Troll - trò đùa vô hại?

LAN HƯƠNG 21/10/2013 04:10 GMT+7

TTCT - Xuất hiện trong vài năm trở lại đây, troll là một thuật ngữ sử dụng khá phổ biến trên Internet.

Phóng to

Theo định nghĩa của từ điển Oxford, ở một nghĩa hẹp, troll là hành vi cố tình đăng tải những thông điệp gây chia rẽ hoặc kích động người khác. Một người dùng Internet bị gọi là troll khi người đó cố tình đưa ra những thông tin ngược chiều, không có tính cách xây dựng mà chỉ nhằm tạo ra một cuộc tranh cãi vô bổ.

Troll - trò đùa mới

Tuy nhiên, trái với dạng thức troll có tính phá hoại, từng được Wikipedia liệt vào hành vi phá hoại cộng đồng Wiki, troll còn được hiểu như một thú giải trí mới của người dùng Internet. Một chút nhanh nhạy, giễu cợt đủ mọi thành phần trong xã hội với chút hóm hỉnh, các net-user (1) có thể thu hút hàng chục ngàn “like” cho hành vi troll của mình.

Với cách hiểu này, trong tiếng Việt không thiếu từ để diễn tả troll, nhẹ nhàng có trêu chọc, “trẻ” hóa hơn thì “mày troll tao hả?” tương đương “mày chơi tao hả?” (xin vui lòng đọc với ngữ điệu bình thường, không lên giọng). Không quá khó để thực hiện một trò chọc phá - troll. Với các công cụ máy tính đơn giản như phần mềm đồ họa giản đơn, công cụ cắt ảnh, vài nhân vật với biểu cảm được cộng đồng thừa nhận (troll face) là có thể đủ gia vị cho một trò troll.

Ví dụ: khi bất ngờ nhận được lời tỏ tình “dù anh không giàu có, nhưng anh yêu em chân thành” thì xin đừng vội cảm động, vì troll sẽ cho bạn thấy sự nham nhở bằng phản ứng “không có tiền thì cạp đất mà ăn à...” như phát biểu của một hot-girl dạo nào.

Song song với những đề tài đả kích thói háo danh, nịnh bợ hoặc tham lam, một phần của troll còn hướng đến các nhân vật tiếng tăm như chính khách hoặc giới văn nghệ sĩ. Đặc biệt các quyết định quản lý phi thực tế hay các phát ngôn hớ hênh dễ dàng trở thành một đề tài yêu thích của troll.

Phản ứng với chuyện xăng tăng giá hồi tháng 7-2013, troll dùng hình ảnh ông Arsene Wenger - HLV của Arsenal với bình luận: “Người Việt Nam vì quá để ý đến chúng tôi mà quên mất xăng vừa tăng 460 đồng/lít (2)”. Không thể phủ nhận sự thông minh của người dùng Internet khi châm biếm các “chính sách trên trời” kiểu như quy định xe chính chủ hoặc vòng ngực đạt chuẩn để điều khiển phương tiện giao thông...

Đùa mà không vui?

Người viết thử đặt câu hỏi cho một số bạn trẻ cuồng nhiệt các trò troll trên mạng, về nguồn gốc và tác giả của những hình ảnh chế thông minh này, nhưng câu trả lời nhận được là: “Không biết”, “Chắc của một ai đó có thời gian rảnh”, “Vui mà”. Khi người dùng Internet thích troll chỉ vì hài hước, họ bỏ qua các nội dung ẩn chứa đằng sau những hình ảnh giản đơn của troll face.

Theo khảo sát của WeAreSocial, 73% trong số 30,8 triệu người dùng Internet tại Việt Nam dưới 35 tuổi, nhóm dân số trẻ này sử dụng đến 29 giờ mỗi tháng để vào mạng Internet. Chỉ bằng vài hình ảnh nguệch ngoạc, một lát cắt cuộc sống được truyền đạt đến hàng triệu người dùng, nhưng ai đảm bảo được rằng những sự kiện này không bị diễn giải theo một thiên kiến có chủ ý?

Trong một phiên bản trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” ở Việt Nam, một người chơi đã chọn câu trả lời từ gợi ý của một khán giả nam thay vì hai nữ khán giả trước đó, vì quan niệm: “Trong những giờ phút quyết định, tôi ít niềm tin vào phụ nữ hơn”.

May mắn thay, lựa chọn của anh đem lại đáp án đúng. Diễn tiến này ngay lập tức được quăng lên YouTube. Giới troll cũng không đứng ngoài cuộc khi hình ảnh người chơi nọ được ghép cùng câu nói của anh, bên dưới là bình luận: Đằng sau người đàn ông thất bại là một người phụ nữ xui dại. Đằng sau một người thành công có bóng dáng của một người đàn ông, cuối cùng kết luận: Chỉ có đàn ông mới đem lại hạnh phúc cho nhau!

Từ một câu nói vô thưởng vô phạt của một người vô danh, tín đồ troll nâng lên thành chuyện giới tính!

Ở phạm vi hẹp hơn là nỗi lo về cách thức biểu lộ cảm xúc của những con nghiện troll trên Internet. Troll đơn giản hóa tranh châm biếm về dạng thức và chiều sâu. Bởi nó chỉ biểu lộ cảm xúc của một số loại gương mặt nhất định như: người ưa trêu tức kẻ khác (troll face với nụ cười ngoác đến tận mang tai), nạn nhân của các trò đùa với khuôn mặt méo mó vì khó chịu và tức giận (rage guy), okay guy - chấp nhận mọi trò trêu chọc đến mức nhu nhược, LOL guy - những kẻ thuộc về đám đông cười nhạo, gương mặt cười như mếu của Yao Ming chỉ tình hình tiến thoái lưỡng nan, một ông sếp tự tin thái quá, nhân vật FA (forever alone - ế suốt đời)...

Các nhân vật của troll được đẩy đến tận cùng của các cảm xúc. Sự thái quá trong biểu lộ xúc cảm trở thành đặc trưng của troll, mà có lẽ nhờ thế nó được yêu thích. Suy tưởng liên hệ đến một nhân vật như ông sếp, như anh cảnh sát giao thông hay anh bạn thân trong thực tế bị đùa cho đến tức giận đỏ mặt tía tai trở thành niềm vui của không ít người dùng Internet thích troll.

Mặc dù cộng đồng troll face cũng đề xuất một số tạo hình khác, tuy nhiên đây lại là những biểu cảm được chấp nhận và chế ra nhiều mẩu chuyện nhất. Đằng sau niềm yêu thích các nhân vật troll là cách sống có chút nhẫn tâm, ích kỷ trước những tình huống trớ trêu của nhân vật bị troll.

Sự phát triển của troll góp một góc nhìn châm biếm vào đời sống, nhưng sự phát triển của troll cũng cảnh báo chúng ta về những nguy cơ tiềm ẩn trong việc lạm dụng nó. Chẳng phải các chuyên gia tâm lý đã khuyên người sử dụng Internet rằng “đừng bao giờ nói với một người trên mạng những điều mà nếu gặp trực tiếp người ấy, bạn sẽ không bao giờ nói”?

(1): Net-user: Người dùng Internet
(2): http://citinews.net/the-thao/anh-troll-gia-xang-tang-bat-ngo-len-muc-ky-luc-ARN5PPI/

____________________

Góc Tư vấn

Ai cũng có thể trở thành “troller”?

Tạp chí khoa học online 141 tuổi Popular Science (tạm dịch Khoa Học Thường Thức) đã tuyên bố không cho phép độc giả của họ để lại lời bình luận từ ngày 24-9-2013.

Giám đốc nội dung Suzanne LaBarre đã giải thích: “Những nhận xét tiêu cực làm mất đi tính đúng đắn của khoa học”. Phớt lờ mục đích tạo diễn đàn trao đổi về những công nghệ và thành tựu khoa học mới, đã có độc giả vô tư bình phẩm, “hạ bệ” những nghiên cứu khoa học mới khiến tòa soạn lo lắng sẽ làm giảm nhiệt đam mê của những nhà khoa học trẻ nghiêm túc.

Nhà tâm lý học Suller đã trình bày nghiên cứu về tác động của sự ẩn mình trong thế giới online, nhằm lý giải vì sao con người thay đổi hành vi 180 độ khi họ bước vào thế giới mạng. Sự kết hợp của những lý do sau sẽ khiến bất cứ ai cũng có thể trở thành “troller”.

- Ẩn danh. Dù tôi có nói xấu, thóa mạ hoặc sỉ nhục bạn, không ai biết người vừa buông những nhận xét xấu xí trên mạng đó là tôi. Nhờ sự ẩn danh trên Internet, người ta có thể nhanh chóng bộc lộ cảm xúc của mình, không e ngại bị biết tên tuổi, lý lịch.

- Ẩn mình - không ai biết mặt mũi, danh tính của tôi, họ cũng không thể phán xét tôi. Trong bóng tối của thế giới Internet, dù có bị chỉ trích, phê phán, không ai biết tôi ngoài đời hình dáng thế nào. Mặt trái của thế giới Internet là bạn không thể thấy được cảm xúc của người khác. Chính bởi lẽ đó, sự vô tư và vô tâm chì chiết, miệt thị cứ xảy ra.

- Lời nói gió không bay. Đó là những gì xảy ra trên thế giới Internet. Những thảo luận ngoài đời thật sẽ chấm dứt trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng thế giới mạng thì không. Một người có thể nhận xét những status của bạn ngay tức khắc, song cũng có khi vài tháng sau, câu chuyện đã yên lại được khơi dậy khi ai đó bắt đầu phê bình về status cũ. Vì thế, những ý kiến được đưa ra nên cẩn trọng, có thể vào thời điểm hiện tại những ý kiến đó được đánh giá đơn giản, song ở thời điểm khác nó được cho là kiêu ngạo và khác thường.

- Suy đoán mù mờ. Khi không tương tác trực tiếp mặt đối mặt, bạn dễ quy kết tính cách và phẩm chất của một người dựa trên những khái niệm, đặc điểm về tính cách được lưu giữ sẵn trong não bộ. Và cứ thế, chỉ dăm ba câu đối thoại, não đã vẽ nên gương mặt người bạn đang nói, quy kết họ đang nhìn bạn như là kẻ xấc xược, hoặc ngu dốt. Những suy đoán càng khiến bạn tức giận vì bạn tin 100% rằng bạn hiểu rõ mục đích, động cơ của người đưa ra bình luận, mặc dù có thể họ không có ý định xấu như bạn đã nghĩ.

- Ảo là không thật. Nếu trong thế giới thật dù có cảm giác mù mờ, suy đoán, bạn sẽ phải cẩn trọng, tìm hiểu ngọn ngành, không dám hành động bộc phát. Thế giới ảo tạo cho chúng ta cái quyền được giải thoát, nghĩ gì làm đó, không quan tâm đến hậu quả.

- Pháp luật hay nguyên tắc giao tiếp là điều không tồn tại, tôi có thể tự do ứng xử. Đó là điều mà mọi người sẽ có thể thực hiện khi ngồi trước màn hình máy tính và bắt đầu viết những bình luận.

Những lý do trên cho thấy phần tối của thế giới Internet, quá dễ để lăng mạ hoặc lấy người khác ra làm trò đùa trên mạng. Đối với các nhà giáo dục, người ta đang bắt đầu hướng người sử dụng Internet học cách cảm thông người khác, luyện tập nhiều hơn về trí tuệ xúc cảm. Nếu để ý bạn sẽ thấy các trang Facebook hiện tại đang xuất hiện chức năng thể hiện cảm xúc. Vì khi thấy được cảm xúc được bộc lộ, những hành động troll có thể giảm đi.

ThS TRẦN THỊ NGỌC DUNG

* Nguồn tham khảo:

Castella and Brow V. (2011) Trolling: Who does it and Why, BBC News
Martin A (2013) Online Disinhibition and The Psychology of Trolling, Wire
LaBarre S (2013) Why We're Shutting Off Our Comments, Popular Science

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận