Tranh chấp và hành xử văn minh

HẢI MINH 20/03/2018 20:03 GMT+7

TTCT - Tuần trước, Úc và Đông Timor đã đạt được thỏa thuận lịch sử về phân định biên giới và khai thác tài nguyên trên biển ở vùng chồng lấn của hai nước. Điều đáng nói là xét thực lực mọi nhẽ, Úc hoàn toàn áp đảo so với láng giềng nhỏ bé và nghèo túng của họ.

Trưởng phái đoàn đàm phán Xanana Gusmao được chào đón ở Dili như một người hùng. Ảnh: ABC News
Trưởng phái đoàn đàm phán Xanana Gusmao được chào đón ở Dili như một người hùng. Ảnh: ABC News

 

Tính chất lịch sử của thỏa thuận ký ngày 7-3 không chỉ ở chỗ nó kết thúc cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập niên giữa hai nước về một vùng biển với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt cực lớn ở biển Timor, mà còn là lần đầu tiên một cuộc thương lượng giữa hai nhà nước chủ quyền dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS) đi tới một kết quả thành tựu.

Hơn thế nữa, trong khi ở Đông Timor, trưởng phái đoàn đàm phán Xanana Gusmao được chào đón như một người hùng khi về nước, thì ở Úc, thỏa thuận được đón nhận một cách chừng mực, thực tế, không có bất kỳ chỗ nào cho chủ nghĩa dân tộc hay những lợi ích quốc gia hẹp hòi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng chủ lưu.

Đấu tranh dựa trên pháp luật

Cũng quan trọng không kém, qua thỏa thuận này, UNCLOS cho thấy trên thực tế có thể trở thành nền tảng cho việc giải quyết hòa bình, lâu dài, thượng tôn pháp luật các tranh chấp trên biển trong tương lai - một tiến trình mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hối thúc các nước tham gia.

Trước một đám đông máy quay, các nhà ngoại giao, quan chức... ở trụ sở LHQ tại New York, Bộ trưởng ngoại giao Julie Bishop của Úc và Bộ trưởng phân định biên giới của Đông Timor, Hermenegildo Augusto Cabral Pereira, đã ký vào thỏa thuận với người chứng kiến là chủ tịch Ủy ban điều phối thương lượng độc lập: đại sứ Đan Mạch tại LHQ Peter Taksoe-Jensen. Đó là một cơ chế đáng học hỏi với mọi quốc gia muốn hành xử văn minh.

Úc có GDP gấp gần 1.000 lần Đông Timor (1,2 nghìn tỉ so với 1,4 tỉ USD), dân số gấp 18 lần (24 triệu so với 1,3 triệu người), và lực lượng quân đội lớn gấp 44 lần, nhưng hai nước đã “cho thấy thiện chí và sự sẵn sàng nhượng bộ”, theo lời bà Bishop.

“Đây là một cột mốc cho hai nước, và cho cả luật pháp quốc tế - bà nói thêm, rõ ràng gửi gắm nhiều ngụ ý - Cả hai chính phủ đều coi thỏa thuận này là công bằng và bình đẳng”. Toàn bộ tiến trình đó, sự lâu dài và khó khăn của cuộc thương lượng, cơ chế để nó diễn ra (với sự điều phối của một ủy ban độc lập), rồi những kết quả cuối cùng, hi vọng sẽ trở thành nền tảng cho một “khuôn vàng thước ngọc” với các tranh chấp tương tự trong tương lai.

Tình cảnh ngặt nghèo của Đông Timor có vẻ cũng đã được đặt lên bàn đàm phán. Christian Science Monitor bình luận: “Với Đông Timor, một quốc gia nửa đảo (Đông Timor có lãnh thổ trên bộ chỉ là một nửa của hòn đảo Timor, trước kia thuộc chủ quyền toàn bộ của Indonesia) với dân số 1,5 triệu người thuộc loại nghèo nhất thế giới, hiệp ước này là tối quan trọng với các cơ hội phát triển kinh tế và công ăn việc làm”.

Tờ báo cũng dẫn lời ông Pereira nói 65% dân số Đông Timor, chủ yếu là người trẻ, đang tìm việc làm. Bà Bishop nói với các phóng viên rằng trong hiệp ước, Đông Timor là nước nhận phần nhiều áp đảo trong doanh thu từ khai thác dầu mỏ khí đốt: nguồn tài nguyên “đào lên là có tiền” này sẽ được chia 80-20 cho Đông Timor nếu công đoạn xử lý đầu cuối là ở Úc, trong khi là 70-30 nếu công đoạn đó ở Đông Timor.

Chẳng ai sinh ra sẵn là thánh nhân. Để đi tới sự nhượng bộ này là cả một quá trình dài đấu tranh, thương lượng, mặc cả của Đông Timor, nhưng thái độ “nước lớn phải đàng hoàng” của Úc cho tới giờ là không thể phủ nhận (bất chấp cũng có những lần họ hành xử bất hảo trong quá khứ).

Điểm lại lịch sử, dầu mỏ và khí đốt trị giá ước tính hơn 65 tỉ USD ở vùng biển chồng lấn đã là đề tài gai góc nhất trong quan hệ hai nước, thậm chí từ thời Đông Timor còn thuộc Indonesia. Úc đã “tách đàn” với rất nhiều nước đồng minh của họ và công nhận việc Indonesia sáp nhập Đông Timor vào năm 1976.

Động thái này được nhiều nhà phân tích lúc bấy giờ coi là một hành động có đi có lại giữa Canberra và Jakarta, đổi lấy một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên có lợi cho Úc. Sau khi Đông Timor khôi phục nền độc lập năm 2002, giải quyết vấn đề biên giới và tài nguyên ở biển Timor trở thành điểm then chốt trong quan hệ song phương.

Sau vụ bê bối gián điệp năm 2013, khi Đông Timor cáo buộc cơ quan mật vụ Úc đặt máy nghe lén trong phòng họp nội các của chính quyền Dili, họ đã khởi kiện Úc ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đòi rút khỏi một thỏa thuận về khí đốt ký trước đó. Úc bị rất nhiều nước chỉ trích vào năm 2016 vì tìm cách từ chối (nhưng không được) phán quyết của PCA về đơn kiện của Đông Timor.

Chính báo Úc The Australian viết sau thỏa thuận mới: “Lúc đó (năm 2016), nhiều người cho rằng Úc đang tự vả vào miệng khi lên tiếng dạy dỗ Trung Quốc tuân thủ pháp luật quốc tế ở vùng lãnh thổ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Nam (Biển Đông)!”.

Đáng nói hơn, chính những người Úc đã lập lên một tổ chức để vận động cho Đông Timor. Chiến dịch vì công lý biển Timor (TSJC) viết trong tuyên ngôn của họ (http://www.timorseajustice.com/about): “Chiến dịch vì công lý biển Timor bao gồm những người Úc quan tâm tới vấn đề thuộc đủ độ tuổi, xuất thân và quan điểm chính trị muốn chính quyền của chúng ta phải sòng phẳng với Đông Timor”.

Thậm chí cả sau thỏa thuận, Tom Clarke, người phát ngôn của TSJC và là một người Úc chính tông, vẫn chưa hài lòng. “Trong suốt câu chuyện dài này, chính quyền Úc thực sự chẳng có gì đáng để tự hào. Họ đã dối trá và lừa gạt để qua mặt Đông Timor bất kỳ khi nào họ có cơ hội” - Clarke nói với báo Anh The Telegraph. Cho tới nay, Clarke và các đồng chí ở TSJC vẫn chưa bị Canberra kết tội phản quốc, và cuộc thương lượng thì đã thành tựu.

Vì tầm nhìn và sứ mệnh của họ, TSJC đã phải lớn tiếng, nhưng nhìn rộng hơn, có một láng giềng “nước lớn” như Úc, dẫu còn xấu xí đến đâu cuối cùng vẫn phải chấp nhận lẽ phải và các nguyên tắc pháp luật, hẳn là một ước mơ với nhiều quốc gia trong khu vực. Bởi thế, trong khi họ (khó lòng) tự nhận là một tấm gương, Úc vẫn xứng đáng được biểu dương vì thỏa thuận này.

Ngoài ra, không hẳn là khiêm nhường, bà Bishop giải thích tại sao thỏa thuận được ký. “Úc có lợi ích lâu dài trong việc đảm bảo một nước Đông Timor ổn định và phồn vinh” - bà nói với Reuters. Ngoài dầu mỏ, một đường biên giới trên biển lâu dài, dự tính là đường trung bình giữa lãnh thổ đất liền hai nước, cũng sẽ được xác định. Biên giới mới này mở rộng lãnh hải của Đông Timor ra hơn rất nhiều so với đề xuất trước đó của Úc.

Bản đồ đường biên giới khu vực biển chồng lấn Úc - Đông Timor - Indonesia. Ảnh: AFP
Bản đồ đường biên giới khu vực biển chồng lấn Úc - Đông Timor - Indonesia. Ảnh: AFP

 

Phức tạp vì Indonesia

Tuy nhiên, một đường trung tuyến giữa Úc và Đông Timor có thể có ngụ ý Úc có đường biên giới dài hơn nhiều với Indonesia trong tương lai, một viễn cảnh mà chính quyền Úc muốn tránh vì các vấn đề an ninh và người nhập cư.

Năm 2002, ngay sau khi Đông Timor độc lập, bộ trưởng ngoại giao Úc khi đó Alexander Downer đã cảnh báo việc vẽ lại biên giới trên biển với Đông Timor có nguy cơ dẫn tới phải “tháo dỡ” hàng nghìn kilômet đường biên giới mà Úc đã xác định với Indonesia từ lâu.

Chỉ cần nhìn vào bản đồ biên giới biển của Úc với Indonesia và Đông Timor là thấy vấn đề tiềm tàng lúc này, và những cuộc thương lượng ba bên có thể sẽ phải mở trong tương lai. Biên giới biển Úc - Indonesia đã được dàn xếp xong từ năm 1971, với Úc lấy cơ sở là thềm lục địa của họ và do đó ở gần hơn nhiều so với bờ biển của Indonesia.

“Nhưng luật pháp quốc tế kể từ đó đã thay đổi và ngày nay luật pháp có vẻ ưa thích hơn đường trung tuyến, chứ không phải thềm lục địa nữa” - kênh ABC bình luận (tức nói khác đi, đài truyền hình quốc gia Úc này nói rằng luật pháp cập nhật cho thấy biên giới trên biển Úc - Indonesia mới có thể sẽ phải gần hơn về phía Úc!).

Chính ABC thừa nhận: “Điều đó có nghĩa nếu biên giới biển với Indonesia ngày nay được thương lượng lại, chúng sẽ nhìn rất khác và Indonesia sẽ có nhiều quyền hơn hẳn với vùng biển đó”. Indonesia thật ra vốn đã không hài lòng với cách phân chia cũ rồi, và năm 1997, trong một hiệp ước riêng rẽ, Úc chấp nhận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia mở ra tới đường trung tuyến, khiến nước này có quyền đánh cá xa hơn nhiều so với quyền thềm lục địa trước đó.

Úc tất nhiên hiểu rõ lợi ích quốc gia của họ bị đe dọa. “Trong bối cảnh hiệp ước mới với Đông Timor, Indonesia có thể giở lại một chuyện cũ rất khó chịu với Úc - giáo sư luật quốc tế Don Rothwell của Đại học quốc gia Úc nói với ABC - tức việc mở lại thương lượng về biên giới trên biển kéo dài từ Tây Timor tới tận Java và vào Ấn Độ Dương”. “Thiện chí là một chuyện, nhưng hàng tỉ đôla dầu mỏ và khí đốt là chuyện khác” - ABC bình luận. Nhưng cho tới lúc này, phải thấy rằng Úc đã chuốc lấy tất cả những rắc rối đó vì một điều duy nhất: tinh thần thượng tôn pháp luật.■

Chào đón người hùng

Hàng nghìn người Đông Timor đã xếp hàng ở sân bay quốc tế Dili để chào đón người hùng của họ Xanana Gusmao trở về từ lễ ký thỏa thuận ở New York. Ông Gusmao, cũng là tổng thống đầu tiên của Đông Timor sau khi đòi lại độc lập, đã ở nước ngoài suốt 8 tháng qua trong vai trò trưởng đoàn đàm phán của Đông Timor trong cuộc thương lượng với Úc.

“Chúng ta phải giữ chặt lấy tài sản của mình - ông Gusmao nói mấy lời giản dị với các đồng bào còn nghèo khó ở Dili ngày 10-3 - Chúng ta sẽ tiếp tục tranh đấu để đưa đường ống dẫn dầu và khí đốt về Đông Timor (và nhờ đó tạo ra công ăn việc làm mà nước này đang rất cần)”.

Thu nhập từ dầu mỏ của Đông Timor, chiếm hơn 90% chi tiêu của chính phủ, đang giảm nhanh chóng vì các mỏ dầu cạn dần trong lãnh thổ nước này. Dự trữ quốc gia tương đương 16 tỉ USD có thể cạn trong 10 năm tới vì chính quyền đang chi nhiều hơn thu, theo lời La’o Hamutuk, một viện nghiên cứu ở Đông Timor (để so sánh, riêng ngân sách tăng thêm cho các trường học ở Úc 10 năm tới là 18,6 tỉ USD).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận