TP.HCM: Tăng thuế, làm sao “quản” bia các tỉnh khác vào?

ÁNH HỒNG 28/05/2019 22:05 GMT+7

TTCT - Theo nghị quyết 54/2017, HĐND TP.HCM được đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành. Tháng 4-2019, UBND TP.HCM đã đưa đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia nhằm giảm dần mức tiêu thụ. Nhưng đến nay, phương án tăng thuế bia vẫn còn trên bàn thảo luận.

Người dân uống bia trên đường Hoàng Sa, quận 3, TP.HCM. Ảnh: TỰ TRUNG
Người dân uống bia trên đường Hoàng Sa, quận 3, TP.HCM. Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với TTCT, một đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết diễn biến mới nhất là Cục Thuế TP đã tiếp xúc để trao đổi về phương án thu với một doanh nghiệp bia trên địa bàn. Nhưng đây chỉ là buổi tiếp xúc ban đầu để “đặt vấn đề” với doanh nghiệp chứ chưa chốt phương án cụ thể.

Theo tìm hiểu của phóng viên TTCT, phương án Cục Thuế TP đang bàn thảo là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia tại TP.HCM có thể sẽ không thực hiện theo tỉ lệ mà theo con số tuyệt đối, tính trên lít. Sở dĩ không tăng theo thuế suất mà tính theo con số tuyệt đối là để dễ kê khai và tạo sự ổn định.

Về cách thu, ban đầu có nhiều phương án thu được bàn thảo, trong đó có phương án thu tại điểm bán. Tuy nhiên, phương án thu thông qua nhà máy sản xuất được cân nhắc và chú trọng hơn vì tốn ít công sức và hạn chế việc “lách” thuế. Khi đó cơ quan thuế sẽ yêu cầu các công ty bia thống kê số bán cho các đại lý và thu trên số lượng bia bán ra.

Trước mắt, trong giai đoạn đầu có thể sẽ thực hiện với lượng bia được sản xuất tại một số nhà máy bia lớn ở TP.HCM như Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken VN...

Theo số liệu về số nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2018 của Cục Thuế TP.HCM, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken VN nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia sản xuất trong nước năm 2018 lên đến hơn 8.994 tỉ đồng. Với mặt hàng bia nhập khẩu bán ra trong nước, số nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của Heineken VN năm 2018 là hơn 61 tỉ đồng.

Với Sabeco, số thuế tiêu thụ mà đơn vị này góp vào ngân sách với mặt hàng bia sản xuất trong nước cũng ở mức khá cao: 2.810 tỉ đồng. Do vậy nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì số góp thêm vào ngân sách TP sẽ không nhỏ, nhất là khi sản lượng tiêu thụ bia tại TP.HCM rất lớn.

Nhiều chuyên gia đều tỏ ra đồng tình với phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Luật sư Trần Xoa đề xuất mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn cho mặt hàng bia. “Mức tăng nên từ 1-2% để tăng nguồn thu cho ngân sách. Vấn đề người dân quan tâm là số tiền thu được từ tăng thêm thuế sẽ được sử dụng như thế nào và chỉ cho những vấn đề ích nước lợi dân mà thôi” - ông Xoa nói.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM, cho rằng chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là đúng vì tác hại mà bia rượu mang đến thời gian qua là quá lớn. Tuy nhiên, cũng nên xem xét khả năng trên thực tế có làm giảm mức tiêu thụ hay không, và mức tăng thế nào cho hợp lý.

Thêm vào đó, nếu chỉ có TP.HCM tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia mà các địa phương khác không tăng thuế thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng “nước chảy chỗ trũng”. Khi đó hàng hóa từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai sẽ tràn qua và TP cũng sẽ khó thu được thuế. “Do vậy nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì nên tăng ở tất cả các tỉnh chứ không riêng TP.HCM” - ông Nghĩa kiến nghị.■

Hiện nay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu dưới 20 độ cồn là 35%, trên 20 độ cồn là 65%.

Thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ rượu trên cả nước năm 2017: 342 tỉ đồng, năm 2018: 415 tỉ đồng.

Thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ bia trên cả nước: năm 2017: 43.133 tỉ đồng, năm 2018: 32.154 tỉ đồng.

Thu ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt (gồm rượu, bia, thuốc lá, nhà hàng, khách sạn...) tại TP.HCM năm 2017 là 23.611 tỉ đồng, năm 2018 là 24.595 tỉ đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận