Trung Quốc: Đằng sau một thảm họa công nghiệp

HẢI MINH 08/09/2015 03:09 GMT+7

TTCT- Vụ nổ ở Thiên Tân là một trong những vụ tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất tại Trung Quốc thời gian qua và rất có thể không phải là cuối cùng trong tình hình những quy chuẩn an toàn ở Trung Quốc lỏng lẻo như hiện nay.

Những lồng thỏ và chim câu được đặt  ở vùng gần vụ nổ để thử nghiệm mức độ độc hại của không khí. Reuters

Một tuần lễ sau vụ tai nạn, tổng cục trưởng Tổng cục An toàn lao động quốc gia Dương Đống Lương đã bị điều tra vì tình nghi “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”, theo Ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Dương từng làm công tác an toàn lao động ở chính quyền Thiên Tân trong 18 năm, bao gồm nhiệm kỳ phó thị trưởng thành phố này từ năm 2001-2012.

An toàn lao động quá kém

Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố đã thành lập tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Dương Hoán Trữ đứng đầu. Ít nhất 10 người đã bị tạm giữ, bao gồm các giám đốc của công ty quản lý nhà kho. Hơn 40 loại hóa chất độc hại khác nhau đã được lưu giữ tại khu vực này, với khối lượng lên tới khoảng 3.000 tấn, trong đó bao gồm 800 tấn ammonium nitrate (được dùng chế tạo thuốc nổ) và khoảng 500 tấn potassium nitrate (dùng làm pháo hoa và tên lửa).

Luật an toàn lao động của Trung Quốc quy định các cơ sở chứa hóa chất độc hại phải cách khu dân cư, tòa nhà công cộng và đường cao tốc ít nhất 1km, nhưng bản đồ trên mạng cho thấy khu nhà kho của Công ty hậu cần quốc tế Thụy Hải chỉ nằm cách đường cao tốc và một khu căn hộ rộng 9,2ha có 500m.

Báo Anh The Independent dẫn lời một nhà nghiên cứu hàng đầu về an toàn lao động ở Trung Quốc nói ông đã cảnh báo từ năm 2011 rằng các công nghệ hóa chất tại Trung Quốc đã quá lỗi thời và những quy chuẩn an toàn không hề được tuân thủ.

Andy Furlong, giám đốc chính sách của Viện Cơ khí hóa chất London, nói: “Lúc này còn quá sớm để đưa ra nhận định, nhưng chúng tôi biết các công ty hóa chất vừa và nhỏ ở Trung Quốc vẫn còn một hành trình dài trong việc đảm bảo an toàn. Các chuyên gia Trung Quốc đã nhiều lần nói với chúng tôi rằng trong lĩnh vực lưu trữ hóa chất, công nghệ của họ đã lạc hậu, thiết bị quá thô sơ, quản lý an toàn yếu kém và việc huấn luyện an toàn lao động hầu như không có”.

Công nghiệp chế biến hóa chất chiếm tới 22% GDP của Trung Quốc và từ năm 2006, nước này đã có chính sách di dời hàng loạt công ty hóa chất và nhà máy công nghiệp nặng vào những khu công nghiệp gần các thành phố lớn, nhưng những người chỉ trích nói các nhà kho này đặt quá gần các trục đường chính, nhà dân.

Ông Furlong nói những công ty lớn ở Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hơn tới các quy chuẩn an toàn, nhưng văn hóa lao động tại đây là người lao động không được phép có ý kiến với giới chủ nếu họ nghĩ có nguy cơ xảy ra tai nạn.

“Rõ ràng không hề có văn hóa an toàn lao động thật sự ở các xưởng công nghiệp tại Trung Quốc. Những tuyên bố từ nhà chức trách luôn làm họ bị sốc về các tai nạn và nhiều vụ việc thế này lẽ ra không bao giờ được lặp lại, nhưng tất nhiên một năm sau đó, mọi chuyện lại xảy ra.

Vấn đề là luật lệ về an toàn lao động có rất nhiều nhưng không hề được thực thi đầy đủ” - Geoffrey Crothall, người phát ngôn Bản Tin Lao Động Trung Quốc - một tổ chức bảo vệ quyền của người lao động đặt tại Hong Kong, nói với báo Mỹ The New York Times.

Những con số từ Tổng cục An toàn lao động quốc gia cho thấy trong sáu tháng đầu năm nay đã xảy ra 139.000 vụ tai nạn lao động khiến 26.000 người thiệt mạng, giảm 7,5% và 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tai nạn ở các mỏ than của Trung Quốc khiến 931 người thiệt mạng trong năm 2014, giảm nhiều so với 6.000-7.000 người mỗi năm vào một thập kỷ trước, theo Crothall.

Điểm chung của những vụ tai nạn là việc coi thường các quy định an toàn lao động. “Trong tất cả vụ việc, sự vi phạm an toàn lao động đều rõ ràng. Trong vụ cháy nhà máy gia cầm ở Cát Lâm, các cánh cửa thoát hiểm đã bị khóa chặt. Trong vụ ở gần Thượng Hải, rất nhiều công nhân không hề được huấn luyện tối thiểu về an toàn cháy nổ” - Crothall nói.

Tham nhũng và móc ngoặc chính trị

Trong bài xã luận đăng trên trang web của mình, tờ Global Times (Hoàn Cầu) đã bày tỏ sự ngạc nhiên về thảm họa Thiên Tân: “Chúng ta giờ biết hàng hóa có thể nguy hiểm ra sao. Trong một khu công nghiệp đông đúc, hiện đại và hoàn toàn bình thường lại có thể tồn tại lượng chất nổ tương đương hàng chục tấn TNT có thể phát nổ chỉ vì một lỗi đơn giản và gây ra thiệt hại khủng khiếp”.

Bài xã luận kêu gọi sự minh bạch về thảm họa này, điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cam kết.

Báo chí đã vạch ra những mối quan hệ chính trị mật thiết giữa Công ty Thụy Hải và các quan chức chính quyền, cho thấy có thể đã xảy ra tình trạng tham nhũng trong hoạt động của Công ty Thụy Hải. Những người sáng lập công ty là con trai một cựu sĩ quan cảnh sát và một quan chức công ty nhà nước, theo Tân Hoa xã trong một cuộc phỏng vấn ngày 19-8. Cả công ty cũng chỉ có hai cổ đông này, dù họ sở hữu cổ phần thông qua người khác.

Du Học Vĩ (41 tuổi, là cựu giám đốc Công ty hóa chất nhà nước Sinochem) nắm 55% Thụy Hải và hiện vẫn là thành viên ban quản trị của Công ty hậu cần các hàng hóa nguy hiểm cảng Thiên Tân, một công ty con của Sinochem, theo AP.

Người kia, Đổng Xã Hiên (34 tuổi, là con trai của cựu cảnh sát trưởng cảng Thiên Tân) nắm giữ 45% cổ phần thông qua một người bạn làm “bình phong”. Cả hai hiện bị cảnh sát tạm giữ. Hai cổ đông sáng lập này nói với Tân Hoa xã rằng họ sử dụng các mối quan hệ chính trị để thu lợi cho Thụy Hải, dù không ai thừa nhận từng đưa hối lộ.

Đặc biệt, họ nói những mối quan hệ đó đã giúp Thụy Hải vượt qua các đợt thanh tra, kiểm tra của chính quyền, bao gồm cả “chạy” hàng loạt giấy chứng nhận về an toàn phòng cháy chữa cháy, đất đai và lao động.

Đổng nói trên Tân Hoa xã: “Quan hệ của tôi là ở trong ngành cảnh sát và cứu hỏa. Khi bị kiểm tra phòng cháy, tôi sẽ gặp các quan chức Sở Cứu hỏa cảng Thiên Tân. Tôi đưa họ hồ sơ và họ sẽ sớm thông qua”. Tuy nhiên, những thú nhận này của họ là khá khó hiểu. Việc lên báo chí “nhận tội và xin được khoan hồng” là khá phổ biến ở Trung Quốc, nhưng ít khi nào là với một cuộc điều tra đang diễn ra.

Trang web của Thụy Hải nói công ty thành lập năm 2011 và được cấp phép chuyên chở các hàng hóa độc hại và nguy hiểm. Công ty có 70 nhân viên, doanh thu hằng năm hơn 30 triệu nhân dân tệ (4,7 triệu USD) và có thể xử lý 1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Nhưng theo Trung tâm Dữ liệu doanh nghiệp quốc gia, một trang web thuộc Cục Thương mại và công nghiệp Trung Quốc (SAIC), Thụy Hải thành lập tháng 12-2012 và không được cấp phép chuyên chở hóa chất độc hại cho tới khi Ủy ban giao thông Thiên Tân thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cấp phép cho công ty này, và ngay cả giấy phép đó cũng chỉ có thời hạn tới tháng 10-2014.

Tân Hoa xã cho biết thêm Thụy Hải nhận giấy phép mới vào tháng 6-2015, đồng nghĩa với việc công ty này đã chuyên chở và xử lý hóa chất độc hại trong ít nhất là tám tháng mà không hề được phép.

Du Học Vĩ nói: “Sau khi giấy phép lần đầu hết hạn, chúng tôi xin giấy phép mới nhưng không ngừng hoạt động vì nghĩ không có vấn đề gì. Rất nhiều công ty đã tiếp tục vận hành mà không có giấy phép”. Nhưng ngay cả giấy phép của Thụy Hải có thể cũng sai pháp luật.

Luật Trung Quốc nói các doanh nghiệp nước này không được cấp phép xử lý hóa chất độc hại cho tới khi họ đã được thẩm định và kiểm tra các yêu cầu an toàn ngặt nghèo. Việc thẩm định và kiểm tra này chỉ hoàn tất ở Thụy Hải vào tháng 8-2014, theo Beijing News.

Báo cáo đánh giá tháng 8-2014 cũng cho phép Thụy Hải lưu trữ hóa chất chỉ cách khu dân cư gần nhất 560m, trong khi luật pháp Trung Quốc quy định khoảng cách tối thiểu phải là 1.000m, theo Tân Hoa xã. Đổng nói: “Công ty (thẩm định tư nhân) đầu tiên nói kho của chúng tôi quá gần các tòa nhà và vi phạm quy định nên không qua được kiểm tra. Rồi chúng tôi tìm được một công ty khác có thể hợp thức hóa các hồ sơ”.

Cho tới giờ, bản đánh giá an toàn với Thụy Hải của nhà chức trách vẫn chưa được công khai cho dư luận.

Công ty thông qua việc kiểm định cho Thụy Hải là Trung Tân Hải Thịnh, với giấy phép trung tâm kiểm định do Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật phòng cháy chữa cháy quốc gia cấp (đây là một đơn vị thuộc Bộ Công an Trung Quốc).

Một báo cáo tác động môi trường của công ty theo yêu cầu của Cục Bảo vệ môi trường Thiên Tân tháng 12-2013 nói công ty đã thăm dò ý kiến người dân xung quanh khu vực và 100% đồng ý để họ mở nhà kho! Nhưng trong những cuộc phỏng vấn của Tân Hoa xã ở hiện trường, một số người dân nói họ chưa bao giờ nghe tới cuộc thăm dò đó, hay thậm chí là biết tới việc có một nhà kho hóa chất độc hại ở ngay sát vách nhà mình.

Thiên Tân là cảng gần Bắc Kinh nhất và chiếm 70% lượng hàng hóa nguy hiểm và độc hại nhập vào Bắc Kinh. Nhưng chỉ ba công ty hậu cần được cấp phép xử lý chín loại hóa chất đặc biệt độc hại và Thụy Hải là doanh nghiệp tư nhân duy nhất có phép. Khoảng 40 công ty khác trong khu vực cảng đã tìm cách xin giấy phép nhưng đều bị từ chối.

Một nhân vật giấu tên trong ngành này nói với Beijing News rằng vận chuyển, lưu trữ và xử lý hóa chất độc hại là “miếng thịt béo bở” với giấy phép tạo ra tình trạng độc quyền làm lợi nhuận cao hơn 2-3 lần so với các hàng hóa bình thường.

Nhân Dân Nhật Báo viết trong bài xã luận ngày 17-8: “Chúng ta đã xử lý toàn diện và công khai những vụ lớn như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Lệnh Kiến Hoa. Làm sao vụ này lại có thể che đậy được?”. Đó cũng là câu hỏi mà người dân Trung Quốc đang đòi câu trả lời.■

Năm 2013, một vụ nổ đường ống của Công ty lọc dầu nhà nước Sinopec ở cảng miền đông Thanh Đảo đã khiến 62 người thiệt mạng và 136 người bị thương. Tháng 6-2013, hỏa hoạn ở một nhà máy chế biến gia cầm tại tỉnh Cát Lâm khiến 121 người thiệt mạng. Tháng 8-2014, một vụ nổ ở nhà máy kim loại tại tỉnh Giang Tô làm 97 người chết. Tháng trước, một nhà kho pháo hoa đã phát nổ tại tỉnh Hà Bắc làm 15 người thiệt mạng, trong khi năm ngoái một nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi ở gần Thượng Hải phát nổ giết chết 146 công nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận