Tổng thống Karzai và các chiến hữu lừng danh

DANH ĐỨC 12/09/2009 06:09 GMT+7

TTCT - Kịch bản “nội địa hóa” các cuộc chiến tranh có sự tham gia từ đầu của Mỹ để cho quân đội Mỹ và đồng minh an toàn rút ra, bắt đầu ở Việt Nam và gần đây nhất là Iraq, tiếp tục được “lên màn ảnh” ở Afghanistan. Sau cuộc bầu cử ngày 20-8 vừa qua, đương kim tổng thống Hamid Karzai sẽ tiếp tục lãnh đạo. Nhưng tại sao vẫn lại là ông Karzai, cho dù thi thoảng vẫn có những tin tức bất lợi về ông?

Phóng to
Tổng thống Hamid Karzai - Ảnh: wordpress.com
TTCT - Kịch bản “nội địa hóa” các cuộc chiến tranh có sự tham gia từ đầu của Mỹ để cho quân đội Mỹ và đồng minh an toàn rút ra, bắt đầu ở Việt Nam và gần đây nhất là Iraq, tiếp tục được “lên màn ảnh” ở Afghanistan. Sau cuộc bầu cử ngày 20-8 vừa qua, đương kim tổng thống Hamid Karzai sẽ tiếp tục lãnh đạo. Nhưng tại sao vẫn lại là ông Karzai, cho dù thi thoảng vẫn có những tin tức bất lợi về ông?

Afghanistan là một đất nước đa sắc tộc, trong đó 42% dân số là gốc Pashtun, 27% gốc Tajik, 9% gốc Uzbek... Địa hình núi non hiểm trở và trình độ dân trí (chỉ có 28,1% dân số biết chữ) là những ngăn cách các nhóm sắc tộc hòa làm một khối đoàn kết.

Vì thế, một chính quyền mạnh ở Afghanistan phải là một chính quyền quy tụ được những thủ lĩnh của từng sắc tộc để các sắc tộc cùng chiến đấu chống Taliban. Người đã sẵn sàng cho việc tập hợp các thủ lĩnh đó là đương kim Tổng thống Karzai.

Thật vậy, người mà ông Karzai đã chọn ra tranh cử phó tổng thống cùng ông chính là sứ quân Fahim, thủ lĩnh sắc tộc Tajik. Với một phó tổng thống là sứ quân Fahim, ông Karzai, một người chủng Pashtun ở miền nam, hi vọng liên quân Pashtun - Tajik sẽ vãn hồi được tình hình ở miền bắc Afghanistan. Sứ quân Fahim không phải là nhân vật duy nhất của liên minh đa sắc tộc đó.

Sứ quân Dostum, thủ lĩnh nhóm sắc tộc Uzbek, cũng đã được ông Karzai mời về tham chính. Bộ ba Karzai - Fahim - Dostum sẽ tạo thành một liên minh quy tụ 42% dân số gốc Pashtun, 27% gốc Tajik, 9% gốc Uzbek, có khả năng thu hút được 4/5 tổng dân số Afghanistan vào cuộc chiến tranh. Liên minh này bắt buộc phải ra đời, cho dù đã có những tai tiếng về từng thành viên.

Giành dân - thuốc phiện

Phóng to
Ông Fahim - Ảnh: gdb.rferf.org

Sứ quân Fahim, từng là bộ trưởng quốc phòng, sau đó bị dư luận quốc tế tố cáo là trùm ma túy nên phải thôi chức vụ này. Thế nhưng, nếu nhớ rằng Afghanistan vẫn là một nước trồng cây anh túc sản xuất thuốc phiện như bao năm nay thì việc tướng Fahim có là trùm ma túy cũng không có gì khó hiểu.

Khi thuốc phiện đem lại đến 60% GDP cho đất nước này (1) thì chừng nào nông dân Afghanistan chưa có được một cây trồng hay một kế sinh nhai khác thay thế được thu nhập từ việc trồng cây anh túc, chừng đó vẫn cần có những thủ lĩnh như tướng Fahim vốn quen “bảo vệ” người dân trồng cây anh túc.

Đây là một nhu cầu chiến lược, bởi lẽ phiến quân Taliban đang bám vào người dân trồng cây anh túc để có tiền mua vũ khí chiến đấu. Giành dân ở Afghanistan không dựa trên một chủ thuyết chính trị nào mà từ thực tế nồi cơm - thuốc phiện! Cho dù Mỹ đã chi 250 triệu USD cho việc khôi phục nông nghiệp, cũng chẳng mấy nông dân bỏ cây anh túc chuyển qua trồng lúa mì.

Cuộc chiến tranh Afghanistan oái oăm ở chỗ các quốc gia trong khối NATO đang chiến đấu ở đây, những ngọn cờ đầu bài trừ ma túy, nay phải nhắm mắt trước cây anh túc. Quân lệnh của NATO tại đây nghiêm cấm tấn công vào các cơ sở và người sản xuất thuốc phiện (2). Đành để sứ quân Fahim ra làm phó tổng thống cho ông Karzai để giành dân vậy.

Sát thủ trong cuộc chiến sắt máu

Phóng to
Ông Dostum - Ảnh: despardes.com
Cộng sự thứ nhì của Tổng thống Karzai, sứ quân Dostum của sắc tộc Uzbek, khét tiếng với báo chí phương Tây là “săt máu Taliban”, từng bị cáo buộc về việc giết chết hàng ngàn tù binh Taliban nên sau này mất chức phải sang Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời lưu vong. Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Karzai gọi tướng Dostum trở về chuẩn bị tham chính trở lại.

Thật ra thành tích săt máu của tướng Dostum không làm cho cuộc chiến tranh Afghanistan thêm đẫm máu, khi hầu như tuần nào cũng có những cuộc tắm máu như vụ ném bom hai chiếc xe bồn chở xăng sáng thứ sáu 4-9 khiến ít nhất 125 dân làng đang “hôi xăng” phải chết cháy!

Nhật báo The Times cho biết tướng McChrystal, tư lệnh quân đồng minh ISAF (Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế), đã tức tối khi thấy quân nhân Mỹ các cấp đóng tại chính tổng hành dinh của ông hầu như say xỉn sáng thứ sáu (4-9) đó, sau một đêm thứ năm xả láng. Theo thông lệ, thứ sáu hăng tuần quân đồng minh ít xuất kích, do lẽ ở Afghanistan theo phong tục Hồi giáo thì thứ sáu là ngày kinh kệ, tạm bớt đánh nhau, nên tối thứ năm là tối xả láng. Trước tình cảnh đó, tướng McChrystal ra lệnh “từ nay cấm rượu”! Dù đúng hay sai, chi tiết say xỉn đó cũng là một nét chấm phá vào bức tranh đẫm máu ở Afghanistan.

Một báo cáo của UNAMA, Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan, công bố hôm 31-7 cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, số thường dân Afghanistan tử vong vì chiến tranh là 1.013 người, cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến 24%, trong đó 30,5% do trúng bom của NATO, 59% do trúng bom của Taliban, số còn lại do đạn lạc, đạp mìn “không rõ nguồn gốc”... Số liệu này của UNAMA thấp hơn so với số liệu của tổ chức phụ nữ địa phương mang tên RAWA. Thí dụ: vụ ném bom sáng thứ sáu, chính thức công bố là 125 nạn nhân, trong khi theo RAWA là 150 nạn nhân.

Trong bối cảnh đẫm máu đó, nay thêm một tướng Dostum “khát máu Taliban” cũng chẳng là ghê gớm gì.

Nếu nhìn lại bản đồ chiến sự ở Afghanistan sẽ thấy liên minh Karzai - Fahim - Dostum chính là “liên minh phương bắc” ngày nào, khi phe Taliban chưa giành được chính quyền ở Afghanistan. Một khi miền bắc được củng cố bởi “liên minh phương bắc” mới này, chính quyền sẽ rảnh tay tập trung lực lượng quân đội Afghanistan và đồng minh ISAF vào mặt trận chống phe Taliban tính đến tháng 12 năm ngoái đã kiểm soát 72% lãnh thổ (bản đồ), trong khi trước đó một năm mới chỉ kiểm soát 54% lãnh thổ.

______________

(1),(2): The Times 28-4-2009

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận