tệ (11,15 tỉ USD) cho các quỹ giải quyết chế độ nghỉ việc.

Theo kế hoạch cải tổ, chính phủ sẽ phân bổ 100 tỉ nhân dân tệ (15,24 tỉ USD) trong vòng hai năm tới để giúp công nhân quốc doanh bị mất việc học nghề mới và tìm việc làm. Nghiên cứu của Ngân hàng Société Générale cho rằng Trung Quốc sẽ cần tới gần 270 tỉ nhân dân tệ (41,15 tỉ USD), tức 1,7% số thu ngân sách năm 2015 của chính phủ, cho chương trình này.

Cuộc đại phẫu cũng sẽ “đau thấu xương” với các ngân hàng Trung Quốc. Những xí nghiệp bị đóng cửa sẽ phải trả nợ ngân hàng để tránh cho các ngân hàng quốc doanh ôm cả núi nợ xấu. Nợ chéo, tức là nợ do doanh nghiệp vay của nhau, cũng phải được giải quyết. Chỉ riêng các doanh nghiệp ngành thép và than hiện đang có số nợ xấu 1.000 tỉ nhân dân tệ (152,4 tỉ USD).

Với tỉ lệ thu hồi nợ xấu ở Trung Quốc chỉ khoảng 30%, hệ thống ngân hàng có thể tổn thất khoảng 700 tỉ nhân dân tệ (106,68 tỉ USD). Mà đó chỉ mới trong hai ngành thép và than. Với hơn chục ngành bị thừa công suất, hệ lụy của quá trình tái cấu trúc nợ có thể làm oằn lưng nhiều ngân hàng yếu kém và là gánh nặng ngân sách.

Dù Trung Quốc đã hứa giúp các ngân hàng địa phương chuyển nợ xấu của các “DNNN xác sống” trong ngành thép sang cho các công ty quản lý tài sản, các chính quyền địa phương không được đụng tới các quỹ giải quyết chế độ nghỉ việc cho công nhân cho tới khi các “DNNN xác sống” thật sự đóng cửa và nợ nần đã giải quyết xong.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận