Trung Quốc: Một cấu trúc thương mại mới

D. KIM THOA 20/08/2022 06:39 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác thương mại mới để giảm bớt tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại đã kéo dài 4 năm với Mỹ, và tình hình chỉ có đang ngày càng xấu hơn sau những va chạm gần đây ở Đài Loan. Những tác động của sự chuyển hướng đấy sẽ được cảm nhận trên toàn cầu.


Trung Quốc: Một cấu trúc thương mại mới - Ảnh 1.

Ảnh: Foreign Policy

Trong 4 năm thời cựu tổng thống Donald Trump, Washington áp đặt các khoản thuế tổng giá trị lên tới 550 tỉ USD với hàng hóa Trung Quốc. Người kế nhiệm của ông Trump, Joe Biden, đã giữ nguyên các quyết định đó và những lệnh trừng phạt mới thậm chí không thể loại trừ khi sóng gió trong quan hệ song phương đang nổi lên hết đợt này tới đợt khác. Bắc Kinh đã phải phản ứng.

Kể từ 1-9 tới, Trung Quốc sẽ chính thức cắt giảm thuế quan với hầu hết hàng hóa thuộc diện có thể đánh thuế đến từ 16 quốc gia trong nhóm những nước kém phát triển nhất thế giới gồm Campuchia, Lào, Djibouti, Rwanda, quần đảo Solomon, Kiribati và Togo... 

Theo báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP), kế hoạch cắt giảm thuế quan rất lớn này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu đề cập tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi tháng 11-2021. 

Trong thông báo tuần qua của Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, việc thực thi sẽ bắt đầu từ 1-9 và có hiệu lực với 98% loại hàng hóa, tương ứng với 8.786 mặt hàng nhập khẩu từ nhóm "các nước ít phát triển nhất".

Mở rộng vùng ảnh hưởng

Tờ China Daily cho biết chương trình này sẽ còn được Trung Quốc dần mở rộng thêm tới tất cả "những nước ít phát triển nhất" có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc. 

Cần nhắc, quần đảo Solomon và Kiribati là những nước gần đây đã chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục. Tháng 4 vừa rồi, Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon. 

Tháng 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm 7 quốc đảo ở Thái Bình Dương và tổ chức họp trực tuyến với 3 nước khác để thúc đẩy đề xuất hợp tác an ninh bao trùm hơn cho khu vực.

Chuyên gia Kent Chong, đối tác góp vốn của Hãng PricewaterhouseCoopers (PwC) có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan), nhận định: "Trung Quốc luôn muốn tăng cường sự hiện diện của họ tại các nước gần biên giới, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Đó là một lợi thế cạnh tranh hoặc chính trị với họ trong khu vực này".

Vì Trung Quốc đã có chính sách ngoại lệ về thuế quan với những nước nghèo nhất thế giới từ năm 2001, theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện chính sách cắt giảm thuế từ 1-9 sẽ không gây tổn thất tài chính đáng kể nào với Bắc Kinh và dễ dàng được thực hiện.

Ngoài các nước đã nêu, những nước khác cũng sẽ hưởng lợi trong chương trình giảm thuế từ 1-9 còn có: Mozambique, Eritrea, Cộng hòa Trung Phi, Guinea, Sudan, Chad, Bangladesh, Nepal và Vanuatu. Các nước hiện đang công nhận Đài Loan ở Thái Bình Dương còn có quần đảo Marshall, Nauru, Palau và Tuvalu, họ "mặc định" không nằm trong nhóm này.

Một mũi tên nhắm nhiều đích

Thời gian qua đã xuất hiện những thông tin nói Tổng thống Mỹ Biden đang cân nhắc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt thuế với Trung Quốc để ứng phó với mức lạm phát tăng kỷ lục trong nước. 

Tuy nhiên, ông Biden đang đối mặt với nhiều quan điểm trái chiều ngay từ nội bộ chính quyền, chứ đừng nói phe Cộng hòa đối lập, chưa kể cả dư luận phản đối từ một số tập đoàn doanh nghiệp Mỹ.

Bên cạnh thương chiến với Mỹ, quan hệ thương mại của Trung Quốc với một đối tác lớn khác là Úc cũng sa sút đáng kể sau năm 2020 - thời điểm Canberra yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus gây ra đại dịch COVID-19.

Bắc Kinh đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu với một loạt hàng hóa của Úc như rượu vang, đại mạch, bông, đồng, đường và tôm hùm. 

Lệnh cấm không chính thức với than đá Úc vào cuối năm 2020 giữa căng thẳng gia tăng trong quan hệ song phương khiến Canberra từ vị trí nhà cung cấp than đá hàng đầu cho Trung Quốc nay không còn bán được một ký than nào cho thị trường này nữa.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định sự tìm kiếm các đối tác thương mại mới sẽ là xu hướng lớn ở Trung Quốc trong ít ra là 5-10 năm tới. "Không nên chỉ tập trung vào sự việc hôm nay - kinh tế gia Song Seng Wun làm việc tại Singapore cho ngân hàng CIMB của Malaysia nói - Đó có thể là xu hướng 5-10 năm nữa".

Chuyên gia Kent Chong còn cho rằng Trung Quốc có thể đưa lao động sang và hỗ trợ 16 quốc gia nói trên trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) của Bắc Kinh tới nay đã phát triển nhiều dự án hạ tầng ở khu vực Á - Âu nhằm phục vụ cho lợi ích thương mại liên quan tới Trung Quốc.

Một mục tiêu khác của Trung Quốc trong sự điều chỉnh định hướng thương mại là thúc đẩy sự chấp nhận quốc tế với đồng nhân dân tệ qua thanh toán xuyên biên giới. 5 năm qua, việc giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng đôla Mỹ trong các thỏa thuận thương mại và đầu tư là một nghị trình quan trọng với Bắc Kinh, vốn muốn nhân dân tệ sớm trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế có vị trí lớn hơn.

Đẩy mạnh đầu tư vào Mông Cổ

Những xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, Úc cùng chiến lược do Mỹ dẫn dắt nhằm kiềm tỏa Trung Quốc còn hối thúc Bắc Kinh mau chóng tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu, nhất là các mặt hàng đóng vai trò "nhiên liệu cho nền kinh tế" đang ngày càng lớn của nước này.

Tuần qua, ông Vương Nghị đã tới thăm thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ. Hai bên ký kết "các tài liệu hợp tác" quan trọng mà theo giới quan sát là không chỉ mở đường cho những tài nguyên then chốt của Mông Cổ là vàng, than đóng bánh và quặng sắt vào Trung Quốc, mà còn giúp thông thương hiệu quả hơn giữa Trung Quốc và Nga qua hệ thống đường sắt được nâng cấp tại Mông Cổ.

Hai bên nhất trí sẽ kết nối các tuyến đường sắt với các tuyến xa lộ "để duy trì ổn định, không gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp". 

Biên giới trên bộ giữa hai nước dài tới 4.630km, hầu hết là sa mạc hoang vu và núi non, bao gồm một phần thuộc tuyến đường sắt xuyên Siberia dài nhất thế giới. Với Trung Quốc, một Mông Cổ kết nối hơn sẽ giúp họ đảm bảo quyền tiếp cận các tài nguyên từ Siberia và xa hơn nữa.

"Trung Quốc coi việc lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu là một nguy cơ an ninh quốc gia. Do đó ở những nơi mà hàng nhập khẩu không dễ thay thế bằng sản xuất nội địa, họ sẽ cố gắng chuyển nguồn hàng tới các nước thân thiện như Mông Cổ", chuyên gia kinh tế học Julian Evans-Pritchard nhận định.■

Củng cố an ninh lương thực

Tăng cường quan hệ hơn với các nước kém phát triển cũng giúp Trung Quốc củng cố an ninh lương thực, theo chuyên gia Song Seng Wun. Một ví dụ là trong tương lai, Trung Quốc có thể nhập khẩu gạo thuận lợi hơn từ những "vựa lúa" lớn ở gần như Campuchia.

Khoảng 13% diện tích đất Trung Quốc dành cho trồng trọt, theo Hãng S&P Global Commodity Insights, London, Anh. Tình trạng giá lương thực tăng cao do thời tiết cực đoan và ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraine đã gây nhiều lo ngại cho Bắc Kinh về nguy cơ gián đoạn nguồn cung lương thực.

Quan hệ kinh tế gần gũi với các nước châu Á sẽ giúp Trung Quốc giảm lệ thuộc vào hàng hóa đường không và đường biển, các phương tiện chịu nhiều bất trắc địa chính trị hơn là xe tải hoặc tàu hỏa.

Thặng dư thương mại Trung Quốc tăng kỷ lục tháng 7-2022

Mặc dù gần như chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay do chính sách phong tỏa vì đại dịch COVID-19, trong tháng 7-2022, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng rất mạnh.

Đài Mỹ CNN dẫn số liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 7-8 cho biết tổng giá trị xuất khẩu tính bằng USD trong tháng 7-2022 của Trung Quốc đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong năm nay. Trước đó trong tháng 6, mức tăng xuất khẩu là 17,9%. Trong khi đó, nhập khẩu chỉ tăng 2,3% so với 1 năm trước.

Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 7 khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng kỷ lục lên mức 101 tỉ USD trong tháng này, lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ USD. Để so sánh, thặng dư thương mại tháng 7-2021 chỉ là 56,6 tỉ USD.

"Dữ liệu thương mại theo tháng cho thấy các nhà máy của Trung Quốc tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ sau đợt dịch mới nhất do biến thể Omicron gây ra" - ông David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không kể Nhật Bản) tại Công ty Invesco, nói với CNN.

Sự dịch chuyển cũng thấy rõ trong các số liệu này. Nhu cầu hàng hóa lớn từ các nước ở Đông Nam Á, châu Âu và Nga, chứ không phải Mỹ, là động lực chính cho xuất khẩu từ Trung Quốc trong tháng 7. Cụ thể, hàng hóa từ Trung Quốc đi các nước ASEAN, Liên minh châu Âu và Nga đã tăng lần lượt 34%, 23% và 22% trong tháng này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận