Lẩu Thập Cẩm

'Trong mắt ba mẹ, người thân, hàng xóm: Freelance = Thất nghiệp'

Vũ Nguyễn

Đăng lúc 16:53 | 14/07/2022

Nhiều người lớn ở thế hệ trước thường mặc định, những ai làm freelance đồng nghĩa với thất nghiệp hoặc lông bông, nghề nghiệp không ổn định.

Mới đây, hình ảnh một dòng trạng thái được chia sẻ rầm rộ trên nhiều nhóm cộng đồng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, nhất là giới trẻ. 

Cụ thể, Facebooker này thổ lộ: "Chị tôi làm marketing, freelancer. Chị ấy ngủ tới trưa mới dậy làm, thu nhập từ 25-40 triệu/tháng và tự đóng các thể loại bảo hiểm, cũng như đang trả góp nhà. Anh họ tôi làm thiết kế/sáng tạo nội dung, freelancer, vừa du lịch vừa làm. Mỗi tháng ở một nơi. Thu nhập 40-70 triệu/tháng và mua được 2 lô đất. 

Trong khi đó, tôi - công chức, làm văn phòng. Ngày đi làm 8 tiếng, từ thứ 2 đến thứ 7. Mỗi ngày di chuyển 30 km, lương thực lãnh 6,41 triệu đồng và đang trả góp chiếc xe máy 2 triệu/tháng.

Trong mắt gia đình và hàng xóm, tôi là người ổn định. Còn anh chị tôi thiếu ổn định và lông bông".

Dòng trạng thái được chụp lại và chia sẻ rầm rộ trên nhiều nhóm cộng đồng giới trẻ.

Tài khoản Kim Nguyên bình luận: "Đối với người lớn, phụ huynh kiểu hồi xưa ấy, thì hay nghĩ những công việc mang tính chất ổn định, cứ mỗi tháng có chừng đó tiền thì sẽ gọi là ổn định. Hoặc chi tiết hơn, nghĩa là lương tháng nào cũng giống nhau, không phải thuộc dạng ba cọc ba đồng, làm giờ hành chính thì là ổn định. Những người thuộc thế hệ trước nghĩ như vậy cũng bình thường thôi". 

Trong khi đó, Facebooker Kim Ánh đưa ra ý kiến: "Xác định trở thành một freelancer cũng không phải là dễ. Không chỉ có kiến thức chuyên môn, bạn còn phải biết quản lí thời gian, sống có nguyên tắc. Làm ra làm, chơi ra chơi. Còn nếu ai đang làm văn phòng, suốt ngày lên công ty để giỡn hớt rồi tối về chạy deadline mà nghe đến chữ freelancer đã ớn óc, xách dép đi luôn". 

Hầu hết những người freelancer đều có kinh nghiệm với công việc full-time trước khi chuyển sang làm tự do toàn thời gian.

Khảo sát của Anphabe công bố vào tháng 1-2022 đưa ra nhận định, xu hướng nhân sự đang dần chuyển dịch từ làm việc full-time cố định sang làm tự do (freelancer), ngày một mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện nay, lao động tự do toàn thời gian (fully gig worker) đang chiếm 14% nguồn nhân lực tri thức nước ta, 26% làm tự do bán thời gian (partly gig worker) và 13% làm song song công việc full-time cố định và bán thời gian ở ngoài. 

Được biết, nhân sự làm tự do có độ tuổi khá trẻ và hầu hết đều có kinh nghiệm với công việc full-time, trước khi chuyển hẳn sang làm freelancer. Hiện tại, freelancer trải rộng ở đa dạng các ngành nghề như truyền thông, thiết kế, bảo hiểm, ngoại ngữ... 

Thiên Ân (27 tuổi, ở TP. Thủ Đức) vừa làm chính thức tại một công ty thời trang vừa nhận thêm các dự án về nghệ thuật, kinh doanh những khi rảnh rỗi. Theo anh bạn quê Vĩnh Long, công việc chính là fulltime nhưng sếp không yêu cầu phải lên văn phòng đúng giờ, hoặc một ngày buộc làm đủ 8 tiếng. Thiên Ân được "làm chủ" thời gian của mình, sắp xếp mọi thứ khoa học và chỉn chu nhất để công việc được giải quyết ổn thỏa. Sự thoải mái này đã giúp anh bạn này có thể "sạc" lại năng lượng bất cứ khi nào, nhất là khi làm trong lĩnh vực đòi hỏi "chất xám", tư duy nghệ thuật.

Chị Tuyết Anh Trần chia sẻ: "Có thể thực hiện cùng lúc nhiều dự án, công việc là khả năng của một freelancer chính hiệu". (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, chị Tuyết Anh (34 tuổi, ở quận 1), một người có thâm niên làm freelancer 3 năm, chia sẻ: "Mình từng làm marketing full-time cho một vài công ty ở thời điểm trước 2020. Thời điểm dịch bệnh, mình quyết định nghỉ hẳn ở công ty cũ, tập trung hẳn vào những dự án freelance đã nhận trước đó, đồng thời kiếm thêm một số công việc khác theo đúng chuyên môn". 

Tiết lộ thêm về thu nhập, chị Tuyết Anh cho biết thu nhập tổng từ các dự án freelance cao hơn lương chính thức. Hơn nữa, tự do về giờ giấc cũng như có thể theo đuổi sở thích cá nhân - như làm bánh - là các yếu tố khiến cựu nhân viên văn phòng quyết định nghỉ hẳn công ty cũ. Tuy nhiên, người làm tự do thường không đóng bảo hiểm hoặc các khoản thuế. Với trường hợp này, chị Tuyết Anh cũng "mách nhỏ", nên chia thu nhập ra các khoản khác nhau nhằm tránh bị động khi xảy ra biến cố, trục trặc trong cuộc sống.

Ngoài ra, những bạn trẻ muốn trở thành một freelancer chính hiệu, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần trang bị thêm kỷ luật, các mối quan hệ, hồ sơ năng lực và sẵn sàng "tự quảng cáo" mình, thông qua blog, trang cá nhân để có thêm nhiều cơ hội. Đồng thời, các kỹ năng như giao tiếp, quản lý thời gian, đàm phán (lương, giá trị hợp đồng) cần được trau dồi thường xuyên. Đặc biệt, thỏa thuận với đối tác cần được thực hiện trên văn bản, email để tránh trường hợp bị "quỵt tiền", vốn là vấn nạn nan giải đối với nhiều freelancer.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Lẩu thập cẩm