Trẻ tiêm vaccine: cha mẹ phân vân, chuyên gia ủng hộ

HỒNG VÂN 28/04/2022 20:00 GMT+7

TTCT - Khi cơ quan chức năng đồng ý cho tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, ở nhiều quốc gia trên thế giới, các bậc phụ huynh nhanh chóng chia phe. Một số người lập tức ủng hộ nhưng với nhiều người khác, quyết định cho con tiêm vaccine COVID-19 không thể là cái gật đầu nhanh chóng.

 
 Tiêm vaccine  cho trẻ từ 5-11 tuổi Louisville, bang Kentucky, Mỹ ngày 8-11-2021. -Ảnh: Reuters

Là một người cũng sắp phải quyết định có cho con (9 tuổi) tiêm  hay không, người viết nhận thấy các dữ liệu về biến cố nghiêm trọng xảy ra với trẻ em và vaccine COVID-19 vẫn còn ít và chưa đầy đủ đến thời điểm này. Trong khi đó, rất nhiều chuyên gia tại các nước khẳng định vaccine  COVID-19 cho trẻ em là an toàn.

Tiêm hay không tiêm?

Tại Mỹ, một trong những nước đi đầu về tiêm vaccine  cho trẻ từ 5-11 tuổi, kết luận ban đầu sau khi triển khai khoảng 8 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi xác nhận vaccine an toàn trong thực tế sử dụng.

86,2% trẻ tham gia thử nghiệm vaccine  báo cáo có phản ứng tại chỗ tiêm và 66,6% có phản ứng toàn thân. Hầu hết các kích ứng là nhẹ (không ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày) hoặc trung bình (một số bị ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày). Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vaccine.

Trong số các báo cáo về an toàn với trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech ở Mỹ, khoảng 97% là không nghiêm trọng. Tác dụng ngoài ý muốn phổ biến nhất liên quan đến lỗi quản lý. Đây là nhóm tuổi đầu tiên được tiêm liều nhỏ hơn (10 μg) so với liều cho người từ 12 tuổi trở lên (30 μg). Sai sót là vấn đề được dự báo sẽ xảy ra nhưng cho đến nay, không có tác dụng phụ nào liên quan đến việc trẻ bị tiêm sai liều lượng.

Viêm cơ tim là tác dụng ngoài ý muốn hiếm gặp và nghiêm trọng liên quan đến vaccine  COVID-19 công nghệ mRNA (của Pfizer-BioNTech và Moderna). Viêm cơ tim hiếm xảy ra ở trẻ em từ 5-11 tuổi. Có 8 trường hợp được xác minh là gặp biến chứng này sau khi khoảng 8 triệu liều vaccine  ở Mỹ. Có 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine  COVID-19 của Pfizer-BioNTech ở trẻ bị mắc nhiều bệnh mãn tính. Xem xét ban đầu cho thấy không có quan hệ nhân quả giữa tử vong và vaccine .

Theo trang metro.co.uk, một số phụ huynh ở Anh không do dự mà đồng ý cho con tiêm vaccine  COVID-19, như trường hợp của Lauren Lawton. Chị đã nhiễm và đang bị chứng COVID-19 kéo dài “hành”, vì thế không muốn ba cô con gái, 14, 8 và 6 tuổi gặp phiền toái như vậy. Chồng chị Lawton cũng nói chuyện với bạn bè là nhân viên y tế. Họ đều đã cho con tiêm vaccine  COVID-19 và thuyết phục anh làm điều tương tự. Anh Patrick Stephen, có con gái 3 tuổi rưỡi cho biết khi nào con đủ tuổi được tiêm, anh sẽ không ngần ngại cho con tiêm vaccine  COVID-19 ngay.

Đối lập với những phụ huynh nhiệt tình ủng hộ là những người kiên quyết nói không. Chị Katy Redford, mẹ của 3 cậu con trai, 25, 12 và 6 tuổi, nêu băn khoăn của mình: “Lâu nay họ nói rằng trẻ em không gặp rủi ro lớn với COVID-19. Mà không có nguy cơ lớn do virus thì tại sao lại đặt trẻ vào nguy cơ từ vaccine ?”.

Lập luận Redford nêu về mức rủi ro thấp ở trẻ em với COVID-19 là có cơ sở. Theo UNICEF, tính đến tháng 3-2022, trong số 3,7 triệu ca nhiễm COVID-19 tử vong trên toàn cầu ghi nhận trên cơ sở dữ liệu MPIDR COVerAGE, có 0,4%, tương đương hơn 13.400 ca tử vong xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Trong số này, 42% ca tử vong xảy ra ở trẻ em từ 0-9 tuổi. Tỉ lệ này, theo các chuyên gia, là rất thấp, do đó có thể một số phụ huynh cho rằng trẻ em khỏe mạnh không thực sự cần tiêm vaccine  COVID-19 bên cạnh những lý do khác.

Redford cũng thắc mắc có rất nhiều người đã tiêm 3 mũi vaccine  mà vẫn nhiễm COVID-19. Vì vậy, tiêm làm gì để rồi cũng nhiễm? Với cá nhân mình, chị cho rằng mình không biết đủ về những tác động lâu dài của vaccine  với trẻ em.

Gia đình của chị Dionne RockMorton thì trong tâm thế lưỡng lự. Chị tự nhận mình là người thích phân tích và thấy việc thiếu dữ liệu về tác động lâu dài của vaccine  khiến chị khó quyết định. “Chọn kiểu gì cũng có rủi ro. Chúng ta không biết COVID-19 có ảnh hưởng lâu dài ra sao nhưng cũng không biết ảnh hưởng lâu dài của vaccine  là thế nào” - RockMorton nói.

Về băn khoăn của Katy Redford, Nathan Askew - điều dưỡng trưởng tại Bệnh viện Nhi Alder Hey ở Anh - nói với báo Metro: tiêm một liều vaccine   COVID-19 sẽ bảo vệ tốt cho trẻ và các thành viên khác trong gia đình không bị ốm nặng. Tiêm hai liều sẽ còn tốt hơn vì nó mang lại sự bảo vệ lâu dài hơn chống lại cả biến thể COVID-19 hiện tại và tương lai.

Bác sĩ Dawn Caroline Harper, cũng là người dẫn chương trình truyền hình người Anh rất quen mặt với các gia đình, trấn an mọi người: “Nếu có con ở độ tuổi này, tôi sẽ không chần chừ cho các cháu tiêm vaccine . Chúng ta biết trẻ em có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn nhưng đây là một loại virus bất thường, một số người không may vẫn gặp các triệu chứng nghiêm trọng. Vaccine  an toàn, tại sao không bảo vệ con quý vị?”. Bà khẳng định không chỉ là về sức khỏe, tiêm vaccine  còn để trường học an toàn để trẻ em có thể đi học lại bình thường.

Ngày 14-4, Cơ quan Quản lý dược và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) phê duyệt vaccine COVID-19 của Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. MHRA cho biết vaccine Spikevax của Moderna đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc về an toàn, chất lượng và hiệu quả. Trước Anh, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), cơ quan chức năng của Canada và nhiều nước đã cấp phép cho vaccine của Hãng Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Hãng Pfizer-BioNTech cho biết liều bổ sung (liều thứ ba) với vaccine COVID-19 do công ty sản xuất tăng lượng kháng thể ở trẻ từ 5-11 tuổi. Liều tiêm bổ sung, được tiêm sáu tháng sau khi tiêm hai liều đầu, làm tăng gấp sáu lần lượng kháng thể chống lại chủng virus gốc.

 

Cơ quan chức năng: vắc xin an toàn, nên tiêm

Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Anh cho thấy trong giai đoạn từ 13-3 đến 26-3-2022, người đã tiêm vắc xin ít có xác xuất có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trong mùa thu 2021, học sinh chưa tiêm có nhiều khả năng xét nghiệm dương tính nhất. Hiện còn khá sớm để có thống kê tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở trẻ từ 5-11 tuổi ở Vương quốc Anh do nước này mới triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ ngày 4-4.

Ở các nước trên thế giới, các chuyên gia đều khuyến cáo các phụ huynh nên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ. Ở Mỹ, vắc xin của Pfizer-BioNTech là vắc xin duy nhất cho đến nay được cấp phép hoặc phê duyệt cho trẻ em từ 5-17 tuổi.

Theo CDC, COVID-19 có thể làm cho trẻ em và thanh thiếu niên mọi lứa tuổi bị bệnh, đôi khi phải điều trị tại bệnh viện. Tiêm vắc xin giúp bảo vệ trẻ khỏi bị bệnh nghiêm trọng, nhập viện hoặc tử vong. Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị tiêm vắc xin COVID-19 cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 tuổi trở lên không bị chống chỉ định với vắc xin.

Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi có thành phần tương tự như vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên nhưng được sử dụng với lượng nhỏ hơn. Bằng chứng mới cho thấy tiêm vắc xin sau khi bị nhiễm COVID-19 giúp tăng khả năng bảo vệ cho hệ miễn dịch. Vì vậy, khi trẻ đã mắc COVID-19 thì vẫn cần tiêm vắc xin.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 13-4 của CDC Mỹ, có 9,7 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19, tương đương 34%. Ở các bang, tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở trẻ 5-11 tuổi thấp nhất là khoảng 15% và cao nhất là 66%.

Theo báo Los Angeles Times, các chuyên gia cho rằng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thông báo đến cha mẹ về lợi ích của việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, được phê duyệt từ ngày 29-10-2021 vì tỉ lệ tiêm hiện tại là không cao.■

Theo UNICEF Việt Nam, hơn 60 nước đã triển khai tiêm các loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Trong bối cảnh COVID-19 đã bước sang năm thứ 3, UNICEF Việt Nam hết sức lo ngại về tình trạng trẻ em mất đi cơ hội học tập và nguy cơ bất bình đẳng đang gia tăng đối với quá nhiều trẻ trên khắp cả nước. Khi số ca nhiễm COVID-19 đang giảm đi và tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trưởng thành đạt ở mức cao, nguy cơ do trẻ em nghỉ học lớn hơn rất nhiều so với rủi ro sức khỏe các em phải đối mặt ở trường. UNICEF khuyến nghị trường học nên được mở cửa cho học sinh ở mọi lứa tuổi, bất kể tình trạng tiêm chủng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận