![]() |
Ông Phan Trác Cảnh: "Tôi tin sách cũng có hồn" - Ảnh: Quốc Việt |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhà sách không trưng bày bất cứ quyển nào ra mặt tiền và ông chủ cũng là người kiệm lời, trầm tính. Nhưng những người nghiện sách khoa học xã hội, đặc biệt là sách địa chí, lịch sử các dân tộc VN, đều phải gõ cửa nhà sách này.
Cả đời cho sách cũ
Vợ ông Phan Trác Cảnh nhẹ nhàng mời khách: "Chú muốn mua hay chỉ tham quan cũng được". Mặt tiền tầng trệt không trưng quyển sách nào, nhưng vừa dợm chân bước lên cầu thang lên tầng trên, tôi đã thấy từng dãy sách xếp dọc lối đi. Ông Cảnh đang nghe nhạc Phạm Duy và xem tài liệu dày gần 2.000 trang về hát ả đào, quan họ do chính mình sưu tầm. Thấy khách ghé thăm, ông mỉm cười: "Gần 10 tấn sách, không còn chỗ để chứa nên đành để tạm ra ngoài".
Không gian phảng phất mùi giấy cũ. Sách bày kín giá kệ khắp các tường và tầng trên vẫn còn các phòng sách khác. Cuốn Souvernirs de Hue in bằng tiếng Pháp từ năm 1867 của tác giả Michel Duc Chaigneau viết kỷ niệm về Huế đã sờn rách được bọc lại cẩn thận. Các quyển Hán văn tân giáo khoa thư xuất bản năm 1928 và Ngũ thiên tự năm 1929 cũng còn nguyên vẹn. Nhiều báo, tạp chí đầu thế kỷ trước như Phong Hóa, Phụ Nữ Tân Văn, Gia Định Báo, Gió Mới, Văn Mới, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Phong... vẫn đang nằm trên kệ thách thức thời gian…
Thấy tôi mải mê với kệ sách nghiên cứu 54 dân tộc VN, ông Cảnh chỉ cho xem bộ tài liệu đồ sộ gồm 11 tập chuyên nghiên cứu về người Hoa ở VN và những cuốn sách quí viết về người Mường cổ. Người đã dành cả đời cho sách cũ này kể rằng lúc đầu ông còn tập hợp chung các loại sách, nhưng bây giờ tập trung vào nội dung nghiên cứu cổ xưa. "Tác phẩm văn học hay có thể được tái bản. Nhưng các sách nghiên cứu cổ rất kén người đọc, nên hiếm hoi lắm. Nó đang tuyệt bóng dần trên thị trường", ông Cảnh ưu tư, rồi cho tôi xem bộ nghiên cứu lịch sử quân đội VN gồm hàng trăm quyển xếp cả một dãy kệ lớn.
Chủ nhân của nhà sách số 5 Bát Đàn này do quá mê văn chương Tự Lực Văn Đoàn mà thành nghiện sách. Nửa chừng xuân của Khái Hưng là quyển sách đầu đời làm ông Cảnh mê mẩn, đó cũng là bản in đầu tiên mà ông vẫn gìn giữ đến giờ như kỷ vật của đời mình. Ngay thời gian còn làm việc ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã xây dựng "gia tài" sách cũ. Những ngày đầu khó khăn, ông phải nhịn cả suất ăn sáng, gói thuốc lá quen thuộc để có tiền mua sách. Bạn bè tưởng ông đã đổi nghề buôn ve chai khi thấy ông cứ lẽo đẽo đi cùng họ để lùng sách quí trong giấy vụn.
Những người đọc đáng kính
![]() |
Báo của đầu thế kỷ trước vẫn được nâng niu ở tiệm sách số 5 Bát Đàn - Ảnh: Quốc Việt |
"Hình như sách cũ cũng có linh hồn. Mình quí nó thì nó sẽ tìm mình" - ông chủ tiệm sách Bát Đàn nói. Ông Cảnh kể qua thời đầu chật vật, nhiều người đã tự tìm đến mua bán, trao đổi sách. Thậm chí, một số người ở miền Nam cũng cung cấp sách cũ cho ông. Họ quí ông vì không chỉ bán sách, ông còn là người đọc sâu, biết trọng sách quí.
Họ thêm nể ông vì nhà sách không kinh doanh bát nháo mà được nâng niu cẩn thận như thư viện quí. Chính vì vậy, một số người trong những tên tuổi vang bóng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Quốc Vượng, Vương Hồng Sển, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc đã xúc động khi thấy tác phẩm mình được nâng niu ở vị trí trang trọng trên kệ sách nhà ông. Và một số người trong họ đã dần trở thành bạn tâm giao của ông.
Ngoài nhiều quyển đặc biệt không bán, tiệm sách số 5 Bát Đàn còn hai thứ được ông Cảnh lưu giữ kỹ là cuốn thư mục sách do mình biên soạn và bút tích, hình ảnh những người đọc đáng kính. Giáo sư Nhật Yao Takao lần đầu ghé đây khi còn là sinh viên và nhà sách này còn là ngôi nhà cấp bốn với mái tôn thấp nóng, nhưng Takao đã tìm thấy những cuốn sách văn hóa, văn học cổ mình cần. Đến nay đã 17 năm và dù đã là tiến sĩ, nhưng năm nào ông cũng sang VN để tìm sách và gặp bạn tri kỷ là ông Cảnh. Nhiều chuyến ông còn dẫn theo sinh viên để họ tiếp tục đọc sách quí nơi này.
Một người bạn khác của ông Cảnh là nghiên cứu sinh tiến sĩ Imamura. Lần đầu đến từ 15 năm trước, Imamura còn là cựu nhân viên sứ quán Nhật. Mê sách, anh say sưa với các tài liệu quí ở đây. Đến khi nghỉ việc ở sứ quán, anh chọn đề tài lịch sử người Hoa ở VN để nghiên cứu, và nguồn tài liệu từ nhà sách này. Bạn bè anh như vợ chồng nhà khảo cổ nổi tiếng Kikuchi Seichi và Abe Yuriko cũng thành bạn tâm giao của ông Cảnh trong những lần ghé thăm, tìm tài liệu khảo cổ về gốm sứ VN.
Ông có hàng trăm bạn quốc tế đến từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp..., nhiều người là giáo sư, nhà ngoại giao, khách du lịch. Nhưng ông cũng có những người bạn VN mê sách ở khắp đất nước. Ông cứ nhớ mãi hình ảnh cụ già 80 tuổi từ ngoại thành Hà Nội lọ mọ đến nhà sách vào tối mưa dông tầm tã. Thấy tội cụ già, ông hỏi cần sách gì để giúp nhưng cụ không trả lời. Rồi bất ngờ, cụ ôm lấy một quyển sách sờn ố bật khóc: "Quyển sách này là của bố tôi. Nó đã thất lạc gần 30 năm rồi. Tôi cứ đi tìm mãi".
Ông Cảnh tâm sự chính những người đọc đáng kính đã giúp mình quyết tâm theo nhà sách đến cùng. Ông bạn Takao hay nhắc nhở bạn: "Ông không có quyền nghỉ hưu, ông chưa được chết, để còn giữ nhà sách này cho đến khi tìm được người xứng đáng nhận lại nó”.
Người con trai định theo nghiệp sách của bố và đã được ông gửi gắm niềm tin, nhưng thật buồn là anh bất ngờ qua đời. Đến giờ, ông vẫn chưa tìm được người nào ưng ý. Bởi theo ông, kiếm được người nặng lòng với sách cũ không dễ. Họ phải là người thích đọc, có kiến thức sâu rộng, mà đặc biệt là không mê tiền. "Tôi nghĩ sách có hồn. Nó biết tìm đến người đáng kính hoặc người đáng kính sẽ tìm đến nó” - ông Cảnh nói. Nắng chiều đã tắt sau khe cửa. Thư phòng chìm dần trong bóng tối trầm mặc.
__________________
Trên nhiều vỉa hè, người ta có thể bỏ bạc triệu để săn lùng sách quí, nhưng cũng có thể chỉ chút tiền lẻ đã tìm được sách ưa thích.
Kỳ tới: Thư viện bách khoa ở vỉa hè
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận